LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC – KỲ 9

nhân dân Hồng Phước

NHÂN DÂN HỒNG PHƯỚC PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG CĂN CỨ ĐỊA TRONG GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

Sau ngày miền Nam được giải phóng, trong không khí tưng bừng của ngày hội non song thống nhất, nhân dân Hồng Phước bước vào một thời kỳ mới của cách mạng với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong bối cảnh non sông đã thu về một mối, nhiệm vụ giải phóng dân tộc đã hoàn thành, rất nhiều những cơ sở cách mạng nòng cốt của Hồng Phước, trước đây vào sống ra chết, đào hầm bí mật hoặc giữ cho “ngọn đèn đứng gác” thâu đêm đã vui vẻ về với cuộc sống đời thường, lại làm lụng quanh năm suốt tháng trên ruộng rộc, sum họp với gia đình, vui vầy cùng con cái, tiếp tục giữ tâm hồn như gìn vàng giữ ngọc, và tiếp tục trao truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ hôm nay. Nhiều cán bộ, chiến sĩ tuổi đời còn trẻ được Đảng và Nhà nước cho đi dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng  kiến thức và bố trí vào việc làm, trở thành cán bộ, công chức, công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị. Nhiều con em của Hồng Phước hằng ngày được đến các trường học, từ các lớp mầm, chồi của mẫu giáo đến bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng và đại học… Tất cả 71 hộ gia đình trong 64 nóc nhà ở thôn Hồng Phước – căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, đều tự hào về bản thân, gia đình, quê hương, đất nước, tự hào về Đảng quang vinh và dân tộc anh hùng.

Từ trong chiến tranh bước ra hòa bình, phương thức hoạt động và cuộc sống có nhiều đổi thay, và bên cạnh những thuận lợi cơ bản, không phải là không có khó khăn, thách thức; vừa phải bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa sản xuất ra của cải vật chất, đảm bảo đời sống gia đình và đóng góp cho xã hội.

Sau giải phóng, Hồng Phước lại trực thuộc xã Hòa Khánh, thuộc Khu I – Hòa Vang[1]. Theo chỉ đạo Khu ủy Khu II, Chi bộ Đảng xã Hòa Khánh đã tổ chức Hội nghị bất thường để củng cố cấp ủy và bàn bạc một số vấn đề cấp bách của địa phương sau ngày giải phóng và quyết định thành lập Ủy ban Quân quản lâm thời của xã. Chi bộ xã Hòa Khánh lúc này có 11 đồng chí: Phạm Đình Khôi, Nguyễn Duy Đằng, Nguyễn Thị Liên (Đá), Phạm Thị Kỷnh, Hà Thị Mau, Phạm Thị Miên, Phạm Thị Có, Lê Thị Bích, Lê Thị Hay, Lê Thị Giỏi và Đào Thị Thanh. Trong số 11 đảng viên của Chị bộ Hòa Khánh lúc này có 9  đảng viên là người Hồng Phước: Nguyễn Thị Liên (Đá), Phạm Thị Kỷnh, Hà Thị Mau, Phạm Thị Miên, Phạm Thị Có, Lê Thị Bích, Lê Thị Hay, Lê Kim Phương, Đào Thị Thanh. Ủy ban Quân quản lâm thời của xã do đồng chí Phạm Đình Khôi, Bí thư Chi bộ làm Chủ tịch, các đồng chí Phạm Đình Hiển, Phạm Thị Kỷnh làm Phó Chủ tịch, đồng chí Lê Kim Phương làm Ủy viên thư ký. Một chiến dịch thu gom súng ống và các phương tiện chiến tranh cùng xe cộ, áo quần của lính ngụy bỏ vương vãi khắp nơi trên đường tháo chạy, tan rã. Công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, thu hồi văn hóa phẩm độc hại của chế độ cũ, tập trung tu sửa lại các trường học để học sinh tiếp tục đến trường được triển khai mạnh mẽ, nhanh chóng.

Ngày 25 tháng 4 năm 1976 là ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất.  Cùng với 23 triệu cử tri trong cả nước, cử tri Hồng Phước đã nô nức đi làm nghĩa vụ công dân của mình, bầu cử những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt nhà nước.

Tiếp theo cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, cử tri Hồng Phước tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp; sau bầu cử, Hội đồng nhân dân xã đã họp bàu đồng chí Phạm Đình Khôi, Bí thư Chi bộ, làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, đồng chí Nguyễn Duy Đằng làm làm Trưởng Công an xã và đồng chí Nguyễn Kim Phương làm Ủy viên thư ký. Cũng vào thời gian này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội của xã cũng được thành lập như: Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng, Hội Liên hiệp thanh niên giải phóng miền Nam Việt Nam, Hội phụ nữ giải phóng, Nông hội… trong đó phải kể đến vai trò của Đoàn Thanh niên trong công tác khai hoang vỡ hóa, rà phá bom mìn, làm thủy lợi (như làm thủy lợi ở đập Hố Chùa, công trình Đại thủy nông Phú Ninh), làm đường nông thôn, thực hiện nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ quân sự (hằng năm, Hồng Phước đều đạt 100% chỉ tiêu về nghĩa vụ quân sự)…  Phong trào 3 xung kích với chủ đề “Đất nước và tuổi trẻ” do Trung ương Đoàn phát động đã trở thành phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ trên các mặt rất sôi nổi và đều khắp trong toàn quốc. Ngày 24 tháng 3 năm 1977, Ủy ban Nhân dân xã Hòa Khánh đã thành lập một đại đội gồm 100 đoàn viên, thanh niên và lực lượng xung kích do đồng chí Dương Thành Thị làm đại đội trưởng đi lao động ở tại công trường đại thủy nông Phú Ninh trong 2 năm. Lực lượng trẻ này của Hòa Khánh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của mà Đảng, chính quyền và nhân dân trong xã.

Untitled 4 Recovered - LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC - KỲ 9

Khi cuộc Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam nổ ta, Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đã thành lập một Tiểu đoàn Thanh niên xung phong, trong đó giao cho huyện Hòa Vang thành lập một đại đội với 101 đoàn viên, thanh niên. Xã Hòa Khánh đã cử 25 đoàn viên, thanh niên tham gia Đại đội thanh niên xung phong của huyện. Đồng chí Dương Thành Thị lúc này vừa từ công trường đại thủy nông Phú Ninh về và được giao giữ chức Xã đội phó của xã. Đồng chí đã xung phong đi và được trên giao giữ chức Đại đội trưởng Thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu của huyện Hòa Vang. Đại đội thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu của huyện Hòa Vang lên đường làm nhiệm vụ vào tháng 12 năm 1978 và trở về địa phương vào cuối năm 1979. Trên cả 3 mặt trận nóng bỏng trong những năm đầu sau ngày phóng đều có sự đóng góp tích cực của tuổi trẻ Hồng Phước: phá dỡ bom mìn để khai hoang phục hóa, lao động trên các công trình thủy lợi và phục vụ chiến đấu.

Về nông nghiệp: Năm 1975, theo thống kê, diện tích canh tác của Hồng Phước là 14 ha. Song đến năm 1979, diện tích lên đến 21 ha. Và nếu trước nay ở Hồng Phước mỗi năm chỉ có một vụ lúa, thì đến cuối thập niên 1970 – đầu thập niên 1980 đã tăng lên ba vụ.  Người nông dân từ làm ăn manh múm, cá thể đã từng bước tham gia các hình thức sản xuất tập thể như: tổ vòng công, đổi công, tổ định mức có khoán việc. Đến năm 1979, có 99% nông dân và 96% diện tích đất canh tác vào Hợp tác xã nông nghiệp. Năm 1976, năng suất lúa bình quân chỉ mới 1,2 tấn/ha thì đến năm 1985 đã tăng lên 5 tấn/ha; năm 1976, sản lượng lương thực là 25,2 tấn thì đến năm 1985 đã tăng lên 105 tấn. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi được chú trọng. Việc đổi mới cơ chế quản lý theo phương thức khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong nông nghiệp cũng được thực hiện và đem lại hiệu quả thiết thực.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng: hàng trăm mét đường liên thôn, liên xã được sử chữa hoặc làm mới; nhiều cầu cống lớn, nhỏ được xây dựng và sửa chữa, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng văn minh, sạch sẽ; phần lớn nhà cửa trong thôn được ngói hóa, nhà mái ngói, tường xi-măng thay cho nhà tranh, vách nứa trước đây; cổng ngõ tường rào, vườn tược cũng được khang trang hơn. Nếp sống văn hóa, văn minh trong nông thôn ngày càng được xây dựng.

Về giáo dục: là một khu dân cư xa trung tâm của xã Hòa Khánh (các trường học tập trung chủ yếu ở trung tâm) nên việc đi học của học sinh Hồng Phước gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn Hồng Phước chỉ có một trường tiểu học. Học sinh cấp hai, cấp ba phải đi bộ hoặc đạp xe gần 7 cây số để đến trường trung tâm xã. Tuy nhiên, Hồng Phước được đánh giá là thôn hiếu học. Tỷ lệ học sinh đến trường của Hồng Phước hằng năm đều tăng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp học hằng năm đạt trên 80%. Nhiều học sinh dự thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ, phổ cập cấp 1 trong độ tuổi cũng được triển khai thực hiện rất hiệu quả. Hồng Phước là một thôn có phong trào thể dục thể thao mạnh. Đội bóng chuyền của thôn thường xuyên tham gia các giải thi đấu do xã tổ chức nhân kỷ niệm các ngày lễ, ngày tết cổ truyền và đạt thành tích cao. Công tác y tế được chú trọng.

Về an ninh, trật tự trên địa bàn: nhiều thanh niên của thôn Hồng Phước đã tham gia đội du kích, dân quân cơ động của thôn và của xã; thường xuyên làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đã góp phần ngăn chặn và truy bắt có hiệu quả các cuộc vượt biển trái phép; tham gia phá án và vây bắt 87 tên thuộc ổ nhóm “Đảng phục quốc” do Hồ Chư, Nguyễn Văn Theo, Nguyễn Xuân Phú cầm đầu có căn cứ tại Nam Yên…

Tháng 12 năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã khởi xướng đường lối Đổi mới đất nước, tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội ở nước ta kéo dài một thập kỷ qua. Thực hiện đường lối Đổi mới do Đảng khởi xướng, Hồng Phước chuyển biến mạnh mẽ ở các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đời sống của người dân Hồng Phước ngày càng được cải thiện rõ rệt. Tiếp bước thế hệ đi trước, nhiều cán bộ trẻ của Hồng Phước nhanh chóng trưởng thành, được đề bạt, điều động vào những vị trí chủ chốt của xã, quận. Từ tháng 4  năm 1984, tại Đại hội đại biểu lần thứ VI của Đảng bộ xã Hòa Khánh, đồng chí Dương Thành Thị được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch xã Hòa Khánh. Và đến năm 1997, khi thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và quận Liên Chiểu được thành lập, đồng chí  Dương Thành Thị được điều lên làm Phó Chủ tịch quận; đến năm 2004 đồng chí giữ chức vụ Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận. Hiện nay, đồng chí Dương Thành Thị là  Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận. Tính từ sau ngày giải phóng, nhiều đồng chí khác ở thôn Hồng Phước được giao những chức vụ lãnh đạo, quan trọng, như đồng chí Lê Quang Lịch (Phó ban Thi đua khen thưởng tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng), đồng chí Lê Thành Dương (Viên trưởng Viện phúc thẩm Trung ương), Lê Thanh Châu (Bí thư Đảng ủy xã Hòa Khánh, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng quyền sử dụng đất một cấp quận Liên Chiểu), Lê Thọ (Phó trưởng phòng Cánh sát phòng cháy chữa cháy số 4), Lê Văn Hường (Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hòa Khánh Bắc, Phó trưởng phòng Tư pháp quận Liên Chiểu), Lê Tấn Dũng (Phó bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Trung)…

Trong chiến tranh, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhân dân Hồng Phước lòng son dạ sắt, đi theo Đảng, theo cách mạng đánh đuổi quân xâm lược và bè lũ tay sai của chúng. Trong hòa bình, nhân dân Hồng Phước phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp ấm no. Hồng Phước như phúc lớn ở đời, quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, với ý thức sâu sắc về sự phát triển của thành phố, với nghĩa cử thật cao đẹp, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, đặt lợi ích của xã hội lên trên lợi ích của cá nhân và gia đình, nên khi thành phố có chủ trương phát triển đô thị, nhân dân Hồng Phước đã đồng thuận, ủng hộ và chấp hành chủ trương di dời đền nơi ở mới, nhường đất để thành phố phát triển đô thị.

Ngày 11 tháng 3 năm 2016, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có quyết định về việc xây dựng Đài bia và Khu di tích lịch sử cách mạng B1Hồng Phước trên diện tích đất 2.700 m 2, ở một vị trí đẹp của Hồng Phước.

Ngày 25 tháng 3 năm 2017, Quận ủy và Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu đã tổ chức trọng thể lễ khánh thành Đài bia và Khu di tích lịch sử cách mạng B1 Hồng Phước, tiếp theo là xây dựng Báo cáo thành tích đề nghị Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Căn cữ lõm cách mạng B1 Hồng Phước.

Ngày 26 tháng 4 năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước.

Ngày 21 tháng 7 năm 2018, Quận ủy và Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu tổ chức lễ đón danh hiệu cao quý mà Hồng Phước vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng, vì những đóng góp to lớn của nhân dân Hồng Phước trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, như lời khắc trên Đài Bia ở Khu di tích lịch sử B1 Hồng Phước:

Chính tinh thần hy sinh, một lòng thủy chung, son sắt với cách mạng của các thế hệ nhân dân Hồng Phước đã đảm bảo cho sự tồn tại và hoạt động của căn cứ, vô hiệu hóa đối với các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.   

[1] Sau đó, các khu: Khu I, Khu II và Khu III hợp nhất lại thành huyện Hòa Vang như trước kia, thôn Hồng Phước, xã Hòa Khánh trực thuộc huyện Hòa Vang cho đến năm 1997, khi thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương, quận Liên Chiểu được thành lập, thôn Hồng Phước, xã Hòa Khánh ( nay thuộc xã Hòa Khánh Bắc) trực thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây