LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC – KỲ 1

Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước (1960 – 1975)

ahll - LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC - KỲ 1

LỊCH SỬ

CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC
(1960 – 1975)

Biên soạn: Bùi Xuân

 

LỜI NÓI ĐẦU  

Theo Từ điển bách khoa Việt Nam, căn cứ địa là “vùng được chọn để làm bàn đạp xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ra các vùng khác. Căn cứ địa cách mạng phải có khả năng tạo được những cơ sở chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội và địa lý thuận lợi cho đấu tranh cách mạng và chiến tranh cách mạng”[1]. Còn theo Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, “Căn cứ địa cách mạng là vùng lãnh thổ và dân cư do lực lượng cách mạng làm chủ, tương đối an toàn (có thể là vùng tự do hoặc căn cứ du kích đã được xây dựng, củng cố vững chắc); nơi đứng chân và làm chỗ dựa để lực lượng cách mạng chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa hoặc chiến tranh cách mạng. Theo đơn vị hành chính, có căn cứ địa cách mạng: Trung ương, địa phương, cơ sở; theo địa hình và vùng lãnh thổ, có căn cứ địa cách mạng: ở đồng bằng, vùng núi, đô thị; ngoài ra còn có căn cứ địa ngay trong vùng địch kiểm soát gọi là căn cứ lõm”[2].

Thực tế, các quan chức và tướng tá Mỹ trực tiếp dính líu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã không thể nào đánh giá hết được tinh thần yêu nước của người Việt Nam, không thể hiểu được là bằng những công cụ hết sức thô sơ như cuốc, thuổng, người Việt Nam đã đào được những địa đạo nằm sâu trong lòng đất như Củ Chi, Vĩnh Mốc; không thể hiểu được một ngôi làng nhỏ như thôn Hồng Phước với những bãi cát trắng nằm lọt hẳn trong khu căn cứ quân sự và hậu cần của quân Mỹ ở vùng ven phía Tây thành phố Đà Nẵng lại là một căn cứ lõm của cách mạng. Nhiều gia đình ở Hồng Phước, với lòng trung thành và quyết tâm bảo vệ cách mạng, đã đào 46 căn hầm bí mật ở trong nhà, ngoài vườn, có nhà đào đến 6 hoặc 7 căn hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích, cơ sở, hoặc chăm sóc thương binh, bệnh binh. Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước được xây dựng từ năm 1960, sau khi Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra đời và phát triển mạnh mẽ vào những năm 1965, 1966, 1967, là căn cứ quan trọng của Quận Nhì – Đà Nẵng trong 2 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và mùa Xuân năm 1975, là điểm đến an toàn, là bàn đạp tiến công địch của các lực lượng cách mạng, là nơi quân ta tiến và lùi đều có dân nuôi giấu, che chở, chỉ đường. Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước là căn cứ của lòng dân.

Trong những năm tháng khó nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước vẫn bảo đảm là địa bàn đón được nhiều đồng chí lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà, Khu ủy Khu I – Hòa Vang, Quận ủy Quận Nhì – Đà Nẵng, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương Quảng Đà, Hòa Vang… về  đứng chân hoạt động. Sở dĩ được như thế là vì nơi đây hội tụ được các yếu tố về thiên thời, địa lợi, nhân hòa, lại được sự giúp đỡ, chia lửa của các địa phương lân cận, đặc biệt là các thôn Xuân Thiều, Thủy Tú, Thổ Trại, Kim Liên… nên đã vượt qua được nhiều thử thách, tồn tại cho đến ngày toàn thắng. Quân Mỹ, quân ngụy đã không thể ngờ tới, ở một nơi là căn cứ quân sự và hậu cần của chúng lại là căn cứ địa của ta, là nơi xuất phát những trận tiến công tiêu diệt các căn cứ lớn của chúng như trận địa pháo Thanh Vinh, căn cứ hậu cần Bàu Mạc, căn cứ Hoa Lưu, tỉnh đường Quảng Trị “lưu vong”… và nhiều  đồn bót lớn nhỏ khác.

Xuất phát từ yêu cầu về giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ, nhân dịp Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước đã ghi nhận và tuyên dương về những đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân căn cứ lõm cách mạng Hồng Phước vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng thời trên cơ sở tập sách “B1- Hồng Phước, một thời nhớ mãi” đã xuất bản, Quận ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Liên Chiểu và quận Thanh Khê đã phối hợp tổ chức chỉ đạo biên soạn và xuất bản tập sách “Lịch sử căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước (1960 – 1975)” nhằm ghi lại một cách cơ bản, đầy đủ về quá trình hình thành, phát triển của Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước từ buổi đầu xây dựng căn cứ cho đến sau ngày đất nước thống nhất, nhằm làm tài liệu chính thức tuyên truyền về “địa chỉ đỏ” này.

Để triển khai biên soạn tập sách, Quận ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Liên Chiểu và quận Thanh Khê đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo biên soạn và Ban biên soạn, chỉ đạo cho Ban Tuyên giáo Quận ủy và Phòng Văn hóa – Thông tin của Ủy ban Nhân dân  2 quận cùng với Ban biên soạn trực tiếp triển khai công tác sưu tầm, bổ sung tư liệu, hình ảnh, tổ chức các cuộc gặp mặt nhân chứng, hội thảo, tọa đàm, xây dựng đề cương và biên soạn công trình. Tuy có rất nhiều cố gắng, song do hạn chế về thời gian và tài liệu, nhiều nhân chứng đã qua đời, ốm đau, hoặc do cao niên  nên trí nhớ không còn được như xưa, vì vậy, tập sách này chắc hẳn không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Kính mong đồng bào, đồng chí và bạn đọc góp ý, bổ sung tư liệu và chỉnh lý để lần tái bản sẽ được hoàn chỉnh hơn.
      

QUẬN ỦY, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ỦY BAN NHÂN DÂN,
     ỦY BAN MẶTTRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
         QUẬN LIÊN CHIỂU VÀ QUẬN THANH KHÊ,
   THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG     

                             
[1] Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam: Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách k hoa , Hà Nội, 2005,  tr 371.

[2] Bộ Quốc phòng – Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự: Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr127.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây