Giới thiệu khái quát huyện Nghĩa Hành

huyện Nghĩa Hành - Tỉnh Quảng Ngãi

Giới thiệu khái quát huyện Nghĩa Hành

Huyện Nghĩa Hành là huyện đồng bằng nhưng có địa hình trung du, có nhiều đồi núi, cao ở phía tây, thoải dần về phía đông tương đối bằng phẳng.

Các núi cao: núi Kỳ Lân (922m), núi Hồng Bà (673m), núi Tai Mèo (607m), núi Giàng… đều nằm ở phía tây nam huyện, nhiều đồi núi thấp nằm rải rác ở phía đông huyện.
Trên địa bàn Nghĩa Hành có các đèo: đèo Chim Hút, đèo Eo Gió, đèo Đá Bàn, đèo Quán Thơm…
Sông suối: Có các sông, suối đáng chú ý như sau:
Sông Văn, còn có tên là sông Phước, Phước Giang, là con sông nhỏ, nhưng mùa mưa vẫn gây lũ lụt.
Sông Vệ, là một trong bốn sông lớn ở tỉnh Quảng Ngãi. Ở địa phận huyện Nghĩa Hành, sông Vệ chảy qua giữa hai xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây, giữa xã Hành Thiện và giữa hai xã Hành Thịnh, Hành Phước. Đoạn đông giáp giới giữa xã Hành Thiện và xã Hành Thịnh có trạm bơm Nam Sông Vệ, nay có xiphông tiếp nước từ kênh chính nam Thạch Nham. Chi lưu sông Vệ là sông Thoa chảy dọc thôn Mỹ Hưng, thôn An Ba chảy về đông, qua địa hạt huyện Mộ Đức. Do lòng sông dốc, nên mùa nắng sông Vệ nhanh chóng cạn kiệt, mùa mưa thường gây lũ lụt lớn, nhất là phía hạ lưu.
Suối Chí nằm ở xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, đã được xây dựng thành hồ nước thuỷ lợi.
Trên địa bàn huyện Nghĩa Hành có một số bàu, đầm như: Bàu Lát, đầm La Băng.
Đất đai ở Nghĩa Hành thích hợp cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Có 175.544,5km2 dành cho sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó có hơn 92.877,8km2 đất lâm nghiệp; đất chưa sử dụng có hơn 17.044,2km2.
Tình hình sử dụng đất thời điểm 2011 ở các xã – thị trấn như sau(2):
TT
Xã, thị trấn
Đơn vị tính
Đất nông nghiệp
Đất lâm nghiệp
Đất chuyên dùng
Đất khu dân cư
Đất chưa sử dụng
1
Chợ Chùa
ha
440,30
0
101,50
131,26
27,09
2
Hành Thuận
ha
604,22
0
101,48
45,58
22,32
3
Hành Dũng
ha
1.086,97
1.1440,0
135,09
58,18
200,98
4
Hành Minh
ha
533,96
169,4
88,58
40,46
36,94
5
Hành Đức
ha
671,96
325,0
128,68
380,42
60,88
6
Hành Phước
ha
856,23
238,6
152,67
62,88
146,12
7
Hành Thịnh
ha
827,55
764,2
105,55
47,25
79,33
8
Hành Thiện
ha
609,94
1.150,3
72,46
76,08
348,06
9
Hành Tín Tây
ha
573,02
2.928,2
41,72
35,24
84,52
10
Hành Tín Đông
ha
452,91
1.907,3
86,10
34,98
611,51
11
Hành Nhân
ha
992,53
364,8
192,62
65,75
75,09
12
Hành Trung
ha
617,08
0
84,94
51,20
11,88
 
Toàn huyện
ha
8.266,67
9.287,78
1.291,39
1.029,55
1.704,72
 
Khí hậu ở Nghĩa Hành tương tự như ở các huyện đồng bằng khác trong tỉnh Quảng Ngãi.
Nghĩa Hành có hệ động thực vật khá phong phú. Hệ động thực vật tự nhiên ở rừng xưa kia có hổ, báo, hươu, nai, heo rừng, công, trĩ, khướu… Trong rừng có nhiều gỗ quý như sến, gõ, nhụ, huỳnh đàn, sơn, xoay… Trải qua thời gian với sự khai thác của con người và chiến tranh, rừng đã bị tàn phá nặng, hệ động thực vật cũng bị suy kiệt nhiều. Động thực vật được chăn nuôi và trồng trọt cũng khá phong phú, với hầu hết các giống loài phổ biến trong tỉnh Quảng Ngãi; sau này phát triển thêm cây trồng mới như chôm chôm, bưởi, các vật nuôi như ba ba… cũng cho kết quả khả quan.
Về dân cư, tuyệt đại đa số cư dân ở huyện Nghĩa Hành là người Việt; chỉ có 989 người Hrê (năm 2011) cư trú chủ yếu ở các xã Hành Tín Tây (589 người), Hành Tín Đông (279 người), Hành Dũng (121 người) tiếp giáp với các huyện Ba TơMinh Long láng giềng. Cư dân Việt ở Nghĩa Hành mang đặc điểm chung của cư dân Việt ở Quảng Ngãi. Mật độ dân số ở Nghĩa Hành thấp hơn so với mật độ trung bình các huyện vùng đồng bằng trong tỉnh (383,3 người/km2 so với 569 người/km2 năm 2011), nhưng cao hơn trung bình của toàn tỉnh (250 người/km2). Tính thuần nông, xa các đô thị khiến dân cư Việt ở Nghĩa Hành đậm nét thuần phác, ít linh động, bảo lưu được nếp sống cổ truyền với các giềng mối gia đình, làng xóm đầy tình nghĩa. Cư dân Hrê ở Nghĩa Hành có chung đặc điểm với cộng đồng Hrê ở hai huyện Minh LongBa Tơ.
Diện tích, dân số năm 2011 phân bố ở các xã, thị trấn như sau:
TT
Xã, thị trấn
Diện tích (km2)
Dân số (người)
Mật độ dân số (người/km2)
1
Chợ Chùa
7,55
8.838
1.170,6
2
Hành Thuận
8,26
7.273
880,4
3
Hành Dũng
30,39
6.656
219,0
4
Hành Minh
9,23
5.401
585,1
5
Hành Đức
16,30
9.771
599,4
6
Hành Phước
16,59
11.946
720,0
7
Hành Thịnh
21,12
8.649
429,9
8
Hành Thiện
25,15
6.786
269,8
9
Hành Tín Tây
39,25
4.499
114,6
10
Hành Tín Đông
34,67
3.848
111,0
11
Hành Nhân
18,73
7.855
419,4
12
Hành Trung
8,39
8.441
1.006,0
         

Về truyền thống yêu nước và cách mạng, Nghĩa Hành có nhiều nét đáng chú ý. Nhiều tư liệu cho thấy địa bàn huyện Nghĩa Hành xưa nằm trong vùng căn cứ địa của phong trào Tây Sơn. Nhiều thơ văn, chứng tích như gò Ông Súng, gò Ông Voi (xã Hành Phước), các địa danh như Trường Luyện, Ba Vực, Đình Cương chứng tỏ căn cứ Tây Giang (nằm trên đất Nghĩa Hành), một bộ phận của Tây Sơn tả đạo, có thể là có thật. Đến giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp tấn công chiếm thành Gia Định (1859), Hộ đốc Võ Duy Ninh (người làng Đại An, nay thuộc xã Hành Thuận) cùng những người lính quê ở Nghĩa Hành đã chiến đấu và hy sinh ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta. Sau khi kinh đô Huế thất thủ (1885), nhiều người đã tham gia phong trào Cần vương, gia nhập Hương binh do ông Lê Quán chỉ huy, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa đánh chiếm thành Quảng Ngãi do chí sĩ Lê Trung Đình lãnh đạo; sau đó, trong phong trào Cần vương do Nguyễn Bá Loan lãnh đạo, Nghĩa Hành trở thành căn cứ của phong trào này (1885 – 1888). Trong phong trào Duy tân và chống sưu thuế (1906 – 1908) do các ông Lê Đình Cẩn (người làng Hòa Vinh, nay thuộc xã Hành Phước), Nguyễn Bá Loan (người huyện Mộ Đức, con đại thần Nguyễn Bá Nghi), Lê Tựu Khiết (người làng An Ba, nay thuộc xã Hành Thịnh) lãnh đạo, Nghĩa Hành là nơi họp kín của các nhà lãnh đạo tại nông trại Tình Phú (nay thuộc xã Hành Minh). Phong trào ở Nghĩa Hành dâng cao rầm rộ, quần chúng bắt viên Tri huyện đóng cũi khiêng về tỉnh thành Quảng Ngãi và ra yêu sách với bọn thực dân, phong kiến. Trong phong trào Việt Nam Quang phục Hội, người dân Nghĩa Hành đã tham gia cuộc vận động khởi nghĩa Duy tân 1916 do các ông Nguyễn Công Mậu, Nguyễn Công Phương(3), Lê Triết lãnh đạo ở địa phương.

Từ năm 1927, đã có nhiều người Nghĩa Hành tìm hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối giải phóng dân tộc do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra. Năm 1930, nhà yêu nước nổi tiếng Nguyễn Công Phương được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhờ sự tích cực vận động của ông, nhiều người khác đã giác ngộ cách mạng, được kết nạp vào Đảng. Chi bộ rồi Đảng bộ huyện Nghĩa Hành được thành lập, kịp thời lãnh đạo nhân dân trong huyện bắt nhịp với phong trào cách mạng trong tỉnh, từ phong trào 1930 – 1931 đến các cao trào cách mạng 1936 – 1939 và 1939 – 1945 đều được chắp nối liên tục. Vai trò của Nguyễn Công Phương đối với phong trào cách mạng ở Nghĩa Hành và cả tỉnh Quảng Ngãi ngày càng nổi bật. Là một chí sĩ trong phong trào yêu nước Duy tân, Việt Nam Quang phục Hội, Nguyễn Công Phương trở thành đảng viên cộng sản kiên trung. Năm 1930, tại Hội nghị Tỉnh ủy ở Nghĩa Lập (Mộ Đức), ông được cử làm Dự bị Bí thư Tỉnh ủy. Ông xây dựng lại cơ sở Đảng sau khi bị địch đàn áp, đánh phá và trở thành Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi thời kỳ 1935 – 1937. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Nguyễn Công Phương cùng với nhiều người khác được Tỉnh ủy giao cho việc xây dựng kế hoạch tổng khởi nghĩa ở Quảng Ngãi. Từ kháng chiến chống Pháp về sau, ông là cán bộ cao cấp trong hệ thống chính trị nước ta.

Trong kháng chiến chống Pháp xâm lược, Nghĩa Hành đã dốc sức vào cuộc kháng chiến kiến quốc, trở thành thủ phủ của vùng tự do Liên khu V. Ở đây có trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ, nơi đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện của Đảng và Chính phủ ở làm việc. Cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng đã sống, làm việc và mất ở đây. Nghĩa Hành là nơi tập trung nhiều cơ quan của Liên khu V và của tỉnh, các đơn vị quân đội, các trường trung học nổi tiếng như trường Trung học Lê Khiết, trường Trung học Bình dân miền Nam Trung Bộ. Từ khi cuộc kháng chiến chuyển sang tổng phản công, Nghĩa Hành trở thành hậu phương chi viện nhiều sức người, sức của, góp phần đắc lực vào cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi với chiến dịch Bắc Tây Nguyên giải phóng toàn tỉnh Kon Tum đầu năm 1954.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nghĩa Hành tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, kiên trì đấu tranh giải phóng dân tộc. Tổ chức Đảng, Mặt trận được hình thành, các lực lượng vũ trang lần lượt được thành lập. Từ năm 1961, xã Hành Tín đã được giải phóng. Các xã khác phía nam sông Vệ cũng lần lượt nổi dậy đánh địch, giải phóng quê hương. Năm 1965, xã Hành Thịnh được giải phóng. Cán bộ và nhân dân Nghĩa Hành đã kiên cường chiến đấu, góp phần đánh thắng các chiến lược chiến tranh của địch. Tiêu biểu là các trận đánh:
Ngày 20.1.1966 bộ đội huyện và du kích địa phương đã đánh Mỹ ở Gò Tranh, diệt 40 lính viễn chinh, đánh đồn Cộng Hòa diệt một trung đội của quân đội Sài Gòn;
Ngày 23.2.1966, tiểu đoàn 83 cùng quân dân xã Hành Thịnh đánh trận càn lớn của địch, làm nên chiến thắng Hành Thịnh 1;
Ngày 11.5.1966, Quân Giải phóng đánh bại 4 tiểu đoàn quân đội Sài Gòn, làm nên chiến thắng Hành Thịnh 2;
Trong tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, đêm 31.1.1968, lực lượng vũ trang huyện pháo kích vào quận lỵ, binh lính và nhân viên chế độ Sài Gòn hốt hoảng bỏ chạy, đến 10 ngày sau địch mới dám trở lại;
Cuối năm 1974 đầu năm 1975, bộ đội chính quy và các lực lượng vũ trang Nghĩa Hành đánh địch và thắng lớn ở Đình Cương, diệt 1.700 tên địch, hàng chục xe tăng.

Trong thế giằng co với địch suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng bào, chiến sĩ Nghĩa Hành đã chịu nhiều hy sinh mất mát. Quân địch gây ra nhiều vụ tàn sát dã man ở Nghĩa Hành, như các vụ tàn sát 40 người ở Đề An (Hành Phước), tàn sát 91 người ở địa đạo Hiệp Phổ Nam, tàn sát 63 người ở Khánh Giang – Trường Lệ giữa tháng 4.1969, rải chất độc hóa học khai quang và bắn phá bừa bãi, giết người ở nhiều nơi trong huyện.

Từ sau năm 1975, Nghĩa Hành ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, phát triển sản xuất và chăm lo mọi mặt đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Với những thành tích trong kháng chiến, có 5 đơn vị và 3 cá nhân của huyện Nghĩa Hành được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
5 đơn vị gồm: các xã Hành Thịnh, Hành Tín, Hành Thiện, Hành Phước, Hành Đức và huyện Nghĩa Hành.
3 cá nhân gồm các ông: Nguyễn Văn Được (nay là thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), Phạm Minh Tư (liệt sĩ), Nguyễn Kim Vang (liệt sĩ).
Tính đến năm 2005, Nghĩa Hành có 141 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, có 2.272 liệt sĩ, 1.574 thương binh, 104 bệnh binh.
         

Kinh tế Nghĩa Hành cơ bản là kinh tế nông nghiệp. Đến nay tính chất thuần nông còn rất đậm, dù đã có sự chuyển biến khá trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Tính ở thời điểm năm 2011, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp (phần lớn là nông nghiệp) là 203.955 triệu đồng (32,50%), công nghiệp – xây dựng là 218.143 triệu đồng (34,76%), thương mại – dịch vụ 105.500 triệu đồng (32,74%). Số dân sống bằng nghề nông là 74.801 người, số lao động nông, lâm, thuỷ sản là 39.087 lao động, chiếm phần lớn số dân và số lao động trong huyện (hơn 9/10).

Về nông nghiệp: Thuở xưa ở địa hạt Nghĩa Hành người dân trồng chủ yếu cây lúa (lúa nước và lúa gieo), ngô (bắp), khoai lang, các loại đậu, mía, dâu, trong vườn nhà thường trồng trầu, cau, ổi, mít, chuối… Ở dọc sông Vệ, sông Văn có những đồng lúa tươi tốt. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết từ thế kỷ XVIII chép: “Xã Phú Xuân thuộc huyện Bình Sơn và xã Phước Khương thuộc huyện Chương Nghĩa đều ở gần sông, thuỷ thổ tốt, ruộng đồng nhiều, cao và bằng phẳng. Mỗi xã có khoảng một nghìn mẫu ruộng, nên người ta gọi hai xã ấy là “tiểu Đồng Nai””(4). Địa danh Suối Bùn thường chỉ cho thung lũng thuộc các xã Hành Tín, Hành Thiện ngày nay, nổi tiếng về đất đai tươi tốt nhờ phù sa sông Vệ. Người dân ở đây cũng chú ý đến việc chăn nuôi, chủ yếu là trâu, bò, heo, gà, vịt.

Đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, ruộng các hạng ở Nghĩa Hành có 9.718,3 mẫu ta, thổ các hạng có 4.504,2 mẫu ta (gần bằng 1/3 tổng diện tích ruộng đất), trong đó chủ yếu là diện tích trồng lúa và trồng mía. Theo Quảng Ngãi tỉnh chí do Nguyễn Bá Trác và các tác giả biên soạn, ở thời điểm 1933 Nghĩa Hành có đất trồng lúa 9.020 mẫu ta (bằng 3.247ha) thu hoạch được 4.822 tấn, đất trồng mía 3.000 mẫu ta (xấp xỉ 1.000ha), cao chỉ sau huyện Tư Nghĩa (7.000 mẫu) và gấp nhiều lần so với các huyện khác. Ngoài ra, ở Nghĩa Hành có 750 mẫu ta trồng khoai, sắn, 400 mẫu trồng bắp, một số diện tích khác trồng đậu, mè, dâu, bo bo. Điều đáng chú ý là do chế độ chiếm hữu ruộng đất bất công và do kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, năng suất thấp nên sản lượng chia bình quân đầu người chỉ đủ ăn trong 120 ngày, còn 245 ngày phải ăn khoai, sắn(5).

Trải qua thời kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nông nghiệp ở Nghĩa Hành có một số chuyển biến đáng kể về kỹ thuật canh tác lẫn cây trồng, vật nuôi. Các giống lúa, mía, heo mới du nhập, việc canh tác đã phần nào được cơ giới hóa. Sau năm 1975, trong điều kiện hòa bình, ruộng đất được chia đều cho nông dân và việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai hoang mở rộng diện tích và công tác thuỷ lợi được đẩy mạnh, sản xuất nông nghiệp đã có những bước tiến rất dài so với trước, hằng năm đều có sự tăng trưởng, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm dùng trong địa phương và bán ra thị trường. Các số liệu về các cây trồng, vật nuôi chính ở Nghĩa Hành trong các năm gần đây cho thấy rõ điều đó. 

Thống kê về một số cây trồng chính(6)
Năm
Cây trồng
 
2010
2011
Lúa
Diện tích
8.043ha
6.144ha
Năng suất
38,6 tạ/ha
58,6 tạ/ha
Sản lượng
31.036 tấn
35.983 tấn
Ngô
Diện tích
1.538ha
1.522ha
Năng suất
62,11 tạ/ha
63,23 tạ/ha
Sản lượng
9.553 tấn
9.624 tấn
Sắn
Diện tích
658ha
783ha
Năng suất
186,9 tạ/ha
192,8 tạ/ha
Sản lượng
12.298 tấn
15.099 tấn
Mía
Diện tích
522ha
590ha
Năng suất
538,8 tạ/ha
554,4 tạ/ha
Sản lượng
28.098 tấn
32.713 tấn
Thống kê về một số vật nuôi chính(7)
Vật nuôi
Năm
Trâu
Lợn
2010
2.435
24.658
61.522
2011
2.302
20.070
51.137

Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2011 là 46.190 tấn, trong đó ngô 63,23 tấn. Sản lượng, năng suất, diện tích ngô của Nghĩa Hành ở mức cao trong tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2011, sản lượng lương thực nhiều nhất là xã Hành Phước với 7.114 tấn, xã Hành Thịnh 4.922 tấn, xã Hành Đức 4.812 tấn, xã Hành Dũng 4.352 tấn. Bình quân lương thực đầu người ở Nghĩa Hành năm 2010 là 514kg, năm 2011 là 511kg, thuộc hạng cao nhất trong tỉnh Quảng Ngãi (chỉ sau huyện Mộ Đức). Năm 2011, các xã có bình quân lương thực đầu người cao nhất là Hành Dũng với 643kg, Hành Tín Tây với 625kg, Hành Phước với 593kg; trừ thị trấn Chợ Chùa dựa nhiều vào công, thương nghiệp – dịch vụ có bình quân thấp nhất (262kg), các xã khác đều trên 400kg.

Trong tổng đàn trâu năm 2011 là 2.302 con, xã Hành Thuận có số lượng nhiều nhất với 532 con, kế đó là các xã Hành Tín Tây (396 con), Hành Dũng (228 con), Hành Minh (221 con). Trong tổng đàn bò năm 2011 là 20.070 con , nhiều nhất ở xã Hành Phước với 2.521 con, kế đó là các xã Hành Nhân với 2.142 con, Hành Thịnh với 1.997 con, Hành Thiện 1.975   con, Hành Tín Tây 1.875 con, xã thấp nhất cũng có trên 800 con. Trong tổng đàn lợn năm 2011 là 46.997 con, nhiều nhất là ở các xã Hành Phước với 6.050 con, Hành Trung với 5.741 con, Hành Thịnh 5.060 con, xã ít nhất có trên 1.600 con.
Ngoài các giống cây trồng vật nuôi trên, người nông dân Nghĩa Hành còn trồng các loại cây khoai lang, mì, đậu tương, tiêu, điều với diện tích xê dịch từ vài chục đến hàng trăm hécta. Đặc biệt, Nghĩa Hành là một trong 3 huyện còn giữ nghề trồng dâu nuôi tằm với diện tích trồng dâu năm 2011 là 30ha với năng suất 195 tạ/ha và sản lượng 583 tấn. Cây lạc cũng chiếm diện tích đáng kể, năm 2011 có 440,0ha với sản lượng 984 tấn; rau các loại có 1.029ha với sản lượng 12.038tấn, đậu các loại có 757ha với sản lượng 1.848 tấn. Các loại vật nuôi còn có gia cầm (gà, vịt) nuôi khá phổ biến, một số hộ nông dân còn nuôi dê, nuôi cá… Trong thuỷ sản thì người dân ở đây chỉ đánh bắt cá trên sông suối, không đáng kể.

Nghề nông ở Nghĩa Hành có bước chuyển dịch dần sang hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao sản lượng lẫn giá trị sản phẩm.

Trong sản xuất nông nghiệp, ở địa hạt Nghĩa Hành nổi bật có việc làm thuỷ lợi để phục vụ tưới tiêu. Từ hàng trăm năm trước, ở Nghĩa Hành đã có các đập Đồng Thắt, Bến Thóc, Bầu Sấu, Gò Mả, Cây Gáo, Xã Dện, Hố Đá… tưới nước, kênh La Băng tiêu nước. Trên sông Vệ, người dân Nghĩa Hành dựng đặt xe nước để đưa nước lên đồng. Để đưa nước vào ruộng ở những nơi không có nguồn tự chảy, người nông dân dùng phổ biến gàu sòng, xe đạp nước. Đến những năm chiến tranh, ở Nghĩa Hành đã du nhập các loại máy bơm nước chạy bằng than, bằng xăng dầu. Tuy nhiên, với những công trình, phương tiện như kể trên, việc tưới tiêu nước phục vụ sản xuất xưa cũng còn nhiều hạn chế, vẫn còn một phần khá lớn diện tích canh tác không được tưới nước, chỉ trông chờ vào nước trời. Từ sau năm 1975, các công trình, phương tiện tưới tiêu cổ truyền tiếp tục được sử dụng, một số công trình thuỷ lợi nhỏ được xây dựng. Năm 1996, nước Thạch Nham được đưa về và đã tưới được hơn 5.500ha, chiếm khoảng 2/3 diện tích trồng trọt trong huyện. Cho đến nay, nước Thạch Nham và các công trình, phương tiện thuỷ lợi khác đã giải quyết tưới nước ở hầu hết các đồng ruộng trên địa hạt Nghĩa Hành.

Về lâm nghiệp: Xưa kia trên địa bàn Nghĩa Hành diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn. Phía nam huyện có núi Lớn, với một phần thuộc địa hạt Nghĩa Hành. Núi Lớn có nhiều gỗ quý như lim, kiền kiền, giổi, gió, trắc, chò, sinh, sơn, trầm hương… Đặc biệt, rừng ở đây có nhiều cây dầu rái thường dùng để trét thúng, mủng. Người dân Nghĩa Hành xưa kia thường đi rừng lấy gỗ về làm nhà, đóng bàn ghế, giường, phản. Một số người lên rừng cắt tranh, lấy củi, đốt than. Riêng diện tích rừng của núi Lớn có khoảng 3.599ha, trong đó thuộc địa phận Nghĩa Hành có khoảng 800ha nằm ở phía tây các tổng Hành Cận, Hành Trung, theo Nghị định năm 1924 được đặt làm rừng cấm. Tuy nhiên, do mưu sinh, người dân quanh vùng vẫn thường khai thác, đốt than, đốn củi, lấy dầu rái. Người đi rừng còn vào rừng tìm nam sâm, phục linh, khoai mài, mật ong, ngà voi, gạc nai… để làm thuốc(8).

Trải qua 30 năm chiến tranh, lính Mỹ và quân đội Sài Gòn nhiều lần rải chất độc hóa học, bắn pháo, ném bom bừa bãi, cộng với sự khai thác thiếu kế hoạch của con người, rừng ở Nghĩa Hành đã dần dần cạn kiệt. Lâm nghiệp ngày nay ở Nghĩa Hành đặt nặng vào nhiệm vụ trồng và chăm sóc rừng, ngăn chặn lâm tặc tàn phá. Các rừng trồng đến độ tuổi được khai thác phục vụ cho sản xuất và đời sống. Theo thống kê ở thời điểm 2003, Nghĩa Hành chăm sóc và tái sinh 2.200ha rừng, năm 2004 là 1.950ha, năm 2005 là 1.761ha; sản lượng khai thác gỗ năm 2003 là 2.400m3, năm 2004 là 2.480m3, năm 2005 là 2.534m3. Rừng trồng tập trung ở Nghĩa Hành năm 2003 có 450ha, năm 2004 có 480ha, năm 2005 có 510ha, chủ yếu là các giống bạch đàn, điều, keo lai(9)... Các giống cây trồng vật nuôi mới được đưa về áp dụng vào sản xuất mô hình kinh tế trang trại hình thành và phát triển, năm 2005 có 47 trang trại, trong đó có 34 trang trại lâm nghiệp, 5 trang trại trồng cây lâu năm, 4 trạng trại chăn nuôi. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản ở Nghĩa Hành năm 2011 là 932.054 triệu đồng (theo giá hiện hành), trong đó phần lớn là trồng trọt (863.445 triệu đồng), chăn nuôi (376.123 triệu đồng), các dịch vụ nông nghiệp (5.341 triệu đồng). Nghĩa Hành chủ yếu phát triển nông nghiệp, trong đó giá trị sản xuất trong chăn nuôi chiếm gần 1/2 so với trồng trọt.

Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: Địa hạt Nghĩa Hành xưa có một số nghề tiểu thủ công nghiệp, tuy không thật nổi bật nhưng gắn liền với đời sống của người dân địa phương từ lâu đời. Đó là các nghề làm đường muỗng phổ biến ở nhiều nơi trong huyện, nghề làm thợ mộc, thợ nhuộm, thợ rèn ở các chợ Phú Vang, Tam Bảo. Các nghề ấy có từ thời phong kiến tự chủ, tiếp tục tồn tại trong thời Pháp thuộc. Đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, Nghĩa Hành có gần 1.000ha mía với năng suất bình quân 18 tấn/ha, là nguồn nguyên liệu lớn cho chòi nấu đường được dựng lên ở khắp các đồng mía. Nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển ở các làng Vạn Xuân, Hiệp Phổ, Hòa Vinh Tây, Mỹ Hưng… là những nơi có đất bồi ven sông. Nghề dệt vải phát triển ở Kim Thành, Bình Thành,… Các nghề mộc, rèn, nhuộm, đan phổ biến ở các xã và các chợ. Trải qua thời gian, các nghề tiểu thủ công phần nào có mai một trong điều kiện hàng hóa công nghiệp phát triển. Một số người vẫn duy trì nghề nuôi tằm, bán kén đi các tỉnh khác. Nghề mộc, rèn, hồ chủ yếu tồn tại dưới dạng làm nhân công cho chủ thầu. Nghề chế biến thực phẩm như làm bún, làm bánh tráng, các loại bánh kẹo phổ biến ở nhiều làng quê. Theo thống kê, năm 2011 Nghĩa Hành có 1.201 cơ sở sản xuất công nghiệp cá thể với 2.617 lao động, ngày càng tăng về số lượng, nhưng đó chỉ là những cơ sở nhỏ bé. Giá trị sản xuất công nghiệp (gồm cả xây dựng) năm 2011 là 127.984 triệu đồng. Sau đây là thống kê một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ở Nghĩa Hành năm 2011(10). 
TT
Sản phẩm
Số lượng
1
Đá xây dựng
9.000 m3
2
Xay xát
33.280 tấn
3
Quần áo
137.426 chiếc
4
Dày, dép da
9.570 đôi
5
Gạch nung
18.547.000 viên
6
Bánh tráng
750 tấn
7
Rượu trắng
230.000 lít
8
Giường gỗ
875 bộ
9
Ghế gỗ
2.680 chiếc
10
Bàn gỗ
710 chiếc
11
Salông
100 bộ

Tổng vốn đầu tư và xây dựng năm 2011 là 121.500 triệu đồng, trong đó có 83.605 triệu đồng nguồn vốn từ trung ương và của tỉnh(11)

Về thương mại và dịch vụ: Do vị trí địa lý, Nghĩa Hành xưa nay không phải là một trung tâm buôn bán trong tỉnh Quảng Ngãi. Thuở xưa, việc buôn bán nhỏ lẻ diễn ra phổ biến ở các chợ quê, chủ yếu để thoả mãn nhu cầu hằng ngày của người dân, mang đậm tính chất tự túc tự cấp của nền kinh tế. Tuy vậy, ở phía tây huyện có chợ phiên Tam Bảo, là nơi tập trung trao đổi, mua bán hàng hóa giữa người Kinh và người Thượng từ nhiều vùng trong và ngoài huyện. Cho đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, trên địa hạt Nghĩa Hành có 10 chợ, trong đó chợ Phú Vang (quen gọi là Chợ Chùa) và chợ Tam Bảo là lớn nhất. Thương mại – dịch vụ ở Nghĩa Hành ngày nay có chiều hướng phát triển đa dạng, năng động hơn trước rất nhiều. Thống kê cho thấy ở thời điểm năm 2011 có 3.176 cơ sở kinh doanh thương mại – dịch vụ cá thể với 3.833 lao động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là 205.500 triệu đồng(12).

Cũng như trong kinh tế, do vị trí địa lý mà cơ sở hạ tầng ở Nghĩa Hành vẫn yếu kém và thường phát triển chậm so với các huyện đồng bằng khác. Ngoài ra, do nhiều lần dịch chuyển huyện lỵ nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng chưa được tập trung, có phần chậm so với các huyện khác trong tỉnh. 

Về đường sá, cầu cống: Xưa kia, đường sá trong huyện, kể cả đường từ tỉnh lỵ Quảng Ngãi đến huyện lỵ Nghĩa Hành đều là đường đất. Các cầu hầu như chưa được xây dựng, gây nhiều khó khăn cho việc đi lại, nhất là giữa hai vùng bắc và nam sông Vệ. Nối bắc và nam sông Vệ chỉ bằng đò ngang với các bến đò Nhơn Lộc, Phú Lâm, An Chỉ, Đề An. Bên cạnh đò ngang, đường bộ, thì đò dọc theo đường thuỷ trên sông Vệ cũng khá quan trọng đối với giao lưu, buôn bán lên nguồn xuống biển. Cho đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, tỉnh lộ 627 từ tỉnh lỵ Quảng Ngãi đi Minh Long dài 30km, băng qua huyện lỵ Nghĩa Hành, chỉ mới có 11km trải nhựa. Đường từ Cây Bứa (Quốc lộ 1) đi Phú Vinh chỉ mới trải đá. Năm 1935, đường sắt được xây dựng, đoạn qua Nghĩa Hành ngắn ngủi, chỉ có 1 ga xép là ga Hòa Vinh. Một ít cầu tre gỗ được bắc qua các suối, sông nhỏ. Trên tỉnh lộ chỉ xây 2 cầu chìm đến huyện lỵ, là cầu Bến Đá và cầu Xóm Xiếc, khá nguy hiểm và thường bị ách tắc về mùa mưa. Riêng việc đi lại qua sông Vệ vẫn phải dùng đò. Về sau, cầu Cộng Hòa được xây dựng nối hai bờ nam – bắc sông Vệ, sau bị sập. Trải hai cuộc kháng chiến, hệ thống đường sá ở Nghĩa Hành vốn đã yếu kém còn bị tàn phá nặng. Từ sau 1975, hệ thống đường sá, cầu cống mới được dần dần khôi phục, xây dựng.
Hệ thống đường sá, cầu cống ở Nghĩa Hành ngày nay gồm các công trình chính như sau:
Tỉnh lộ 627 xuất phát từ tỉnh lỵ Quảng Ngãi đến huyện lỵ Nghĩa Hành 9km, đến huyện lỵ Minh Long30km đã được trải nhựa;
Tỉnh lộ Cây Bứa – Chợ Chùa dài 8km, đã trải nhựa;
Tỉnh lộ 135 từ Đồng Cát trên Quốc lộ 1 trực chỉ hướng tây qua các xã thuộc huyện Mộ Đức, qua đèo Lộc Lãnh nối với Nghĩa Hành ở Nhơn Lộc (Hành Tín Đông), đã trải nhựa;
Tuyến đường xuất phát từ Quán Lát (huyện Mộ Đức) tuyến đường Quốc lộ 1, chạy dọc các xã Hành Thịnh, Hành Thiện, nối với tuyến Nghĩa Hành – Ba Tơ ở phía nam cầu Cộng Hòa, đã trải nhựa;
Tuyến đường từ Hành Thiện (cầu Cộng Hòa) dọc bờ nam sông Vệ, qua xã Hành Tín Đông nối với Quốc Lộ 24 tại km 15, đã trải nhựa. Đến năm 2005, phần đường đã tráng nhựa trên địa hạt Nghĩa Hành tổng cộng 90km. Các đường liên xã được bêtông hóa tổng cộng 90km. Các đường vào thôn xóm đều được nâng cấp, mở rộng.

Các cầu trên trục lộ 627: cầu Xóm Xiếc, cầu Bến Đá, cầu Ngắn, cầu Dài đều đã được xây dựng bêtông. Từ khi kênh chính Nam Thạch Nham hoàn thành (1996), xiphông sông Vệ được xây dựng và tận dụng nối hai bờ sông Vệ, việc đi lại giữa nam và bắc huyện trở nên thuận tiện hơn nhiều. Đặc biệt cầu Cộng Hòa bị sập trong chiến tranh đã được xây dựng lại và đưa vào sử dụng từ tháng 9.2004, dài 263m, rộng 9m, gồm 11 nhịp. Cầu này mở thông đường 627 với trục lộ nối liền với Quốc lộ 24. Các cầu qua các sông suối khác hầu hết đã được xây dựng bằng bêtông.

Điện: Điện chỉ thực sự xuất hiện ở Nghĩa Hành từ năm 1976, sau đó dần dần lan toả đến hầu hết các địa bàn trong huyện, phục vụ đắc lực cho sản xuất và sinh hoạt.

Thông tin liên lạc: Xưa kia, địa bàn Nghĩa Hành không nằm trên trục đường Thiên Lý và không có dã trạm vận chuyển công văn. Thời Pháp thuộc, dã trạm mở rộng đến huyện, chuyển công văn thư từ từ tỉnh đến huyện và đến châu Minh Long. Thời kháng chiến chống Pháp, điện thoại có sự kết nối từ tỉnh đến huyện. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ có ban giao bưu huyện. Từ 1975 đến 1978, lực lượng giao liên tiếp tục phục vụ thông tin liên lạc trong huyện. Năm 1978, bưu điện huyện được thiết lập. Đường dây điện thoại kéo về các xã. Đến nay có bưu cục trung tâm đóng ở thị trấn huyện lỵ, 11 xã khác trong huyện đều có bưu điện văn hóa xã. Thời điểm 2005, có 2 tổng đài điện thoại với dung lượng 6.000 số. Số máy điện thoại cố định trên mạng cuối 2005 có 4.732 máy và 161 máy điện thoại di động.

Các cơ sở hạ tầng khác như trường học, trạm y tế đã xây dựng khá tốt, có tác động sâu sắc đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Nghĩa Hành xác định phương hướng phát triển kinh tế trong tương lai là: ra sức cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ, nhằm tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển ổn định, bảo đảm chất lượng theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trong nông nghiệp đáng chú ý có việc đẩy mạnh chăn nuôi, kết hợp nông – lâm nghiệp, mở rộng phát triển trang trại, vườn rừng, xây dựng mô hình vườn – ao – chuồng.
Trong công nghiệp, Nghĩa Hành đang xúc tiến xây dựng cụm công nghiệp làng nghề Đồng Dinh với diện tích 50ha theo hướng cụm công nghiệp tổng hợp, đa nghề, nhằm tận dụng nguyên vật liệu và nhân công tại chỗ. Cụm công nghiệp này sẽ là một bước đột phá, thúc đẩy công – thương nghiệp phát triển với tỉ lệ cao trong cơ cấu kinh tế của huyện.
         
Trong các di sản văn hóa ở Nghĩa Hành, di sản văn hóa Việt đáng chú ý và nổi bật nhất là văn hóa làng xã với tình làng nghĩa xóm bền chặt từ lâu đời. Nghĩa Hành có di tích kiến trúc đình làng An Định (xã Hành Dũng) đã được xếp hạng di tích, được coi là đình làng đẹp ở Quảng Ngãi còn bảo tồn được đến ngày nay. Các cuộc kháng chiến anh dũng ở Nghĩa Hành cũng để lại những di tích quý giá như di tích trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ, di tích Trường Trung học Bình dân miền Nam Trung Bộ, di tích chiến thắng Đình Cương (đã được xếp hạng di tích); di tích chiến thắng Hành Thịnh… Ngoài ra, Nghĩa Hành còn có khu chứng tích tội ác ở Khánh Giang – Trường Lệ, nơi quân viễn chinh Mỹ tàn sát 63 thường dân năm 1969.

Trải qua các cuộc kháng chiến, người dân Nghĩa Hành bảo lưu nếp sống và sinh hoạt cổ truyền tốt đẹp của dân tộc. Từ 1945, nhân dân đã dần dần loại trừ các hủ tục trong đời sống, xây dựng nếp sống mới văn minh, hiện đại. Từ năm 1975 đến nay, việc xây dựng nếp sống văn minh tiếp tục được chú trọng đẩy mạnh. Các di tích lịch sử – văn hóa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy. Đình làng An Định được lập hồ sơ xếp hạng di tích. Trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ được phục dựng, tôn tạo. Di tích chiến thắng Đình Cương, khu chứng tích tội ác ở Khánh Giang – Trường Lệ đã được xây dựng tượng đài. Phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển rộng rãi, đều khắp và khá nổi bật. Về thông tin tuyên truyền, ở huyện có đài truyền thanh huyện, ở các xã có đài truyền thanh xã. Ở huyện có thư viện huyện. Tuy vậy, nhìn chung các thiết chế văn hóa ở Nghĩa Hành vẫn còn thiếu và yếu. Huyện chưa có nhà văn hóa huyện, ở hầu hết các xã cũng chưa có nhà văn hóa, do chưa được đầu tư xây dựng.

Trên lĩnh vực giáo dục, thời kỳ Nho học, chủ yếu là lớp học tại gia và số người đỗ đạt không nhiều bằng các huyện đồng bằng khác trong tỉnh. Trong số những nhà khoa bảng quê ở Nghĩa Hành, người có học vị cao nhất là Phó bảng Võ Duy Thành. Những người nổi tiếng trong hoạt động cứu nước có các Cử nhân Võ Duy Ninh, Lê Tựu Khiết, Lê Đình Cẩn. Thời Tân học (trước Cách mạng tháng Tám 1945) ở địa hạt Nghĩa Hành có bậc Sơ học bản xứ với 1 trường Sơ đẳng Tiểu học tại huyện lỵ với 3 lớp, 4 giáo viên, 72 học sinh; 3 trường Dự bị rải rác ở các tổng trong huyện với 10 lớp, 10 giáo viên, 224 học sinh(13). Hầu hết nhân dân trong huyện mù chữ.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, công tác xoá mù chữ, bình dân học vụ được đặt lên hàng đầu và đã giải quyết tốt tình trạng mù chữ. Các xã trong huyện đều có trường Tiểu học. Đến năm 1951, ở huyện có trường cấp II. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có 2 trường Trung học lớn của Liên khu V là Trường Trung học Lê Khiết và Trường Trung học Bình dân miền Nam Trung Bộ, nơi ươm mầm nhiều trí thức cách mạng cho đất nước. Các nhà giáo quê ở Nghĩa Hành như các ông Nguyễn Vỹ, Tú Tiên đóng vai trò quan trọng ở các trường này. Đến thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở vùng giải phóng, cách mạng có mở các lớp Tiểu học dành cho trẻ em và các lớp Bổ túc văn hóa dành cho người lớn. Ở vùng tạm chiếm do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, việc dạy học cũng có sự phát triển nhất định. Ở xã có trường Tiểu học. Ở quận lỵ có trường Trung học.
Từ sau 1975, hệ thống giáo dục ở Nghĩa Hành phát triển khá hoàn chỉnh. Trên địa bàn huyện có 2 trường Trung học phổ thông, ở các xã đều có trường Trung học cơ sở, các trường Tiểu học. Theo số liệu thống kê năm 2011, số lượng trường lớp, giáo viên và học sinh trong toàn huyện như sau(14):
TT
Cấp học
Số trường
Số lượng lớp
Số giáo viên
Số học sinh
1
Mẫu giáo
14
109
146
2.773
2
Tiểu học
17
236
308
6.139
3
Trung học cơ sở
12
174
372
5.611
4
Trung học phổ thông
3
84
167
3.705

Nhiều người Nghĩa Hành trở thành những trí thức đáng chú ý của đất nước như các Giáo sư Tô Duy Hợp, Cao Văn Sung, Nguyễn Tấn Cừ, các nhà giáo Trần Văn Thận, Nguyễn Văn Giai…

Về y tế và chăm sóc sức khoẻ,thời xưa ở Nghĩa Hành chủ yếu chữa bệnh theo các bài thuốc cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, Đông y. Tây y mới manh nha đầu thế kỷ XX. Ngày nay, ở huyện có một trung tâm y tế huyện với 140 giường bệnh, 18 bác sĩ, y sĩ, có đội vệ sinh phòng dịch. Ở xã, thị trấn có trạm y tế. Tổng số cán bộ y tế trong huyện có 151 người, trong đó có 18 bác sĩ, 8 dược tá(15).

 

Về xã hội, vấn đề xã hội lớn nhất là tình trạng thiếu việc làm. Có hàng nghìn nam nữ thanh niên nông dân còn thiếu việc làm, phần lớn phải tìm việc làm ở các tỉnh phía nam. Người dân cũng thường thiếu việc làm trong lúc nông nhàn. Tình trạng nghèo đói về cơ bản đã giảm nhiều, tuy nhiên vẫn còn khoảng 9,80% hộ nghèo (năm 2010); năm 2011, số hộ nghèo theo chuẩn mới là 4.530 hộ, chiếm 20,32% tổng số hộ. Để giải quyết tình trạng này, nhiều biện pháp đã và sẽ được tiếp tục thực hiện như trợ giúp xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết (đến năm 2011 đã xây dựng được 10 nhà tình nghĩa, 197 nhà đại đoàn kết), mở làng nghề, mở rộng sản xuất tiểu thủ công nghiệp, cho vay vốn, trợ cấp… Một số tệ nạn xã hội ở Nghĩa Hành có xảy ra, nhưng ở mức độ thấp.


(1) Theo Niên giám thống kê huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi 2011.
(2) Nguồn: Niên giám thống kê huyện Nghĩa Hành 2011.
(3) Về các nhân vật Võ Duy Ninh, Lê Đình Cẩn, Lê Tựu Khiết, Nguyễn Công Phương xem thêm Chương XI: Các nhân vật lịch sử tiêu biểu.
(4) Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, tập II, bản dịch của Lê Xuân Giáo, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa Sài Gòn xuất bản, 1972, tr. 208.
(5) Các số liệu trên đều lấy từ Nguyễn Bá Trác và các tác giả: Quảng Ngãi tỉnh chí, Nam phong tạp chí, 1933. Bản đánh máy lưu tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.
(6) Nguồn: Theo Niên giám thống kê huyện Nghĩa Hành 2011.
(7) Nguồn: Theo Niên giám thống kê huyện Nghĩa Hành 2011.
(8) Nguyễn Bá Trác và các tác giả: Quảng Ngãi tỉnh chí, sđd.
(9) Theo Niên giám thống kê huyện Nghĩa Hành 2004.
(10) Nguồn: Niên giám thống kê huyện Nghĩa Hành 2011.
(11) Theo Niên giám thống kê huyện Nghĩa Hành 2011.
(12) Theo Niên giám thống kê huyện Nghĩa Hành 2011
(13) Theo Nguyễn Bá Trác và các tác giả: Quảng Ngãi tỉnh chí, sđd.
(14) Theo Niên giám thống kê huyện Nghĩa Hành 2011
(15) Theo Niên giám thống kê huyện Nghĩa Hành 2011, tr. 93.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây