LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC – KỲ 10

Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước

PHẦN THỨ BA

VAI TRÒ VÀ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC 

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, nằm trọn trên địa bàn thôn Hồng Phước, xã Hòa Khánh, Quận Nhì, thành phố Đà Nẵng (nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 10 km về phía Tây Bắc; diện tích gần 2km2, có vị trí thuận lợi, hội đủ các điều kiện để xây dựng căn cứ lõm cách mạng. Căn cứ lõm Hồng Phước nằm sâu trong hệ tuyến phòng thủ phía Tây Bắc căn cứ Liên hợp quân sự Đà Nẵng của Mỹ – ngụy, bị Mỹ – ngụy đánh phá rất ác liệt, tuy nhiên, chúng đã không phát hiện ra được căn cứ của ta, bởi tất cả các gia đình ở Hồng Phước đều là gia đình cách mạng; đây là căn cứ của nhân dân, căn cứ của lòng dân. Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước hội tụ đầy đủ được các yếu tố về thiên thời, địa lợi, nhân hòa, trong đó yếu tố nhân hòa giữ một vị trí quan trọng bậc nhất.

    

Nhiều nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng, vị trí địa lý độc đáo và huy động tốt sức mạnh của toàn dân là hai yếu tố cốt lõi nhất để căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước tồn tại từ năm 1960 cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong khi quân Mỹ căn dày đồn bót của chúng ở cánh Bắc Hòa Vang, ta đã phát hiện ra vị trí độc đáo của Hồng Phước. Ngôi làng cát trắng nằm gần núi Thanh Vinh này ở đúng vào vị trí ngã ba của con đường hành lang của ta từ vùng núi Hải Vân xuống, từ Quận Nhì Đà Nẵng lên và từ Khu II Hòa Vang qua. Với vị trí đắc địa của mình, dù nằm lọt hẳn trong hệ thống đồn bót của quân viễn chinh Mỹ và chính quyền Sài Gòn, Hồng Phước đã được xây dựng trở thành một căn cứ lõm cách mạng với mật danh B1. Từ trong thực tế, vị trí này như đã được định vị, chính xác, nó như là một sứ mệnh của lịch sử giao cho Hồng Phước. Xê dịch vị trí của căn cứ qua một địa bàn khác trong vùng có thể sẽ gặp khó khăn, thách thức lớn hơn nhiều với việc xây dựng căn cứ tại Hồng Phước.

Yếu tố địa lợi đó lại được yếu tố nhân hòa củng cố làm cho vững chắc hơn. Thật hiếm có những thôn như thôn Hồng Phước, nằm sâu trong vùng địch mà lại được xây dựng – xây dựng thành công, trở thành một làng thuần khiết cách mạng.

Thôn Hồng Phước thời kỳ chống Mỹ, cứu nước có 71 hộ gia đình sống trong 64 nóc nhà, tất cả họ, đều là cơ sở cách mạng (hoặc ít nhất là có cảm tình với cách mạng). Trong thời điểm gay go, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến, đã đào được 46 căn hầm bí mật ở trong nhà, ngoài vườn để nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ. Từ khi thành lập cho đến ngày quê hương giải phóng, căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước không một lần bị vỡ, cơ sở không bị lộ, bí mật tập thể được giữ gìn nghiêm mật nhất, là một thành công rất lớn, có tính chất điển hình trong công tác xây dựng “căn cứ lõm” của ta trong chiến tranh. Có được thành công này là vì nơi đây là căn cứ lòng dân vững chắc. Không có nhân dân Hồng Phước thì không có căn cứ lõm B1 Hồng Phước. Chủ nghĩa yêu nước mà cốt lõi là độc lập tự do, không muốn làm người dân nô lệ, là nguồn gốc chủ yếu để Hồng Phước từ một vùng quê cát, nằm sâu trong vùng địch được xây dựng trở thành một làng thuần khiết cách mạng. Nhiều gia đình ở Hồng Phước đã trở thành những cơ sở trung kiên, tiêu biểu như gia đình bà Phạm Thị Dĩ và ông Dương Chương, gia đình của các bà Phạm Thị Miên, Nguyễn Thị Liên, Hà Thị Mau, Lê Thị Cảnh…. Đây là nơi đứng chân hoạt động của nhiều cán bộ lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà, Hòa Vang, Đà Nẵng như: đồng chí Võ Thanh Hùng, Đặc khu ủy viên Quảng Đà, Bí thư Quận Nhì; đồng chí Tăng Ngọc Phương, Bí thư Khu I, Phó Bí thư Quận Nhì; đồng chí Lê Thị Tính, Đặc khu ủy viên, Bí thư Quận Nhì; đồng chí Nguyễn Thanh Năm (Năm Dừa), Đặc khu ủy viên, Bí thư Quận Nhì; đồng chí Đặng Đình Vân, Đặc khu ủy viên, Quận đội trưởng, Bí thư Quận Nhì; đồng chí Lê Quân, Đặc khu ủy viên, Bí thư Quận Nhì; đồng chí Đỗ Huy Sanh, Đặc khu ủy viên, Bí thư Khu I; đồng chí Phạm Sĩ Tấn, Đặc khu ủy viên, Trưởng ban Binh – Địch – Vận Đặc khu Quảng Đà; đồng chí Hồ Phúc Ngôn, Quận đội trưởng Quận Nhì, Tiểu đoàn trưởng 89 Đặc Công; đồng chí Phan Văn Tải, Quận ủy viên, Quận đội phó Quận Nhì, phụ trách lực lượng biệt động và Đội trưởng Đội công tác phía trước và nhiều đồng chí khác đã về đứng chân và xây dựng Hồng Phước thành căn cứ vững chắc và chính các đồng chí đã được nhân dân Hồng Phước nuôi giấu, bảo vệ.

Tập sách “B1- Hồng Phước, một thời nhớ mãi” do Quận ủy và Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu biên soạn và xuất bản năm 2015 đã dành trọn phần phụ lục để trình bày tóm tắt về các gia đình và địa chỉ những căn hầm bí mật trên địa bàn căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, gồm cả những căn hầm bí mật hai tầng và đặc biệt là những căn hầm bí mật đào sâu trong lòng cát, kiên cố, vững vàng, tiêu biểu là gia đình bà Phạm Thị Miên có 7 căn hầm bí mật, trong đó có một căn hầm hai tầng, tầng dưới dùng để ẩn nấp, tránh bom đạn cho gia đình, còn tầng trên là hầm bí mật, nuôi giấu 6 cán bộ, chiến sỹ cách mạng; gia đình bà Nguyễn Thị Liên đào 3 căn hầm bí mật để nuối giấu cán bộ, bản thân bà Nguyễn Thị Liên là đảng viên, Bí thư Chi bộ đầu tiên ở Hòa Khánh; gia đình bà Lê Thị Cảnh (Bà Hoài) có 2 căn hầm bí mật ở sát đồn địch…Giá trị, công năng, công dụng của các căn hầm bí mật này là rất lớn, nó là căn cứ của căn cứ, là nơi trú ẩn cũng là nơi đặt “bản doanh” của các đồng chí lãnh đạo cấp trên về hoạt động tại các xã ở cánh Bắc Hòa Vang và Quận Nhì-  Đà Nẵng.

Nghiên cứu về thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, chúng ta được biết nhiều về con đường Hồ Chí Minh chạy dọc Trường Sơn, song chưa phải tất cả đều biết giá trị của các tuyến hành lang ngang, chạy từ các căn cứ ở miền núi (ở phía tây) đổ về đồng bằng, đô thị (ở ven biển phía đông). Những tuyến hành lang xương cá này rất quan trọng, cũng rất nguy hiểm vì phải đi qua vùng giáp ranh và thọc xuống sâu vùng địch tạm chiếm, nguy cơ bị địch phát hiện, phục kích là rất lớn. Vì vậy, vai trò của cơ sở giao thông liên lạc tại vùng giáp ranh, vùng ven là rất lớn. Với vị thế của mình, đầu làng phía Tây Bắc của Hồng Phước nhìn lên núi Hải Vân và đầu làng phía Nam trông vào núi Thanh Vinh, ở hai đầu làng này là nơi các cơ sở cách mạng Hồng Phước những ngọn đèn giao liên, rất phù hợp, tiêu biểu và thành công nhất, chưa một lần xảy ra sự cố làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ ta từ căn cứ Tây Bắc Hòa Vang xuống Quận Nhì – Đà Nẵng là ngọn đèn của nhà bà Phạm Thị Dĩ và ông Dương Chương. Bà Phạm Thị Dữ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chưa một lần làm ám tín hiệu sai, và do đó góp phần đảm bảo lực lượng và đảm bảo hành lang thông suốt. Lịch sử chiến tranh chắc sẽ phải nghiên cứu về vai trò và tác dụng của những ngọn đèn như ngọn đèn của gia đình mẹ Phạm Thị Dữ ở B1 Hồng Phước, nó là một biểu tượng của tinh thần yêu nước và thường gắn với hình ảnh của những người phụ nữ là cơ sở giao liên của cách mạng.

Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước tuy nhỏ nhưng dung nạp một lực lượng lớn, là địa bàn bàn tiến công và lui về an toàn của các lực lượng cách mạng, nơi xuất phát nhiều trận đánh xuất sắc ở các xã cánh Bắc Hòa Vang và Quận Nhì – Đà Nẵng. Trong những năm chống Mỹ, cứu nước, nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, địa phương, cán bộ, cơ sở đã sống và chiến đấu, góp phần bảo vệ Hồng Phước, trong đó có những đồng chí mà tên tuổi đã được ghi vào lịch sử của đảng bộ địa phương và có những đồng chí đã được đặt tên cho những con đường của thành phố Đà Nẵng như: Đồng chí Lê Thị Tính là Đặc khu ủy viên, Bí thư Quận Nhì Đà Nẵng; đồng chí Đặng Đình Vân, nguyên là Đặc khu ủy viên Quảng Đà, Bí thư Quận ủy và Quận đội trưởng Quận Nhì; đồng chí Trần Thị Vấn, một nữ Trung đội trưởng du kích B1 Hồng Phước dũng cảm, can trường; đồng chí Phan Văn Bảy (Bảy Mót) – người đã cùng với anh trai của mình là đồng chí Phan Văn Tải trở thành một cặp đôi chiến đấu đầy dũng trí, đã cùng với du kích B1- Hồng Phước tổ chức những trận chiến xuất thần khiến quân địch phải khiếp sợ; đồng chí Phạm Phú Long (tức Hải), con trai của Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Dãnh (tức Mẹ Nhu), là một chiến sỹ hoạt động gắn bó với căn cứ lõm cách mạng B1 – Hồng Phước, an ninh Quận Nhì, đã tham gia nhiều trận đánh địch rất ác liệt; đồng chí Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Hồ Phúc Ngôn, nguyên Quận đội trưởng Quận Nhì, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 89 Đặc công Đà Nẵng, là một đồng chí chỉ huy gắn liền với những chiến công vang dội trên chiến trường Quảng Đà; đồng chí Phan Văn Tải, Quận ủy viên, Quận đội phó Quận Nhì – Đà Nẵng, một đồng chí có công rất lớn trong xây dựng Hồng Phước trở thành căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, đồng thời là một cán bộ, chỉ huy đánh địch nhiều trận, ở nhiều nơi trong nội thành cũng như vùng ven, rất linh hoạt, cơ động, làm kẻ địch nhiều phen khiếp sợ và còn rất nhiều tấm gương anh hùng liệt sỹ khác mà lịch sử và bảng vàng truyền thống của quê hương đã vinh danh.

Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước là nơi xuất phát nhiều trận đánh tiêu biểu như: Trận địa pháo Thanh Vinh của Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ vào ngày 17 tháng 4 năm 1965; trận đánh tiểu đoàn xe tăng Mỹ tại Hố Chùa, Đa Phước vào tháng 10 năm 1967; trận đánh vào Tổng kho hậu cần Bàu Mạc của quân Mỹ vào ngày 17 tháng 5 năm 1968; trận tập kích căn cứ Hoa Lư (Hòa Mỹ) gồm cơ quan tham mưu Tổng hành dinh của Sư đoàn 3 ngụy và tiểu đoàn vận tải thuộc Sư đoàn 3 vào ngày 12 tháng 5 năm 1972; trận tập kích Tỉnh đường Quảng Trị lưu vong và 1 đại đội công binh độc lập tại Bàu Tràm vào ngày 22 tháng 8 năm 1972; trận đánh tiêu hủy kho gạo Hòa Khánh của địch vào tháng 3 năm 1973…. Trong các trận đánh địch, nhiều cán bộ, chiến sỹ của ta đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất trăm quý ngàn thương này, trong đó có nhiều đồng chí là bộ đội được chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam; hàng trăm tấn gạo, muối, thuốc men, súng ống, đạn dược đã được đưa về chôn giấu nơi đây để phục vụ cho bộ đội ta đánh giặc; bởi căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước không chỉ là điểm đứng chân mà còn là bàn đạp tiến công vào hậu phương của địch đồng thời cũng là nơi lui quân về có dân nuôi giấu, đùm bọc, che chở.

Nhìn chung, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, việc hình thành căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước là một khách quan, tất yếu và cần thiết. Và thực tế căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước đã hoàn thành xuất sắc vai trò căn cứ của mình – một căn cứ ở tiền phương, một bàn đạp ở vùng ven để tiến công vào thành phố. So sánh với một số căn cứ lõm khác ở miền Nam thời chống Mỹ, căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước không lớn, rất đặc trưng về quy mô và hình thái của “các lõm chính trị” được xây dựng ở vùng địch trong chiến tranh của ta.

Những thành tích xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Hồng Phước đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Căn cứ vào những thành tích cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân của Hồng Phước, ngày 26 tháng 4 năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của quê hương Hồng Phước hoặc từng sống và chiến đấu trên quê hương Hồng Phước cũng đã được Đảng và Nhà nước khen thưởng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý, gồm: sáu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng là Lê Thị Điếu, Phạm Thị Kế, Phạm Thị Trang, Trần Thị Xuyến, Huỳnh Thị Khai, Nguyễn Thị Luận; bốn 4 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là Lê Thị Tính, Nguyễn Thanh Năm (Năm Dừa), Đặng Đình Vân, Hồ Phúc Ngôn; 12 Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Nhì, Ba; 42 Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Nhì, Ba; 49 Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Nhì; 2 Huân chương chiến sỹ Giải phóng hạng Ba và nhiều danh hiệu Gia đình vẻ vang, Gia đình có công cách mạng, Kỷ niệm chương, Bằng khen… Đó là những danh hiệu cao quý, những phần thưởng xứng đáng; là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với sự đóng góp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân của quê hương Hồng Phước dấu yêu.

Từ thực tiễn qúa trình xây dựng, phát triển và hoạt động của căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, ta có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm sau đây:

Một là, chọn lựa đúng địa bàn để xây dựng căn cứ lõm là một phần quan trọng trong việc xây dựng thành công căn cứ lõm cách mạng.

Đây là một khâu quan trọng của công tác xây dựng căn cứ lõm cách mạng. Vì căn cứ lõm cách mạng nằm trong vùng địch kiểm soát hoặc làm chủ hoàn toàn, địa bàn nhỏ, dễ bị tổn thương, nếu bị địch phát hiện, chúng chỉ cần tổ chức một cuộc hành quân càn quét quy mô vừa phải, cày ủi, đốt nhà, xăm hầm, là chúng có thể phá tan tành một căn cứ lõm mà chúng ta dày công xây dựng trong nhiều năm trời. Tuy nhiên, cũng như bất cứ một loại hình căn cứ địa nào, ở miền núi hay đồng bằng, căn cứ lõm cũng cần phải nằm trong một địa bàn tiến được và lui  được, một địa bàn “tiến thoái lưỡng nan” không phải là địa bàn lý tưởng của căn cứ cách mạng. Địa bàn Căn cứ địa B1 Hồng Phước nổi lên là những trảng cát rộng đan xen ao hồ, đầm lầy, cây, gai rậm rạp, địch khó đến còn ta thì nhờ đó mà ẩn giấu mình, tránh trớ địch, nắm được quy luật hoạt động của địch để quyết định phương thức hoạt động của ta. Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước nằm trên các tuyến hành lang quan trọng của ta, từ miền núi Hòa Vang xuống, từ Thanh Vinh qua và từ trung tâm thành phố Đà Nẵng lên, bị các căn cứ của địch bao vây, bịt kín nhưng không bịt bùng; ta bí mật đi men theo các hành lang này về với mảnh đất Hồng Phước, nơi địch sơ hở, còn ta thì tập trung móc nối liên lạc, xây dựng thành một lõm chính trị; lúc đầu còn nhỏ, với một vài gia đình cơ sở, về sau mở rộng ra cả thôn Hồng Phước và tồn tại cho đến ngày giải phóng.

Hai là, căn cứ lõm cách mạng phải là căn cứ của lòng dân, mới bảo đảm an toàn tuyệt đối, không bị địch phát hiện và tồn tại lâu dài.   

Chọn lựa đúng địa bàn để xây dựng căn cứ lõm là yếu tố quan trọng nhưng yếu tố quyết định sự vững chắc và lâu bền của căn cứ lõm cách mạng là yếu tố lòng dân. Chính lòng dân Hồng Phước đã bảo đảm cho sự an toàn của Căn cứ lõm B1 Hồng Phước suốt từ những ngày đầu xây dựng cho đến khi thành phố Đà Nẵng được giải phóng vào ngày 29 tháng 3 năm 1975. Bởi không có gì vững chắc hơn dân, Dân là bức tường thành vững chắc nhất bảo vệ, che chở cho cán bộ, chiến sĩ hoạt động, đánh địch.

Biểu tượng của lòng dân Hồng Phước là những những căn hầm bí mật của các gia đình trong thôn, Không thể lường hết được chuyện gì sẽ xảy ra khi quân Mỹ, quân ngụy khui được căn hầm bí mật. Không chỉ hệ lụy, có khi phải đổi bằng sinh mạng của chính người chủ căn hầm ấy mà còn hệ lụy đến những người trong gia đình, Người dân Hồng Phước biết được điều đó, nhưng vì sự an toàn cho cán bộ và tin vào bí mật tập thể của thôn, những người dân Hồng Phước cứ đào hầm, xây dựng hầm bí mật hai tầng, rồi sau đó học được cách xây hầm bí mật trong cát, vừa dễ xây, bảo đảm sự vững chắc và dễ xóa dấu vết khi có tình huống xấu xảy ra.

Biểu tượng của lòng dân Hồng Phước là ngọn đèn tín hiệu, báo an, mà cán bộ của ta từ trên căn cứ nhìn xuống, thấy ánh đèn và an tâm xuống núi, về làng hoạt động. Những ngọn đèn dầu ấy được thắp cả trong mùa Xuân, mùa Hè, mùa Thu và cả trong những ngày mùa Đông mưa dầm, gió bấc. Nó như trái tim thắp sáng của những người mẹ Hồng Phước; đốm lửa của những ngọn đèn dầu ấy tuy nhỏ bé nhưng đã sáng lên trong trái tim hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của ta trong những năm chiến tranh. Bây giờ ngọn đèn ấy được đặt nơi trang trọng của Nhà di tích như biểu tượng của tấm lòng bền bí, kiên trung, rực rỡ của lòng dân.

Biểu tượng của lòng dân Hồng Phước những mo cơm, ống nước nuôi cán bộ ở trong núi hay trong hầm bí mật, trên đường hành quân, lúc sắp vào trận hay lui về căn cứ B1 Hồng Phước sau trận đánh. Có những người mẹ, người chị chỉ vì lo cơm cho cán bộ mà bị địch bắn tra tấn dã man, nhưng khi từ nhà giam của địch trở về lại lo cán bộ nằm hầm, ở núi thiếu cơm khát nước…

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, người đã có thời gian hoạt động ở Hồng Phước  vào hai năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã phát biểu:

“Theo tôi, trong phong trào cách mạng, cái quan trọng nhất là lòng dân. Nếu không có những người dân như bố mẹ anh Thị, ông Chữ, bà Miên, bà Mau, bà Liên, bà Cảnh, bà Thanh… thì không thể nào có được một căn cứ địa tuyệt vời như thế. Xét cho cùng nếu được lòng dân thì mới dẫn đến thành quả cách mạng.

Hơn bốn thập niên đi qua miền đất này với nhiều đổi thay. Nay ngẫm lại, tôi mãi mãi ghi nhớ sự chăm sóc của đồng bào, gia đình, bà con B1 Hồng Phước. Khi ra Hà Nội thì tôi ít ghé, nhưng lúc còn ở Quân khu thì Tết nào cũng về thăm, thắp hương cho người đã khuất, thăm viếng người còn sống, gặp số anh chị em, nhất là cơ sở cũ của mình. Thấy họ giờ còn khó khăn, tôi luôn mong sao cấp ủy, chính quyền địa phương dành sự quan tâm đến họ.

Có thể họ đã không làm nên những chiến công gì ghê gớm lắm trong thời gian đó, nhưng nếu không có họ thì không có bất cứ chiến công nào của chúng tôi. Chiến công của lực lượng biệt động, quân Giải phóng, nếu không có dân thì không có gì cả. Thành tích đó, chiến công đó trước hết thuộc về nhân dân”[1].

Ba là, căn cứ lõm cách mạng là bàn đạp để các lực lượng cách mạng tiến công địch, là nơi cán bộ, chiến sĩ ta đi và về đều có dân che chở, đùm bọc, nuôi giấu. 

Tuy chỉ là một căn cứ lõm nhưng cùng với xây dựng căn cứ vững mạnh, Hồng Phước còn được chú ý xây dựng thành bàn đạp của các lực lượng cách mạng, là nơi xuất phát của những nhiều trận đánh địch có tiếng vang ở Quảng Đà. Để làm được điều đó, Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước đã không ngừng xây dựng và phát triển thực lực, cả thực lực về chính trị và thực lực về kinh tế. Để đón một trung đội hay đại đội bộ đội, Hồng Phước cần có đủ cơ sở vật chất để giấu quân, nuôi quân; có đủ lực lượng để phối hợp và phục vụ cho bộ đội ta chiến đấu. Lịch sử đã ghi nhận rất nhiều trận đánh lớn nhỏ của lực lượng vũ trang Quận Nhì hay bộ đội đặc công Đà Nẵng đã chọn Hồng Phước làm nơi xuất quân hay lui về, và tất cả đã được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân giúp đỡ tận tình, phục vụ chú đáo.

Nằm trên hành lang nối Đà Nẵng với căn cứ miền núi Hòa Vang, trong những năm ác liệt nhất của chiến tranh, địch dồn ta lên núi, cán bộ, chiến sĩ của ta bị đói, đau hoành hành. Chính trong bối cánh đó, những bãi cát của Hồng Phước, Xuân Thiều… trở thành nơi chôn giấu gạo muối để tiếp tế cho cán bộ, chiến sĩ đang ở trên miền núi. Các mẹ, các chị em Hồng Phước đã hoàn thành việc thu mua, gom góp từng bao gạo, thúng mắm… ở Đà Nẵng để chuyển lên, cất giấu và giao cho các đoàn vận chuyển của ta gùi cõng về căn cứ, góp phần quan trọng việc cung cấp lượng thực, thực phẩm cho  lực lượng ta ở miền núi.

Có thể nói tất cả các trận đánh lớn nhỏ và các hoạt động của cán bộ, chiến sĩ ta tổ chức trên đất Hồng Phước hoặc lấy nơi đây làm bàn đạp đều có sự giúp đỡ, tham gia của nhân dân Hồng Phước. Nhân dân Hồng Phước đào hầm bí mật, thắp đèn báo an, thu gom lượng thực và đặc biệt còn trực tiếp tham gia và phục vụ chiến đấu. Nhớ lại trận đánh căn cứ Hoa Lư của địch, trong hồi ký Chuyện người con Hồng Phước, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Phúc Ngôn nhớ lại rằng: “Trong tham gia trận đánh còn có đội công tác của quận ủy do đồng chí Phan Văn Tải phụ trách phối hợp chiến đấu, nhân dân Hồng Phước trực tiếp giúp đỡ giải quyết thương binh, thuốc men, đảm bảo cơm nước cho bộ đội. Trong chiến tranh, công tác hậu cần luôn đóng vai trò quan trọng. Bộ đội có ăn no mới đảm bảo đủ sức khỏe để xung phong, cầm cự với địch. Vì thế, đơn vị phải thực sự biết dựa vào nhân dân, nhờ nhân dân nuôi dưỡng. Trong trận đánh đồn Hòa Mỹ của đơn vị chúng tôi, bà con thôn Hồng Phước đã không quản ngại nguy hiểm, đêm ngày lo cho bộ đội bát cơm ngon, bát canh ngọt. Dẫu đã gần bốn thập kỉ trôi qua, chúng tôi không thể nào quên những con người điển hình năm ấy như chị Ba Dĩ, Năm Miên, Bảy Mau, ông Thủ Tuấn, bà Năm Liên và một số gia đình khác tận tình giúp đỡ trong và sau trận đánh của Đại đội Đặc công quận Nhì, Đà Nẵng”[2].

Bốn là, căn cứ lõm cách mạng phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, góp phần giải phóng quê hương.

Sự ra đời của Nghị quyết 15 (Khóa II) của Đảng là bước ngoặt quan trọng của cách mạng miền Nam nói chung và sự ra đời của Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước nói riêng. Chính nhờ có đường lối sáng suốt của Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của Đặc khu ủy Quảng Đà, Khu ủy Khu I- Hòa Vang, Quận ủy Quận Nhì – Đà Nẵng nên các hoạt động và phong trào cách mạng ở Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước đã hòa cùng một nhịp, phục vụ kịp thời và hiệu quả cho phong trào cách mạng ở các xã cánh Bắc Hòa Vang và Quận Nhì – Đà Nẵng.

Từ khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, vai trò của Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước càng được khẳng định và phát huy hiệu quả, thể hiện qua sự tồn tại vững chắc của căn cứ này trong chiến dịch cày ủi lập vành đai trắng của Mỹ – ngụy. Vai trò của Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước tiếp tục thể hiện qua Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và đặc biệt là trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Văn bia Hồng Phước ghi rằng: Suốt cuộc kháng chiến, không có một cơ sở cách mạng, một hầm bí mật nào ở Hồng Phước bị lộ. Không một cơ sở nào bị vỡ. Địch hoàn toàn không hay biết có một căn cứ của ta đứng ngay sát đồn bót của chúng; không biết đây là nơi tập kết gạo muối, thuốc men của cơ sở cách mạng để chuyển về căn cứ, là nơi ta tiếp nhận vũ khí từ căn cứ xuống để chuyển vào cho các lực lượng vũ trang nội thành đánh địch. Chúng không hề biết những ngọn đèn dầu kỳ diệu làm tín hiệu của cơ sở cách mạng ở Hồng Phước, báo chính xác tình hình địch để cán bộ của ta từ vùng giáp ranh nhìn xuống phán đoán và  quyết định phương thức hoạt động[3].

Các thế hệ nhân dân Hồng Phước, hôm nay và mai sau, sẽ mãi mãi ghi nhớ những trang vàng lịch sử của Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước và ra sức phấn đấu để góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng thân yêu ngày càng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, xứng đáng với truyền thống quê hương.                                      

[1] Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn: Chiến công đó trước hết thuộc về nhân dân. Dẫn theo: B1 Hồng Phước một thời nhớ mãi, 2015, tr 116

[2] Hồ Phúc Ngôn: Chuyện người con Hồng Phước, dô Nguyễn Sỹ Long thực hiện,  Nxb QĐND, HN, 2012, tr 148, 149

[3] Trích đoạn văn bia khắc trên Đài bia bằng đá trước Khu di tích cách mạng B1 Hồng Phước, tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây