Giới thiệu khái quát huyện Tây Trà

huyện Tây Trà - Tỉnh Quảng Ngãi

Giới thiệu khái quát huyện Tây Trà

Huyện Tây Trà là huyện miền núi ở phía tây – tây bắc tỉnh Quảng Ngãi. Phía đông giáp huyện Trà Bồng; phía tây và bắc giáp huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam); phía nam giáp hai huyện Sơn Hà, Sơn Tây. Diện tích 33.776,07 km2. Dân số 19.044 người (năm 2014). Mật độ dân số 55 người/km2. Đơn vị hành chính trực thuộc gồm có 9 xã gồm: Trà Phong, Trà Quân, Trà Khê, Trà Thanh, Trà Thọ, Trà Lãnh, Trà Nham, Trà Xinh, Trà Trung, với 36 thôn; trong đó:
Xã Trà Phong có 7 thôn: Trà Nga, Trà Niêu, Gò Rô, Hà Riềng, Trà Bung, Trà Na, Trà Reo.
Xã Trà Quân có 3 thôn: Trà Bao, Trà Xuông, Trà Ong;
Xã Trà Khê có 3 thôn: thôn Sơn, thôn Hà, thôn Đông;
Xã Trà Thanh có 4 thôn: thôn Vuông, thôn Cát, thôn Gỗ, thôn Môn;
Xã Trà Thọ có 5 thôn: Bắc Dương, Nước Biếc, thôn Tre, thôn Tây, Bắc Nguyên;
Xã Trà Lãnh có 4 thôn: Trà Lương, Trà Linh, Trà Dinh, Trà Ích;
Xã Trà Nham có 4 thôn: Trà Cương, Trà Huynh, Trà Long, Trà Vân;
Xã Trà Xinh có 3 thôn: Trà Veo, Trà Ôi, Trà Kem;
Xã Trà Trung có 3 thôn: thôn Vàng, thôn Xanh, thôn Đông.
Huyện lỵ đóng ở xã Trà Phong. Từ tỉnh lỵ Quảng Ngãi đến Tây Trà khoảng 90km.

QUẦN THỂ DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA KHỞI NGHĨA TRÀ BỒNG VÀ MIỀN TÂY QUẢNG NGÃI

               Quần thể di tích lịch sử Cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và Miền Tây Quảng Ngãi được Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 2307/QĐ ngày 30/12/1992. Theo đó quần thể di tích này gồm 08 điểm, trong đó trên địa bàn huyện Tây Trà có 04 điểm, gồm: Di tích Đồn Eo Chim, thuộc xã Trà Lãnh; Di tích Nước Xoay, thuộc xã Trà Thọ; Di tích Gò Rô, thuộc xã Trà Phong; Di tích Đồn Làng Ngãi, thuộc xã Trà Xinh.

               1. Di tích Đồn Eo Chim: Đồn Eo Chim nằm ở địa phận thôn Trà Lương, thuộc xã Trà Lãnh, cách trung tâm huyện Tây Trà 21 km về hướng Bắc, cách trung tâm huyện Trà Bồng 17 km về hướng Tây Nam. Đồn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Đồn xây dựng trên đỉnh đèo Eo Chim, phía Bắc đồn là con đường liên xã, phía nam đồn giáp thung lũng Đíu. Cả hai mặt trước và sau đều có đồi cao dùng làm điểm quan sát. Trên đường chính từ huyện Trà Bồng lên Tây Trà phải qua đèo rồi từ đó phân hai: Một con đường về Trà Nham; một con đường lên Trà Phong, Trà Quân, Trà Lãnh,… Do vậy, đồng bào ở đây giống như một cái yết hầu. Địch đã xây dựng Eo Chim với tham vọng kiểm soát cả một vùng rộng lớn gồm các xã: Trà Lâm, Trà Lãnh, Trà Nham, Trà Phong, Trà Thọ, Trà Trung. Mặt khác, đồn nằm ở trung tâm nơi có thể liên kết với các đồn Tà Lạt phía Bắc, Eo Reo phía đông, Tầm Rung phía Nam dễ dàng cơ động phối hợp để đối phó với sự tấn công của ta cũng như việc cưỡng chế kiểm soát đồng bào dân tộc.

            Đồn Eo Chim được xây dựng theo hình tròn, đường kính 500 mét, chu vi 1.800 mét, mặt ngoài đồn được chắn hàng rào thép gai chằng chịt, mặt trong đồn được xây dựng 4 công sự lớn theo bốn hướng hình tứ giác, đường kính 3 mét, cao 2 mét. Chính giữa đồn là công sự chỉ huy, làm bằng cọc sắt sắp xếp bao cát đầy, bề trên đắp sỏi. Ngoài ra cạnh đó là kho lương còn dấu vết nền, hai bên theo trục đường đông tây là hai đồi cao quan sát và bảo vệ đồn.
             Tại đồn Eo Chim thường xuyên có một đại đội đóng chốt, ngoài ra đồn còn được bổ sung thêm các đơn vị cơ động đưa từ dưới đồng bằng lên. Các công sự được trang bị hỏa lực mạnh như: Cối, đại liên, trung liên. Hệ thống giáo thông hào chằng chịt phân bố theo trục đông tây. Giao thông hào được nối với các hố công sự cá nhân, các ổ đại liên bao quanh đồn.
Khi bị quân khởi nghĩa tấn công, địch đã dựa vào sự kiên cố của đồn mà cố thủ (từ ngày 28/8 đến 31/8), sau đó hoang mang cùng cực phải rút chạy và bị ta tiêu diệt.
              Trải qua nhiều năm, đồn Eo Chim bị lau lách che phủ. Sau ngày giải phóng ta mở rộng con đường ô tô cắt ngang nên mặt bằng của đồn Eo Chim bị biến dạng đi nhiều. Tuy nhiên khi phát quang sạch, vẫn có thể dễ dàng nhận ra các hố công sự, các đường giao thông hào nối các ổ đại liên, cùng với công sự chỉ huy, mặt nền của kho lương thực. Công sự sâu 0,8m, đường kính 3m. Giao thông hào sâu 0,5m, rộng 0,7m. Mặt dù là đồn phong thủ kiên cố nhất trong hệ thống đồn bót kìm kẹp ở vùng cao Trà Bồng, cùng lực lượng của những tên tay sai Hrê phản động như Đinh Ngô, Đinh Enh,… vẫn không chống cự nổi với lực lượng khởi nghĩa mạnh như thác chảy của quân và dân ta.
               2. Di tích lịch sử Gò Rô:
            Tại đây, ngày 7.7.1958, “Đại hội Diên Hồng” chống Mỹ của nhân dân các dân tộc Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi khai mạc, với sự tham gia của 200 đại biểu các dân tộc Hrê, Kor, Cadong và Kinh, trong đó có nhiều già làng uy tín, các lãnh tụ kháng chiến trong phong trào “Nước xu đỏ” và cán bộ trưởng thành trong phong trào Cách mạng ở các xã, thôn, làng, nóc. Đại hội còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ các huyện miền núi Sơn Hà, Ba Tơ và Minh Long. Nội dung thảo luận và các quyết nghị của Đại hội Gò Rô thể hiện tinh thần đoàn kết keo sơn của các dân tộc Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên quyết chống Mỹ – Diệm, giành thắng lợi cuối cùng.
            “ Phải đánh Mỹ – Diệm sớm chừng nào hay chừng nấy. Mỹ – Diệm như cây chùm gửi để lâu rễ mọc nhiều khó chặt. Có cách mạng, có Bác Hồ lãnh đạo, kinh, thượng đoàn kết cùng đánh, thì Mỹ – Diệm sẽ thua. Không đánh Mỹ – Diệm thì không giữ được đoàn kết, vì cái lòng, cái ruột của đồng bào mình đã muốn như vậy”
            Tại Đại hội, đồng chí Phạm Thanh Biền, lúc này là Phó Bí thư Tỉnh uỷ, phụ trách Ban cán sự miền Tây, thay mặt Tỉnh uỷ trao cho Đại hội lá cờ thêu dòng chữ “Suốt đời đi theo Bác Hồ làm cách mạng”. Già Triều đại diện cho 200 đại biểu dự Đại hội khẳng định “Nhân dân Trà Bồng, người dân tộc Kor xin hứa suốt đời theo Bác Hồ làm cách mạng, dù có chết, có cực khổ đến mấy, dù phải đánh Mỹ – Diệm hết đời này qua đời khác”. Đại hội đã kêu gọi các dân tộc anh em phải đoàn kết xung quanh Bác Hồ, đồng lòng hợp sức để đánh đổ Mỹ – Diệm “mọi người không phân biệt dân tộc, già trẻ, gái trai phải tham gia lực lượng vũ trang, luyện tập quân sự, làm vũ khí,… sẵn sàng nổi dậy giành chính quyền”. Điều này khẳng định quyết tâm một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ của đồng bào các dân tộc trong huyện.
               3. Di tích Nước Xoay.
               Ngày 03/3/1958 tại thôn Nước Xoay, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà đơn vị 339 được thành lập gồm 33 người (23 người Kor, 10 người Kinh), đây là đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh trong chống Mỹ được thành lập theo quyết định của Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Đơn vị làm lễ tuyên thệ dưới lá cờ đỏ sao vàng, với khẩu hiệu “Chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, đánh đổ Mỹ – Diệm, giành chính quyền về tay nhân dân”.
              4. Di tích Đồn Làng Ngãi.
            Ngày 20/10/1954, Mỹ – Diệm bắt đầu tiếp quản Trà Bồng, biết Trà Bồng vốn là căn cứ cách mạng, địch đã thực thi nhiều âm mưu, thủ đoạn đánh phá ác liệt ngay từ đầu. Để thiết lập bộ máy cai trị tại Trà Bồng, bọn Mỹ – Diệm đã xây dựng tại đây 13 đồn binh lớn, gồm: Nà Niêu, Trà Cú, Làng Ngãi, Trà Xinh, Trà Khê, Trà Lãnh, Đá Líp, Tà Lạc, Eo Chim, Nước Vọt, Tầm Rung, Kon Leng và đồn Eo Reo, mỗi đồn có từ 01 đại đội đến 01 tiểu đoàn lính ngụy chiếm giữ.
            Đồn Làng Ngãi là một trong những đồn bót có vị trí chiến lược quan trọng trên địa bàn huyện Tây Trà, nằm ở phía Đông – Nam của trung tâm xã Trà Xinh. Đồn chốt giữ đường cơ động, liên lạc của ta – cơ quan đầu não của Khu ủy 5 đi các hướng: xã Trà Thọ, Trà Trung, Trà Nham, trung tâm huyện lỵ Trà Bồng, huyện Sơn Hà và huyện Trà My của tỉnh Quảng Nam. Địch thường xuyên duy trì lực lượng chốt giữ tại đây khoảng 01 tiểu đoàn, đa số là lính ngụy H’re, trang bị chủ yếu là súng bộ binh các loại và đại liên với công sự trận địa được xây dựng bằng bao cát, hàng rào tre, gỗ, bên trong có nhà ở cho chỉ huy và lính ngụy.
              Đêm ngày 27/8/1959, lợi dụng lúc địch sơ hở, mất cảnh giác, lực lượng du kích, Nhân dân xã và đơn vị 339 đã bí mật cơ động lực lượng áp sát đồn địch, bất ngờ nổ súng, cùng lúc hàng trăm mũi tên đốt lửa, tên tẩm thuốc độc của ta bắn vào đồn địch. Bị bất ngờ cùng với tinh thần hoang mang, dao động từ trước quân địch phản công yếu ớt và tìm đường tháo chạy về quân lỵ Sơn Hà, một số ra hàng. Trận đánh diễn ra hơn 30 phút ta đã đánh chiếm được đồn Làng Ngãi.
Vân Phong Túc Vũ – Tây Trà, Quảng Ngãi
Vân Phong nghĩa là “đỉnh núi mây”. Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn), quyển VIII – tỉnh Quảng Ngãi, mục Núi sông có viết: “Núi Vân Phong ở ngoài nguồn Thanh Cù về phía tây nam huyện Bình Sơn, hình thế chót vót như chọc tầng mây, tầng lớp quanh co, đứng xa mà trông, thấy tươi sáng mà biếc mờ, như sắc trời mới sáng… Tập Mười cảnh Quảng Ngãi có một đề là Vân Phong túc vũ (Mưa đêm ở núi Vân Phong), tức là núi nầy”.
Quả đúng như miêu tả của người xưa, hầu như quanh năm Vân Phong ngập trong sương núi mây trời, khi tán thì lãng đãng đó đây, khi tụ thì đùn lên thành gò lớp.
Đỉnh Cà Đam vươn lên cao vút giữa từng không, khi ánh nắng mặt trời xuyên qua sương sớm lại sáng lên rạng rỡ như thể núi rừng vừa qua một trận mưa đêm mùa hạ. Bóng mây, dáng núi, ánh trời quấn quýt lấy nhau trong thiên nhiên vừa chuyển động vừa hòa điệu, đẹp từng khắc, sáng từng màu.
Nhờ địa hình núi cao, vực sâu, lại thêm luật tục lâu đời gìn giữ rừng thiêng núi cấm của tộc người Cor nên đến nay khu vực Cà Đam vẫn còn giữ được sinh cảnh tự nhiên khá nguyên vẹn với những mảng rừng nguyên sinh, hệ động thực vật phong phú, nhiều loài quý hiếm, khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình hàng năm 21 – 23 độ.
Truyện cổ người Cor kể rằng: Có chàng trai mồ côi giỏi giang tên là Don may mắn lấy được vợ là nàng tiên Sóc xinh đẹp, nhưng lại có người anh xấu tính, nhiều lần cố tình hãm hại em để cướp vợ. Sợ bị liên lụy cho chồng, nàng tiên Sóc trốn về làng trời trên đỉnh núi Cà Đam. Ở đây nàng lại bị Thần mây ép làm vợ. Don lặn lội đi tìm vợ khắp núi cao, núi thấp, ngày nọ qua ngày kia mà chẳng thấy đâu. May nhờ bà tiên già tóc bạc đưa lên đỉnh núi dự lễ hội ăn trâu huê nhà trời, Don tìm thấy vợ. Vậy là chàng phải đánh nhau với người nhà trời để đưa nàng  Sóc trở về hạ giới.
 img 358 - Giới thiệu khái quát huyện Tây Trà
Quần nhau 3 ngày, 3 đêm thì chàng trai dũng cảm giết được Thần mây. Nhưng Don vẫn chưa thể đưa vợ về nhà. Trước khi chết Thần mây lại báo tin cho Thần gió nhờ trả thù. Thần gió vù vù lao đến làm cuốn tung lá khô, nghiêng ngã cây rừng, tấn công chàng Don từ bốn phía. Sức mạnh của Thần gió làm cho đá núi nhào đổ ầm ầm, cả một khoảng rừng chìm trong mờ mịt, tứ tán mây bay, cỏ cây tơi tả.
Thế nhưng chàng trai Cor đã bình tĩnh, khôn khéo dùng chiếc ná bắn mũi tên dài, giết chết Thần gió. Bầu trời trở lại bình yên, sương bạc quấn quýt núi lam, đỉnh Cà Đăm sáng lên trong nắng sớm.
Nàng tiên Sóc theo chàng Don trở về làng cũ dưới chân núi Cà Đam. Hai người cùng dân làng lấy cây rừng, dây mây dựng ngôi nhà sàn dài, đặt ống bương dắt con suối xa về bến nước nơi đầu ngỏ. Vợ chồng họ sống với nhau trọn đời hạnh phúc, sinh con đàn cháu đống, vui cả núi rừng. Bà con tin rằng, người Cor sống ở những làng nóc dưới chân núi Cà Đăm hiện nay là con cháu của chàng Don mồ côi và nàng tiên Sóc xinh đẹp.
img 359 - Giới thiệu khái quát huyện Tây Trà
Còn có một huyền thoại khác thời hiện đại, gắn với khu rừng Trút nằm trong phần đất thôn Xanh, xã Trà Trung, huyện Tây Trà, dưới chân núi Cà Đam. Ở đây, có 7 gia đình người Cor với hơn 30 nhân khẩu thay nhau canh giữ khu rừng nguyên sinh rộng hàng trăm hecta có vô vàn những cây gỗ quý (lim xanh, lim xẹt, dỗi, chò…) có tuổi tính bằng trăm năm.
Họ giữ rừng mà không hề biết đến chuyện được trợ giúp, trả công… Lý lẻ của bà con rất chi thuần phát: “Giữ rừng, giữ núi là để con thú có chỗ đi về, con chim có nơi làm tổ, con suối còn nước cho người”. Một câu nói ngỡ như đơn giản mà chứa đựng triết lý sâu thẳm: Rừng là nguồn sống của muôn vật, trong đó có loài người. Giữ rừng là giữ lấy cái nguồn sống ấy.
img 360 - Giới thiệu khái quát huyện Tây Trà
 
Hơn 30 con người sống trong những ngôi nhà tuềnh toàng, dựng bằng gỗ tạp, tre nứa, đời sống gặp vô vàn khó khăn nhưng vẫn ngày đêm chở che khu rừng Trút, lo lắng cho bóng cây, màu lá; nâng niu từng tiếng chim non, không huyền thoại thì hỏi là gì?
Trong ký ức mù sương của mình, ông Phạm Thanh Biền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong chiến tranh chống Mỹ vẫn còn nhớ như  in về vùng núi quanh đỉnh Cà Đam-nơi đã cưu mang cả một cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử dân tộc. Hình ảnh “mây trắng” trên ngọn núi này luôn  được ông lưu giữ như một nỗi ám ảnh khôn nguôi: “Bất luận là mùa nào, mây trắng vẫn luôn hiện diện trên ngọn núi này. Nó ấm áp và gần gũi đến lạ thường. Gần gũi và nồng ấm như những người anh em Cor nơi này đã thủy chung son sắt với cách mạng cho đến hết cuộc chiến tranh”.
img 361 - Giới thiệu khái quát huyện Tây Trà
Vùng mây trắng cùng những người anh em Cor nơi miền rừng Cà Đam ấy không chỉ thành lực hút đối với những nhà lãnh đạo trong kháng chiến để chọn nơi này làm căn cứ địa cách mạng mà còn là điểm ngắm cho những nhà làm kinh tế hôm nay. Nếu xét về địa hình, Cà Đam không thua Bà Nà của Đà Nẵng về độ cao để có thể hình thành  nơi đây một điểm du lịch hấp dẫn. Nhiệt độ ổn định ở mức 20 độ C, nhất là trong mùa nóng bức, Cà Đam sẽ là điểm đến lý tưởng cho những du khách không quen với cái nóng vốn là “đặc sản” của miền Trung.
Cà Đam không chỉ có ưu thế về độ cao mà địa hình của vùng núi này còn có nhiều thuận lợi khác. Từ Trà Bùi huyện Trà Bồng lên Trà Trung thuộc Tây Trà-nơi có thể hình thành khu du lịch- chừng mười cây số, song đường đi rất hiểm trở.
img 362 - Giới thiệu khái quát huyện Tây Trà
Tuy nhiên, qua khỏi đoạn hiểm trở này, một không gian thoáng đãng như bày như vẽ ra trước mắt với một địa hình khá bằng phẳng để có thể hình thành những nhà nghỉ dưỡng một cách thuận lợi nhất. Các ngọn đồi nơi đây như được thiên nhiên sắp đặt, núi nhiều tầng, từ thấp đến cao để có thể hình thành những “tour” cáp treo phục vụ cho những du khách thích mạo hiểm. Cà Đam lại không quá xa các trung tâm như thành phố Quảng Ngãi hoặc Dung Quất là bao. Chỉ ba mươi phút ôtô là du khách có thể “duỗi chân duỗi tay” tại nơi mình cần đến trong một không gian mát mẻ và yên tĩnh.
Đối với những ai muốn khám phá về phong tục tập quán của người dân bản địa thì vùng Cà Đam này vẫn đáp ứng một cách đầy đủ nhất. Chung quanh vùng núi này là người Cor “rin”. Không phải vì họ “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” như các nhà tuyên tuyền cổ súy lâu nay đâu mà cái chính là đường dẫn về Cà Đam hầu như không được đầu tư để làm. Các đây khoảng 6 năm, huyện Trà Bồng mở một tuyến đường lên Cà Đam từ Trà Bùi nhưng chỉ san ủi sơ sài, qua vài mùa mưa, đâu lại vào đó. Vì vậy, xã Trà Trung trở thành ốc đảo giữa rừng Cà Đam này nên người Cor nơi đây hầu như không có điều kiện để tiếp xúc với cái gọi là “thế giới văn minh” bên ngoài.
img 363 - Giới thiệu khái quát huyện Tây Trà
 
Nếu như người Cor ở các xã khác đều làm nhà trệt thì dân Cor ở Trà Trung vẫn còn giữ nguyên những nếp nhà sàn. Nam nữ thanh niên Cor nơi đây cũng không ăn diện quần bò, áo chim cò như những nơi khác mà họ vẫn còn giữ nguyên trang phục của dân tộc mình, nhất là trong các dịp lễ hội. Một không gian văn hóa thuần khiết như vậy sẽ là nơi thu hút khách du lịch nước ngoài nếu như được tổ chức một cách bài bản. Nếu mai này hình thành khu du lịch tại đây, việc đầu tiên là nên giữ nguyên hiện trạng những nếp nhà sàn đồng thời hướng dẫn đồng bào cùng tham gia vào làm du lịch như đồng bào ở một số nơi thuộc các tỉnh phía Bắc đã làm.
Đối với những ai muốn khám phá về lịch sử vùng rừng này thì Cà Đam vẫn còn nguyên một “kho sử sống” về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ông Phạm Thanh Biền có kể cho tôi nghe về cuộc vượt thoát của ông cùng những người đồng chí từ đồng bằng lên Cà Đam để lập căn cứ kháng chiến lâu dài vào những năm đầu chống Mỹ, chẳng khác nào như nghe chuyện trinh thám. Ông nói: “Chúng tôi phải chọn Cà Đam là vì nơi đây có thể cơ động bằng đường bộ về đồng bằng nhanh nhất.
Địa hình hiểm trở, rừng núi điệp trùng này đã trở thành thiên la địa võng đối với kẻ thù nên chúng không dám truy đuổi những người kháng chiến. Dân Cor nơi đây cực kỳ thủy chung với cách mạng. Họ có thể đốt cả ngôi nhà của mình để đánh lừa địch, tạo điều kiện cho chúng tôi thoát hiểm”. Chính dưới chân núi quanh năm mây phủ này, những người lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Ngãi thời ấy đã bàn thảo và đề ra nhiều chủ trương để đánh những đòn phủ đầu vào chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Một nhà bảo tàng về cuộc chiến tranh cách mạng tại đây nếu như có khu du lịch sẽ là điều vô cùng cần thiết.
img 364 - Giới thiệu khái quát huyện Tây Trà
Cà Đam không chỉ có mây trắng mà vùng núi này còn là nơi trú ngụ của hàng chục loài động vật quý hiếm. Những cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi trong tỉnh Quảng Ngãi còn lại cũng đều tập trung quanh khu vực này. Một vài năm nữa, dưới chân núi Cà Đam sẽ xuất hiện một hồ chứa nước của công trình thủy lợi Nước Trong với hàng nghìn hecta sẽ là điểm du thuyền vô cùng hấp dẫn.
Có núi, có rừng, có sông hồ mây nước, nghĩa là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đều có, chỉ thiếu sự quyết tâm để biến nơi đây thành điểm du lịch mà thôi.
img 365 - Giới thiệu khái quát huyện Tây Trà
Tên chữ của núi Cà Đam là Vân Phong, Cà Đam là tiếng gọi của người địa phương. Núi nằm ở phía Tây Nam của huyện Trà Bồng và phía Đông Nam của huyện Tây Trà. Núi Cà Đam có đỉnh cao nhất là 1413m, vị trí núi ở phía Tây Nam huyện Trà Bồng.
Đứng từ vùng đồng bằng nhìn lên phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Ngãi thấy hình núi cao vọt lên giữa lớp lớp núi. Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 6 chép về tỉnh Quảng Ngãi, có viết: “hình núi cao vót lên giữa từng trời, có các núi bao quanh bốn phía trùng điệp, đứng xa trông thấy tươi sáng. Chóp núi dờn dợn mây bay, suốt ngày khí sắc như lúc trời mới sáng hay sau khi mưa tạnh”.
Sản vật địa phương: Măng nứa Tây Trà
Vùng đất Tây Trà (Quảng Ngãi) được biết đến là nơi của quế, đót, mây và nhiều sản vật rừng khác. Trong đó có món măng nứa giòn ngọt mỗi mùa mưa đến.
Vào mùa mưa, khoảng độ tháng 9 tháng 10, lên Tây Trà, ngay đỉnh Eo Chim mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy những rỗ măng luộc vàng ươm được bày bán trước cửa các nhà quán. Đây là loại măng nứa được bà con dân tộc Cor lấy từ trong rừng đem về đổi lại cho nhà quán để lấy hàng hoá thực phẩm.
 Cây nứa mọc khắp núi rừng Tây Trà cùng họ với tre, lồ ô nhưng thân nứa không cao to. Mụt măng nứa cũng rất nhỏ, nhỏ hơn măng tre rất nhiều. Tuy nhiên, măng nứa ăn lại rất ngon, giòn, ngọt thanh.
 Măng cắt xong lột hết lớp bao cứng lấy phần thân non bên trong đem về rửa sạch luộc chín, cây măng từ trắng chuyển sang vàng ươm, lấy dao xắt sợi chấm mắm ớt tỏi ăn với cơm nóng trong tiết trời lạnh thì  ngon không thể tả được.
 Ngoài ra bà con còn dùng măng để chế biến ra nhiều món ăn khác như kho với thịt mỡ, cá hoặc làm gỏi măng trộn mè cũng rất ngon.
 Măng nứa ngon, lại chỉ có vào mùa mưa, nên khi đến mùa măng nhiều gia đình tranh thủ đi hái măng về luộc, gặp ngày nắng thì đem phơi hoặc sấy trên giàn bếp cho khô sau đó cất kĩ để ăn dần, măng khô ngâm nước đem xào nấu cũng ngon không kém măng tươi. 
 Không chỉ hái măng về ăn, nhiều người dân ở huyện Tây Trà hàng năm cũng kiếm được khá nhiều tiền nhờ bán măng, đổi măng cho các quán. Mùa mưa năm nay chị Hồ Thị Hường ở thôn Trà Lương xã Trà Lãnh ngày nào cũng vào rừng kiếm măng từ sáng sớm, đến xế chiều chị lại cõng gùi măng về bán cho các quán. Mỗi ngày chị kiếm được khoảng 50-60 ngàn đồng…
 Các quán buôn bán ở đây mua đổi măng của bà con, luộc chín rồi bày bán cho khách đi dọc đường. Tại quán của bà Nguyễn Thị  Thanh, ông Long, bà Hồng bán tại đỉnh Eo Chim ngày nào cũng bán từ 10-20 kg măng luộc, mỗi kí có giá  10.000đ.
 Có thể nói, cùng với cây quế, cây đót, trái hường, thì măng nứa cũng góp phần làm tăng thêm sự phong phú cho sản vật rừng của huyện vùng cao miền Tây Quảng Ngãi, đồng thời cũng góp phần giúp bà con nghèo nơi đây có cái ăn trong những ngày mưa tháng rét.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây