Thủ tướng cảnh báo ‘lơ là, chủ quan với dịch sẽ trả giá đắt’

Thủ tướng cảnh báo 'lơ là, chủ quan với dịch sẽ trả giá đắt'
Thủ tướng chủ trì họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: VGP

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu không để “dịch chồng dịch” khi nhiều loại dịch bệnh diễn biến phức tạp như sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ… nên không được lơ là, mất cảnh giác.

Sáng 6-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo.

Tham dự phiên họp được kết nối tới các tỉnh, thành theo hình thức trực tuyến có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Có tâm lý chủ quan, lơ là mất cảnh giác

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại thời gian “không bao giờ quên” về những ngày tháng khi năng lực y tế còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có đủ vắc xin, thuốc chữa bệnh COVID-19, chúng ta bắt buộc phải dùng các biện pháp hành chính để phòng chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vừa mất nhiều công sức, nguồn lực, vừa nhiều hy sinh, mất mát, vừa ảnh hưởng nặng nề tới các hoạt động của xã hội.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh vừa được kiểm soát, tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác lại xuất hiện, cả về nhận thức, tuyên truyền và chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, nhiều nước phát triển, có nền y tế hiện đại cũng đang bùng phát dịch trở lại. 

Mặt khác, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, khả năng chống chịu có hạn, nên chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước.

Những công thức, phương châm phòng, chống dịch đã được đúc rút, trong đó thực tiễn cho thấy vắc xin vẫn là vũ khí quyết định. Đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tiêm vắc xin cho người dân, nhưng đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Khi dịch đang diễn biến phức tạp thì địa phương nào cũng đề nghị vắc xin, nhưng khi dịch vừa được kiểm soát thì việc tiêm chủng chững lại. Mặt khác, cũng có những địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội nhưng lại nỗ lực triển khai tiêm vắc xin đạt kết quả tích cực.

Quyen Bo truong Bo Y te Dao Hong Lan bao cao tinh hinh min - Thủ tướng cảnh báo 'lơ là, chủ quan với dịch sẽ trả giá đắt'Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tình hình – Ảnh: VGP

Tốc độ tiêm chủng chậm lại

Báo cáo tại cuộc họp, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết đến nay cả nước ghi nhận 10,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 9,9 triệu người khỏi bệnh và trên 43.000 ca tử vong.

Trong tháng 7-2022, cả nước ghi nhận trên 33.000 ca mắc, 6 ca tử vong; thời gian gần đây ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc/ngày. So với tháng trước, số mắc tăng 22,4%, giảm 2 ca tử vong, tỉ lệ chết/mắc 0,02%.

Tính đến ngày 4-8, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 247 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, là quốc gia có số liều vắc xin sử dụng và tỉ lệ bao phủ vắc xin cao trên thế giới (tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%); hiệu suất sử dụng vắc xin cao (đạt 100%) và tốc độ tiêm nhanh.

Tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số 52%, cao gấp đôi tỉ lệ trung bình trên thế giới. Tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Ý, Pháp…

Quyền bộ trưởng cho biết Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận và đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vắc xin phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn hệ thống chính trị và người dân.

Tuy vậy, trên thế giới biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2, đã ghi nhận tại nhiều quốc gia; do đó, trong thời gian tới, số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng.

Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại. Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các địa phương ở phía Nam.

Các biến thể này đã bắt đầu chiếm ưu thế trong khi tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp. 

Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra “dịch chồng dịch” do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng…) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính…).

Phòng bệnh hơn chữa bênh, không chủ quan

Theo Thủ tướng, chúng ta đã có đà tiêm chủng trong chống dịch, cần tận dụng cơ hội để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, đồng thời đánh giá miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc. Bộ Y tế chủ động hơn nữa và tập trung chỉ đạo các sở y tế; các cấp ủy tập trung lãnh đạo, các cấp chính quyền phải tổ chức thực hiện; người dân phải vào cuộc một cách tích cực hơn nữa để thực hiện nhiệm vụ này.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh; yêu cầu phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; phải cùng nhau gánh vác, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải lo toan, trách nhiệm với công tác phòng, chống dịch; làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như nâng cao năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng phụ cấp cho nhân viên y tế, cơ cấu lại đội ngũ nhân lực y tế; tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp ủng hộ công cuộc phòng, chống dịch…

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đổi mới cách thức tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân, bảo đảm hiệu quả hơn nữa. Thủ tướng cũng yêu cầu không thể để “dịch chồng dịch” khi nhiều loại dịch bệnh xuất hiện và diễn biến phức tạp như sốt xuất huyết, bệnh đậu mùa khỉ

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây