Giới thiệu khái quát huyện Lý Nhân

Giới thiệu khái quát huyện Lý Nhân

Giới thiệu khái quát huyện Lý Nhân

Huyện Lý Nhân nằm ở hướng đông tỉnh Hà Nam, trên hữu ngạn sông Hồng. Phía bắc giáp ranh với huyện Duy Tiên, phía tây có dòng sông Châu giang làm đường phân ranh với huyện Bình Lục, còn phía đông, đối diện với tỉnh Thái Bình bên tả ngạn sông Hồng dọc suốt chiều dài của huyện. Lý Nhân là huyện thuần nông có quỹ đất nông nghiệp dồi dào, có nguồn khoáng sản phục vụ cho ngành công nghiệp và vật liệu xây dựng, đồng thời cũng là vùng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch thắng cảnh và du lịch sinh thái;
1.Vị trí địa lý, địa hình:
Lý Nhân là một huyện nằm ở phía đông tỉnh Hà Nam, nằm giữa 2 con sông là sông Châu Giang và sông Hồng với chiều dài 78km. Phía bắc giáp với thành phố Hưng Yên (thành phố), phía đông bắc giáp huyện Tiên Lữ (đều thuộc tỉnh Hưng Yên) với sông Hồng là ranh giới tự nhiên.Phía tây và tây bắc giáp huyện Duy Tiên, với sông Châu Giang làm đường phân ranh giới. Phía tây nam và nam tiếp giáp với huyện Bình Lục (cùng tỉnh) và phía nam giáp với huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định), cùng với sông Châu Giang làm đường phân ranh giới tự nhiên. Ở phía đông, đối diện với các huyện Hưng Hà và Vũ Thư thuộc tỉnh Thái Bình nằm bên tả ngạn sông Hồng.
2. Khí hậu: Có điều kiện thời tiết, khí hậu mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm ướt.
Nhiệt độ trung bình hàng năm vào khoảng 23-24oC, số giờ nắng trung bình khoảng 1300-1500giờ/năm. Trong năm thường có 8-9 tháng có nhiệt độ trung bình trên 20oC (trong đó có 5 tháng có nhiệt độ trung bình trên 25oC) và chỉ có 3 tháng nhiệt độ trung bình dưói 20oC, nhưng không có tháng nào nhiệt độ dưới 16oC.
Hai mùa chính trong năm (mùa hạ, mùa đông) với các hướng gió thịnh hành: về mùa hạ gió nam, tây nam và đông nam; mùa đông gió bắc, đông và đông bắc.
Lượng mưa trung bình khoảng 1900mm, năm có lượng mưa cao nhất tới 3176mm (năm 1994), năm có lượng mưa thấp nhất cũng là 1265,3mm (năm 1998).
Độ ẩm trung bình hàng năm là 85%, không có tháng nào có độ ẩm trung bình dưới 77%. Tháng có độ ẩm trung bình cao nhất trong năm là tháng 3 (95,5%), tháng có độ ẩm trung bình thấp nhất trong năm là tháng 11 (82,5%).
Khí hậu có sự phân hóa theo chế độ nhiệt với hai mùa tương phản nhau là mùa hạ và mùa đông cùng với hai thời kỳ chuyển tiếp tương đối là mùa xuân và mùa thu. Mùa hạ thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, mùa đông thường kéo dài từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 3; mùa xuân thường kéo dài từ giữa tháng 3 đến hết tháng 4 và mùa thu thường kéo dài từ tháng 10 đến giữa tháng 11.
3. Tài nguyên đất:
Toàn huyện có 22 xã và 01 thị trấn với trên 176 nghìn nhân khẩu. Diện tích tự nhiên là 167,045 km2, vốn là đất hình thành tại chỗ và do đất phù sa sông Hồng bồi đắp. Đất đai tương đối đồng đều, hình thành 3 vùng sinh thái khác nhau: vùng bãi bồi ngoài đê sông Hồng và bối sông Châu; vùng đồng chiêm trũng; vùng đất màu và cây công nghiệp thuận tiện cho việc trồng lúa nước, cây ngắn ngày, cây công nghiệp. Đặc biệt, Lý Nhân đã chú trọng tập trung cho việc sản xuất các loại cây trồng hàng hoá có giá trị cao như lúa chất lượng cao, dưa chuột…Khôi phục phát triển cây trồng có nguồn gien quý hiếm và nổi tiếng như: Chuối ngự Đại Hoàng (chuối tiến vua), Quýt hương Văn Lý.
4. Tài nguyên du lịch:
Lý Nhân là vùng đất hình thành sớm, mang đậm nét của nền văn minh Thăng Long. Huyện có nhiều công trình được công nhận là Di lịch sử -văn hoá-kiến trúc như: đình Văn Xá xã Đức Lý, đình Thọ Chương xã Đạo Lý, đình Đồng Lư, đền Bà Vũ Nương xã Chân Lý….Đặc biệt, Lý Nhân còn có Đền Trần Thương xã Nhân Đạo thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Hàng năm, vào giờ Tý ngày 15 tháng Giêng âm lịch được tổ chức Lễ Phát lương Đức Thánh Trần; ngày 20 tháng 8 âm lịch tổ chức Lễ tưởng niệm Ngày mất của vị Anh hùng dân tộc. Cùng với khu tưởng niệm Nhà văn-Liệt sĩ Nam Cao và các di tích khác sẽ hình thành quần thể du lịch, điểm đến hấp dẫn của du khách mọi miền Tổ quốc.
Sự hình thành và phát triển huyện Lý Nhân
Lý Nhân là vùng đất được hình thành từ rất sớm, ngay từ những buổi đầu dựng nước Văn Lang. Theo các dấu tích lịch sử, các thần tích, ngọc phả…cũng lưu giữ ở các đình đền trong huyện và các truyền thuyết trong dân gian, vào khoảng hơn 2000 năm trước Công nguyên đã có một bộ phận người Việt cổ từ thượng lưu sông Hồng xuôi về hạ lưu, cư trú trên các đồi đất cao ven sông, hình thành các vùng dân cư, trong đó có miền quê Lý Nhân ngày nay.

 

Dưới thời Văn Lang, Lý Nhân thuộc bộ Giao Chỉ, sau này thuộc huyện Chu Diên, quận Vũ Bình, bộ Giao Chỉ. Thời Lý, Trần thuộc châu Lỵ Nhân, lộ Đông Đô nay thuộc Hà Nội. Thời Lê Sơ, năm Quang Thuận thứ 7 (1466), Lê Thánh Tông chia nước ta thành 12 đạo Thừa Tuyên, Sơn Nam Thượng, đồng thời cho đổi tên huyện Lý Nhân thành huyện Nam Xương (đọc chệch là Nam Xang) cho khỏi trùng với phủ Lỵ Nhân.
Huyện lị trước đây đặt ở Chi Long đến 1829 mới chuyển về Nga Thượng, Nga Khê nay thuộc xã Nguyên Lý.
Năm 1832 huyện Nam Xương và Bình Lục được tách khỏi phủ Lỵ Nhân để thành lập phủ Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nội (tỉnh Hà Nội được thành lập năm 1831). Ngày 21 tháng 3 năm Thành Thái thứ 2 (1890) huyện Nam Xang cùng huyện Bình Lục, Thanh Liêm lập thành phủ Liêm Bình, thuộc tỉnh Nam Định.
Cuối năm 1890, chính quyền thực dân Pháp phân chia lại các đơn vị hành chính, bỏ cấp phủ thành lập các tỉnh mới thì Phủ Lý Nhân được tách khỏi tỉnh Hà Nội và sát nhập thêm mấy tổng của Nam Định, thành lập tỉnh Hà Nam (20/10/1980). Huyện Nam Xang tách khỏi Nam Định trở về với Hà Nam. Ngày 31/3/1923, huyện Nam Xang được lấy tên cũ là Lý Nhân.
Trải qua quá trình phát triển hàng nghìn năm huyện Lý Nhân đã có những đóng góp không nhỏ đến quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 – 1954, cùng với cả nước nhân dân huyện Lý Nhân đã tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp giải phóng quê hương góp phần giải phóng đất nước.
Năm 1975- 1985, Đảng bộ huyện Lý Nhân lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ tổ quốc. Tập trung đẩy mạnh sản xuất lúa, rau để có nhiều lương thực đảm bảo yêu cầu cải thiện đời sống nhân dân và đóng góp với nhà nước. Ra sức phát triển mạnh chăn nuôi lợn, cá vịt, trâu, bò nhằm đưa chăn nuôi lên ngành sản xuất chính và phát triển toàn diện. Tích cực sản xuất nhiều hàng tiêu dùng và xuất khẩu, Quyết tâm dẩy mạnh hoàn chỉnh hóa thủy nông tạo điều kiện để cơ giới hóa nông nghiệp và xây dựng cơ bản, phục vụ kịp thời cho sản xuất và đời sống. Thực hiện tốt Tết trồng cây nhớ ơn Bác Hồ, mừng đất nước thống nhất, mừng tỉnh mới Hà Nam Ninh. Tăng cường công tác quốc phòng và trật tự trị an gắn liền với cải thiện đời sống, xây dựng nếp sống văn minh, rèn luyện con người mới xã hội chủ nghĩa.
Năm 1986- 2000, Đảng bộ Lý nhân lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện theo đường lối của Đảng, những thắng lợi quan trọng trên mặt trận sản xuất nông nghiệp và hàng tiêu dùng, đã cải thiện đáng kể đời sống nhân dân và có tác động đến thành phần cơ cấu của nền kinh tế- xã hội, đặt những cơ sở đầu tiên cho sự phát triển mới của cả nước. Lý Nhân coi trọng phát triển lúa và màu nhất là màu lương thực, đồng thời phát triển cây công nghiệp và xuất khẩu, lần đầu tiên Lý Nhân tự túc được lương thực nên có điều kiện phát triển chăn nuôi và mở rộng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn về hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, bảo đảm ổn định chính trị, ổn định đời sống nhân dân.
Hiện nay huyện Lý Nhân có 22 xã và 01 thị trấn, với 195. 800 nhân khẩu. Là huyện thuần nông, qua nhiều tháng năm lao động vất vả, nhân dân trong huyện đã đóng góp rất nhiều công sức, tiền của để xây dựng các công trình thủy lợi, đê, bối. Hàng trăm km đê bối sông Hồng, sông Châu Giang, sông Long Xuyên, cùng hàng ngàn km mương máng sử dụng tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Trong sản xuất nông nghiệp, cây lúa nước có vị trí đặc biệt quan trọng đến đời sống nhân dân. Từ rất sớm người Lý Nhân đã biết tuyển chọn các loại giống lúa tốt cho năng suất cao phù hợp với vùng đất quê mình như: nếp Cái Hoa Vàng ở Mạc Thượng, Tả Hà, nếp Quýt ở Phú Đa, Tám thơm nổi tiếng. Ở chân ruộng cao có giống lúa Lốc gieo xạ trên cạn, ở ruộng chân trũng thường cấy lúa Rong gạo đỏ, cứng cây chịu ngập, chịu rét, ít sâu bệnh, năng suất lại ổn định rất thích hợp với khu vực đồng chiêm trũng.
Trong vườn nhà, trên đất bãi nhân dân đã lựa chọn trồng những giống cây ăn quả quý có giá trị kinh tế như: Cam chanh, quýt cơm ở xã Văn Lý, Tảo Môn, Hồng Nhân Hậu ở xã Nhân Hậu, chuối tiêu Hồng, chuối ngự Đại Hoàng…
Nhân dân Lý Nhân sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, ngoài ra còn có một số người làm nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Nhiều nghề thủ công truyền thống từ lâu đã phát triển trên mảnh đất này. Nghề mộc với nhiều sản phẩm độc đáo như: Giường, tủ, bàn ghế…phục vụ nhu cầu đời sống của người dân, đặc biệt nhiều công trình kiến trúc khắc từ gỗ vô cùng khéo léo và độc đáo mang bản sắc dân tộc như: đình Văn Xá (Đức Lý), Kiệu Lồng (đình Thọ Chương) nhiều đền chùa, đình đài khác cho đến nay vẫn còn tồn tại. Ngoài ra còn có nghề lụa ở Nga Khê, dệt vải ở Đại Hoàng, nghề nuôi tằm lấy tơ ở Văn Lý, nổi tiếng khắp nơi. Một số mặt hàng đã có mặt ở các tỉnh Nam Bộ.
Không thể không kể đến nghề mây tre đan cũng có từ rất sớm và khá phổ biến ở Lý Nhân đã tạo ra sản phẩm vừa bền vừa đẹp như thúng Quang Ốc, gầu giai chợ Cầu, rổ, rá ở Mạc Thượng, cót ở Vũ Xá (Đạo Lý)…từ cây mây, lũy tre gắn bó với làng quê, người Lý Nhân đã tạo ra nhiều sản phẩm có ích như cây chông, cánh ná, mũi tên giết giặc, đến các đồ gia dụng phục vụ đời sống.
Bên cạnh đó còn có nghề làm bánh ở Tống Ngu Nhuế, tổng Vũ Điện có nghề thêu, nghề dệt, tổng Thổ Ốc có nghề làm may, làm gạch, thợ mộc. Ở các khu vực ven sông Hồng có nghề đánh cá, nuôi cá. Tính chung Lý Nhân có tới hơn 20 ngành nghề thủ công cổ truyền, các nghề thủ công cùng với nghề nông nghiệp trồng lúa trồng màu tạo nên nguồn sống cho nhân dân trong toàn huyện, ngoài những lúc làm đồng ruộng lúc mùa màng thì tất cả người dân đều có thể làm thêm các nghề thủ công phụ để phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình hoặc bán sản phẩm cải thiện đời sống.

Năm 1972, hợp nhất xã Hồng Lý và xã Chân Lý thành một xã lấy tên là xã Chân Hồng; giải thể xã Nhân Long và sáp nhập thôn Do Đạo của xã Nhân Long vào xã Nhân Thịnh, sáp nhập thôn Thanh Nga của xã Nhân Long vào xã Nhân Phúc.

Năm 1977, hợp nhất xã Chính Lý và xã Hùng Lý thành một xã lấy tên là xã Chính Lý; hợp nhất xã Nguyên Lý và xã Hòa Lý thành một xã lấy tên là xã Nguyên Lý; hợp nhất xã Tân Lý và xã Chân Hồng thành một xã lấy tên là xã Chân Lý; hợp nhất xã Nhân Hòa và xã Nhân hậu thành một xã lấy tên là xã Hòa Hậu.

Tháng 2-1978, hợp nhất xã Nhân Tiến và xã Nhân Thắng thành một xã lấy tên là xã Tiến Thắng.

Tháng 3-1978, hợp nhất xã Nhân Phú và xã Nhân Phúc thành một xã lấy tên là xã Phú Phúc; hợp nhất xã Bảo Lý và xã Chung Lý thành một xã lấy tên là xã Bắc Lý.

Năm 1987, thành lập thị trấn Vĩnh Trụ – thị trấn huyện lỵ huyện Lý Nhân – trên cơ sở 175,84 ha diện tích tự nhiên và 3.518 nhân khẩu của xã Đồng Lý và 3,15 ha diện tích tự nhiên của xã Đức Lý.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây