Giới thiệu khái quát huyện Vĩnh Cửu

Giới thiệu khái quát huyện Vĩnh Cửu

Giới thiệu khái quát huyện Vĩnh Cửu

    Vĩnh Cửu là một huyện của tỉnh Đồng Nai, nằm ở tả ngạn sông Đồng Nai, có diện tích 1.073,1 km2 (15.473 hecta), chiều dài đông tây đoạn dài nhất 32 km, chiều nam bắc đoạn dài nhất 14 km (diện tích rừng tự nhiên 54.862 ha, diện tích mặt nước chuyên dùng 15.857 ha). Vĩnh Cửu có 12 đơn vị hành chín​h gồm: 11 xã và 01 thị trấn; dân số khoảng 140.377 người; mật độ dân số 128 người/km2.

      Huyện Vĩnh Cửu phía tây, tây nam, tây bắc giáp huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; phía đông giáp huyện Định Quán; đông bắc giáp rừng Quốc gia Nam Cát Tiên và huyện Tân Phú; phía nam giáp thành phố Biên Hòa, đông nam giáp huyện Thống Nhất. Nhìn chung về địa thế, huyện Vĩnh Cửu như một bán cù lao với sông Đồng Nai và sông Bé bao bọc từ hướng tây nam lên đông bắc. Ngoài ra, huyện Vĩnh Cửu còn có hồ thủy điện Trị An tạo thành nhiều đảo lớn nhỏ (hai đảo lớn là Đồng Trường và Ó), tạo thành một cảnh quan sinh thái và môi trường phù hợp với việc khai thác du lịch.
II. LỊCH SỬ
      1. ĐỊA LÝ LỊCH SỬ
      Lịch sử địa lý huyện Vĩnh Cửu gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Đồng Nai trên 300 năm.
      Trước thế kỷ 17, vùng đất thuộc huyện Vĩnh Cửu ngày nay còn là một vùng đất rừng rậm hoang vu, bởi như nhà sử học Lê Quý Đôn trong tác phẩm Phủ Biên tạp lục viết vào thế kỷ 18 vẫn cho rằng đất Đồng Nai (tức Nam bộ) từ Soi Rạp đến cửa Đại, cửa Tiểu là rừng rậm kéo dài hàng nghìn dặm. Người Việt có mặt trên đất Vĩnh Cửu có lẽ vào thế kỷ 17. Họ là những người nông dân phản kháng sự áp bức của chế độ phong kiến và chống đối chiến tranh của hai tập đoàn Trịnh (phía Bắc) và Nguyễn (phía Nam), nên đã tìm về phía Nam để sinh sống. Từ Mô Xoài (Bà Rịa), người Việt có khi đi lẻ tẻ, khi đi thành từng nhóm đã theo sông Lòng Tàu rồi ngược sông Đồng Nai, và cuối cùng tìm mảnh đất phì nhiêu ven sông Đồng Nai để định cư và canh tác. Địa điểm đầu tiên có thể là Bến Cá. Cùng với Cù Lao Phố, vùng Bến Cá là một trong những địa phương sớm có người Việt đến lập làng, khai phá.
      Năm 1985, huyện Vĩnh Cửu đổi thành thị xã Vĩnh An, địa giới hành chính bao gồm hai Lâm trường Mà Đà và Hiếu Liêm, 2 phường Trị An và Cây Gáo cùng 11 xã: Bình Hoà, Bình Phước, Tân Triều, Bình Ý, Lợi Hoà, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Long, Thiện Tân, Tân Định, Đại An.
      Ngày 29-8-1994, Chính phủ ra Nghị định số 109/ CP, thành lập lại huyện Vĩnh Cửu gồm 1 thị trấn Vĩnh An và 9 xã là Bình Hoà, Bình Lợi (Bình Long-Lợi Hoà), Phú Lý, Tân An (Đại An-Tân Định), Tân Bình (Tân Triều-Bình Ý-Bình Phước), Thạnh Phú (Bình Thạnh-Tân Phú), Thiện Tân, Trị An (phường Trị An), Vĩnh Tân (phường Cây Gáo).
      Hiện nay, địa giới hành chính của huyện  gồm 1 thị trấn (Vĩnh An) và 11 xã ( Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi, Thạnh Phú, Thiện Tân, Tân An, Trị An, Hiếu Liêm, Mã Đà, Vĩnh Tân, Phú Lý).
      2. ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN
      Huyện Vĩnh Cửu thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa. Mỗi năm có hai mùa (nhưng không ổn định), mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa không đều, lớn nhât ở khu vực Trị An, thường vào tháng tám lưu lượng mưa lớn nhất từ 2.000 – 2.500mm.
Về thố nhưỡng, huyện Vĩnh Cửu thuộc vùng thoái và dốc, có thế chia làm 3 loại đất chính:
      + Đất phù sa mới: phân bố dọc sông Đồng Nai từ ngã ba sông Bé và sông Rạch Đông đến Tân An, ThiệnTân; dọc hai bện sông Rạch Đông xuống Bình Lợi, Tân Bình, Bình Hoà… thuộc loại đất phù sa mới thích hợp với việc trồng các loại cây lương thực như lúa, cây công nghiệp như mía, đậu các loại, cây ăn trái như bưởi, nhãn…
      + Đất đỏ trên đá phiến thạch và biến chất: nhóm đất này thường có độ cao từ 100 đến 300 mét, độ dốc chung 20m như ở Trị An, Tân An. Đất thích hợp với việc trồng rừng hay trồng cỏ chăn nuôi gia súc, các loại cây công nghiệp như cao su, trà, cây lương thực như bắp, mì, khoai…
      + Đất nâu vàng trên phù sa cổ: có địa hình gợn sóng, độ cao từ 10 đến 45m, độ dốc trung bình dưới l0m. Loại đất này có ở các xã Tân Bình, Thạnh Phú, Bình Lợi, Thiện Tân, có thể canh tác các loại cây ăn trái có rễ sâu, chịu hạn.
      Nhà máy thuỷ điện Trị An ở thượng nguồn sông Đồng Nai, huyện Vĩnh Cửu là tượng đài chiến thắng của cách mạng sau chiến tranh.
      Nhà máy khởi công đổ khối bê tông đầu tiên ngày 23- 9- 1985. Hàng ngàn thanh niên thành phố lên công trường Trị An. 19 ngàn dân Đồng Nai ở Chiến khu Đ di dân khỏi lòng hồ, chịu biết bao thiệt thòi, hi sinh cho đại sự. Hàng triệu lượt người dân Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Quân khu 7… kéo lên làm trắng lòng hồ… Hồ Trị An dài 30km, rộng 10km, nơi sâu nhất 24m. Diện tích mặt hồ ở cốt 62 là 32.300ha với 78 đồi núi biến thành đảo nổi. Đáy hồ có 30.000 ha rừng. Đây là 1 trong 3 hạng mục chính của công trình thuỷ điện Trị An.  Đập tràn có 8 khoang tràn, mỗi khoang rộng 15m, xả lũ với lưu lượng 19.000m3/giây với tổng khối lượng đào móng 1,5 triệu m3 đất đá và đổ 150.000m3 bê tông cốt thép. Đập chính ngăn sông dài 960m, cao 40m, khối lượng đào đắp 1,6 triệu m3… Toàn bộ công trình với khối lượng đào đắp 45 triệu m3 đất đá, đổ gần 40 vạn m3 bê tông, khoan phụt 63 ngàn m3 xi măng xử lý lòng hồ, lắp ráp 13 ngàn tấn thiết bị sắt thép; sử dụng hàng vạn tấn sắt thép, hàng chục vạn tấn cát sỏi, xây dựng hàng chục vạn m2 kho tàng, và cả một hệ thống cầu đường, bến cảng, điện nước, khai thác vật liệu…10 giờ ngày 12- 1- 1987, hàng vạn người trên công trường chứng kiến giờ phút ngăn sông Đồng Nai. Hơn 300 ô tô, xe máng trút xuống dòng sông hàng ngàn mét khối đá hộc, bê tông. Dòng chảy vạn kiếp của sông Đồng Nai qua thác Trị An vĩnh viễn bị chặn lại. Sau những tháng ngày lao động cật lực của cán bộ, công nhân và chuyên gia Liên Xô, ngày 31- 1- 1987, tổ máy số 1 khởi động và đến ngày 27- 4, chính thức hòa vào lưới điện quốc gia, sau 100 ngày đêm gian khổ sửa chữa đường ống số 1 bị sự cố nứt rạn. Ngày 5- 9- 1989, tổ máy số 4 cũng là tổ máy cuối cùng của nhà máy Thuỷ điện Trị An vận hành đưa dòng điện vào cuộc hành trình của đất nước. Sau 5 năm xây dựng, nhà máy Thuỷ điện Trị An một công trình thế kỷ ở Chiến khu Đ đã đi vào hoạt động với công suất 400Kw, điện lượng 1.760 Kwh là biểu tượng rực rỡ của ý chí Việt Nam, là bài ca bất hủ của tình hữu nghị Việt Nam- Liên Xô. Đây là công trình thủy điện lớn ở miền Nam, đảm bảo nguồn điện cung cấp cho các tỉnh, thành phía Nam, cung cấp nguồn nước canh tác cho Đồng Nai, Bình Dương và một phần của thành phô Hồ Chí Minh. Ngoài ra, hồ còn có công dụng điều tiết lũ, nuôi trồng thủy sản, cải thiện môi trường sống và tạo ra những cảnh quan du lịch thích hợp.
      Trên địa bàn huyện có Khu Bảo tồn thiên nhiên- văn hóa Đồng Nai (KBT) được thành lập năm 2004, trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị, gồm: lâm trường Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An; Ban Quản lý di tích Chiến khu Đ và Trung tâm Thủy sản Đồng Nai. Tổng diện tích  KBT là  100.303 ha, trong đó diện tích  rừng, đất rừng và di tích là 67.903 ha, hồ Trị An là 32.400 ha. KBT là vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai.
      2. ĐỊA LÝ NHÂN VĂN.
      Nhân dân huyện Vĩnh Cửu mang tín ngưỡng thờ cúng tố tiên, ông bà, nhiều lễ nghi như cưới hỏi, tang lễ…còn giữ được tập tục truyền thống như nhân dân ở Nam bộ, nhưng có đơn giản hơn, phù hợp với cuộc sống mới. Trong mỗi nhà ở của người dân, thường nơi trang trọng nhất dành cho việc đặt bàn thờ cúng ông bà, tổ tiên, nhiều vùng có nhà từ đường như ở Tân Triều, Bến Cá, Bình Phước (nhưng cũng chỉ từ năm 1954 trở lại đây). Việc trang trí bàn thờ cũng không khác so với các vùng quê ở Nam bộ, hàng năm việc kỵ giỗ được tổ chức trang trọng, thể hiện tinh thần tôn trọng gia tiên, là dịp sum họp các thế hệ trong gia tộc. Nhiều gia đình, ngoài việc thờ tổ tiên còn thờ cúng Quan Công, thổ công, thổ địa, ông táo, thờ Bà (thờ Mẫu).
      Lưu dân Việt từ miền Trung, miền Bắc vào, vốn hoài niệm về quê cha đất tổ, giữ gìn truyền thống dân   tộc, do đó khi vào Vĩnh Cửu, đoàn kết tương trợ nhau, từ đó hình thành tín ngưỡng gắn với cộng đồng xã hội,        phổ biến xoay quanh việc xây dựng thờ cúng ở đình miếu. Đình, miếu ở Vĩnh Cửu với ý nghĩa đó không chi là nơi thờ cúng, tế tự, mà còn là nơi diễn ra những sinh hoạt tinh thần mang tính cộng đồng. Qua việc xây dựng đình, miếu cũng phần nào thể hiện được quá trình hình thành sớm hay muộn của xã ấp hoặc vùng đất. Hầu hết các xã trong huyện Vĩnh Cửu đều có đình làng, đặc biệt như xã Tân Bình có đến 12 đình. Hầu hết đình thờ những vị phúc thần, Thành hoàng bổn cảnh, hoặc những anh hùng dân tộc có công với dân tộc, đất nước. Mỗi đình hàng năm đều có Lễ Kỳ yên riêng.
      3. TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH
      Trên địa bàn huyện có nhiều Di tích lịch sử ghi dấu những chiến công của cha ông trong những năm đấu tranh giải phóng dân tộc như Di tích Trung ương cục miền Nam, Di tích Khu ủy miền Đông, Di tích Địa đạo Suối Linh, Di tích Nhà Bia thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên Bình Phước – Tân Triều…
      3.1). Trung ương cục miền Nam
      Cách đây gần 50 năm, trước tình hình chuyển biến của cách mạng miền Nam, tháng 1/1961, Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam bộ và xây dựng căn cứ tại Chiến khu Đ, nay là xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Chính tại căn cứ lịch sử này, Trung ương cục miền Nam đã chỉ đạo mở hành lang chiến lược từ miền Đông Nam bộ nối thông với tuyến đường từ miền Bắc vào, nối tiếp đường Trường Sơn huyền thoại, tiếp nhận sự chi viện to lớn của miền Bắc XHCN cho Đảng bộ và quân dân miền Nam trên tuyến đầu chống Mỹ, cứu nước. Trung ương Cục miền Nam tuy chỉ đứng chân ở Chiến khu Đ trong 2 năm 1961- 1962, nhưng đó là một dấu ấn sâu sắc thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng trong vấn đề xây dựng và phát triển căn cứ địa, xây dựng hậu phương cách mạng tại chỗ ở miền Nam. Đến tháng 1/2004, Bộ Văn hóa thông tin đã ra quyết định công nhận địa điểm Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại chiến khu Đ là Di tích Quốc gia.
      3.2). Di tích địa đạo Suối Linh ở lâm trường Hiếu Liêm, Vĩnh Cửu
      Là “căn cứ” của Ban Thông tin Khu ủy miền Đông đứng chân trong giai đọan 1962-1967. Toàn bộ di tích nằm trên đỉnh đồi có diện tích khoảng 30 ha. Di tích được cấu thành bởi hệ thống giao thông hào, hệ thống địa đạo và hệ thống hầm trú ẩn. Hệ thống giao thông hào có chiều dài tổng cộng 260,7m; nối thông vào lòng địa đạo và chỉ có một tuyến duy nhất. Hệ thống địa đạo có chiều dài tổng cộng 383,5m tạo thành hai trục chính có hình chữ V liên hoàn Lòng địa đạo có chiều cao trung bình từ 1,6-1,8m, cá biệt có đoạn cao trên 2m; rộng khoảng 60cm – 80cm. Đỉnh địa đạo hình vòm, bề dài tính từ đỉnh so với mặt đất bên trên 2m-4m. Toàn bộ hệ thống đều có lỗ thông hơi trổ lên mặt đất. Đường đi trong địa đạo gấp khúc quanh co, có các ngã ba nối thông các đoạn địa đạo với nhau hoặc dẫn lên các miệng địa đạo.
      Miệng địa đạo có kích thước vừa một người chui vào, đường xuống dốc thoai thoải, gấp khúc hoặc uốn lượn. Hệ thống hầm trú ẩn được phân bố đều khắp trên mặt bằng di tích có dạng hình chữ nhật, có từ một đến hai miệng địa đạo nằm ở góc hầm nối thông vào lòng địa đạo. Ngoài ra còn có một số miệng địa đạo độc lập (miệng giếng) có dạng hình tròn (đường kính khoảng 1,2m) hoặc hình chữ nhật (kích thước khoảng 1,2m x 1m). Điểm đặc biệt là miệng địa đạo độc lập ở Suối Linh được đào rất qui mô, xuyên qua lớp sỏi lateric dày khoảng 2m, độ sâu của giếng khoảng 4m-6m. Trên mặt bằng di tích hiện có tất cả 12 miệng.
      Khu ủy, Bộ Tư lệnh chủ trương đào địa đạo Suối Linh năm 1962. Khu ủy quyết định điều về Ban thông tin một tiểu đội nữ chiến sĩ trẻ phối hợp với lực lượng học viên, bảo vệ của Ban thông tin đào địa đạo xây dựng căn cứ. Địa đạo được mở ở khu vực đỉnh đồi (về phía bắc) và chia làm hai nhánh theo hình chữ V. Cách thức đào địa đạo giống như đào giếng. Đầu tiên đào một giếng hình vuông, sau khi đào sâu xuống 4m-6m bắt đầu mở miệng trổ vào và đào nối thông với các miệng khác. Các bộ phận của Ban thông tin chia làm các tổ và thay phiên đào, mỗi bộ phận đào một đoạn và nối thông  lại với nhau. Riêng tiểu đội nữ tập trung đào đường xương sống. Để bảo vệ căn cứ từ xa, Ban thông tin chỉ đạo xây dựng hệ thống phòng ngự bằng rào cò, cây rừng được chặt ngã xuống đan xen nhau có độ dày 50m – 70m thành hàng rào bao quanh bảo vệ căn cứ, bên dưới cắm chông bằng tre và cau rừng.
      Từ địa đạo Suối Linh này, Ban Thông tin Khu uỷ miền Đông đã đứng chân hoạt động trong một thời gian dài, đảm bảo hệ thống tin tức cho các hoạt động của lực lượng cách mạng cho đến trước cuộc nổi dậy xuân Mậu Thân. Địa đạo Suối Linh được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 13 tháng 9 năm 1999.
      3.3). Di tích Nhà Bia thành lập Chi bộ Cộng sản Bình Phước – Tân Triều tại nhà đồng chí Huỳnh Văn Ngọc, tức ông Năm Ông, ấp Tân Triều, xã Tân Bình. Địa điểm này đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử (QĐ số 224/QĐ UBND, ngày 23 tháng 01 năm 2007).
      Ngay từ những năm 1930, dưới ánh sáng của Đảng CSVN, phong trào đấu tranh của công nhân cao su, nhà máy, xí nghiệp…ở tỉnh Biên Hoà đã nổ ra khắp nơi đòi quyền lợi dân sinh. Nhiều cuộc mít tinh chào mừng ngày Quốc tế lao động, ngày Cách mạng Tháng Mười Nga được tổ chức thu hút đông đảo quần chúng tham gia.  Đồng chí Lưu Văn Viết – bí danh Tư Chà – người thanh niên yêu nước quê ở Bến Cá (nay thuộc xã Tân Bình), Đảng viên Đảng cộng sản  Đông Dương, sau một thời gian hoạt động ở Sài Gòn và một số tỉnh miền tây Nam bộ, đã trở về Biên Hòa gây dựng mầm mống cách mạng, tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản. Đến đầu năm 1935, đồng chí Hoàng Minh Châu (tức Vỹ, quê ở Tiền Giang) được Liên Tỉnh uỷ miền Đông cử về Biên Hòa hoạt động. Đồng chí Châu đã liên lạc với đồng chí Tư Chà và nắm lại những cơ sở do đồng chí Tư Chà xây dựng trước đó. Tháng 2/1935, tại nhà đồng chí Huỳnh Văn Ngọc – cơ sở cách mạng ở Tân Triều, Chi bộ Cộng sản Bình Phước – Tân Triều đã được thành lập do đồng chí Hoàng Minh Châu làm Bí thư; đồng chí Tư Phan là Phó Bí thư; Đảng viên gồm các đồng chí Lưu Văn Viết, Lưu Văn Văn, Quách Tỷ, Quách Sanh, Trần Minh Triết. Đây là Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở tỉnh Biên Hòa, là hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh và là nòng cốt để xây dựng Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa sau này.
      Để bảo tồn và tôn vinh Địa điểm thành lập Chi bộ cộng sản Bình Phước – Tân triều; Huyện uỷ, UBND huyện Vĩnh Cửu đã xây dựng một nhà bia trên khu đất xưa. Đây là một công trình văn hoá có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ của huyện nhà trong hiện tại và tương lai.
      Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ (1945-1975), Đảng bộ và quân dân huyện Vĩnh Cửu đã kiên cường bám trụ địa bàn, phát huy tinh thần tự lực tự cường, sáng tạo trong chiến đấu, kết hợp lực lượng vũ trang địa phương với chủ lực, kết hợp 3 mũi đấu tranh đẩy lùi địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, tiến lên đánh bại địch hoàn toàn, góp phần vào thắng lợi chung, giải phóng miền Nam thông nhất Tổ quốc.

      Quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và quân dân Vĩnh Cửu là quá trình phát huy truyền thống yêu nước, tin Đảng, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn lịch sử. Gần 40 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975- 2013), Đảng bộ, quân dân Vĩnh Cửu đã vượt qua nhiều khó khăn, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa xây dựng vừa học tập, từng bước phát triển về kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xây dựng một tỉnh Đồng Nai giàu mạnh, công bằng, văn minh.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây