Nhận thức về văn hóa Nam Trung Bộ từ cơ tầng văn hóa Sa Huỳnh – Chămpa

Nhận thức về văn hóa Nam Trung Bộ từ cơ tầng văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa

Nhận thức về văn hóa Nam Trung Bộ từ cơ tầng văn hóa Sa Huỳnh – Chămpa

Nhận thức về văn hóa Nam Trung Bộ nước ta, có lẽ nên bắt đầu từ nhận thức về lịch sử văn hóa của vùng đất này, từ cơ tầng văn hóa Sa Huỳnh – Chămpa. Nhận tức này là kết quả không chỉ của một quá trình suy ngẫm nhiều năm mà còn là kết quả nhiều phương pháp tiếp cận lịch sử văn hóa. Dù tiếp cận từ quan điểm lý thuyết nào thì người nghiên cứu cũng phải lần theo dòng lịch sử, qua các cơ tầng văn hóa, coi trọng tiến trình tự thân của nó một cách khách quan.

PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam

Nếu nói điều kiện tiên quyết của mọi khoa học là sự kiện, như nhà bác học người Nga, Pavlov từng nhắc nhở thì trong nghiên cứu lịch sử văn hóa ngành khảo cổ học đóng vai trò to lớn và quan trọng. Đặc điểm nổi bật cần được ghi nhận như một ưu thế mà các công trình khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh – Chămpa có được, đó là sự kết hợp khá vững chắc thành tựu của các khoa học truyền thống: sử học (sử liệu biên niên) – khảo cổ học (di vật – chính xác c14) – văn hóa học (nghiên cứu văn hóa trong bối cảnh (Châu Á, Đông Nam Á, Đông Á, Trung Hoa…). 

1. Văn hóa Sa Huỳnh
1.1. Những thành tựu khảo cổ học về văn hóa Sa Huỳnh

Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa được xác định ở vào khoảng năm 1.000 TCN đến cuối thế kỷ thứ II. Đây là một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với: Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Óc Eo, tạo thành tam giác văn hóa của Việt Nam. Những thành tựu khảo cổ học trong thế kỷ XX về ba nền văn hóa này đã chứng minh mối quan hệ đan xen, chồng xếp lên nhau và đã đóng góp rất quan trọng vào đổi mới nhận thức và quan điểm tiếp cận lịch sử văn hóa, đặc biệt về đời sống của các tộc ngư¬ời thời tiền sơ sử ở Nam Trung Bộ Việt Nam. Xuất hiện cách ngày nay khoảng 3.000 năm và kết thúc vào thế kỷ thứ 1, văn hóa Sa Huỳnh có lẽ đã tồn tại hơn 5.000 năm kéo dài từ thời hậu kỳ đồ đá mới đến đầu thời đại đồ sắt trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Bình đến các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. 

1 min 1 - Nhận thức về văn hóa Nam Trung Bộ từ cơ tầng văn hóa Sa Huỳnh - ChămpaNhưng đáng tiếc là vẫn còn không ít các nhà nghiên cứu chịu ảnh hưởng về nhận định phân bố của các nhà nghiên cứu nước ngoài về văn hóa Sa Huỳnh trước năm 1975, cho rằng chỉ có duy nhất một nền văn hóa khảo cổ là văn hóa Sa Huỳnh trong giai đoạn sơ sử ở các tỉnh Miền Trung và Miền Đông Nam Bộ Việt Nam được phát hiện, cho nên phạm vi phân bố của nền văn hóa này được khoanh vùng lại trong một vùng rộng lớn từ Bình – Trị – Thiên cho đến Miền Đông Nam Bộ. Sau 1975, với nhiều phát hiện mới, bức tranh phân bố của văn hóa Sa Huỳnh đã được vẽ lại. Với một sức sáng tạo mạnh mẽ và phong phú, văn hóa Sa Huỳnh càng ngày càng thấy có sự ảnh hưởng và giao lưu với nhiều vùng Đông Nam Á và Trung Hoa cổ xưa và Ấn Độ cổ xưa. Gần đây, Viện Khảo cổ học Quốc gia Đức hợp tác với các nhà khảo cổ học Khoa Lịch sử của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, tiến hành khảo cứu trong các năm 2004-2005 tại một số vùng thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Bước đầu đã xác định được diện mạo cơ tầng tiền sử của một nền văn hóa đặc sắc ở Miền Trung, Việt Nam. 

Những thành tựu khảo cổ học về văn hóa Sa Huỳnh sau 1975 đã gia tăng độ tin cậy, trong một thời gian không ngắn, chúng ta đã chỉ dựa vào văn học truyền miệng để đi tìm lịch sử văn hóa qua huyền thoại và dã sử. Huyền sử có lẽ có những nét tương đối gần với lịch sử văn hóa hơn cả, nó là bộ phận rất quan trọng tạo nên ký ức văn hóa, nhưng dầu sao nó vẫn có những điều mơ hồ, hơn nữa, Nam Trung Bộ là miền đất mới của người Việt. Từ thành tựu khảo cổ học chúng ta ngày nay dần dần nhận diện một bức tranh rực rỡ về văn hóa Sa Huỳnh vốn được kiến tạo trong bối cảnh đa chiều của Đông Nam Á và Đông Nam Á Hải đảo với sự xuôi ngược tấp nập của các luồng di chuyển của cư dân tiền Nam Đảo trong việc chinh phục đại dương bao la.

1.2. Nguồn gốc văn minh lúa nước của cư dân Sa Huỳnh và Chămpa

2 min 3 - Nhận thức về văn hóa Nam Trung Bộ từ cơ tầng văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa

Tượng thần Siva – Tháp Mẫm – thế kỷ XII – XIV

Tuy nhiên một sự thực lịch sử đã minh chứng nguồn gốc văn minh lúa nước của cư dân Sa Huỳnh và Chămpa. Dân cư cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh đã định cư chủ yếu dọc hai bên vùng đất thấp thuộc các con sông dọc bờ biển Miền Trung Việt Nam, trải dài từ Quảng Bình cho đến Phú Yên. Họ thuộc một nguồn gốc văn minh lúa nước Đông Nam Á. Những dụng cụ bằng sắt như cuốc, dao, kiếm, lao, đục, xà beng… đã được tìm thấy ở đây. Đồ gốm lớn với hoa văn đẹp, cùng với kỹ thuật dùng bàn xoay đã làm lạc hướng các nhà khảo cổ về nguồn gốc của Vương quốc Chămpa, những đồ gốm dùng để đựng các vật dụng và sản phẩm nông nghiệp, đánh cá và cả mai táng người chết. Các phát hiện cho thấy ngư¬ời Sa Huỳnh cổ là những cư¬ dân nông nghiệp và đi biển chỉ là một trong những sinh hoạt của họ. Các đồng tiền Ngũ Thủ và Vư¬ơng Mãng (đầu thế kỷ thứ I, TCN), các gư¬ơng đồng của nhà Tây Hán, đỉnh đồng nhà Đông Hán có trong các mộ chum chứng tỏ họ đã có một nền sản xuất hàng hóa cùng với sự giao thư¬ơng khá phát triển. Người Chàm đã biết khai thác trầm hương, quế, ngà voi, sừng tê, dầu rái, ngọc, vàng trên núi, hồ tiêu trên đồi, biết làm ruộng hai mùa ở đồng bằng hẹp Minh Kinh và Ô Chân. Họ đã trồng cau, dừa và trồng dâu nuôi tằm “một năm tám lứa” từ trước sau kỷ nguyên Dương lịch. 

Như vậy, có thể nói, trong quá khứ xa xăm, khi cư dân Đông Sơn chưa đặt chân đến phần đất Miền Trung thì đây đã là nơi tụ hội và giao tiếp văn hóa Tây Đông, giữa miền núi và miền biển và dựng lên nền văn minh lúa nước và dâu tằm nổi tiếng. Lúa hai mùa, tằm tám lứa, tơ mỗi năm được sử sách chép đến sớm nhất là đồng bằng xứ Quảng, trung tâm của nền văn hóa Sa Huỳnh. Sách sử có nói đến người Chàm trồng hai vụ lúa và để thích ứng với thời tiết, người Chàm đã tìm ra giống lúa chịu hạn gieo trồng vào đầu mùa khô, để đầu mùa mưa thì lúa chín gọi là mùa Chiêm. Cũng do hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt khô hạn nên cư dân cổ Sa Huỳnh và Chàm đã đào cả một hệ thống giếng lấy nước tưới cho cây trồng nên giới nghiên cứu ghi nhận một nền văn hóa gọi là “Văn hóa Giếng Chàm cổ”. 

1.3. Hoạt động của cư dân đi biển

Trước năm 1975, các nhà khảo cổ trên thế giới mới chỉ biết đến văn hóa Sa Huỳnh qua hoạt động của cư¬ dân đi biển. Họ chỉ lên đất liền đặt mai táng ng¬ười chết trong những mộ chum. Những mộ chum đư¬ợc tìm thấy ở Palavan (Philippines), Bondontaphet (Thái Lan), Sa Huỳnh (Việt Nam). Sau năm 1975, các nhà khảo cổ Việt Nam đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu, nghiên cứu nền văn hóa này và bư¬ớc đầu đã có những đóng góp quan trọng giúp chúng ta có cái nhìn chính xác và toàn diện hơn về nền văn hóa Sa Huỳnh. Đặc biệt trong những năm gần đây, tại Hội An, các nhà nghiên cứu khảo cổ đã phát hiện nhiều di chỉ cư¬ trú của ngư¬ời Sa Huỳnh với nhiều hiện vật phong phú và đa dạng. 

Có thể nói, văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba trung tâm văn hóa lớn thời đại kim khí ở Việt Nam. Văn hóa Sa Huỳnh với sự phát triển đỉnh cao sơ kỳ sắt được hợp thành bởi các dòng chảy tiền Sa Huỳnh sơ kỳ đồng thau trước đó. Nói đến văn hóa Sa Huỳnh là đề cập đến nền văn hóa vật chất của cư dân Sa Huỳnh luôn gắn liền với biển. Bộ sưu tập di vật phản ánh hoạt động khai thác biển của người Sa Huỳnh, ví như tại địa điểm Long Thạnh tìm thấy lưỡi câu xương; địa điểm Bình Châu I tìm thấy lưỡi câu đồng, lao đồng; địa điểm Xóm Ốc tìm thấy lưỡi câu đồng trong mộ táng. Truyền thống khai thác biển của người Sa Huỳnh còn được thể hiện qua lối sử dụng nguyên liệu từ vỏ nhuyễn thể để chế tác công cụ và đồ trang sức. Cư dân văn hóa Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn sử dụng vỏ tai tượng (tridacna) và nắp ốc cừ (turbo) để chế tác công cụ ghè đập. 

1.4. Mối quan hệ giao lưu trong môi trường biển 

Quan hệ của văn hóa Sa Huỳnh với vùng hải đảo Thái Bình Dương khu vực Đông Nam Á là mối quan hệ giao lưu trong môi trường biển gắn liền với dòng hải lưu đen (Black current) mà W.G Solheim II đưa ra. Thiên nhiên ưu đãi vùng đất cư trú của người Sa Huỳnh có đường bờ biển kéo dài và có những cửa sông để đi ra biển thuận tiện, cho nên người Sa Huỳnh đã vươn ra biển buôn bán trao đổi với bên ngoài. Đồng thời, ngược lại những luồng thương mại trên biển cũng dễ dàng xâm nhập vào xã hội Sa Huỳnh qua hệ thống các cửa biển. Buôn bán là con đường dẫn đến giao tiếp văn hóa, hòa đồng nhân chủng, ngôn ngữ. Trong khu vực Đông Nam Á, sự trao đổi buôn bán giữ vị trí quan trọng, phân tích vai trò của nó, Hutterer, nhà khảo cổ học người Mỹ, đã cho rằng “… Hoạt động buôn bán đóng vai trò lớn trong sự tiến triển văn hóa ở Đông Nam Á và làm động lực gián tiếp để biến đổi văn hóa”. Trung tâm Sa Huỳnh có sự giao lưu rộng với các nơi trong khu vực thể hiện qua những khuyên tai ba mấu nhọn, khuyên tai hai đầu thú… là những hiện vật đặc trưng của Sa Huỳnh tìm thấy ở vùng phân bố của văn hóa Đông Sơn, ở Thái Lan, ở vùng hải đảo Đông Nam Á… Trong các mộ chum Sa Huỳnh có các hiện vật trang sức bằng đá mã não và các loại đá quý khác đều có nguồn gốc từ vùng Trung Á. Các loại gương đồng Hán tìm thấy ở vùng trung du Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), Bình Yên (Quảng Nam)… cùng với tiền đồng Ngũ Thù Hán tìm thấy ở Xóm Ốc (Quảng Ngãi) và các di tích Sa Huỳnh ở Hội An… chúng đều có nguồn gốc giao lưu trao đổi với Trung Hoa. Đặc biệt, quan hệ giao lưu giữa Sa Huỳnh và các đảo ở Thái Bình Dương rất mật thiết. Ví như trong mối quan hệ so sánh đồ gốm Sa Huỳnh và đồ gốm Kalanay (Philippin); đồ gốm Tabon (Indonesia) khá giống nhau ở kiểu dáng, phong cách trang trí, khiến cho W.G. SolheimII đưa ra khái niệm “Truyền thống Sa Huỳnh – Kalanay” (Sahuynh – Kalanay Tradition). 

1.5. Nghề muối 

Vốn là cư dân sinh sống chủ yếu ven Duyên hải Miền Trung, có thể người Sa Huỳnh đã biết đến nghề muối. Yếu tố muối đóng vai trò như thế nào trong quá trình giao lưu văn hóa giữa đồng bằng Duyên hải Miền Trung với khu vực Tây Nguyên trong thời đại kim khí tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh. Đây là câu hỏi lớn đặt ra cho khảo cổ học, tuy nhiên đáng chú ý các di tích văn hóa Sa Huỳnh quan trọng thường phân bố liền kề với các đồng muối cổ, ví như di tích Sa Huỳnh, Phú Khương, Long Thạnh gắn với đồng muối Tân Diêm; di tích Bình Châu gắn với đồng muối Diêm Điền; di tích Gò Quê gắn với đồng muối cổ Tuyết Diêm. Như vậy biển đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân văn hóa Sa huỳnh. Biển đem lại cho người Sa Huỳnh nguồn lợi thuỷ sản, muối biển; biển rộng mở những con đường giao lưu với bên ngoài; biển đem lại cho người Sa Huỳnh cảm hứng trong sáng tạo (Minh Trí, Khôi Ngọc (Quảng Ngãi). 

1.6. Thủy tinh nhân tạo

Thủy tinh nhân tạo là một thành tựu rực rỡ của văn hóa Sa Huỳnh. Các cư dân dùng cát trắng để nấu thủy tinh làm bát lọ và đặc biệt những chuỗi hạt trang sức bằng thủy tinh mà sử sách Trung Quốc gọi là “Lưu ly” gốc từ chữ Phạn là verulia từ đầu công nguyên. Đây là một trong những nơi làm ra thủy tinh nhân tạo sớm trên thế giới. Chúng không những đa dạng về kiểu dáng mà còn phong phú về màu sắc như¬ xanh lơ, xanh đen, xanh lá mạ, xám, tím, đỏ và nâu. Sử Trung Hoa đã từng ghi chép về một chén thủy tinh xuất phát từ vùng đất này mà họ gọi là chén lư¬u ly với một sự trân trọng và khâm phục. 

2. Quan hệ Sa Huỳnh và Đông Sơn 

Có thể nói lần đầu tiên, các công trình khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh đã xác định ở Miền Trung nước ta đã từng có một nền văn minh song hành cùng văn minh Đông Sơn và chúng từng có quan hệ giao thoa. Quan hệ Sa Huỳnh và Đông Sơn là quan hệ đồng đại, diễn ra mạnh mẽ vào khoảng một vài thế kỷ trước Công Nguyên thể hiện rõ nhất ở bộ sưu tập hiện vật Đông Sơn có mặt khá sâu trong Sa Huỳnh, thể hiện ở phong tục chôn cất có sự xen lẫn giữa cả hai đặc trưng Đông Sơn và Sa Huỳnh trong cùng một khu mộ mà đồ tùy táng không có gì phân biệt giữa các mộ với nhau. Có thể một nhóm người Đông Sơn là cư dân của nhà nước sơ khai Văn Lang – Âu Lạc đã có mặt tại địa bàn Miền Trung nước ta đem theo nhiều đồ dùng và nhất là phong tục chôn cất. Có thể họ đi theo con đường ven Biển Đông. Địa bàn giao lưu mạnh mẽ nhất giữa hai nền văn hóa là vùng đồng bằng Quảng Nam ven sông Thu Bồn, vùng ven biển Bắc Quảng Ngãi. Ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn lên bối cảnh rộng của văn hóa Sa Huỳnh đậm hơn chiều ngược lại. Văn hóa Sa Huỳnh chưa có những nét rõ rệt lắm thể hiện ở sưu tập hiện vật và mộ chum điển hình trên địa bàn Đông Sơn. Có thể do điều kiện địa lý, con đường ven biển thuận cho hành trình về Nam hơn ra Bắc trong thời điểm này chăng? (xem Nguyễn Khắc Sử, 2009).(1) 

Với tài liệu thư tịch, thì thế kỷ II sau Công Nguyên, khu vực vốn là địa bàn văn hóa Sa Huỳnh đã có các vị thủ lĩnh cộng đồng như Khu Liên, tuy nhiên cũng chưa có thư tịch nào nói đến nhà nước, phải đến hai thế kỷ sau đó, hình bóng nhà nước Lâm Ấp mới rõ rệt. “Mối quan hệ cư dân Đông Sơn với những cộng đồng cư dân Sa Huỳnh cùng thời không mang tính chất giữa các nhà nước sơ khai mà là quan hệ của các tộc người” (Trịnh Sinh, 2009). (3) 

3. Quan hệ Trung Bộ và cao nguyên Tây Nguyên trong văn hóa Sa Huỳnh 

Theo nhà khảo cổ học Nguyễn Khắc Sử: “Táng thức mộ quan tài gốm Tây Nguyên không tách rời khu vực, trước hết là các tỉnh Trung Bộ Việt Nam. Các tỉnh ven biển Trung Bộ, thực chất là sự tiếp tục kéo dài, hạ độ cao của núi, đồi và cao nguyên Tây Nguyên để vươn xuống đồng bằng ven biển, tạo lát cắt phổ quát của hệ sinh thái: CAO NGUYÊN – NÚI ĐỒI – ĐỒNG BẰNG – BIỂN ĐẢO.
Các di tích khảo cổ học Tây Nguyên có quan hệ mật thiết với các di tích Tiền Sa Huỳnh ở ven biển Trung Bộ và là một trong những nguồn hợp tạo dựng văn hóa Sa Huỳnh ven biển. Những ảnh hưởng ngược trở lại của văn hóa Sa Huỳnh tới vùng đất Tây Nguyên thể hiện rõ nhất là mộ táng vào giai đoạn sắt sớm. Cũng vào thời điểm đó, cư dân Tây Nguyên còn nhận sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Đông Sơn về kỹ thuật luyện kim. 

Bộ sưu tập di vật Trà Phong rất gần gũi với bộ sưu tập di vật đồ đá mới của văn hóa Biển Hồ. Các bằng chứng khảo cổ này đem lại nhận thức về dòng người – dòng văn hóa ở thời điểm hậu kỳ đá mới từ vùng Tây Nguyên vượt qua rẻo cao Trường Sơn tiến dần về đồng bằng ven biển chiếm lĩnh, khai phá và tạo dựng nên nền văn hóa nổi tiếng trong thời đại kim khí – văn hóa Sa Huỳnh – trên cơ sở giao lưu hội nhập với các dòng chảy văn hóa khác từ phía Bắc xuống, từ phía Nam ra và từ phía Biển Đông vào. Tây Nguyên trong tiến trình phát triển văn hóa là vùng đất năng động, sáng tạo và có giao lưu rộng mở với khu vực chung quanh, biết tiếp thu tinh hoa kỹ thuật luyện kim, đúc đồng văn hóa Đông Sơn và táng thức truyền thống của cư dân Sa Huỳnh. Mỗi chặng đường lịch sử mang tính đột phá, Tây Nguyên đều có dấu ấn rõ nét của các nền văn hóa lớn của Việt Nam”. Do đó có thể nói văn hóa Miền Trung Việt Nam là sự giao thoa và tiếp biến của hai dòng chảy văn hóa đó tạo nên bức tranh văn hóa Việt Nam toàn vẹn: văn hóa miền núi, đầm lầy, đồng bằng duyên hải và hải đảo. Đóng góp đáng ghi nhận ở đây của ngành khảo cổ học nước nhà là việc mở rộng không gian nền tảng của văn hóa Nam Trung Bộ. 

4. Mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chămpa

3 min 2 - Nhận thức về văn hóa Nam Trung Bộ từ cơ tầng văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa

Bình gốm Sa Huỳnh

Bên cạnh những phát hiện mới, những năm gần đây, nhiều cuộc khai quật khảo cổ học đã tiến hành nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chămpa. Trong nhiều di tích, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mảnh gốm vừa mang đặc điểm của gốm Sa Huỳnh và cả đặc điểm gốm Chămpa. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để chứng minh con đường phát triển từ văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Chămpa. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra từ thư tịch cổ một số “yếu tố Sa Huỳnh” trong xã hội và văn hóa Chămpa. Từ không gian và thời gian, trên cơ sở những tư liệu khảo cổ học, đến nay có thể cho rằng nhà nước Chămpa là sự tiếp nối văn hóa Sa Huỳnh, được hình thành trên cốt lõi văn hóa Sa Huỳnh dưới ảnh hưởng của những yếu tố văn hóa ngoại sinh Đông Sơn – Việt cổ, Trung Hoa và Ấn Độ. 

Những gì chúng ta đang lưu giữ và biết được về cư dân Sa Huỳnh, văn hóa Sa Huỳnh trong 100 năm qua đủ để hình dung ra diện mạo của nền văn hóa Sa Huỳnh và cư dân Sa Huỳnh, từ nguồn gốc cho đến các giai đoạn phát triển, từ loại hình di tích, di vật cho đến đặc trưng văn hóa ngày càng rõ nét hơn. Chúng ta còn có thể thấy nơi đây, cư dân hậu Sa Huỳnh đã kế thừa và tái vận dụng cơ cấu kinh tế và văn hóa cư dân Sa Huỳnh: văn hóa núi từ cư dân sống với kinh tế nương rẫy; người Chăm với hoạt động gắn với biển; dấu ấn của văn minh – văn hóa Ấn vẫn được tiếp tục duy trì ở những mức độ khác nhau. Cư dân Chămpa đã có quan hệ thương mại với người Nhật, người Tây phương và cư dân trong khu vực. Hoạt động này vẫn còn lưu lại nhiều vết tích giao lưu ở những vùng cảng. Đặc biệt, đậm nét là quan hệ văn hóa Hoa – Việt do người Việt Nam tiến hay thuần Hoa từ những đợt di cư trãi dài ở nhiều thời kỳ khác nhau quần tụ ở các trung tâm thương nghiệp hay vùng ven biển dọc Miền Trung. Tất cả không chỉ tạo ra yếu tố đặc thù, mà còn làm nên tiền đề cho sự phát triển của văn hóa Đại Việt trên đất Miền Trung sau này. 

Tính đa chiều và đa dạng của văn hóa Sa Huỳnh cũng đã làm nảy sinh những giả thiết nghiên cứu về vấn đề hậu Sa Huỳnh, tức là vấn đề hiểu biết về những nền văn hóa khảo cổ kế tiếp hay kế thừa văn hóa Sa Huỳnh. Không ít người thường có nhận định văn hóa Sa Huỳnh là nguồn gốc trực tiếp của văn hóa Chămpa, nhưng thực tế khảo cổ học với sự kết thúc của văn hóa Sa Huỳnh còn có một khoảng cách vài thế kỷ mới đến sự hình thành Vương quốc Chămpa. Đây chỉ là thời kỳ liên minh, liên hợp của nhiều tiểu quốc có nhiều nét tương đồng về văn hóa. Những cư dân của các tiểu quốc này có thể là người tiền Chămpa, hoặc những người thuộc ngữ hệ Nam Á, có những nhóm chịu tác động của Trung Quốc, có những nhóm chịu ảnh hưởng của Ấn Độ. Những vấn đề về nền văn hóa sau Sa Huỳnh còn cần tiếp tục nghiên cứu thêm (Diệp Đình Hoa, 2009). (3) 

Mặt khác, các công trình khảo cổ đã điền vào một quãng trống thời gian mà lâu nay ta vẫn gọi là thời sơ sử của các vùng này. Có thể nói nó vừa góp phần nối dài về quá khứ của lịch sử văn hóa vừa góp phần mở rộng thời gian văn hóa Việt Nam. Chiếc cầu nối từ văn hóa Sa Huỳnh sang văn hóa Chămpa chẳng hạn đã có thêm nhiều luận chứng khoa học có sức thuyết phục hơn. Để đạt được điều này chúng ta đã có thời gian nghiên cứu tròn một trăm năm và khai quật nhiều di chỉ và thu nhận và nghiên cứu, đánh giá và lập bản một khối sử liệu thật đáng kính nể. Văn hóa Sa Huỳnh đã có lịch sử một thế kỷ phát hiện và nghiên cứu. Những nghiên cứu về văn hóa này có thể được chia thành ba giai đoạn kế thừa và phát huy liên tục. Nhiều khía cạnh của nền văn hóa này đã dần được làm sáng tỏ song lại nảy sinh nhiều vấn đề khác trong quá trình nghiên cứu. Chúng ta đã dần dần làm rõ hơn nữa hình mẫu chủ thể của văn hóa Sa Huỳnh từ quan điểm cổ điển đến quan điểm mở rộng và các nhà khoa học khảo cổ đã bước dầu vận dụng quan niệm về lịch sử tâm thức để nhận biết những đặc điểm về trí tuệ, tài nghệ, tâm hồn,… của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Nếu xem xét diễn trình lịch sử văn hóa Việt Nam ta sẽ thấy hai dòng chảy: cư dân văn hóa Đông Sơn thiên di từ rừng xuống chinh phục đầm lầy và vươn ra chinh phục biển và cư dân Sa Huỳnh từ hải đảo, tiến vào đất liền cũng chinh phục đầm lầy rồi vượt lên chinh phục núi rừng. Họ biết làm thuyền to gọi là nốôc (bàu) và thuyền nhỏ (tròong ghe). Hai cảng Cửa Việt, Cửa Tùng đã từng là hải cảng quốc tế từ lâu trước khi Lâm Ấp thành lập nhưng phồn thịnh nhất là thời Quốc vương Chămpa cùng thời với triều Đường (Trung Quốc). Người Chàm biết đánh cá biển và buôn bán đường biển trên vùng Đông Nam Á, từ ven biển Trung Quốc xuống tới Ấn Độ Dương. 

5. Hằng số chung địa – văn hóa của Miền Trung 

Tuy nhiên, tiếp cận lịch sử văn hóa từ cái nhìn địa lý sinh thái nhân văn với thành tựu khoa học của một nền khảo cổ học phát triển sẽ góp phần xác định các đặc trưng văn hóa sinh thái Việt Nam nói chung và các tiểu vùng văn hóa Nam Trung Bộ nói riêng. Hằng số chung địa – văn hóa của Miền Trung, là con người sinh tồn trên dải đất hẹp được bao bọc bởi biển cả và núi non, với địa hình, chuyển dần từ vùng núi xuống đồi gò trung du đến đồng bằng phía trong dải cồn cát ven biển và ra đến đảo gần bờ. Trên mỗi dạng địa hình khác nhau con người sinh sống và thích ứng hài hòa tạo dựng nên các sắc thái văn hóa đa dạng, trong đó sắc thái văn hóa biển khá nổi bật chiếm vị trí quan trọng xuyên suốt. Những hình thức và giá trị văn hóa Biển là điểm ưu trội của văn hóa Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, như Giáo sư Từ Chi từng lưu ý: “Biển là vùng môi trường mới mẻ, mới mẻ đối với sự khai phá của con người và mới mẻ trên cả lĩnh vực nghiên cứu. Chúng ta cần gia công thêm”. (5) Nhân đây, chúng tôi muốn nhắc lại những ý kiến sau đây của Giáo sư Từ Chi và của Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đức Dương cho chúng ta những gợi mở có tính phương pháp luận: 

“Một là, muốn phát triển kinh tế vùng duyên hải, trong việc tổ chức quản lý sản xuất và xã hội, cần phát huy những kinh nghiệm mà nhân dân đã tích luỹ được trong quá trình tiếp xúc với biển, nhưng điều quan trọng hơn là phải khắc phục cách nhìn truyền thống của cư dân nông nghiệp đồng bằng xưa, đưa cách nhìn công nghiệp hiện đại vào việc xử lý môi trường ven biển và biển. Có như vậy mới phát huy được thế mạnh của vùng biển. 

Hai là, trong khi nghiên cứu về kinh tế xã hội của cư dân vùng biển, không thể chỉ xem xét một làng, từng làng mà phải mở rộng không gian ra một vùng nhiều làng và xem xét mối quan hệ của làng đó trong sự tiếp xúc nhiều chiều. Cần rất coi trọng việc nghiên cứu các cửa sông, nhất là những con sông lớn vì đó là nơi đầu tiên và cũng là nơi tập trung của mọi sự tiếp xúc giữa biển và đất liền, nói cách khác là nơi tiếp xúc của văn hóa biển và văn hóa lục địa”.(4) 

Với đặc điểm vươn ra đại dương, với sự “chìa” ra thềm lục địa, Miền Trung còn là cánh cửa mở tiếp nhận sự giao lưu văn hóa đa dạng và phong phú, thực sự có sự cọ xát, va đập trước khi tiếp nhận từ nhiều nền văn hóa Đông và Tây, văn hóa đa đảo. Trong quá trình tiếp diễn, phải chăng văn hóa Miền Trung, đồng thời với quá trình giải Hán hóa, là sự hình thành những nét bản sắc Việt mới. 

Có thể nói nhân tố đầu tiên quyết định vị thế văn hóa của Nam Trung Bộ chính là nơi tiếp xúc của văn hóa biển và văn hóa lục địa này. Do đó, muốn phát triển vùng đất Nam Trung Bộ này chúng ta cần phải đưa cách nhìn và cách tư duy công nghiệp hiện đại vào việc xử lý môi trường ven biển và biển và phải mở rộng không gian hợp tác ra nhiều vùng. Trước hết, nó phải bắt đầu từ sự đổi mới về nhận thức và nếp tư duy tiểu nông tiểu kỷ của người Việt nông dân Bắc Bộ. Tuy nhiên, trên con đường tìm kiếm và đổi mới tư duy đó chúng ta cần xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn lịch sử vững chắc. 


Chú thích:

1. Nguyễn Khắc Sử.
2. Trịnh Sinh.
3. Diệp Đình Hoa.
4. Từ Chi và Phạm Đức Dương: Vài nhận xét về cách ứng xử của người Việt trước biển, Tiếp cận văn hóa nghệ thuật Miền Trung t1, Huế – 2004 tr. 65.
5. Nguyễn Từ Chi, Góp phần tìm hiểu văn hóa và tộc người, H.2003, tr.655.
6. Nguyễn Tri Nguyên: Văn hóa – tiếp cận lý luận và thực tiễn, Hà Nội, 2006, tr. 250.

Nguồn Tạp chí Văn hóa Du lịch Đà Nẵng

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây