LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC – KỲ 2

cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước

PHẦN THỨ NHẤT

CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC-

MỘT “ĐỊA CHỈ ĐỎ”

I. VÀI NÉT VỀ ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN, CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG CỦA QUÊ HƯƠNG HỐNG PHƯỚC

1.Địa lý lịch sử và tự nhiên của căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước

Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, mật danh là B1, được Ban cán sự Đà Nẵng xây dựng từ năm 1960, dựa trên các gia đình cơ sở mật của ta tại Hồng Phước do Huyện ủy Hòa Vang xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, và hoạt động đến ngày thành phố Đà Nẵng được giải phóng (29-3-1975). Căn cứ này bao gồm toàn bộ thôn Hồng Phước, thuộc xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Danh xưng Hồng Phước xuất hiện khá sớm. Trong Địa bạ[1] của làng Thanh Vinh lập từ thời Tự Đức đã ghi “bắc cận thôn Hồng Phước”. Trên thực tế, từ sau thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 về trước, Hồng Phước thuộc thôn Đa Phước (tổng Thái Hòa, huyện Hòa Vang). Đến ngày 17 tháng 1 năm 1946, Ủy ban Hành chánh huyện Hòa Vang đã quyết định tách Đa Phước thành 2 thôn là Đa Phước và Hồng Phước. Thôn Hồng Phước gồm toàn bộ phần đất của Hồng Phước ngày nay.

Vào năm 1955, trong bối cảnh đất nước tạm chia cắt ra làm hai miền, miền Nam phải tạm thời nằm trong vòng kiểm soát của Mỹ – Diệm, bọn ngụy quyền ở Hòa Vang đã thành lập xã Hòa Khánh, gồm 3 thôn là Đà Sơn, Khánh Sơn và Đa Phước. Chúng sáp nhập thôn Hồng Phước vào thôn Đa Phước. Đến năm 1961, chúng xây dựng ấp chiến lược ở thôn Đa Phước nhưng chỉ tiến hành xây dựng ấp chiến lược được ở Hòa Khánh (Khu A) và ở Phú Lộc (Khu B), còn ở Hồng Phước (Khu C) do quần chúng chống đối mạnh mẽ nên không xây dựng được. Sự quản lý của địch ở Hồng Phước cũng rất lỏng lẻo.

Về ta, vào năm 1959, Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II) ra đời, Đảng chủ trương chuyển phong trào cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công địch, nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vào năm 1960, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng và được Huyện ủy Hòa Vang tạo điều kiện, Ban cán sự Đà Nẵng đã xây dựng thôn Hồng Phước thành căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, một căn cứ bàn đạp để móc nối liên lạc sâu vào trong thành phố Đà Nẵng.

Năm 1962,  Khu ủy 5 quyết định tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng ra thành 2 tỉnh và một thành phố: tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng được chia ra làm 3 quận: Quận Một (gồm khu vực Khu Tây của thành phố, nay là địa bàn quận Thanh Khê), Quận Nhì (gồm khu vực Khu Trung của thành phố, nay là địa bàn quận Hải Châu) và Quận Ba (gồm khu vực Khu Đông của thành phố, nay thuộc địa bàn quận Sơn Trà) do Ban cán sự Đà Nẵng lãnh đạo. Đến năm 1964, trên cơ sở Ban Cán sự Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng được thành lập, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trên địa bàn thành phố. Đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà kiêm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.  Đến tháng 11 năm 1967, để chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, Khu ủy 5 đã quyết định thành lập Đặc  khu Quảng Đà trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng. Từ đó cho đến ngày giải phóng, thành phố Đà Nẵng không còn là đơn vị cấp thành phố nữa, mà chỉ còn cấp quận: Quận Một  được đổi thành quận Nhì và Quận Nhì được đổi tên thành Quận Nhất; riêng Quận Ba vẫn giữ nguyên tên cũ. Mỗi quận có Quận ủy lãnh đạo dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đặc khu ủy Quảng Đà. Địa bàn huyện Hòa Vang cũng được chia ra làm 3 khu: Khu I, Khu II và Khu III[2], không còn cấp huyện nữa. Khu I – Hòa Vang gồm có 4 xã là Hòa Hiệp, Hòa Lạc, Hòa Thanh và Hòa Ninh; còn địa bàn 3 xã Hòa Khánh, Hòa Minh và Hòa Phát (trong đó có thôn Hồng Phước) trực thuộc Quận Nhì – Đà Nẵng. Đến tháng 10 năm 1973, Khu I, Khu II và Khu III hợp nhất lại thành huyện Hòa Vang, nhưng đến tháng 10 năm 1974, Đặc khu ủy Quảng Đà lại quyết định tách huyện Hòa Vang ra làm 3 khu như cũ và 3 xã Hòa Khánh, Hòa Minh, Hòa Phát lại trở về trực thuộc về Khu I – Hòa Vang. Riêng Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước vẫn tiếp tục trực thuộc Quận Nhì – Đà Nẵng cho đến ngày giải phóng.

Sau ngày đất nước thống nhất, Đặc khu Quảng Đà và tỉnh Quảng Nam hợp nhất thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Và đến tháng 01 năm 1997, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng được tách ra thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng (mới) bao gồm địa bàn thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang (cũ). Toàn thành phố được chia ra làm 5 quận (Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu) và 2 huyện (Hòa Vang, Hoàng Sa). Xã Hòa Khánh trở thành phường Hòa Khánh thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Năm 2005, thành phố thành lập quận mới Cẩm Lệ. Cũng trong năm này, phường Hòa Khánh được tách thành 2 phường là  Hòa Khánh Bắc và Hòa Khánh Nam. Thôn Hồng Phước, mảnh đất căn cứ lõm cách mạng trong kháng chiến, trực thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.

Về diện tích, vị trí và giới hạn, căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước có diện tích gần 2km2, nằm ở phía Tây Bắc thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km; phía Đông giáp Bàu Tràm và thôn Xuân Thiều (nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), phía Nam giáp thôn Thanh Vinh, núi thấp Thanh Vinh (nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), phía Bắc giáp thôn Trung Sơn (nay thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang); phía Tây giáp xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang.

Ở Hồng Phước, ngoài những bãi cát trắng còn có các ao hồ, đầm lầy như: Bàu Sậy, Hóc Quân, Hóc Chánh, Hóc Lon, Hóc Bộ. Cả bốn hóc: Hóc Quân, Hóc Chánh, Hóc Lon, Hóc Bộ đều có ruộng lúa.

Mỗi năm ở Hồng Phước có hai mùa rõ rệt. Mùa khô nắng nóng nhưng do gần biển, gió biển thổi vào làm dịu bớt không khí oi bức. Mùa mưa các ao hồ, đầm lầy ngập nước, gây ngập úng cục bộ, nhưng đáng ngại nhất là các cơn bão, thường gây thiệt hại về nhà cửa và mùa màng của nhân dân.

Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước nằm gần kề đường Quốc lộ I, từ Hồng Phước đi vào trung tâm thành phố Đà Nẵng bằng đường bộ rất thuận lợi. Hồng Phước đồng thời vừa tiếp giáp với các khu dân cư đông đúc của Hòa Khánh và Hòa Minh, vừa kế cận vùng trung du – miền núi huyện Hòa Vang, rất thuận lợi cho lực lượng cách mạng tiến công vào thành phố Đà Nẵng, nhưng cũng rất dễ dàng và nhanh chóng thoát khỏi vòng vây của địch để lui về vùng miền núi rộng lớn phía Tây Bắc Hòa Vang. Toàn căn cứ trải rộng trên một trảng cát lớn, chằng chịt cây gai lưỡi long, xương rồng, cây nham, chi chít gai dài và nhọn, đan xen với những đầm lầy, rừng cây, lau sậy rậm rạp, đủ điều kiện để làm nơi tụ cư lâu dài, an toàn cho một cộng đồng dân cư nhất định và hoàn toàn thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ lõm cách mạng.

Địa hình của Hồng Phước có sự thay đổi lớn kể từ khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng (ngày 8 tháng 3 năm 1965) và đặc biệt là sau Tết Mậu Thân năm 1968, khi quân Mỹ, quân ngụy tiến hành cày ủi, lập vành đai trắng; diện tích cây rừng và khu vực đầm lầy bị thu hẹp, không còn kín đáo như trước nữa. Trong tình hình đó đòi hỏi sự sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ và cơ sở cách mạng nhằm thích ứng với môi trường mới để tiếp tục giữ vững căn cứ. Phong trào đào hầm bí mật trong cát được phát động và trở thành một nét đặc sắc trong xây dựng căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước.

  1. Hệ thống căn cứ quân sự, hậu cần và lực lượng địch trên địa bàn Hồng Phước

Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước của ta nằm lọt thỏm trong vùng địch kiểm soát, bị vây bọc bởi các căn cứ quân sự và hậu cần trên tuyến phòng thủ phía Tây Bắc thuộc khu liên hợp quân sự Đà Nẵng, một khu liên hợp quân sự lớn nhất của Mỹ – ngụy ở miền Nam nước ta.

Phía Đông khu căn cứ lõm B1 Hồng Phước là căn cứ hậu cần Bàu Mạc của quân Mỹ (đây là căn cứ hậu cần lớn nhất miền Trung của quân Mỹ, quân số khoảng 1 sư đoàn) và sân bay Xuân Thiều. Kéo dài khoảng 1km từ Bàu Mạc về phía Bắc là vịnh Đà Nẵng, nơi thường xuyên có nhiều tàu thuyền Mỹ neo đậu, hoạt động ngày đêm và Liên đoàn 11 Biệt động quân ngụy gồm 3 tiểu đoàn đứng chân tại Bắc Ninh, Hòa Phú.

Phía đông bắc là Tỉnh đường Quảng Trị “lưu vong” ngụy, gồm có 1 đại đội lính địa phương quân, 1 đại đội cảnh sát, cơ quan hành chính, quân số khoảng 200 tên, bị ta đánh từ Quảng Trị chạy vào đứng chân và 1 đại đội quân cảnh ngụy đứng chân tại Bàu Tràm.

Phía đông nam có tiểu đoàn công binh Mỹ đóng ở Hố Chùa, Đa Phước.

Phía tây nam giáp với trận địa pháo binh Thanh Vinh do tiểu đoàn pháo binh thuộc Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ chốt giữ với 3 cụm trận địa pháo từ 105 đến 175 mm và hàng trăm xe cơ giới và xe kéo pháo hiện đại, sẵn sàng chi viện cho lực lượng của chúng càn quét trên các địa bàn xung quanh Đà Nẵng.

Phía nam có căn cứ Hoa Lư do Tổng hành dinh Sư đoàn 3 ngụy và 1 tiểu đoàn vận tải của sư đoàn đứng chân tại Hòa Mỹ. Kéo dài về phía Đông Nam là trận địa tên lửa phòng không Mỹ tại núi Phước Tường và nhiều đơn vị lính Mỹ, ngụy đóng quân với mật độ dày đặc từ Phước Tường, Phước Lý, Đại La đến dãy núi Đa Phước.

Phía Bắc có Kho xăng Liên Chiểu, Đồn Quan Nam, đồn Tùng Sơn, đồn An Ngãi Tây, đồn Lệ Mỹ, Đồn Xuân Thiều, đồn Thủy Tú, đồn Kim Liên và đồn Nhất đèo Hải Vân.

Ngoài ra trên địa bàn xung quanh Hồng Phước thuộc xã Hòa Khánh còn có bọn bảo an, dân vệ, cảnh sát, mật vụ, biệt động quân, tình báo và bọn đầu sỏ ác ôn hoạt động ngày đêm. Đặc biệt, từ ngày 8 tháng 3 năm 1965, khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, chúng xây dựng ở Hòa Khánh hệ thống đồn bót dày đặc, quân Mỹ và quân ngụy đồn trú[3] ở đây tăng lên đột biến, lúc cao nhất có 1 sư đoàn bộ binh Mỹ, 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, 14 tiểu đoàn quân ngụy, 1 sư đoàn bộ binh ngụy, 1 trung đoàn công binh ngụy, 1 căn cứ hậu cần, 1 sân bay… Tính ra cứ 1 người dân Hòa Khánh có 7 tên lính Mỹ (chưa kể lính ngụy). Cả quân Mỹ và quân ngụy đóng trên địa bàn Hòa Khánh đều là những đơn vị chủ lực, thiện chiến. Tuy nhiên, dù quân số đông, vũ khí hiện đại, hoạt động quân sự, tình báo, gián điệp, chỉ điểm dồn dập, chúng vẫn không hề hay biết có một căn cứ lõm của ta nằm giữa hệ thống đồn bót của chúng: căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước.

2233 - LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC - KỲ 2

  1. Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước – địa bàn thuần khiết và đứng chân của các lực lượng cách mạng

Nói đến quê hương Hồng Phước là nói về những trảng cát mênh mông đan xen với những ao hồ, đầm lầy, lau sậy, cây gai chằng chịt, cho nên ở đây, trong thời kỳ địch chưa cày ủi để thành lập “vành đai trắng”, chúng không dám bén mảng đến, còn ta thì dựa vào đó để xây dựng căn cứ, huy động và tập hợp lượng lực để đánh địch.

Từ khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, quân Mỹ và quân ngụy tiến hành cày ủi để lập “vành đai trắng”, tập trung nhân dân vào các khu dồn dân nhằm cách ly nhân dân với cách mạng. Trong tình hình đó, những rừng cây và đầm lầy ở Hồng Phước bị thu hẹp lại, địa hình của Hồng Phước thay đổi; do đất đai bị cày ủi, cây cối bị chặt phá, toàn thôn chỉ còn lại là một trảng cát trắng với 64 nóc nhà dân. Căn cứ quân sự, hậu cần của quân Mỹ mọc lên ken dày cả thôn. Nhà dân với đồn địch có chỗ chỉ cách nhau hàng rào thép gai bùng nhùng. Nhưng như tục ngữ có câu: “Trong cái khó ló cái khôn”, ở vào hoàn cảnh đặc biệt đó, ta đã sớm thích nghi với hoàn cảnh, sáng tạo ra phương thức hoạt động mới để tồn tại trong điều kiện địch cày ủi trắng đất và xây dựng căn cứ bao bọc xung quanh thôn. Và như trên đã trình bày, để nuôi giấu cán bộ và đảm bảo hoạt động cho căn cứ, không có gì hơn là đào những căn hầm bí mật sâu trong lòng cát, xây dựng kiên cố, để nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ và cơ sở cách mạng. Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước vì thế vẫn đững vững, không bị lộ, cho đến ngày toàn thắng. Sự thích nghi với môi trường sống, lúc bình yên cũng như trong khốc liệt của chiến tranh, đã trở thành nét văn hóa của người dân Hồng Phước.

Sống trong điều kiện môi trường gần biển nhưng không giáp biển, cư dân Hồng Phước chọn nghề nông để sinh sống; đất trồng lúa, trồng khoai, tập trung ở quanh khu vực Bàu Sậy và ở 4 hóc kể trên. Xưa kia, vào những lúc nông nhàn, người dân Hồng Phước thường vào núi Thanh Vinh đốn củi, hoặc thả lưới, đánh bắt cá, tôm trên Bàu Sậy để kiếm thêm thu nhập và cải thiện bữa ăn cho gia đình. Song dù là làm ruộng, làm “tiều phu”, hay làm “dân chài lưới” thì cuộc sống của người dân trong thôn vẫn khó khăn, nghèo túng, “đứt bữa” thường xuyên trong những ngày giáp hạt hoặc khi bị thiên tai mất mùa. Cảnh “bữa no, bữa đói”, ăn cơm độn khoai, sắn xảy ra triền miên. Đặc biệt, trong hoàn cảnh bị ách đô hộ, áp bức của thực dân và phong kiến tay sai, trực tiếp là bọn lý hào, phong kiến ở địa phương nên phần lớn người dân rơi vào cảnh nghèo khổ, bần cùng; ít gia đình no đủ, có đủ điều kiện cho con cái học đến hết bậc trung học, nhiều nhà chỉ cho con học để “biết cái chữ” rồi thì nghỉ ở nhà, lao động phụ giúp gia đình, làm ăn sinh sống.

Cuộc sống tuy cơ cực bần cùng nhưng người dân Hồng Phước vẫn một lòng yêu quê hương đất nước, đoàn kết, tương trợ, sẵn sàng giúp đỡ nhau, “tối lửa tắt đèn” có nhau.  Truyền thống văn hóa của quê hương, của dân tộc luôn luôn được người dân  ý thức giữ gìn. Cho nên, dù đi đâu, ở đâu, người dân Hồng Phước vẫn nhớ về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình; nhớ chòm xóm, nhớ đình  làng, nhớ người và nhớ cát.

Trong quá trình xây dựng căn cứ lõm cách mạng Hồng Phước ta chú trọng đến công tác xây dựng và phát triển cơ sở, làm thuần khiết địa bàn, xem trọng công tác tư tưởng, dân vận và binh vận. Kết quả là các hộ gia đình ở Hồng Phước đều là gia đình cách mạng. Bộ máy ngụy quyền bị tê liệt, hoạt động lỏng lẻo, địch có cũng như không, chỉ là hình thức, không tác dụng. Tính đến trước ngày giải phóng, trong thôn có 8 thanh niên đi lính cho địch nhưng đều có cảm tình với cách mạng hoặc là cơ sở nội tuyến, binh vận của ta trong lòng địch. Đối tượng gây khó khăn và tổn thất nhất cho Hồng Phước là quân Mỹ, quân ngụy và ngụy quyền đóng ở Hòa Khánh, và nhất là bọn tình báo, gián điệp từ bên ngoài xâm nhập vào Hồng Phước để hoạt động. Trong tình hình đó, công tác tuyên truyền, vận động và dân vận càng được chú trọng. Nhân dân Hồng Phước đã hết lòng vì cách mạng. Cán bộ, chiến sỹ cách mạng hoạt động trên địa bàn Hồng Phước thực hiện nghiêm túc các quy định của căn cứ, tuyệt đối giữ bí mật, an toàn cho căn cứ. Vì vậy, từ buổi đầu hình thành căn cứ cho đến ngày giải phóng, có thể nói, Hồng Phước là một thôn thuần khiết cách mạng, bí mật tập thể được giữ gìn tuyệt đối, làm trong sạch, an toàn địa bàn và ngày càng lớn mạnh, đủ sức dung chứa một lực lượng lớn bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực, cỡ một tiểu đoàn, có đủ lương thực, thuốc men và chỗ ém quân để tổ chức những trận đánh lớn, tiêu diệt hoàn toàn cả một căn cứ quân sự hay hậu cần của quân Mỹ và quân ngụy.

[1] Địa bạ, còn gọi là Sổ điền, là loại sổ ghi chép, thống kê về ruộng đất của các làng, xã ngày xưa. Mục đích của viecj lập Địa bạ là để quản lý ruộng đất, thu tô thuế, vạch định ranh giới giữa các đơn vị hành chính và tránh sự tranh chấp về ruộng đất.

[2] Tên các Quận được ghép với tên Đà Nẵng, nên thường gọi là: Quận Nhất – Đà Nẵng, Quận Nhì – Đà Nẵng và Quận Ba – Đà Nẵng. Tên các Khu được ghép với tên Hòa Vang, nên thường gọi là Khu I- Hòa Vang, Khu II – Hòa Vang và Khu III – Hòa Vang.

[3] Đồn trú (encamp, oupost) có nghĩa là đóng quân cố định tại một chỗ, trong thời gian dài hoặc nhất định nào đó.

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây