Lễ Khai hạ và Lịch đoi – di sản văn hóa đặc sắc

Lễ Khai hạ và Lịch đoi - di sản văn hóa đặc sắc
Thỉnh chiêng mở đầu lễ Khai hạ Mường Bi.

Mới đây, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức sự kiện ‘Hòa Bình – thanh âm xứ Mường’; đồng thời công bố và trao chứng nhận công nhận lễ ‘Khai hạ’ và ‘Lịch đoi’ là 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Theo giới nghiên cứu văn hóa, “Lịch đoi” có thể đã xuất hiện từ thời kỳ Đông Sơn (khoảng 800 năm trước Công nguyên), còn có tên gọi là lịch tre, lịch Mường, là một công cụ tính lịch độc đáo mà ngày nay không nhiều người còn biết đến.

Sở dĩ gọi là “Lịch đoi”, bởi vì lịch này phân chia ngày tháng trong năm theo sự vận hành của sao đoi, hay sao tua rua. Khi sao đoi vượt qua mặt trăng, người xưa gọi đó là ngày đoi vào hay ngày ngậm đoi. Căn cứ vào các ngày đoi vào và sự chuyển dịch sao đoi mà người ta phân biệt ngày, tháng, trong một năm.

Về cấu tạo, bộ lịch có 12 thanh tre, mỗi thanh dài khoảng 20cm, tượng trưng cho mỗi tháng. Mỗi tháng có 30 ngày, được chia thành 3 khoảng gọi là tuần, gồm có thượng tuần, trung tuần và hạ tuần. Mỗi tuần có 10 vạch tượng trưng cho các ngày.

Đây được xem như lịch vạn sự của người Mường với những chỉ dẫn chọn ngày lành tháng tốt cho các công việc quan trọng trong đời sống. Theo đó, thượng tuần gọi là “ngày kâl”, thường được chọn để tổ chức cưới xin, khánh thành, xây nhà mới. Hạ tuần là những ngày hết trăng, được gọi là “ngày cối”.

Trung tuần là 10 ngày giữa tháng, được gọi là “ngày loồng”, tức những ngày có trăng. Theo quan niệm của người Mường, người cõi âm hay lên ngắm trăng nên không nên làm việc quan trọng vào thời điểm này. Nhưng trẻ em sinh vào trung tuần sẽ trắng trẻo, thông minh, sáng dạ.

Trong vạch của mỗi ngày lại có những kí hiệu đặc biệt để xác định ngày tốt, xấu cho từng việc cụ thể. Ví dụ, vạch nào hình chữ V gọi là ngày cá, vạch nào có một chấm ở trên gọi là ngày tiểu hao, hai chấm gọi là ngày hao, vạch hình mũi tên là ngày mưa bão.

Số lượng và mật độ của các ngày này thay đổi theo từng tháng. Tháng nào nhiều vạch hình mũi tên thì tháng rất nhiều mưa bão, không nên gieo mạ, cấy lúa… Nếu vào ngày hao thì không nên đi buôn bán vì dễ bị thua lỗ…

Lịch đoi chậm hơn lịch âm khoảng 15 ngày, vì vậy mà người Mường ăn tết hai lần, một lần Tết Nguyên đán theo lịch âm, và một lần ăn tết theo lịch đoi, gọi là ăn tết lại, tết đoi.

Lịch đoi được gìn giữ bằng cách cha truyền con nối; bộ lịch này là sự đúc kết tri thức qua nhiều thế hệ, là biểu hiện rực rỡ về nhận thức của người Việt – Mường xưa về thế giới. Cho đến đầu thế kỷ 20, Lịch đoi vẫn được sử dụng ở khắp các xứ Mường. Tiếc rằng ngày nay bộ lịch độc đáo này đang dần bị thất truyền. Vì thế việc bảo tồn, tránh mai một và phát triển tri thức Lịch đoi luôn được coi là giá trị văn hóa vô cùng quý giá, gắn liền với đời sống người Mường, cần được trân trọng, gìn giữ.

Còn “Khai hạ” được coi là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình, gắn với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ. Khai hạ cũng là hoạt động văn hóa – tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào Mường ở Hòa Bình, mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm, bản.

Lễ hội được tổ chức với nhiều nghi thức độc đáo, với 2 phần lễ và hội. Phần lễ, hiện ở Mường Bi và Mường Thàng và Mường Vang vẫn giữ phần rước kiệu, cúng tại ruộng để xin làm lễ cày, bừa đầu tiên. Phần hội, là các hoạt động vui chơi, thi trò chơi dân gian, biểu diễn các hình thức nghệ thuật dân gian. Phần này được tổ chức ngay sau khi kết thúc phần lễ, với các trò chơi dân gian như hội đánh chiêng, hội ném còn, thi bắn nỏ, giã gạo, đánh cù, đánh mảng, kéo co, thi hát đối, hát sắc bùa, thi các mâm cơm, trình diễn trang phục, người đẹp xứ Mường và phần thi đấu các môn thể thao…

Bảo Thư

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây