Gottfried Keller – gương mặt tiêu biểu văn học Thụy Sĩ

Gottfried Keller – gương mặt tiêu biểu văn học Thụy Sĩ
Nhà văn Gottfried Keller

Gottfried Keller – gương mặt tiêu biểu văn học Thụy Sĩ

Beatrice Stocker, nhà nghiên cứu văn học Thụy Sĩ viết bằng tiếng Đức cho biết: Ở thế kỷ 19, tại đất nước này đã xuất hiện ba tiểu thuyết gia vĩ đại, trong đó có Gottfried Keller (1819-1890). Hai người nữa là: J.Gotthelf (1797-1884) và C.F.Meyer (1825-1898).

Tìm hiểu cuộc đời 71 năm (1819-1890) của Gottfried Keller, được biết có nhiều nét khác thường: Sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó ở Glattfelde (sau chuyển về Zürich), cha là thợ tiện, ngày ngày đi đập lúa thuê nhưng mất sớm, ông dường như suốt đời sống với mẹ và cô em gái Regula trong tình thương yêu mà cũng đầy vất vả và vô vọng bởi tình thế hết sức khó khăn về tài chính. Keller chưa một lần kết hôn với ai, sống độc thân, mặc dù đã từng khát khao tình yêu và trải qua những cuộc tình bất hạnh. Những người phụ nữ mà ông thầm yêu trộm nhớ thường là những mệnh phụ thuộc tầng lớp quí tộc cao sang trong xã hội, những người mà ông không thể nào đạt tới – Do hình dáng lùn tịt và nhất là do hoàn cảnh tài chính, vị trí xã hội của mình.

Việc học hành của Keller cũng gặp khá nhiều trắc trở: Chỉ vì nghịch ngợm mà bị đuổi khỏi trường công nghiệp dành cho trẻ em nghèo. Quay ra học nghề thợ vẽ nghệ thuật, song các thầy dạy toàn là những người không phù hợp. Đó là hai năm (1842-1843) bị dày vò, rất khổ sở ở München, vừa phân tâm vừa cơ cực về vật chất. Trong khi đó, mẹ tìm cách bán tranh của con, song cũng chẳng nên cơm nên cháo gì.

Vậy mà lần đầu tiên sau khi trở về Zürich, Keller quan tâm đến văn chương, trước hết là thơ trữ tình chính trị. Ông sáng tác và cho in các tập: Thơ (1846) và Những bài thơ mới mẻ hơn (1851). Thành quả này được thừa nhận và Hội đồng thành phố Zürich đã dành cho ông một học bổng để đi học môn lịch sử luật nhà nước ở trường đại học tổng hợp Ruprecht – Karls (Heideberg). Tại đây, ông được nghe các bài giảng của nhà triết học lừng danh L.Feuerbach. Sau đó, ông đi Berlin học nghề viết kịch bản sân khấu. Nhưng, thay vì viết kịch bản, ông say sưa sáng tác truyện ngắn và truyện vừa.

Cho đến năm 1855, Keller trải qua một thiên tình sử bất hạnh với người đẹp thính phòng Betty Tendering. Đó là một giai đoạn cực kỳ đau khổ trong đời sống tình cảm của ông. Song, về văn chương, đó lại là một thời kỳ vô cùng rực rỡ của Keller. Từ nhà thơ trữ tình, ông trở thành một văn sĩ xuất sắc với tác phẩm Chàng Heinrich xanh xao. Tác phẩm này phản ánh bước đường đời của chính ông trong những năm ở München và sự thất bại của ông trong nghề thợ vẽ. Nó được xếp ngang hàng với tiểu thuyết giáo huấn Wilhelm Meister của J.W.Goethe vốn được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất của nền văn học viết bằng tiếng Đức. Ở bản thảo đầu, chàng Heinrich xanh xao bước xuống vực thẳm với nỗi khổ trong lòng, với những cảm giác tội lỗi và sự cơ cực về vật chất; đến bản thảo thứ hai (viết vào năm 1880), Keller mới tìm thấy kết luận mang tính thỏa hiệp: nhân vật phấn đấu vươn lên để phục vụ cái chung. Ngay ở bản thảo đầu (1854), tuy được lý tưởng hóa mà vẫn tràn đầy cuộc sống chân chính. Đây cũng là lần đầu tiên người ta được tiếp xúc với biệt tài của Keller: một niềm tươi vui, đầy vẻ yêu kiều, đầy sự chín chắn cứ chập chờn, phảng phất phía trên sự bi thảm và tàn lụi ở các nhân vật của ông.

Một thành tựu khác trong thời gian này là tập đầu của truyện vừa Những người Selwyla (1856) với nội dung phê phán những thói xấu của người dân khá giả ở Thụy Sĩ, những kẻ biết cách hưởng thụ cuộc đời và chỉ cưới những phụ nữ xinh đẹp và thông minh.

Được thừa nhận là một nhà văn đầy tài năng, ông trở về Zürich, song vẫn sống thiếu thốn, không có vốn liếng trong tay. Mãi tới năm 1861, tình hình đó mới thay đổi: ông được cử làm Thư ký quốc gia thứ nhất của Hội đồng thành phố Zürich. Tiền đề của việc bổ nhiệm này là sự xuất hiện tác phẩm Lá cờ nhỏ của bảy chàng chân chính, trong đó ông bày tỏ “sự hài lòng với tình trạng thực tại của đất nước”, đồng thời cũng “vạch ra các nguy cơ gắn liền với tiến bộ xã hội”.

14 năm (1861-1875) giữ trọng trách nói trên là 14 năm Keller hoàn toàn dành thời gian và công sức cho hoạt động chính trị trong chính quyền Zürich, nổi tiếng với tác phong gương mẫu của một công chức cao cấp. Ông đặc biệt được ca ngợi khi nhận ủy nhiệm hoạt động trong các ngày lễ sám hối và cầu nguyện cho giáo hội Tin lành để tưởng nhớ các thành viên Hội đồng liên minh. Chỉ có một lần không thấy ông xuất hiện ở văn phòng: qua một đêm làm việc cật lực, ông đã ngủ quên!

Năm 1876, ông từ chức và trở lại hoạt động văn học. Ông tiếp tục cho ra đời hàng loạt tác phẩm được xã hội đón nhận và tôn vinh với danh hiệu “nhà thơ của nền dân chủ Thụy Sĩ”. Ông làm thơ nhiều loại: thơ hài hước, thơ ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, thơ hiện thực. Thơ trữ tình của ông đã khích lệ hàng loạt nhạc sĩ sáng tạo những bản nhạc độc đáo. Về văn xuôi, tiểu thuyết phê phán xã hội có tên là Martin Salander gây tiếng vang lớn. Nó vạch trần những tên cơ hội đồi bại, những chính khách hãnh tiến và bọn tư bản. Nghệ thuật kể chuyện của Keller mang tính chất hiện thực, có tính nhân dân cao; giọng văn hài hước nhưng thấm đẫm tình yêu và sự thông cảm với con người. Điều này cũng thể hiện rất rõ ở các tác phẩmRomeo và Julia nơi thôn dã; Ba người làm lược chân chính; Quần áo làm nên con người ta; Truyện xứ Zürich…

Càng ngày, Keller càng hoàn toàn hướng vào việc mô tả các khía cạnh mới của lao động, các rủi ro, bất hạnh và hạnh phúc của những con người “bé nhỏ”; các nguyên bản kỳ dị và những kẻ gàn dở, những người quản lý nhà trường ham thích tán tỉnh. Một loạt truyện khác nêu vấn đề quan hệ nam nữ một cách hóm hỉnh, như: Thơ cách ngôn; Bảy truyện huyền thoại… Nghệ thuật kể chuyện của ông, ngay lúc đương thời đã được đánh giá rất cao, khẳng định ông là một trong những đại diện ưu tú nhất của chủ nghĩa hiện thực tư sản. Bài thơ phúng thích (1882) là tập truyện ngắn cuối cùng của ông, đã tập trung phản ánh chủ đề tình yêu, ca ngợi tình yêu nam nữ lành mạnh, đồng thời vạch rõ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa phá hoại tình cảm tốt đẹp của con người. Nhân vật trung tâm trong các tác phẩm của Keller thường là những người lao động bình thường, được khắc họa với những nét riêng biệt một cách tài tình. Bằng con mắt họa sĩ, ông miêu tả phong cảnh Thụy Sĩ thật nên thơ, hấp dẫn. Cộng vào đó, bút pháp hài hước của ông đem đến cho các truyện ngắn nét dí dỏm, khiến người đọc như nhìn thấy nụ cười thầm kín của tác giả ẩn trong từng trang sách. Ông tự coi truyện ngắn và tiểu thuyết của mình là “nghệ thuật dành cho những người trầm tĩnh”. Tác phẩm của ông tràn ngập tình cảm lạc quan, yêu đời và bao giờ cũng mang ý nghĩa giáo dục nhất định. C.F.Meyer – người đồng nghiệp kém 6 tuổi – nhận định rằng, ông đã “viết nên nhung lụa” – về phong cách sáng tác của G. Keller – và với nhận định đó, Meyer muốn nói đến chất liệu sang trọng mà chính ông đã sử dụng trong những khuôn đúc nghiêm ngặt của nghệ thuật.

Tác phẩm của Keller cũng như của J.Gotthelf và C.F. Meyer đều đảm bảo cho họ một vị trí vĩnh hằng trong văn học châu Âu. Cả ba tác giả này đều đề cập những biến động kinh tế và xã hội của thời đại họ. Nếu Gotthelf thường lên án và thể hiện tính chiến đấu; Meyer tập trung tạo nên những hình tượng chói lọi của lịch sử, thì Keller lại thường châm biếm trong tình thương mến và tạo nên chân dung của một tầng lớp đặc biệt trong xã hội, đó là tiểu tư sản và các thợ thủ công. Họ đều là những viên đá tạo đà cho quê hương xứ sở của mình và đều thành công ở chỗ: vượt ra ngoài giới hạn về không gian và thời gian, nắm bắt bản chất và chí hướng của con người để miêu tả.

Riêng về G. Keller lịch sử văn học Thụy Sĩ đánh giá là “nhà văn bậc thầy trong văn học viết bằng tiếng Đức thế kỷ XIX, là nhà văn vĩ đại được kính trọng và tôn vinh hơn bất cứ nhà văn nào trước đó ở Thụy Sĩ”.

TRẦN ĐƯƠNG

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây