Hội đồng Dịch thuật & sách dịch văn học nước ngoài

Hội đồng Dịch thuật & sách dịch văn học nước ngoài - VSD Giới Thiệu

Hội đồng Dịch thuật & sách dịch văn học nước ngoài

Hội nghị triển khai công tác văn học của Hội Nhà văn Việt Nam khóa X nhiệm kỳ 2020-2025 với sự tham gia của Ban Chấp hành Hội cùng thành viên các hội đồng chuyên môn, ban công tác diễn ra giữa tháng 4.2021. Hội đồng Dịch thuật gồm 9 thành viên do nhà phê bình – dịch giả Nguyễn Chí Hoan làm Chủ tịch cũng đã tiến hành cuộc họp riêng, với sự tham dự của nhà thơ Phan Hoàng – Ủy viên BCH Hội, đã bàn luận sôi nổi và đề ra những nhiệm vụ cụ thể về chuyên môn, mà trọng tâm là dịch những tác phẩm văn học có giá trị của thế giới và dịch quảng bá các tác phẩm có giá trị của Việt Nam ra nước ngoài.

Từ góc nhìn riêng của Hội đồng Dịch thuật Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, những thông tin về sách văn học dịch sẽ được cung cấp cho bạn đọc…

Sách dịch văn học nước ngoài, đã thành một nề nếp, chẳng ngừng mang tới bạn đọc các đầu sách mới, bên cạnh dồi dào những ấn phẩm văn học dịch được tái bản và những kệ sách dồi dào không kém của những ấn phẩm văn chương trinh thám, phăng te di huyễn ảo, viễn tưởng với màu sắc khoa học, truyện sử hay dã sử hư cấu, v.v.

Thực tế là văn chương xưa nay không kiêng khem bất kỳ một món nào thuộc về cõi nhân sinh, nhất là khi chúng can dự vào, liên đới với đời sống tinh thần. Song cũng chính vì thế, chúng tôi muốn góp một cái nhìn từ phương diện “thuần” văn học hơn ở mục điểm sách này của Hội đồng Dịch thuật. Cũng với ý ấy, hẳn chúng ta sẽ quan tâm nhiều đến các sáng tác văn chương lâu nay được gọi là “phi-hư cấu”: thế giới này chưa bao giờ hết khao khát cái sự thật với tính chân thực, về bản thân mình, mà xem ra luôn luôn khó đạt được nếu không có văn chương nói chung.

Hoi dong dich vansudia.net min - Hội đồng Dịch thuật & sách dịch văn học nước ngoàiMột số thành viên Hội đồng Dịch thuật Hội Nhà văn Việt Nam khóa X trong cuộc gặp gỡ đầu tiên. Từ trái sang: Nguyễn Chí Thuật, Bùi Xuân, Nguyễn Chí Hoan, Kiều Bích Hậu, Phạm Đức Hùng, Nguyễn Hữu Dũng

Trong bản tin này chúng tôi chọn đưa một số đầu sách dịch văn học mới, cùng một vài giới thiệu ngắn về mỗi tác phẩm đó từ nguồn của các đồng nghiệp làm sách và đồng nghiệp báo chí khác. Về phần chúng tôi, những đóng góp bình luận và điểm sách, điểm tin về các tác giả và dịch giả sẽ dần dần được đưa lên sau.

“Phù sinh lục ký”, Thẩm Phục, do Châu Hải Đường dịch, Tao Đàn – NXB Hội Nhà văn, là một tiểu thuyết tản văn, thể tự truyện đặc sắc của nhà văn đời Thanh – Thẩm Phục.

Thẩm Phục tự Tam Bạch hiệu Mai Dật, xuất thân trong một gia đình sĩ tộc ở Tô Châu. Theo như tự thuật trong tác phẩm, ông sinh năm 1763, không rõ năm mất.

Phu sinh luc ky sach min - Hội đồng Dịch thuật & sách dịch văn học nước ngoài

 

Có thể nói, “Phù sinh lục ký” là một bông hoa lạ trong khu vườn văn học Trung Quốc. Nội dung “Phù sinh lục ký” gồm có sáu “ký”, trong đó Thẩm Phục viết lại cuộc đời mình, nhưng không theo dòng thời gian biên niên, mà theo một cách khác: theo mạch cảm xúc của cuộc sống. Sáu thiên ký ấy là: “Vui Khuê phòng”, “Thú nhàn tình”, “Sầu Trắc trở”, “Thú lãng du”, “Trải Trung Sơn”, và “Nhàn dưỡng sinh”. Trong đó, nổi bật lên là những ghi chép về tình cảm và cuộc sống của ông và người vợ – Trần Vân, với đầy đủ mọi sắc thái hỉ – nộ – ai – lạc, qua đó, có thể thấy tác giả là một người có tình cảm phong phú, tính cách hào sảng, tài hoa dồi dào, gầy lên một tình điệu cao nhã, và phát hiện ra những điều thú vị độc đáo ngay từ cuộc sống bình thường. Cho nên, tuy phải sống trong cảnh nghèo khó, trải qua nhiều nỗi trắc trở, ông vẫn có một tâm thái lạc quan trước cuộc đời, khiến cho cuộc sống bình thường trở nên tràn đầy xúc cảm nghệ thuật. Trên một trình độ nào đó, cuốn sách đã trở thành kim chỉ nam cho việc phẩm vị hóa cuộc sống cũng như nhã thú của văn nhân.

Đáng tiếc rằng, do tác giả của nó không có danh vị cao trong xã hội, kinh tế lại khốn quẫn, nên tác phẩm đã không được ấn hành ngay khi ông sinh tiền, mà chỉ có bản chép tay lưu truyền ở đời. Đến năm Quang Tự thứ ba (1877), khi Dương Dẫn Truyền lần đầu tiên ấn hành tác phẩm, thì “sáu ký đã mất hai”, khiến cho bản “Phù sinh lục ký” truyền thế giống như bức tượng Vệ Nữ bị mất cánh tay, chỉ còn lại bốn ký đầu mà thôi. Tuy nhiên, văn chương của “Phù sinh lục ký” đã lập tức khiến văn đàn sửng sốt và hâm mộ, đến nỗi không lâu sau đó, trên thị trường đã xuất hiện một bản được gọi là “Túc bản Phù sinh lục ký” (Phù sinh lục ký bản đầy đủ), bổ sung thêm quyển ký thứ 5: “Trải Trung Sơn”, và thứ 6: “Nhàn dưỡng sinh”. Song, qua khảo chứng của rất nhiều học giả, thì đều có một nhận định chung rằng: hai quyển ký bổ sung ấy đều là ngụy tác. Có thể nói, trong lịch sử văn học Trung Quốc, các tác phẩm, hoặc một phần tác phẩm ngụy tác là không ít, song một tác phẩm xuất hiện muộn, ngay trong đời Thanh mà có những phần ngụy tác, cũng là hiếm có và phải vô cùng đặc biệt vậy.

Lâm Ngữ Đường, trong lời tựa bản dịch tiếng Anh cuốn “Phù sinh lục ký” năm 1936, có nói: “Tôi đoán chừng rằng, trong các tàng thư gia đình ở Tô Châu, hay các tiệm sách cũ, nhất định sẽ có một bản toàn vẹn, nếu có may mắn ấy, thì có thể chúng ta sẽ phát hiện được.” Đến nay, tuy các chưa ai phát hiện được một bản toàn vẹn như Lâm Ngữ Đường nói (không tính bản ngụy tác), nhưng cũng rất may mắn, vào năm 2005, nhà sưu tập Bành Lệnh, đã sưu tầm được một cuốn sách viết tay có nhan đề là “Ký sự châu” của Tiền Vịnh – học giả, nhà thư pháp nổi tiếng đời Thanh, người sống cùng thời với Thẩm Tam Bạch, trong đó đã tìm thấy có những đoạn ghi chép của Tiền Vịnh về “Phù sinh lục ký”, đặc biệt là thiên: “Sách phong Lưu Cầu quốc ký lược”, đã được rất nhiều học giả nhận định là sao lục từ quyển thứ 5 “Trải Trung Sơn” (hay còn gọi “Hải quốc ký”) của Thẩm Tam Bạch. Tuy nhiên, những phần Tiền Vịnh sao lục, chưa đầy đủ quyển ký thứ 5 – “Trải Trung Sơn” – đã thất truyền của Thẩm Tam Bạch, nhưng cũng cho chúng ta thấy phần nào trong nguyên tác của ông.

Kể từ lần đầu tiên ấn hành cho đến nay, “Phù sinh lục ký” đã được xuất bản hơn 120 lần ở Trung Quốc. Quyển 2, “Thú nhàn tình” , của tác phẩm còn được trích một đoạn dùng trong sách Ngữ văn cho học sinh phổ thông Trung Quốc như là một khuôn mẫu về cổ văn.

Tác phẩm đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ như: Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Nhật Bản, Mã Lai … và xuất bản ở nhiều nước. Tuy nhiên, cho đến nay, tác phẩm vẫn chưa từng được dịch và giới thiệu một cách đầy đủ ở Việt Nam.

Tác phẩm được Thẩm Phục viết theo lối văn ngôn: cô đọng, súc tích, giàu chất thơ và nhạc tính. Ở Trung Quốc, cho đến hiện tại, Phù Sinh Lục Ký vẫn được rất nhiều tác gia cũng như độc giả quan tâm yêu mến. Tác phẩm đã khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều tác giả đương đại, cũng như trở thành đề tài cho nhiều loại hình nghệ thuật khác khai thác như: hý kịch, hội họa, vũ ba lê … Ngay cả việc dịch từ nguyên tác văn ngôn ra bạch thoại cũng được không chỉ một người thực hiện.

Bình địa trong lửa”, Juan RulfoHà Cheem dịch, Phan Book – NXB Hội Nhà văn

Juan Rulfo là một trong những tác gia lớn của văn học Mỹ Latinh. Tác phẩm của ông là nguồn cảm hứng cho Gabriel Garcia Márquez và nhiều nhà văn khác của tân lục địa.

Ở Mỹ, ông được The New York Times đưa vào nhóm “bất tử”, được Susan Sontag ngợi khen như “bậc thầy kể chuyện” đã sáng tạo ra một “kiệt tác văn chương của thế kỷ XX”.

Tác phẩm này ra mắt lần đầu năm 1953. Đến năm 1970, tác giả bổ sung hai truyện mới, nâng tổng số lên 17 truyện như ta thấy trong bản tiếng Việt.

Có lẽ, cách tốt nhất để thâm nhập thế giới mà Juan Rulfo bày ra, một lãnh thổ chưa hề được minh định, là tránh khỏi sự ồn ào của tác giả lớn, người đã tự thú: “Trong cuộc đời tôi, có nhiều sự im lặng”.

Sự im lặng, cũng chính là thứ bao phủ vùng “Bình Địa” theo một nghĩa nào đó. Ở vùng đất khắc nghiệt này, con người chỉ còn lại sự im lặng, khi địa hình hiểm trở, bầu trời và mặt đất đều xa lạ, ngay cả một cái cây cũng không có.

“Tàn ngày để lại”Kazuo Ishiguro, An Lý dịch, Nhã Nam – NXB Văn học

tiêu biểu cho tinh thần sáng tác của Kazuo Ishiguro, về ký ức, thời gian và sự tự huyễn hoặc, nỗi niềm hoài niệm về thời quá vãng.

Tờ The Guardian đã xếp “Tàn ngày để lại” vào danh sách “100 quyển sách mà người ta không thể không đọc” vào năm 2007, đánh dấu “một kiệt tác văn chương thực thụ” được công nhận bởi thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển.

Tiếng triều dâng”Mishima Yukio, Aikawa Haruki dịch, Nhã Nam – NXB Hội Nhà văn

Tác phẩm nổi bật “mang nét đẹp bâng khuâng của một mối tình đầu”.

“Bầy rùa chồng chất”, John Green, Bảo Anh dịch, NXB Trẻ

Tác phẩm “kể về thế giới phức tạp của tuổi thanh thiếu niên. Những ngổn ngang trong suy nghĩ, những đốm sáng yếu ớt của hy vọng, những bóng tối của thất vọng. Họ có thể thoát ra, và cũng có thể không.”

HỘI ĐỒNG DỊCH THUẬT biên soạn

(Còn tiếp)

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây