Giới thiệu khái quát huyện Sóc Sơn

Giới thiệu khái quát huyện Sóc Sơn

Giới thiệu khái quát huyện Sóc Sơn

Sóc Sơn là huyện ngoại thành nằm ở phía Bắc của thủ đô Hà Nội, với nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như: Quốc lộ 2; Quốc lộ 3; Quốc lộ 18, đường Bắc Thăng Long Nội Bài, Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai… Đặc biệt, Sóc Sơn có Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài và nhiều khu công nghiệp: đó là những điều kiện hết sức thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội của Sóc Sơn và của Hà Nội trong tương lai.

Thông tin chung
– Đơn vị: Huyện ủy-HĐND-UBND huyện Sóc Sơn
– Địa chỉ: Thị trấn Sóc Sơn, thành phố Hà Nội
– Số điện thoại: (024) 38843530;    Email: vanthu_socson@hanoi.gov.vn
– Diện tích: 306,51km2.
– Dân số: khoảng 316.600 người.
Huyện có 26 đơn vị hành chính gồm thị trấn Sóc Sơn và 25 xã: Thanh Xuân, Minh Phú, Quang Tiến, Phú Minh, Phù Lỗ, Nam Sơn, Hồng Kỳ, Tân Hưng, Việt Long, Đức Hòa, Kim Lũ, Tân Minh, Tân Dân, Minh Trí, Hiền Ninh, Phú Cường, Mai Đình, Đông Xuân, Bắc Sơn, Trung Giã, Bắc Phú, Xuân Giang, Xuân Thu, Phù Linh, Tiên Dược.
– Về địa lý, Phía Bắc giáp huyện Phổ Yên thuộc tỉnh Thái Nguyên; Phía Đông giáp huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang và huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh; Phía Tây bắc giáp thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; Phía Nam giáp các huyện Mê Linh và Đông Anh.
Lịch sử hình thành và phát triển
Mảnh đất Sóc Sơn nằm ở vị trí nối liền hai quốc đô xưa nhất của nước ta: thành Phong Châu – kinh đô của nước Văn Lang và thành Cổ Loa – kinh đô của nước Âu Lạc.
Ngày 5/7/1977, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 178-CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Theo Quyết định, hợp nhất huyện Đa Phúc, huyện Kim Anh, thị trấn (thuộc tỉnh) Xuân Hòa thành một huyện lấy tên là huyện Sóc Sơn; Khi ấy huyện Sóc Sơn vẫn thuộc tỉnh Vĩnh Phú, gồm thị trấn Xuân Hòa và 29 xã: Bắc Phú, Bắc Sơn, Cao Minh, Đông Xuân, Đức Hòa, Hiền Ninh, Hồng Kỳ, Kim Lũ, Mai Đình, Minh Phú, Minh Trí, Nam Sơn, Nam Viêm, Ngọc Thanh, Phú Cường, Phù Linh, Phù Lỗ, Phú Minh, Phúc Thắng, Quang Tiến, Tân Dân, Tân Hưng, Tân Minh, Thanh Xuân, Tiên Dược, Trung Giã, Việt Long, Xuân Giang, Xuân Thu.
Ngày 29/12/1978, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Cao Lạng, Bắc Thái, Quảng Ninh và Đồng Nai. Theo Nghị quyết, huyện Sóc Sơn của tỉnh Vĩnh Phú được sáp nhập vào thành phố Hà Nội.
Ngày 17/2/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 49-CP về việc điều chỉnh địa giới một số xã, thị trấn thuộc các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Phúc Thọ và Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội. Theo Quyết định, sáp nhập các xã Nam Viêm, Ngọc Thanh, Phú Thắng, Cao Minh và thị trấn Xuân Hòa của huyện Sóc Sơn vào huyện Mê Linh quản lý. Huyện Sóc Sơn còn lại 25 xã: Bắc Phú, Bắc Sơn, Đông Xuân, Đức Hòa, Hiền Ninh, Hồng Kỳ, Kim Lũ, Mai Đình, Minh Phú, Minh Trí, Nam Sơn, Phú Cường, Phù Linh, Phù Lỗ, Phú Minh, Quang Tiến, Tân Dân, Tân Hưng, Tân Minh, Thanh Xuân, Tiên Dược, Trung Giã, Việt Long, Xuân Giang, Xuân Thu.
Ngày 3/3/1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 45-HĐBT về việc thành lập thị trấn của các huyện Ba Vì và Sóc Sơn thuộc thành phố Hà Nội. Theo Quyết định, thành lập thị trấn Sóc Sơn (thị trấn huyện lỵ huyện Sóc Sơn) trên cơ sở 54 hécta đất với 335 nhân khẩu của xã Phù Linh và 26 hécta đất với 284 nhân khẩu của xã Tiên Dược cùng 3.224 nhân khẩu là cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước của các cơ quan đóng trên địa bàn này. Khi đó, thị trấn Sóc Sơn có 80 hécta đất với 3.843 nhân khẩu. Như vậy, huyện Sóc Sơn có 1 thị trấn và 25 xã, giữ ổn định cho đến nay.
Văn hóa và di tích lịch sử
Sóc Sơn là vùng đất gò đồi, có nhiều hồ nằm trên núi, phong cảnh hữu tình là một tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái, du lịch nghỉ ngơi cuối tuần. Bên cạnh đó, Sóc Sơn còn có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa gắn với các lễ hội truyền thống, tiêu biểu như: Di tích đền Sóc, đền Thượng, đền Hạ, chùa Đại Bi, chùa Non Nước, đền Thanh Nhàn, đền Thụy Hương, chùa Phù Xá Đoài, đình Đức Hậu, chùa Đức Hậu, đình Hiền Lương, đình Phú Tàng… Trong đó, phải kể đến cụm di tích lịch sử đền Sóc gắn với lễ hội Gióng được UNESSCO công nhận là Di sản thế giới phi vật thể nhân loại năm 2010 – là một tài nguyên vô cùng quí giá cho việc phát triển du lịch văn hóa, tâm linh.
Quần thể di tích đền Sóc thuộc địa bàn thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, nằm trải dài từ chân núi lên đến đỉnh núi Vệ Linh. Các công trình kiến trúc có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung giá trị cho nhau bao gồm: đền Hạ, đền Mẫu, đền Thượng, chùa Đại Bi, nhà bia 8 mặt, Chùa Non Nước và tượng đài Thánh Gióng. Quần thể di tích này gắn liền với với huyền thoại Thánh Gióng từ thuở hồng hoang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp vừa cổ kính, thâm nghiêm, vừa thơ mộng, hữu tình của một vùng núi đồi bao la, thoáng đãng, bốn mùa cây cối xanh tươi.
Đền Sóc (còn gọi là đền Thượng) thờ thượng đẳng phúc thần Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương, một trong tứ bất tử của văn hóa nước Việt, là biểu tượng của một dân tộc, có tinh thần tự chủ, yêu độc lập, chuộng hòa bình. Tương truyền rằng, khi đánh thắng giặc Ân, Thánh Gióng đã tìm đến thung lũng Vệ Linh cởi áo chiến bào khoác lên cây trầm hương, bỏ giáp sắt lưng chừng núi; một người, một ngựa bay về trời. Tưởng nhớ công ơn của Người, vua Hùng Vương thứ VI cùng nhân dân lập miếu thờ tại gốc cây trầm hương và phong ông là Phù Đổng Thiên Vương. Đến năm 980, Khuông Việt quốc sư được vua Lê ủy thác đã xây dựng đền đài như ngày hôm nay và từ gốc cây trầm hương cho tạc tượng Thánh Gióng. Tượng được thờ đứng, thể hiện sự hiên ngang, tinh thần bất khuất, anh dũng trước giặc ngoại xâm, thể hiện ý chí quật cường của một dân tộc độc lập, yêu tự do, muốn sống hòa bình làm bạn và bình đẳng với các dân tộc khác trên thế giới.
Thường niên, cứ vào ngày 6 tháng giêng Âm lịch, nhân dân huyện Sóc Sơn, Hà Nội nói riêng và trong cả nước nói chung lại nô nức đi trẩy hội đền Gióng.
Từ đền Sóc, tiếp tục leo lên đỉnh núi Vệ Linh ở độ cao 302m, du khách sẽ thấy tượng đài Thánh Gióng bằng đồng, nặng 85 tấn, được hoàn thành vào năm 2010, đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tượng khắc họa hình ảnh Thánh Gióng tay cầm gậy tre, cưỡi trên lưng tuấn mã trong tư thế chuẩn bị bay vút lên trời xanh. Đứng ở vị trí này, Đức Thánh có thể phóng tầm nhìn bao quát toàn cõi đất Việt, trở thành vị thần “hộ quốc an dân” trường tồn cùng mảnh đất thiêng Thăng Long – Hà Nội.
Khu di tích đền Sóc từ khi khởi dựng đến nay luôn được các thế hệ nhân dân huyện Sóc Sơn nói chung, xã Phù Linh nói riêng bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ với ý thức trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với những giá trị lịch sử và hiện vật còn lưu giữ được năm 1962, khu di tích đã được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Cùng với giá trị to lớn của di tích, ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định xếp hạnh di tích kiến trúc nghệ thuật đền Sóc là di tích Quốc Gia đặc biệt.
Phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng, trong nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và sự đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ và toàn thể nhân dân, Sóc Sơn đã giành được những kết quả quan trọng, tạo bước chuyển mới trên mọi lĩnh vực. Tiếp tục đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Sóc Sơn trở thành huyện phát triển năng động của Thủ đô.
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây