Mưa bong bóng – Thơ Phạm Ngọc Hồi

Mưa bong bóng - Thơ Phạm Ngọc Hồi - vansudia.net Giới Thiệu

Mưa bong bóng   Phạm Ngọc Hồi min - Mưa bong bóng - Thơ Phạm Ngọc Hồi

 

NGỌT NGÀO MÙI HƯƠNG ĐỒNG CỎ NỘI

Bùi Xuân

Mưa bong bóng là tập thơ đầu tay của tác giả Phạm Ngọc Hồi, được sáng tác bằng nhiều thể thơ: bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ; thơ lục bát, thơ thất ngôn bát cú Đường thi…, với nhiều cung bậc tình cảm ấm áp, yêu thương của một con người hiền lành và khiêm tốn. Ở ngoài đời, anh là người trầm lặng và trong thơ, cho dù anh nói những điều thầm kín của lòng mình, vẫn với chất giọng nhỏ nhẹ, thiết tha.

Nhớ xưa, trời đổ cơn mưa
Hoa bong bóng nổi lưa thưa trước thềm
Bập bùng quanh quẩn chân em,
Gót hồng khua nước, ngọt mềm môi duyên.
(Mưa bong bóng)

Bong bóng mưa thì dễ vỡ lắm, nhưng người làm nên những giọt thương, giọt nhớ, giọt tình trong thơ của Phạm Ngọc Hồi thì vẫn hiện hữu, đẹp như một đóa hồng và long lanh, long lánh như một cơn mưa bong bóng.

Hình ảnh người con gái trong thơ anh đa phần là hiền thục, nhẹ nhàng, ngọt ngào như nụ hôn đầu và đẹp như một kiệt tác của tạo hóa:

Nắng vàng soi lối em đi
Nâng đôi gót nhỏ thầm thì lời thương
Ngẩn ngơ hoa dại ven đường
Ngập ngừng chiếc lá vấn vương rời cành
(Bến tình)

Hay:

Dưới trời nhạt nắng chơi vơi
Phất phơ tà áo lả lơi dáng nàng
Miệng cười nhuộm nét đoan trang
Nghiêng trong ánh mắt ẩn hàng mi cong.

Oằn người dáng tựa lưng ong
Thoảng đưa hương gửi theo dòng viễn du.
Nét ngài vạn nẻo ngao du
Chìm trong hoang dại mịt mù sắc hương.
(Kiệt tác tạo hóa)

Tất nhiên, những người đẹp ấy không chỉ có môi cười chứa chan niềm vui, đôi khi nàng cũng buồn, cũng khóc, cũng khổ đau; cũng đôi lần khiến người làm thơ của chúng ta khổ đau, dằn vặt. Nhưng những hình ảnh như thế rất hiếm trong Mưa bong bóng, không đặc trưng như tình yêu viên mãn, ngọt ngào như một giấc mơ xuân:

Nghiêng nghiêng điệu dáng ngọc ngà
Lắc lư theo gió, chan hòa cùng hương
Lòng ai ngan ngát chiều vương
Hoa xuân nghẽn lối ngập đường gót em.
(Mơ xuân)

Phạm Ngọc Hồi là người cùng quê với tôi, nói rõ hơn, là người cùng làng với tôi. Tên làng của chúng tôi, nguyên thủy là làng Ngọc Kinh, về sau chia thành hai làng là Ngọc Kinh Đông và Ngọc Kinh Tây. Tôi và Hồi cùng ở làng Ngọc Kinh Tây, một làng quê vừa kề núi lại sát bên sông. Từ thời thơ ấu chúng tôi đã vào bìa núi của làng để hái móc, hái sim, tắm suối, hoặc đứng trên dốc núi nhìn ra làng mạc, ruộng lúa, nà bắp, bãi mía, bãi dâu tươi tốt, xanh rờn dọc theo triền sông nước chảy Vu Gia. Quê hương đẹp như một bức tranh đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ bé của chúng tôi. Vì vậy, dù những năm chiến tranh ác liệt phải rời quê để tránh bom đạn hoặc sau này lớn lên, trong thời bình, phải đi học, đi làm xa, mưu sinh ở nơi xa quê, chúng tôi vẫn nhớ về làng quê với biết bao thân thương, trìu mến, giống như những tình cảm mà Phạm Ngọc Hồi đã thể hiện trong thơ anh:

Quê tôi ngan ngát gió đồng
Bên thì dựa núi, bên dòng Vu Gia
Rơi rơi suối nước thướt tha,
Khe Lim mãi hát lời ca thoáng buồn.
Thuyền về những lúc chiều buông
Chập chờn sóng nước gió luồn thoảng đưa.
Từng đàn em nhỏ nô đùa
Tung tăng giỡn nước, sóng khua dội lòng.
Dập dềnh đồng lúa trĩu bông,
Chao nghiêng giọt nắng thêm hồng môi xinh.
(Quê tôi)

Và với tình quê sâu đằm ấy, anh đã tả cảnh quê hương qua một bài thơ “thất ngôn bát cú” vừa trong trẻo lại vừa u hoài – trong trẻo như bức tranh quê thanh bình, an yên và u hoài như nỗi nhớ mong:

Sáng sớm sương mờ lãng đãng bay
Trời thu vàng vọt nắng vòm cây
Sông quê sóng gợn đò soi bóng
Gió đẩy mây vờn ngọn trúc lay
(Nhớ quê)

Tuy nhiên, nhà thơ của chúng ta không chỉ nhớ và viết về nơi chôn nhau cắt rốn của mình; là một người sống xa quê, từng được đi nhiều nơi, nên trong Mưa bong bóng, Phạm Ngọc Hồi còn có những bài thơ viết về những vùng đất mà anh đã gắn bó hoặc từng đến, nhất là với thành phố bên sông Hàn, qua đó mở rộng biên độ tình quê hương đất nước trong thơ anh, với biết bao tình cảm thân thương.

Nghe đâu đây giữa trời thu Đà Nẵng
Câu dân ca nghe sâu lắng tình người,
Lòng miên man dâng cảm xúc khôn nguôi,
Chiều nhạt nắng, môi em cười rạng rỡ.

Những chiếc cầu nối đôi miền duyên nợ
Đem tình yêu, xây nỗi nhớ trao nhau
Ngũ Hành Sơn thấp thoáng tựa sắc màu
Trông huyền ảo mưa ngâu về cuối phố.
(Sắc màu Đà Nẵng)

Cùng với cảnh quê, tình quê, ta gặp trong Mưa bong bóng những dòng thơ tác giả viết về mẹ, thật cảm động và chân thành.

Nhớ xưa tiếng mẹ ru hời
Vọng đêm khuya vắng, những lời sắt son

Giọng trầm ôm trọn đời con,
Tiếng thanh mẹ dạy lúc còn tuổi thơ.

… Mẹ ơi! thương mẹ vô ngần
Lời ru mòn tấm thân trần mẹ tôi.
(Lời ru của mẹ)

Bản thân Phạm Ngọc Hồi đang công tác trong một cơ quan Nhà nước. Vợ anh là một nhà giáo, vì vậy, ta không ngạc nhiên, khi tác giả Mưa bong bóng viết và hiểu sâu sắc về những người “kỹ sư tâm hồn” – những người chèo đò đưa từng lớp lớp người sang bờ bên kia với tất cả sự tận tụy và mẫu mực:

Đêm về, trang giáo án
Trắng nhuộm mái tóc xanh,
Ngày đứng trên bục giảng
Chăm hạt mầm vươn nhanh

Chữ tâm khéo dỗ dành
Gian nan người chắp cánh
Trau dồi trong đức hạnh
Miệt mài cùng tuổi thơ.
(Người lái đò)

Trước  những  bất  trắc  của   thiên nhiên, những vất vả lo toan trong đời sống của con trong xã hội hiện tại, từ trong sâu thẳm của nội tâm, nhà thơ của chúng ta cất lên tiếng thơ lo âu, dằn vặt, như những khi nằm nghe tiếng mưa rơi:

Tiếng mưa rơi, rơi mãi
Mưa rơi khắp cõi lòng.
(Tiếng mưa đêm)

Hay những khi lũ lụt tràn về, gieo cảnh màn trời chiếu đất, đói rét cho người dân vùng lũ:

Áo tơi lay lắt mạn thuyền
Trắng bờ con nước, chao nghiêng mái chèo
Đầu nguồn xuôi đổ bọt bèo
Thác gầm, suối dội, xóm nghèo sóng xô
(Nỗi đau vùng lũ)

Những bài thơ như thế không nhiều nhưng cũng đủ khiến cho người đọc yêu mến tập thơ Mưa bong bóng của Phạm Ngọc Hồi. Riêng tôi, có lẽ vì là người cùng quê, nên khi khép lại những trang thơ Mưa bong bóng, ấn tượng nhất trong tôi là những vần thơ chân quê Phạm Ngọc Hồi viết về nơi chôn nhau cắt rốn của mình:

Mải mê lạc đến Trại Thờ
Vòng lên Ngược Mỏ, ngẩn ngơ Đá Chồng
Ta say với núi mênh mông
Chiều về Dội Đá nhìn sông, ngắm làng
Trời hong sợi nắng hanh vàng
Trong tôi một chút ngỡ ngàng hồn quê.
(Du ngoạn)

Đó là những vần thơ có dáng núi, hình sông, có làng xóm thân thương, ngọt ngào mùi hương đồng cỏ nội, mà dù có ở đâu xa xôi, chân trời góc bể, những người xa quê, cũng nhớ về.

Đà Nẵng, 19/12/2021
B.X
(Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)

 

NHỮNG CƠN MƯA NHẠT NHÒA KÝ ỨC

Hồ Sĩ Bình

Dòng cảm xúc chủ đạo trong Mưa bong bóng của Phạm Ngọc Hồi đều bắt nguồn từ những cơn mưa ký ức của những tháng năm thơ ấu cho đến khi trưởng thành rồi xa miền quê trung du yên ả dưới chân núi, bên sông Vu Gia. Mưa là một không gian tâm cảm thắp lên nỗi nhớ bàng bạc miên man của nỗi lòng hương quan vời vợi. Ở đó là hình ảnh của người mẹ quê nghèo khó: Thân gầy một mảnh liêu xiêu/ Nhà tranh nghiêng vách sớm chiều đợi con/ Quạnh hiu năm tháng mỏi mòn/ Ngóng con lòng mẹ héo hon từng ngày… Nhất là những chiều mùa đông lất phất mưa bay cùng với gió heo may đứng chơ vơ ngóng con nơi phương xa đến nỗi “còm cõi lưng còng mẹ tôi”. Nỗi nhớ về mẹ bao giờ cũng làm cho ta bổi hổi, bồi hồi, da diết nhất là lời ru theo con lớn lên từng ngày, từng năm tháng: Nhớ xưa tiếng mẹ ru hời/ Vọng đêm khuya vắng, những lời sắt son/ Giọng trầm ôm trọn đời con… Đó là lời ru tình tự quê hương, lắng đọng yêu thương, ân tình của đời mẹ. Một đời khổ nhọc lo toan/ Một đời ru mãi cho con nên người/ Con vui mẹ nở nụ cười/ Con buồn thì mẹ ngậm ngùi lòng đau. Với bất kỳ một nhà thơ nào hình như ai cũng hơn một lần trong đời thơ của mình đều nhắc đến mẹ. Phạm Ngọc Hồi dành cho mẹ nhiều trang thơ vừa ngọt ngào, ấm áp vừa xót thương, trắc ẩn. Tôi thích nhất hai câu thơ này: Mẹ ơi! Thương mẹ vô ngần/ Lời ru mòn tấm thân trần mẹ tôi (Lời ru của mẹ). Chỉ cần một thi ảnh đã gói gọn ý nghĩa mênh mông về một người mẹ đã bào mòn tấm thân trần vì một đời nặng nhọc lặn lội mưa nắng ruộng đồng để nuôi con khôn lớn. Chỉ một câu thơ ngắn gọn mà đã khắc họa hình ảnh mẹ như một đóa hoa sen vươn lên từ bùn lầy quê kiểng để ngát hương. Trong lời ru ấy khi con trưởng thành mới nhận ra bài học nhân nghĩa dặn dò con sống trong đạo làm người, Lời ru là “tiếng thanh mẹ dạy lúc còn tuổi thơ” thấm đẫm trong tâm hồn, dạt dào ý nghĩa như một lời nhắc nhở khi con bước vào đời.

Mưa còn níu lại như những lát cắt trong ký ức về quê hương nguồn cội luôn đồng vọng những nỗi niềm xa vắng: Quê tôi ngan ngát gió đồng/ Bên thì dựa núi, bên dòng Vu Gia/ Rơi rơi suối nước thiết tha/ Khe Lim mãi hát lời ca thoáng buồn. Vẫn là Tre làng xõa bóng bờ đê/ Nương dâu, bãi bắp, luống cà, vườn rau/ Sườn đồi vạt nắng nghiêng leo/ Cánh cò lác đác bay theo gọi bầy (Quê tôi) như bao miền quê trung du khác nhưng vấn vương xao xuyến trong khung cảnh êm đềm ấy, là hình ảnh đọng lại trong ký ức về một cánh diều lộng gió bay cao/ Thẹn thùng em đứng ngẩng đầu trông theo và sâu lắng đong đưa man mác những lời dịu êm. Vùng quê bên khe Lim êm đềm hoang sơ thơ mộng đến thế nhưng không tránh khỏi những cơn lũ lụt kinh hoàng ập đến: Bão bùng gào thét tâm can/ Luyến lưu cảm cảnh cơ hàn ngày qua/ Đêm dài nghiệt ngã xót xa/ Năm canh dòng lệ nhạt nhòa niềm đau (Nỗi đau vùng lũ). Oái ăm thay tác nhân gây nên cơn đại hồng thủy làm tan hoang thôn xóm ấy chính là con người, là “những kẻ dùng khăn giấu mặt” đã “phá rừng, xẻ gỗ”, xả nước hồ thủy điện… Với Phạm Ngọc Hồi, tưởng như không bao giờ nguôi nỗi hoài nhớ về quê nhà yêu dấu, nơi ấy là một miền tâm tưởng níu bóng để quay về. Đi giữa mùa xuân phố thị mà vẫn lạc loài nhớ đến một hình ảnh “người ấy” nơi xa xăm hay đang ở quê nhà: Chợt lòng buốt lạnh chiều mưa/ Bóng tình hoang lạc đong đưa gợi về/ Sắc màu thắm nhuộm cơn mê/ Mơ xuân lạc bước nẻo về phố hoa… (Mơ xuân).

Vẫn là những cơn mưa hiu hắt từ dĩ vãng xa vắng hiện về bên song cửa, là tiếng mưa đêm “chết lịm trong hồn”, với điệu gầy ảo não/ sợi mưa dài, thật dài, để ngồi bâng khuâng u hoài cùng với cơn mưa bong bóng bởi một bóng hình xưa cũ Người về nơi ấy, sao lòng quặn đau. Tôi liên tưởng đến cơn mưa trong thơ Nguyên Sa: Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng/ Mưa tôi về bong bóng vỡ đầy tay viết cho người con gái nhỏ, cho một chớm tình thơ dại, lòng cứ nhủ lòng “nắng vẫn chưa phai”: Tôi biết nói gì? Cả trăm phút đều thiêng/ Hay muốn nói nhưng lòng mình ngường ngượng… Phạm Ngọc Hồi không rơi vào một hoàn cảnh như thế nhưng cơn mưa bong bóng đã làm sống lại kỷ niệm đẹp một thời cỏ hoa sương khói: Hững hờ cái bóng ngả nghiêng/ Thẹn thùng sợi nắng ngoài hiên uốn mình… của hình ảnh hoa bong bóng nổi lưa thưa trước thềm… Tình yêu cũng có lúc đã tạo cho chủ thể trữ tình đôi khi như lạc vào mê cung với những câu thơ mang tính ẩn dụ ngụp lặn trong cõi tình ân ái: Trăng khuya sóng mắt làn môi mọng/ Nhìn cỏ đôi bờ khép cong cong/ Ai đem ngụp lặn trên sông vắng/ Để mặt tình si đắm giữa dòng (Mê cung).

Mưa bong bóng là tập thơ đầu tay của Phạm Ngọc Hồi. Sự khởi đầu sáng tạo văn chương của bất kỳ người viết nào thường chọn cho mình một ngôn ngữ nhẹ nhàng chân thật cùng với cảm xúc, nỗi hoài cảm bất chợt của một tâm hồn thơ lãng mạn. Vì vậy đừng vội đòi hỏi tác giả phải có cách tân, đổi mới thơ của mình, điều ấy sẽ thuộc về phía trước. Tôi đặc biệt chú ý đến những cơn mưa trong thơ Phạm Ngọc Hồi, khi ẩn khi hiện bàng bạc trong Mưa bong bóng với những rung động khẽ khàng đánh thức trong lòng những nỗi nhớ xa xăm, tha thiết.

H.S.B

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây