Mỏ dầu Bạch Hổ: “Điểm đỏ” của dầu khí Việt Nam

Mỏ dầu Bạch Hổ: “Điểm đỏ” của dầu khí Việt Nam - Địa Lý

Bạch Hổ” được ghi nhận là mỏ dầu lớn nhất của Việt Nam, là một trong những mỏ đặc biệt trên thế giới có trữ lượng cực lớn, trên 500 triệu tấn trữ lượng dầu khí tại chỗ, được Vietsovpetro tổ chức khai thác với sản lượng cao, trên dưới 12 triệu tấn/năm, từ tầng chứa là đá móng granitoid Mesozoi trong các bể trầm tích Ðệ Tam.

Vietsovpetro đã phát hiện và bắt đầu khai thác dầu từ móng mỏ Bạch Hổ kể từ ngày 6-9-1988. Từ kinh nghiệm của Vietsovpetro, nhiều mỏ dầu trong tầng chứa móng nứt nẻ lần lượt được phát hiện và đưa vào khai thác.

Biểu hiện dầu trong đá móng mỏ Bạch Hổ được ghi nhận ở giếng BH-1 nhưng kết quả thử vỉa không cho dòng dầu. Giếng khoan BH-6 khoan sâu vào móng 23m đến chiều sâu 3.533m và ngày 5-5-1987, khi thử vỉa cùng với tầng Oligocen cho lưu lượng 477 tấn/ngày. Mặc dù còn có nghi vấn nhưng giếng BH-6 được xem là giếng phát hiện đầu tiên dòng dầu có lưu lượng công nghiệp trong tầng chứa là đá móng ở thềm lục địa Việt Nam.

Dầu trong đá móng nứt nẻ được khẳng định có lưu lượng công nghiệp khi quay lại thử vỉa trong móng ở giếng BH-1 và được đưa vào khai thác ngày 6-9-1988. Đây là thân dầu lớn trong đá chứa granitoid nứt nẻ – hang hốc với trữ lượng dầu tại chỗ trên 500 triệu tấn, diện tích mỏ gần 60km2 và chiều cao thân dầu được xác định 1.300m. Sản lượng đỉnh trên 12 triệu tấn/năm, lưu lượng giếng cao nhất ban đầu có thể đạt 2.000 tấn/ngày.

Năm 1974, Công ty Mobil (Mỹ) khoan giếng tìm kiếm BH-1X trên cấu tạo Bạch Hổ và chỉ phát hiện dầu trong tầng Miocen tuổi Đệ Tam. Trước năm 1975, quan điểm tìm kiếm của các công ty dầu nước ngoài chỉ tập trung trong tầng Miocen, tầng chứa Oligocen nằm sâu hơn và lớp vỏ phong hóa trên móng được xem hình thành trong điều kiện lục địa nên không phải là mục tiêu để khoan tìm kiếm dầu khí. Hơn nữa, đá móng nằm lót dưới bề trầm tích Đệ Tam là các đá xâm nhập magma granitoid lại càng không phải là đối tượng được quan tâm vì theo học thuyết hữu cơ, dầu không thể sinh và chứa trong các đá magma có nguồn gốc sâu trong vỏ trái đất. Vì thế, đến thập niên cuối của thế kỷ XX, những phát hiện dầu trong đá móng đều được xem không có khả năng sản xuất công nghiệp và không được các nhà tìm kiếm dầu quan tâm.

Dầu khí cũng được khai thác trong đá móng ở nhiều nơi trên thế giới. Có trên 320 mỏ được phát hiện và một số được đưa vào khai thác. Đá móng chứa dầu khí thường là các đá trầm tích hoặc trầm tích – biến chất, các đá trầm tích – phun trào, các đá biến chất cổ và chỉ một số ít có thành phần là đá magma như: mỏ Lago Mercedes (Chilê); Xinglongtai (Trung Quốc); Hurghada và Zeit Bay (Ai Cập); Oymasha (Kazakhstan); PY-1 (vịnh Bengal – Ấn Độ); Nafoora (Augila – Libya); các mỏ Hall-Gurney và Gorham (trung Kansas – Mỹ); Lapaz (Venezuela). Ở tất cả các mỏ trên, các giếng khoan vào móng là đá granitoid không sâu, thường 200-300m liên quan đến vỏ phong hóa, lưu lượng thường nhỏ hơn 100 tấn/ngày, trừ vài giếng riêng lẻ có thể đạt đến 1.000 tấn/ngày và được khai thác ở chế độ suy giảm tự nhiên kết hợp với các tầng chứa là các đá trầm tích nằm trên. Trữ lượng được đánh giá không lớn do tính bất đồng nhất lớn về đặc tính thấm – chứa, không thể xác định được sự phân bố độ rỗng và chưa có hệ phương pháp nghiên cứu về mô hình mỏ, trừ mỏ Lapaz – Venezuela được xác định có trữ lượng tại chỗ khoảng 100 triệu tấn.

Mỏ Bạch Hổ với thân dầu trong móng granitoid nứt nẻ – hang hốc có trữ lượng và sản lượng lớn, cường độ khai thác cao và được tổ chức khai thác có hệ thống và hiệu quả là một điển hình đầu tiên được ghi nhận trong văn liệu dầu khí thế giới, là “điểm đỏ” về khoa học – công nghệ dầu khí Việt Nam.

Sau khi đạt đỉnh, từ năm 2005, sản lượng thân dầu móng mỏ Bạch Hổ bắt đầu suy giảm 8-10% mỗi năm. Số giếng và hệ số ngập nước tăng nhanh, front nước đáy dâng cao không đồng đều tạo những lưỡi nước. Cột dầu giảm, xuất hiện mũ khí cục bộ làm giảm sản lượng giếng. Áp suất vỉa tiệm cận áp suất bão hòa…

Đó là những thách thức lớn đối với Vietsovpetro trong việc làm thế nào để giảm thiểu tốc độ suy giảm sản lượng, nhưng vẫn giữ được nhịp độ khai thác. Kinh nghiệm khai thác dầu khí ngoài biển cho thấy, thời gian khai thác kinh tế một mỏ chỉ kéo dài 20-22 năm. Nếu tính từ ngày tấn dầu đầu tiên được khai thác thì thời gian khai thác mỏ Bạch Hổ đã được hơn 30 năm.

Hiện Vietsovpetro đang tập trung nghiên cứu khai thác trữ lượng dầu còn lại từ thể tích rỗng tại các khe nứt hở macro ở phần nóc của thân dầu, trữ lượng từ thể tích nứt nẻ kín micro và đặc biệt từ những diện tích sót, “những khối tù” còn dầu nhưng bị bao kín không liên thông với những kênh hiện đang khai thác, hoặc quỹ đạo các giếng chưa chạm đến hoặc cắt ngang qua. Đó là tiềm năng mà Vietsovpetro đang hướng tới để duy trì sản lượng dầu.

Những giải pháp công nghệ hiện đang được Vietsovpetro nghiên cứu thực hiện là: Điều chỉnh quy trình bơm ép nước hợp lý cho từng cụm khai thác theo chế độ: bơm đúng áp suất, đúng lưu lượng và theo chu kỳ để hạn chế lưỡi nước đột biến; nghiên cứu các giải pháp tận thu dầu sót trong không gian rỗng nứt nẻ micro có cơ chế đẩy dầu kiểu mao dẫn và ở những khối sót chưa tác động bởi hiệu ứng bơm ép nước; tiếp tục áp dụng các hoạt chất bề mặt để giảm thiểu độ bão hòa dầu sót và các giải pháp công nghệ khác nhằm tăng hệ số thu hồi dầu; chính xác hóa mô hình phân bố độ rỗng trong không gian 3D, từ đó điều chỉnh mô hình khai thác hợp lý.

Tiếp nối sau Vietsovpetro, áp dụng những giải pháp công nghệ và kinh nghiệm của Vietsovpetro khai thác dầu trong đá móng, có cải tiến và hoàn thiện cho phù hợp với đặc điểm mô hình địa chất, đặc tính chất lưu vỉa của từng mỏ, các công ty dầu như Petronas (PCV), JVPC, Cửu Long JOC, Hoàng Long – Hoàn Vũ JOC, VRJ đã phát hiện và tổ chức khai thác có hiệu quả các mỏ Rạng Đông, Sư Tử Đen. Sư Tử Vàng, Sư Tử Nâu, Cá Ngừ Vàng, Ruby, Nam Rồng – Đồi Mồi, Hải Sư Đen…

Tầng chứa đá móng granitoid nứt nẻ trở thành đối tượng quan tâm khi tiến hành tìm kiếm thăm dò trong các bể trầm tích khác. Ngoài bể Cửu Long, dầu khí tiếp tục được phát hiện trong đá móng granitoid ở bể Nam Côn Sơn như ở mỏ Đại Hùng, Gấu Chúa…

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đi đầu là Vietsovpetro, không những đã xây dựng phương pháp luận về hệ thống dầu khí trong đá móng nứt nẻ mà còn đóng góp về hệ phương pháp nghiên cứu mô hình mỏ, các giải pháp công nghệ khoan trong đá móng nứt nẻ, khai thác có duy trì áp suất vỉa, tối ưu hóa hệ số thu hồi dầu với nhịp độ cao, xây dựng các phần mềm tính toán thông số vỉa, tổ chức xây dựng mỏ… Các công ty dầu khí và dịch vụ nước ngoài cũng theo đó mà hoàn thiện hệ công nghệ trong nghiên cứu, khoan và khai thác dầu trong đá móng góp phần gia tăng sản lượng dầu Việt Nam.

Có thể khẳng định: Phát hiện và khai thác có hiệu quả dầu trong tầng chứa đá móng granitoid nứt nẻ – hang hốc là thành tựu khoa học và công nghệ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đi tiên phong là Vietsovpetro, là một đóng góp lớn về lý luận và thực tiễn cho khoa học dầu khí thế giới, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Công trình khoa học – công nghệ này đã được Nhà nước ghi nhận và trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ cho tập thể tác giả năm 2010.

Tầng chứa đá móng granitoid nứt nẻ trở thành đối tượng quan tâm khi tiến hành tìm kiếm thăm dò trong các bể trầm tích khác. Ngoài bể Cửu Long, dầu khí tiếp tục được phát hiện trong đá móng granitoid ở bể Nam Côn Sơn như ở mỏ Đại Hùng, Gấu Chúa…

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây