Giới thiệu khái quát huyện Thới Bình

Giới thiệu khái quát huyện Thới Bình

Giới thiệu khái quát huyện Thới Bình

Huyện Thới Bình nằm về phía Bắc tỉnh Cà Mau, diện tích tự nhiên 639,97 km2, bằng 12,04% diện tích tự nhiên của tỉnh. Phía Đông tiếp giáp với tỉnh Bạc Liêu, chiều dài 22,7km; Phía Tây tiếp giáp với huyện U Minh, chiều dài 47,6km;  Phía Nam tiếp giáp với TP.Cà Mau, chiều dài 23,5km; Phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang, chiều dài 46,5km.

Địa giới hành chính của huyện được chia thành 11 xã và 01 thị trấn (Gồm các xã: Biển Bạch Đông, Biển Bạch, Tân Bằng, Trí Phải, Trí Lực, Tân Phú, Thới Bình, Tân Lộc Bắc, Tân Lộc, Tân Lộc Đông, Hồ Thị Kỷ và thị trấn Thới Bình); trong đó có 01 xã thuộc chương trình 135 và 04 xã thuộc diện khó khăn; với 103 ấp – khóm; dân số có 29.352 hộ gồm 140.604 khẩu; có 03 dân tộc: Kinh – Hoa – Khmer.

Lịch sử hình thành và phát triển Huyện Thới Bình

Năm 1956, trong điều kiện tuyệt đối bí mật, tại Lung Lá xóm Ngã Cạy, thuộc ấp 6 xã Tân Lợi (nay là xã Hồ Thị Kỷ), Tỉnh ủy đã công bố quyết định thành lập huyện Thới Bình, chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lâm thời. Lúc này huyện Thới Bình mang mật danh là “Mười Cư” và bí số “301”.

Vào khoảng cuối thế kỷ XVII, lịch sử đã ghi nhận vùng đất Thới Bình ngày nay, lúc bấy giờ đã xuất hiện một số người Kinh từ miền Bắc, miền Trung vào đây khai phá – họ là những người lao động nghèo khổ, đầy lòng dũng cảm, không khuất phục trước cường quyền, ác bá, đã rời bỏ quê hương đến đây làm ăn sinh cơ lập nghiệp. Bên cạnh đó, còn có những người bị Chúa Nguyễn lưu đày biệt xứ. Về sau, người Hoa, người Khmer xuất hiện, chung tay cùng người Kinh khai hoang lập nghiệp trên vùng đất Thới Bình. Đến khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở đây đã hình thành các cụm dân cư rải rác, có tên gọi thường gắn liền với những sự kiện nổi bật hoặc tên tuổi của những người đầu tiên đến đây khai phá vùng đất này. Đến giai đoạn triều Nguyễn, vùng đất này được gọi là làng Thới Bình gồm 4 thôn: Tân Thới, Kiến An, Cửu An và Tân Bình. Khi thực dân Pháp xâm lược và đặt ách đô hộ, chúng sáp nhập 4 thôn này lại thành làng Thới Bình thuộc tổng Long Thới, quận Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu.

1 - Giới thiệu khái quát huyện Thới Bình

Thới Bình, cái tên thân thương, với bao tình cảm đằm thắm, thơ mộng gắn liền với những tên đất, tên làng, tên người và tên của những sự kiện, chiến công như: Thới Bình thôn, Chợ Hội, Xóm Sở, Tân Bằng, Thủ Châu, Lão Khoa, Cái Bát, … Cùng với những tên sông, tên kênh, tên rạch: Tràm Trẹm, Chắc Băng, Bạch Ngưu, Bà Đặng, Ông Hương, Bà Hội,… và biết bao kỳ tích của những lớp người, đời này qua đời khác cùng nhau rửa mặn, tháo chua, chế ngự thiên nhiên, khai hoang, trồng lúa, giăng câu, thả lưới, nuôi tôm, … và có biết bao những anh hùng của dân tộc, những vị lãnh tụ của đất nước, những con người bất khuất, kiên trung đã sinh ra, lớn lên, hoạt động trên mảnh đất Thới Bình thân thương này, họ đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống dân tộc và rạng danh cho quê hương.

2 - Giới thiệu khái quát huyện Thới Bình

Là huyện anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nằm về phía Bắc tỉnh Cà Mau, thuộc vùng U Minh Hạ. Ngày mới thành lập, huyện có 8 xã (Thới Bình, Biển Bạch, Trí Phải, Tân Phú, Tân Lộc, Tân Lợi, An Xuyên và Tân Thành); thời gian sau đó, xã An Xuyên và Tân Thành giao lại cho Thị xã Cà Mau; từ năm 1963 đến năm 1967, trên giao xã Vĩnh Thuận và xã Vĩnh Phong của huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang cho Thới Bình. Đến năm 1972, tỉnh giao thêm cho Thới Bình 3 xã (Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Lâm), nhưng đến năm 1979 khi thành lập huyện U Minh thì 3 xã này thuộc địa phận U Minh. Hiện nay, diện tích tự nhiên của huyện 63.997 ha, dân số 142.682 người; có 12 đơn vị hành chính gồm 11 xã và 01 thị trấn. Đất Thới Bình vốn là vùng phù sa, bãi bồi lấn biển, đất đai khá màu mỡ nhưng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn trên diện rộng, nhiều vùng trũng sâu; địa hình có trên 278 tuyến sông, kênh, rạch lớn, nhỏ đan xen chằng chịt, tạo thành thế liên hoàn, một mặt tạo thuận lợi về giao thông đường thủy, nhưng mặt khác gây khó khăn cách trở cho giao thông đường bộ.

Mang trong mình dòng máu Lạc Hồng và khí chất phóng khoáng của vùng đất chín rồng, con người Thới Bình từ bao đời nay truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau, chịu thương, chịu khó, cần cù trong lao động sản xuất, sáng tạo giỏi giang trong trồng trọt, chăn nuôi, khéo tay đương đát, thêu thùa, dệt chiếu…

4 - Giới thiệu khái quát huyện Thới Bình

Trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến, huyện Thới Bình cùng với huyện U Minh là địa bàn chính của vùng căn cứ cách mạng – nơi đứng chân của nhiều cơ quan đầu não của Tỉnh ủy, Khu ủy, Trung ương cục miền Nam,…; các đồng chí cố Tổng bí thư Lê Duẩn, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp đã từng bám trụ nơi đây, được rừng tràm và nhân dân Thới Bình che chở, để lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam trong những năm chiến tranh ác liệt nhất. Và cũng trong những năm tháng ấy, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị  – một chủ trương mang tầm vóc chiến lược về cách mạng miền Nam đã được “thai nghén và lớn lên” trên vùng đất này.

5 - Giới thiệu khái quát huyện Thới Bình

Thới Bình là một trong những trọng điểm đánh phá hết sức ác liệt của kẻ thù. Chúng đã sử dụng đủ các loại phương tiện, vũ khí chiến tranh hiện đại lúc bấy giờ để càn quét, vây ráp, chà đi, xát lại bởi hai gọng kìm “bình định” và “tìm diệt”, để thực hiện cho được chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh”, nhằm tiêu diệt toàn bộ cơ quan đầu não và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng ta. Nhưng đạn bom và sự tàn phá của kẻ thù không thể khuất phục được ý chí của quân và dân Thới Bình, mà càng nung nấu thêm lòng căm thù quân xâm lược và ý chí chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.

Với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do” và sự quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân Thới Bình đã phát huy tối đa ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực khắc phục khó khăn, kiên trung che chở, đùm bọc, bảo vệ an toàn cho căn cứ cách mạng và các đồng chí lãnh đạo; đồng thời, ra sức xây dựng lực lượng về mọi mặt, kề vai sát cánh cùng với quân, dân toàn miền Nam và cả nước anh dũng chiến đấu, từng bước đánh bại tất cả các âm mưu, chiến lược của kẻ thù: nào là chiến thuật “Đánh nhanh thắng nhanh”, “Tháp canh”, “Vết dầu loang” của thực dân Pháp hay chính sách “Tố cộng, diệt cộng”, “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật” của chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, cho đến chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh” khét tiếng dã man và 5 chiến lược chiến tranh khổng lồ của đế quốc Mỹ,… để cuối cùng đi đến toàn thắng bằng chiến dịch lịch sử mùa Xuân 1975.

Tổng kết lịch sử 30 năm chiến tranh chống kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai bán nước từ năm 1945 đến năm 1975, quân và dân Thới Bình đã tổ chức trên 6.000 trận đánh vũ trang lớn nhỏ, tiêu diệt trên 17.600 tên, bắt sống 1.061 tên giặc; bên cạnh đó, còn tổ chức hơn 9.450 cuộc đấu tranh chính trị; đưa hơn 5.000 chiến sĩ bổ sung cho lực lượng vũ trang tuyến trên, huy động trên 130.000 lượt dân công, đóng góp hơn 1.900 tấn lương thực – thực phẩm cho chiến trường. Tuy nhiên, bên cạnh những chiến công, chiến thắng hết sức oanh liệt ấy thì những tổn thất, mất mát mà quân và dân Thới Bình phải gánh chịu là vô cùng to lớn và không thể bù đắp được: Trong 30 năm ấy, đã có 3.315 chiến sĩ hy sinh, 3.049 chiến sĩ thương binh, bệnh binh, cùng với hàng nghìn người dân vô tội bị giết chết, hàng chục nghìn căn nhà, hàng vạn ha vườn rẫy bị bom đạn của kẻ thù tàn phá; nhiều vùng đất, nhiều ngôi làng bị thiêu rụi hoàn toàn bởi máy bay B52 rải thảm và bởi chất độc da cam/điôxin của kẻ thù.

Từ những chiến công hiển hách, sự đóng góp to lớn về sức người, sức của, cùng với những mất mát, hy sinh ấy, huyện Thới Bình vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu huyện Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cùng với 4 xã: Biển Bạch, Tân Lộc, Hồ Thị Kỷ, Trí Phải (nay là 9 xã: Biển Bạch, Tân Bằng, Biển Bạch Đông, Tân Lộc, Tân Lộc Bắc, Tân Lộc Đông, Hồ Thị Kỷ, Trí Phải và Trí Lực; 04 anh hùng lực lượng vũ trang (Lê Hoàng Thá, Hồ Thị Kỷ, Lê Công Nhân, Trần Hữu Hạnh và 409 Mẹ Việt Nam anh hùng; Ngoài ra, huyện còn được phong tặng Huân chương quân công hạng nhì, Huân chương giải phóng hạng nhất, Huân chương quyết thắng hạng nhất, nhì và ba, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Chiến tranh qua đi, đất nước ta đã liền một dải thống nhất từ Bắc chí Nam, nhân dân ta đã giành lại được độc lập, tự do, nhưng nhiệm vụ cách mạng của quân, dân cả nước nói chung và quân, dân huyện nhà nói riêng lúc này đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức to lớn do hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại và do sự trì trệ, yếu kém của nền kinh tế – xã hội đang vận hành, điều tiết, quản lý bởi cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Song, phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, quân và dân Thới Bình đã đứng lên từ đống đổ nát, ra sức khắc phục khó khăn, bắt tay vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội theo con đường chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt từ năm 1986, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã thổi luồng gió mới làm hồi sinh mạnh mẽ vùng đất chua mặn Thới Bình. Chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, huyện nhà đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Giai đoạn 2000 – 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 9,6%; tình hình chính trị, xã hội ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có nhiều cải thiện đáng kể.

10 - Giới thiệu khái quát huyện Thới Bình

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống quê hương anh hùng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng quê hương Thới Bình giàu mạnh, văn minh, hiện đại. Trước mắt, tập trung thực hiện môt số nhiệm vụ trọng tâm là: dồn sức khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội nhanh hơn, mạnh hơn gắn với tăng cường xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ngư – nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường các nguồn lực đầu tư thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với từng bước quy hoạch, phát triển một số đô thị, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở những nơi có điều kiện. Quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân./.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây