LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC – KỲ 11

căn cứ lõm B1 Hồng Phước

TINH THẦN TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT ĐÁNH GIẶC

LÀ ĐỘNG LỰC XÂY DỰNG CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC

Đồng chí Dương Thành Thị

Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND quận Liên Chiểu,

thành phố Đà Nẵng

– Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên là cán bộ chủ chốt của Đặc khu ủy Quảng Đà, Hòa Vang, Đà Nẵng qua các thời kỳ; các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, gia đình thương binh, liệt sỹ và gia đình có công với cách mạng căn cứ lõm B1 Hồng Phước, Khu I cánh Bắc Hòa Vang.

               – Kính thưa các đồng chí đại biểu, các vị khách mời.

               – Kính thưa toàn thể đồng bào ! 

Hôm nay, trong không khí phấn khởi chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975-29/3/2017) và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2017), Quận ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Liên Chiểu long trọng tổ chức gặp mặt truyền thống cán  bộ chiến sĩ, các lực lượng vũ trang, nhân dân và khánh thành Khu di tích cách mạng B1 Hồng Phước. Thay mặt lãnh đạo Đảng bộ và chính quyền nhân dân quận Liên Chiểu, trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo thành phố,các bậc lão thành cách mạng, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, gia đình thương binh, liệt sỹ, có công cách mạng; cán bộ, chiến sỹ và nhân dân có mặt tại buổi lễ trọng thể này lời chào trân trọng nhất. Kính chúc các đồng chí, đồng bào mạnh khỏe, hạnh phúc.

            Kính thưa các đồng chí và toàn thể đồng bào ! 

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Đảng và nhân dân ta rất coi trọng hình thái chiến tranh nhân dân. Nhờ biết phát động chiến tranh nhân dân và vận dụng sáng tạo nghệ thuật lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít đánh nhiều, đánh bằng mọi lực lượng, mọi quy mô, mọi vũ khí, biết đánh địch bằng mưu, thắng địch bằng thế mà các thế hệ người Việt Nam đã từng giành được thắng lợi vẻ vang ngay trong những cuộc đối đầu không cân sức với kẻ thù. Nhân dân ta đã đánh địch bằng cả Lực -Thế – Thời, trên chiến trường rộng lớn cũng như trong từng ngôi làng, góc phố nhưng rất kiên cường và hiệu quả, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, mà Căn cứ lõm cách mạng B1Hồng Phước tồn tại suốt trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước là một minh chứng rất cụ thể, sống động, có giá trị thực tiễn cao, góp phần làm sáng tỏ quá khứ hào hùng của dân tộc để giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng, đồng thời có ý nghĩa thời sự trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, bởi như Ăngghen đã từng nói: “Hãy đánh thức quá khứ dậy để cùng chúng ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”. Chính với tinh thần đó, trong không khí mùa xuân nồng ấm, chúng ta có mặt tại Khu di tích cách mạng B1  Hồng Phước vừa được xây dựng khang trang, đẹp đẽ này trong sự kết nối thiêng liêng giữa quá khứ và hiện tại, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và tinh thần “ôn cố tri tân”, nhằm phát huy tinh thần cách mạng trong quá khứ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, vì thành phố Đà Nẵng và quận Liên Chiểu thân yêu của chúng ta ngày càng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

images1459260 B1 HP - LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC - KỲ 11

Kính thưa các đồng chí và toàn thể đồng bào ! 

Theo người xưa truyền lại, Hồng Phước là phúc lớn. Làng Hồng Phước nằm trên một trảng cát lớn, xen lẫn các đầm sình lầy, cây hoang cỏ dại, nằm gần núi Thanh Vinh, ở vào vị trí ngã ba của con đường hành lang từ vùng núi Khu I cánh Bắc Hòa Vang xuống, từ quận Nhì Đà Nẵng lên và từ Khu II cánh Tây Hòa Vang qua. Với vị trí hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, ngay từ buổi đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Huyện ủy Hòa Vang và Ban cán sự Đà Nẵng, về sau là Quận ủy quận Nhì Đà Nẵng đã chọn Hồng Phước xây dựng thành khu căn cứ lõm cách mạng với mật danh B1. Đây là địa bàn xung yếu trong việc xây dựng và phát triển lực lượng, phục vụ đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang trong lòng địch; là một trong những nơi xuất phát những trận đánh Mỹ, diệt ngụy lẫy lừng của quân và dân ta trên địa bàn cánh Bắc Hòa Vang và quận Nhì Đà Nẵng; là một trong những nơi xuất quân trong các chiến dịch lớn như: Tết Mậu Thân năm 1968 và Mùa xuân năm 1975.

Hồng Phước có 71 gia đình sinh sống trong 64 nóc nhà, tất cả đều là cơ sở cách mạng. Từ khi thành lập cho đến ngày quê hương giải phóng, khu căn cứ cách mạng B1 Hồng Phước không một lần bị vỡ, cơ sở không hề bị lộ, bí mật tập thể được giữ gìn nghiêm ngặt nhất, là một thành công rất lớn, có tính chất điển hình trong công tác xây dựng “căn cứ lõm” của ta trong chiến tranh nhân dân. Có được thành công này là vì B1 Hồng Phước là căn cứ của lòng dân. Không có nhân dân thì không có căn cứ B1 Hồng Phước. Chủ nghĩa yêu nước mà cốt lõi là độc lập tự do và tinh thần đoàn kết toàn dân đánh giặc đây chính là động lực để làng quê cát trắng Hồng Phước, nằm sâu trong vùng địch được xây dựng trở thành một làng thuần khiết cách mạng. Nhiều gia đình ở Hồng Phước đã trở thành những cơ sở trung kiên, tiêu biểu như: gia đình bà Phạm Thị Dĩ và ông Dương Chương, gia đình bà Phạm Thị Miên, Nguyễn Thị Liên, Hà Thị Mau, Lê Thị Cảnh. Trong đó, gia đình bà Phạm Thị Dĩ và bà Phạm Thị Miên là hai chị em ruột…. Đây là nơi đứng chân hoạt động rất an toàn của nhiều cán bộ lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà, Khu I cánh Bắc Hòa Vang, quận Nhì Đà Nẵng như: đồng chí Võ Thanh Hùng, Đặc khu ủy viên Quảng Đà, Bí thư quận Nhì; đồng chí Tăng Ngọc Phương, Bí thư Khu I, Phó Bí thư quận Nhì; đồng chí Lê Thị Tính, Đặc khu ủy viên, Bí thư quận Nhì; đồng chí Nguyễn Thanh Năm (Năm Dừa), Đặc khu ủy viên, Bí thư quận Nhì; đồng chí Đặng Đình Vân, Đặc khu ủy viên, Bí thư quận Nhì kiêm Quận đội trưởng; đồng chí Lê Quân, Đặc khu ủy viên, Bí thư quận Nhì; đồng chí Hồ Phúc Ngôn, Quận đội trưởng quận Nhì, Tiểu đoàn trưởng 89 Đặc công; đồng chí Phan Văn Tải, Quận ủy viên, Quận đội phó quận Nhì, Đội trưởng Đội công tác phía trước, đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn được điều động từ Trường Đặc công quân khu về căn cứ B1 phụ trách công tác huấn luyện cho các lực lượng vũ trang cách đánh địch trong nội thành và phụ trách Mũi trưởng biệt động, hiện nay đã trở thành tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân Việt Nam và nhiều đồng chí khác đã về đứng chân và xây dựng Hồng Phước thành căn cứ vững chắc và chính các đồng chí cùng các lực lượng vũ trang đã được nhân dân B1 Hồng Phước nuôi giấu, bảo vệ.

Đặc biệt, giữa vòng vây và lùng sục ngày đêm của kẻ thù, các gia đình ở Hồng Phước đã đào 46 căn hầm bí mật, bao gồm những căn hầm bí mật hai tầng và đặc biệt là những căn hầm bí mật đào sâu trong lòng cát, kiên cố, vững vàng để nuôi giấu, che chở cho cán bộ, chiến sỹ của ta hoạt động; tiêu biểu là gia đình bà Phạm Thị Miên có 7 căn hầm bí mật, gia đình bà Phạm Thị Dĩ và ông Dương Chương có 4 căn hầm bí mật, gia đình bà Hà Thị Mau có 4 căn hầm bí mật, gia đình bà Nguyễn Thị Liên có 3 căn hầm bí mật, gia đình bà Lê Thị Cảnh có 2 căn hầm bí mật ở sát đồn địch…Giá trị của các căn hầm bí mật này rất lớn, đó là căn cứ của căn cứ, là nơi trú ẩn cũng là nơi đặt “bản doanh” của các đồng chí lãnh đạo cấp trên và các lực lượng vũ trang về hoạt động tại cánh Bắc Hòa Vang và quận Nhì Đà Nẵng. Trung bình mỗi căn hầm bí mật các lực lượng vũ trang của ta ở từ 3 đến 5 đồng chí, nhất là những khi chuẩn bị cho các trận đánh, các chiến dịch phải đưa lực lượng từ căn cứ xuống, vượt qua vùng giáp ranh giữa ta và địch để về căn cứ B1, ém quân một thời gian nhất định, chờ giờ xuất quân. Từ căn cứ B1 tiếp cận các mục tiêu trong vùng gần hơn, nhanh hơn để đánh địch và đánh xong lại rút quân trở về B1 ẩn nấp, chờ bọn Mỹ ngụy hết lùng sục, vây ráp mới vượt qua vùng giáp ranh trở về căn cứ. Tại đây, trong sự che chở của đất và người Hồng Phước, các đồng chí lãnh đạo của Đặc Khu ủy Quảng Đà, quận Nhì và Hòa Vang đã hình thành nhiều tư tưởng chỉ đạo và phương thức hoạt động sáng tạo, phù hợp với tình hình, quy mô về lực lượng, cách đánh địch của quân và dân ta.

Trong thời chống Mỹ, chúng ta biết nhiều về con đường Hồ Chí Minh lịch sử, song chưa phải tất cả đều biết về các tuyến hành lang chạy từ dãy Trường Sơn, từ con đường Hồ Chí Minh huyền thoại đổ về đồng bằng, đô thị ven biển. Những tuyến hành lang “xương cá” này cũng rất quan trọng, và rất nguy hiểm vì phải đi qua vùng giáp ranh, thọc xuống sâu vùng địch chiếm, nguy cơ bị địch phát hiện, phục kích là rất cao. Vì vậy, vai trò của cơ sở giao thông liên lạc tại vùng giáp ranh, vùng ven là rất lớn. Với vị thế của mình, đầu làng phía Tây Bắc của Hồng Phước nhìn lên núi Hải Vân và cánh Bắc Hòa Vang, đầu làng phía Nam nhìn vào núi Thanh Vinh, ở hai đầu làng này là nơi các cơ sở cách mạng Hồng Phước có những ngọn đèn dầu làm tín hiệu; tiêu biểu và thành công nhất, chưa một lần xảy ra sự cố làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ ta từ căn cứ cánh Bắc Hòa Vang xuống Quận Nhì Đà Nẵng là ngọn đèn của nhà gia đình bà Phạm Thị Dĩ, ông Dương Chương và đây là hướng duy nhất mà các lực lượng vũ trang quận Nhì muốn về hoạt động tại căn cứ lõm B1 Hồng Phước đều quan sát ngọn đèn dầu nhà mẹ Dĩ có an toàn hay không mới về. Và điều quan trọng trong quy trình để thắp ngọn đèn dầu báo hiệu không hề đơn giản. Để biết được không có địch bố ráp, mai phục thì suốt ngày hôm đó, các thành viên trong gia đình cùng với các cơ sở B1 vừa lao động sản xuất vừa quan sát địch có đi càn quét ở khu vực nào không, có bọn mật vụ nào không, và nếu địch đi thì nó rút về hay nằm lại. Trời càng về chiều tối thì việc quan sát, cảnh giới địch phải kỹ càng, chặt chẽ hơn. Đến giờ G, tình hình đảm bảo an toàn 100% thì mới thắp đèn dầu và đến khi cán bộ của ta về đến nơi thì đèn tắt. Và ngược lại, khi không nhìn thấy ngọn đèn dầu thì cán bộ ta không về. Như lời của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn Bộ Quốc phòng, nguyên Mũi trưởng Mũi biệt động trong những năm đánh Mỹ tại B1 Hồng Phước: “Hình tượng ngọn đèn đứng gác với tôi, Hồng Phước là một nhân chứng sống, ở đây nhà mẹ Dĩ và một số mẹ khác đã đêm đêm thắp sáng ngọn đèn để chỉ lối cho chúng tôi về, cứ thấy ánh đèn le lói sáng trong đêm là lòng anh em chúng tôi như ấm lại, đó là tín hiệu báo chúng tôi lại về cùng Hồng Phước an toàn, để từ đây sẽ có tin từ nội thành ra, gặp cơ sở để nắm tình hình, huấn luyện cấp tốc kỹ thuật cách đánh cho đội viên biệt động, hướng dẫn những vấn đề cần thiết khác…”. Mẹ Phạm Thị Dĩ cũng như các mẹ khác đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chưa một lần làm sai tín hiệu trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần bảo toàn lực lượng và đảm bảo hành lang thông suốt, đúng như tinh thần bài thơ Ngọn đèn đứng gác của Nhà thơ Chính Hữu: Trên đường ta đi đánh giặc/Ta về Nam hay ta lên Bắc/ Ở đâu/ Cũng gặp/ Những ngọn đèn dầu/ Chong mắt/ Đêm thâu…

Hong Phuoc anh hung - LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC - KỲ 11

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, địa phương, cán bộ, cơ sở đã sống và chiến đấu, góp phần bảo vệ Hồng Phước, trong đó có những đồng chí mà tên tuổi đã được ghi vào lịch sử của đảng bộ địa phương và có những đồng chí đã được đặt tên cho những con đường của thành phố Đà Nẵng như: Người nữ anh hùng liệt sỹ Lê Thị Tính, Đặc khu ủy viên, Huyện đội phó huyện Điện Bàn, được tăng cường về làm Bí thư quận Nhì Đà Nẵng; Anh hùng liệt sỹ Đặng Đình Vân, Đặc khu ủy Quảng Đà, Bí thư Quận ủy kiêm Quận đội trưởng quận Nhì; Liệt sỹ Trần Thị Vấn, Trung đội trưởng du kích B1- Hồng Phước, dũng cảm hy sinh trước sự tra tấn tàn bạo của kẻ thù; Liệt sỹ Phan Văn Bảy (Bảy Mót) – người đã cùng với anh trai của mình là đồng chí Phan Văn Tải trở thành một cặp đôi chiến đấu đầy dũng trí, đã cùng với du kích B1- Hồng Phước tổ chức những trận chiến xuất thần khiến quân địch khiếp sợ, trong một cuộc họp để bàn phương án đánh địch tại B1 bị quân Mỹ bao vây, đồng chí đã dũng cảm mưu trí phá vòng vây chấp nhận hy sinh để cứu đồng đội; Liệt sỹ Lê Văn Khi trên đường công tác bị địch phục kích bắn bị thương, sau bị địch bắt, nhất quyết không chịu khai báo, đồng chí đã tự lôi ruột mình ra từ vết thương ở bụng và đã hy sinh, bọn chúng đã thủ tiêu xác của đồng chí; Liệt sỹ Phạm Phú Long, con trai của Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Dãnh (tức Mẹ Nhu), là một chiến sỹ an ninh quận Nhì hoạt động gắn bó với căn cứ lõm cách mạng B1 – Hồng Phước, đã tham gia nhiều trận đánh địch rất ác liệt; trên đường đi công tác về bị địch phục kích và hy sinh tại mảnh đất Xuân Thiều; Đồng chí Hồ Phúc Ngôn, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nguyên Quận đội trưởng quận Nhì, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 89 Đặc công, là một đồng chí chỉ huy gắn liền với những chiến công vang dội như: trận đánh vào trận địa pháo Thanh Vinh, trận Hoa Lư (Hòa Mỹ) hay Tỉnh đường Quảng Trị lưu vong…; đồng chí Phan Văn Tải, một đồng chí có công rất lớn trong xây dựng Hồng Phước trở thành căn cứ lõm cách mạng B1- Hồng Phước, đồng thời là một cán bộ, chỉ huy đánh địch nhiều trận, ở nhiều nơi trong nội thành cũng như vùng ven, rất linh hoạt, cơ động, và chắc chắn làm kẻ địch khiếp sợ. Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn là người trực tiếp huấn luyện cho các lực lượng vũ trang cách đánh địch trong nội thành, là Mũi trưởng Biệt động mưu trí,gan dạ đã tổ chức các trận đánh vào sâu trong nội thành rất hiệu quả. Bên cạnh đó còn có sự hy sinh to lớn và thầm lặng của các cơ sở và lực lượng du kích B1 – Hồng Phước trong các chốn lao tù tàn bạo của kẻ thù trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, bọn đế quốc, tay sai đã nhiều lần đem quân lùng sục, càn quét với đủ các phương tiện, kể cả xe tăng, thiết giáp để bao vây B1 – Hồng Phước nhằm tìm cho ra cơ sở cách mạng và các lực lượng vũ trang của ta để đảm bảo sự an toàn của các căn cứ của chúng. Và chúng đã làm mọi cách vẫn không phát hiện được lực lượng của ta. Chúng lại nghi vấn, bắt bỏ tù  những nam nữ thanh niên trong căn cứ B1 đem về tra tấn tàn bạo không từ bỏ một thủ đoạn nào. Chúng tra tấn đến chết tại lao tù như đồng chí Trần Thị Vấn người nữ Trung đội trưởng du kích B1 và có người bị tù đày từ 3 đến 5 năm… Tất cả họ đều chấp nhận hy sinh đau đớn thân mình, kiên quyết không khai báo, không chỉ điểm về căn cứ lõm cách mạng B1. Bọn Mỹ ngụy không ngờ rằng chính đó là những cơ sở trung kiên của cách mạng, những du kích chính hiệu của B1 – Hồng Phước.Trong hai cuộc kháng chiến, trên mảnh đất này đã có 29 anh hùng liệt sỹ tham gia các trận đánh trên các chiến trường và anh dũng hy sinh. Ngày nay nhìn lại, chúng ta rất đỗi tự hào và cảm ơn sự hy sinh to lớn đó để bảo vệ cách mạng đến cùng và còn nhiều tấm gương anh hùng liệt sỹ khác mà lịch sử và bảng vàng truyền thống của quê hương cánh Bắc Hòa Vang và B1 Hồng Phước đã vinh danh.

Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước là nơi xuất phát nhiều trận đánh tiêu biểu như: Kho xăng Liên Chiểu, Trận địa pháo Thanh Vinh, Tổng kho hậu cần Bàu Mạc, căn cứ Hoa Lư, Tỉnh đường Quảng Trị lưu vong… của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương Quảng Đà, Hòa Vang và Đà Nẵng. Trong các trận đánh địch, nhiều cán bộ, chiến sỹ của ta đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất trăm quý ngàn thương này, trong đó có nhiều đồng chí là bộ đội được chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam; đồng thời hàng trăm tấn gạo, muối, thuốc men, súng đạn đã được đưa về chôn giấu nơi đây để phục vụ cho bộ đội ta đánh giặc; bởi căn cứ cách mạng B1- Hồng Phước không chỉ là điểm đứng chân mà còn là bàn đạp tiến công vào hậu phương của địch và là nơi lui quân về có dân nuôi giấu, đùm bọc, che chở của ta. Căn cứ cách mạng B1 Hồng Phước đã hoàn thành xuất sắc vai trò căn cứ của mình – một căn cứ ở tiền phương, một bàn đạp ở vùng ven để tiến công vào thành phố. So sánh với một số căn cứ lõm khác ở miền Nam thời chống Mỹ, B1 – Hồng Phước không lớn, rất đặc trưng về quy mô và hình thái của “các lõm chính trị” được xây dựng ở vùng địch trong chiến tranh của ta với đầy đủ các yếu tố về thiên thời, địa lợi, nhân hòa, trong đó đặc sắc nhất là yếu tố lòng dân, như lời khẳng định của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn: “Chiến công đó thuộc về nhân dân. Theo tôi, trong phong trào cách mạng, cái quan trọng nhất là lòng dân. Nếu không có những người dân như bố mẹ anh Thị, ông Chữ, bà Miên, bà Mau, bà Liên, bà Cảnh, bà Thanh …thì không thể nào có được một căn cứ địa tuyệt vời như thế. Xét cho cùng nếu được lòng dân thì mới dẫn đến thành quả cách mạng. Hơn bốn thập niên đi qua, miền đất này với nhiều đổi thay. Nay ngẫm lại tôi mãi mãi ghi nhớ sự chăm sóc của đồng bào, gia đình bà con B1 Hồng Phước. Khi ra Hà Nội thì tôi ít ghé nhưng lúc còn ở quân khu thì tết nào cũng về thăm, thắp hương cho người đã khuất, thăm viếng người còn sống, gặp số anh chị em nhất là cơ sở cũ của mình, thấy họ giờ còn khó khăn, tôi luôn mong sao cấp ủy chính quyền địa phương giành sự quan tâm đối với họ. Có thể họ đã không làm nên những chiến công gì ghê gớm lắm trong thời gian đó nhưng nếu không có họ thì không có bất cứ chiến công nào của chúng tôi. Chiến công của lực lượng biệt động, quân giải phóng, nếu không có dân thì không có gì cả, thành tích đó, chiến công đó trước hết thuộc về nhân dân”.  

Do đã có thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cán bộ và nhân dân Hồng Phước đã được Đảng, Nhà nước phong tặng 04 Anh hùng LLVTND, 04 Bà Mẹ VNAH, 105 huân, huy chương các loại và nhiều kỷ niệm chương, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Quận ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN quận đã tổ chức Hội thảo khoa học về thành tích căn cứ lõm cách mạng B1 – Hồng Phước, đã có đủ các điều kiện và đang trình cấp trên đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho B1 – Hồng Phước.

Kính thưa các đồng chí và toàn thể đồng bào ! 

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, trong không khí tưng bừng của ngày hội non song thống nhất, nhân dân Hồng Phước trở lại với cuộc sống mới; nhiều cán bộ, chiến sĩ và con em của Hồng Phước đã được Đảng và Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng  trở thành cán bộ, công chức, công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị; nhiều gia đình sau những năm tháng công hiến xuất sắc vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã trở về với cuộc sống đời thường, làm nòng cốt trong phong trào cách mạng tại địa phương; tất cả đều cảm thấy tự hào về những đóng góp của bản thân, gia đình, quê hương trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc và nhận thức đầy đủ trách nhiệm của bản thân và gia đình, thôn xóm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì tương lai tươi đẹp. Hồng Phước ngày nay đã đổi mới, giàu đẹp hơn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Song với ý thức sâu sắc về sự phát triển của thành phố, với nghĩa cử thật cao đẹp, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, đặt lợi ích của xã hội lên trên lợi ích cá nhân và gia đình, với nghĩa cử cao đẹp, nhân dân Hồng Phước đã chấp hành chủ trương di dời để nhường đất cho thành phố phát triển đô thị. Trong hoàn cảnh mới, mảnh đất Hồng Phước vẫn trường tồn, nhưng làng xóm sẽ không còn quy tụ như quê xưa làng cũ, nhiều gia đình phải di dời đến khu dân cư mới với bao nhiêu lưu luyến về cảnh cũ, làng xưa và nỗi trăn trở là làm sao để bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa và lịch sử của quê hương nhằm giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho các lớp con cháu hôm nay và mai sau, để có một di tích căn cứ lõm cách mạng B1- Hồng Phước được giữ lại cho muôn đời. Và thể theo nguyện vọng chính đáng đó của nhân dân Hồng Phước, theo sự đề xuất, kiến nghị của quận Liên Chiểu và quận Thanh Khê, Thành ủy đã đồng ý chủ trương và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đã ra Quyết định số 3902/QĐ-UBND ngày 11 tháng 03 năm 2016 về việc phê duyệt xây dựng Đài Bia và Nhà truyền thống B1 Hồng Phước trên diện tích đất 2.700 m2, với tổng mức kinh phí giai đoạn 1 là 4,2 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 3,3 tỷ đồng. Sau đúng một năm tích cực xây dựng, đến nay công trình Khu di tích căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước đã hoàn thành. Đây là một địa chỉ lịch sử, một công trình nhằm tôn vinh truyền thống lịch sử và văn hóa vẻ vang của cán bộ và nhân dân ta, có ý nghĩa “ôn cố tri tân”, đời đời tôn vinh, tri ân các bậc tiền nhân có công với nước, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã có công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; là nơi bồi dưỡng truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Trong buổi gặp mặt và khánh thành long trọng này, Đảng bộ và chính quyền quận Liên Chiểu xin trân trọng cảm ơn  sự chỉ đạo sâu sắc, sự quan tâm đặc biệt và sự đầu tư thích đáng của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố đối với việc xây dựng Khu lưu niệm di tích căn cứ cách mạng B1- Hồng Phước. Chúng tôi xin hứa với lãnh đạo thành phố sẽ giữ gìn và phát huy giá trị của khu di tích để khu căn cứ cách mạng B1- Hồng Phước là một địa chỉ đỏ, thu hút được nhiều người, nhất là thanh niên, thiêu niên và nhi đồng, các cháu học sinh, sinh viên đến tham quan và học tập, nhằm hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc qua hình ảnh của một khu căn cứ lõm, đất không rộng, người không đông nhưng đã làm nên những kỳ tích anh hùng.

Nhân dịp này, một lần nữa chúng tôi trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đặc khu Quảng Đà, của cánh Bắc Hòa Vang và quận Nhì Đà Nẵng đã chỉ đạo xây dựng Hồng Phước thành một khu căn cứ cách mạng kiên cường; xin cảm ơn nhân dân Hồng Phước đã biến quê mình thành khu căn cứ an toàn, đứng vững cho đến ngày toàn thắng và với nghĩa cử cao đẹp của người dân trong chấp hành chủ trương di dời, giải tỏa của thành phố; xin chân thành cảm ơn nhân dân các địa phương của quê hương cánh Bắc Hòa Vang, Đà Nẵng, đặc biệt là các làng Thanh Vinh, Đa Phước, Xuân Thiều, Trung Sơn, Quan Nam, Kim Liên, Thủy Tú… đã trực tiếp góp phần cùng với nhân dân Hồng Phước xây dựng và bảo vệ vững chắc căn cứ B1 trong những năm cả nước đánh Mỹ, thắng Mỹ và bè lũ tay sai. Xin  trân trọng cảm ơn các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ, các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các gia đình thương binh liệt sỹ và có công với cách mạng; các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng vũ trang nhân dân, các nhân chứng lịch sử, các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, các cơ quan, đơn vị… đã có những đóng góp rất giá trị trong xây dựng đề án, thiết kế, sưu tầm tư liệu và cung cấp hiện vật lịch sử, ghi chép lại truyền thống, soạn thảo văn bia di tích, thể hiện sâu sắc sự tri ân với trách nhiệm và nghĩa tình sâu đậm, niềm tự hào to lớn, tính giáo dục, truyền cảm rất cao về Khu căn cứ cách mạng B1- Hồng Phước.

Với trách nhiệm và tình cảm cách mạng, thay mặt Quận ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ quận Liên Chiểu, chúng tôi xin cảm ơn các đồng chí, quý vị đại biểu và toàn thể đồng bào.

Xin trân trọng cảm ơn!

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây