Giới thiệu khái quát huyện Mê Linh

Giới thiệu khái quát huyện Mê Linh

Giới thiệu khái quát huyện Mê Linh

Huyện Mê Linh nằm ở phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội, là địa phương có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Với vị trí địa lý thuận lợi, Mê Linh được xác định là vùng kinh tế trọng điểm, trong đó lấy phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị là trọng tâm gắn với phát triển văn hóa, xã hội.

Thông tin chung
– Đơn vị: Quận ủy-HĐND-UBND huyện Mê Linh
– Địa chỉ: Khu trung tâm hình chính huyện, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội.
– Số điện thoại: (024)38169210;  Email: vanphongubnd_melinh@hanoi.gov.vn
– Diện tích: 14.251ha.
– Dấn số: khoảng 193.727 người.
– Các đơn vị hành chính huyện gồm 2 thị trấn và 16 xã: Thị trấn: Chi Đông, Quang Minh; Các xã: Chu Phan, Đại Thịnh, Hoàng Kim, Kim Hoa, Liên Mạc, Tam Đồng, Tiến Thịnh, Tiến Thắng, Mê Linh, Tiền Phong, Tự Lập, Thạch Đà, Thanh Lâm, Tráng Việt, Vạn Yên, Văn Khê.
Phía Bắc giáp thị xã Phúc Yên và huyện Bình Xuyên của tỉnh Vĩnh Phúc. Phía Nam giáp sông Hồng, ngăn cách với huyện Đan Phượnghuyện Đông Anh. Phía Tây giáp huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Phía Đông giáp huyện Sóc Sơn.
Lịch sử hình thành
Huyện Mê Linh là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, từng là Kinh đô của nước Việt dưới thời Hai Bà Trưng. Trong quá trình hình thành và phát triển, huyện Mê Linh có nhiều lần thay đổi địa lý hành chính:
Theo Quyết định 178-CP ngày 5/7/1977 về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Trên cơ sở hợp nhất huyện Bình Xuyên và huyện Yên Lãng thành một huyện lấy tên là huyện Mê Linh và sáp nhập 4 xã của huyện Yên Lạc: Văn Tiến, Nguyệt Đức, Minh Tân và Bình Định, 2 xã của huyện Kim Anh: Quang Minh và Kim Hoa vào huyện Mê Linh;
Ngày 29/12/1978, Huyện Mê Linh được sáp nhập vào thành phố Hà Nội, theo Nghị quyết về việc phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Cao Lạng, Bắc Thái, Quảng Ninh và Đồng Nai do Quốc hội ban hành.
Ngày 17/ 2/1979, sáp nhập các xã Nam Viêm, Ngọc Thanh, Phú Thắng, Cao Minh và thị trấn Xuân Hòa của huyện Sóc Sơn vào huyện Mê Linh, theo Quyết định 49-CP, điều chỉnh địa giới một số xã, thị trấn thuộc các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Phúc Thọ và Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội do Hội đồng Chính phủ ban hành. Nâng tổng số đơn vị hành chính huyện Mê Linh lên thành 22 xã và 2 thị trấn: Chu Phan, Đại Thịnh, Liên Mạc, Mê Linh, Tam Đồng, Thạch Đà, Thanh Lâm, Tiền Châu, Tiền Phong, Tiến Thắng, Tiến Thịnh, Tự Lập, Tràng Việt, Hoàng Kim, Văn Khê, Vạn Yên, Quang Minh, Kim Hoa, Nam Viêm, Ngọc Thanh, Phú Thắng, Cao Minh, thị trấn Phúc Yên và thị trấn Xuân Hòa.
Ngày 12/8/1991, chuyển huyện Mê Linh của thành phố Hà Nội về tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc), theo Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Quốc hội ban hành.
Ngày 9/12/2003, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mê Linh để thành lập thị xã Phúc Yên và huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, theo Nghị định 153/2003/NĐ-CP của Chính phủ. Huyện Mê Linh còn lại 17 xã.
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 3, thông qua ngày 29/5/2008, về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, kể từ ngày 01/8/2008, chuyển toàn bộ huyện Mê Linh, tĩnh Vĩnh Phúc về thành phố Hà Nội. Gồm 18 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó, có 16 xã và 2 thị trấn, giữ ổn định cho đến nay.
Văn hóa và di tích lịch sử
Lịch sử hình thành và phát triển huyện Mê Linh gắn liền với thời đại các vua Hùng dựng nước, là địa bàn cư trú của các Lạc tướng, Lạc hầu dòng dõi vua Hùng. Vùng đất đồng bằng phì nhiêu, màu mỡ này vốn là nơi giao lưu kinh tế và văn hóa của các vùng như: miền núi, trung du và đặc biệt là sự giao thoa văn hóa với các tỉnh lân cận nhất là với kinh đô Thăng Long, nên đã hội tụ ở đây một nền văn hóa phong phú, đa dạng góp phần không nhỏ vào sự hình thành phát triển của nền văn minh sông Hồng. Trong đó, các di tích lịch sử – văn hóa như một minh chứng cho đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo tinh tế của người Việt, đồng thời còn đánh dấu sự ra đời và phát triển của văn minh cộng đồng, làng xã Việt Nam.
Từ lâu trong tâm thức của người dân Mê Linh, các di tích lịch sử – văn hóa chính là một phần linh hồn, một nét văn hóa đặc sắc của quê hương. Do vậy, nơi đây đã lưu giữ được 179 di tích, trong đó, 27 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 42 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Phần lớn các di tích lịch sử, văn hóa ở đây đều ghi dấu những chiến công hiển hách của Hai Bà Trưng như: cố đô Mê Linh ở Hạ Lôi, xã Mê Linh, nay có đền thờ Hai Bà Trưng – cùng thân quyến và các tướng lĩnh của Hai Bà. Nhiều di tích thờ tướng lĩnh của Hai Bà như: đình Bạch Trữ thờ Cống Sơn, đền Đông Cao xã Tráng Việt thờ bà Hồ Đề, đền Văn Lôi, xã Tam Đồng thờ Lũ Luỹ, đình Phú Mỹ, xã Tự Lập thờ vợ chồng tướng Hùng Bảo, đình Bồng Mạc, Yên Mạc xã Liên Mạc thờ hai nữ tướng Ả Nang, Ả Nương,…
Các di tích lịch sử – văn hóa ở đây thường được xây dựng to lớn, bề thế, chạm trổ tinh xảo, với nhiều cách điệu dân gian như: Rồng phun nước, cá vượt vũ môn và các đề tài: “Tứ Linh” (long – ly – quy – phượng) là những con vật biểu tượng cho sức mạnh, sự thông minh, khéo léo, trường tồn cùng thời gian, hay “Tứ Quý” (tùng – cúc – trúc – mai) biểu tượng cho sự mềm dẻo, linh hoạt, bền vững và cái đẹp quý phái. Bên cạnh yếu tố địa lý, các yếu tố thuân lợi về kinh tế, văn hoá, cũng góp phần quan trọng làm nên sự quy mô, bề thế của hệ thống di tích lịch sử, văn hóa ở Mê Linh.
Trong những năm qua, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, hạ tầng và tài nguyên cùng với truyền thống của một huyện anh hùng được hòa quyện với truyền thống hiếu học, lao động cần cù, sáng tạo, giàu tính nhân văn của nền văn hóa Kinh Bắc xưa cũng như nền văn hóa đô thị, văn minh công nghiệp ngày nay đã tạo nên nền tảng tinh thần, là động lực quan trọng để Đảng bộ và nhân dân huyện Mê Linh khắc phục khó khăn, thực hiện sáng tạo nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ đổi mới.
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây