Giấc mơ Vườn Mẹ – Phan Đức Nhạn

Giấc mơ Vườn Mẹ - Phan Đức Nhạn
Phan Đức Nhạn, nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XI, nguyên Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Nam

PHÁC THẢO KHÔNG GIAN VƯỜN MẸ – BÀI 1

pt1 min - Giấc mơ Vườn Mẹ - Phan Đức NhạnBẢN ĐỒ GIẢI THỬA-VÙNG KHÔNG GIAN VƯỜN MẸ

Tưởng quy hoạch Vườn Mẹ - Giấc mơ Vườn Mẹ - Phan Đức Nhạn

 

LỜI THƯA

Ông Phan Đức Nhạn, nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XI, nguyên Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Quảng Nam, có nguyện vọng xây dựng Dự án về Vườn Mẹ tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Dự án là không gian vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa có ý nghĩa là một địa chỉ văn hóa, trở về với cội nguồn dân tộc. Dự án được nhiều giới hoan nghênh, đã có trên dưới 60 bài viết của các đồng chí lãnh đạo các cấp, các tướng lĩnh, các nhà văn, các nhân chứng lịch sử, …

Khởi đầu từ ngày Phụ nữ Việt Nam năm nay (20/10/2021), vansudia.net sẽ lần lượt xuất bản một số bài viết về VƯỜN MẸ.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn ông Phan Đức Nhạn, các tác giả bài viết và xin giới thiệu cùng bạn đọc.    

vansudia.net

 

GIẤC MƠ VƯỜN MẸ

Phan Đức Nhạn
(Nguyên Giám đốc sở Giao thông Vận tải Quảng Nam
Đại biểu Quốc hội khoá XI
A Trưởng thiếu sinh quân Bình Dương 1967)

Đêm hôm qua tôi lại nằm mơ- một giấc mơ kỳ diệu. Giật mình tỉnh giấc, tôi xâu chuỗi kết nối với hiện thực. Một hiện thực như mơ! Sáng sớm tôi lên xe chạy thẳng một mạch về Hội An, ăn tô mì Quảng rồi rảo tắt qua chợ ra đường Bạch Đằng… Đây rồi, bến đò xưa trên dòng sông Hoài. Bóng nắng buổi sáng đổ dài theo hướng tây, Hội An vẫn trầm tư theo nhịp sống chậm. Gần 60 năm cuộc đời trôi qua dòng sông vẫn chảy, nhưng kỷ niệm lần đầu tôi lon ton theo mẹ và anh Ba tới bến sông này vẫn còn đó. Lời rao “ai bánh mì không” của anh bán bánh dạo gây tò mò, từng tốp nữ sinh áo dài trắng, nón lá, cặp sách, guốc mộc rảo bước trên phố thật lạ lẫm, kiêu sa… Ngồi một mình ở quán góc phố, thư giãn với hương cafe ngát thơm, nhìn về phía bên kia dòng sông, những dãy phố san sát thay cho cảnh quan bãi bồi thoáng rộng mướt xanh ngày xưa. Mẹ! Mới đêm hôm qua mẹ gánh trên vai nặng trĩu khoai lang bước lên bến sông này. Vào chợ bán vội gánh khoai, dẫn con lên hiệu Huỳnh Sỏ chụp ảnh để gửi ra Hà Nội cho cha. Hiệu ảnh chỉ có áo dài và đôi guốc mộc cho mẹ, tìm mãi không có đôi dép cho vừa chân con, thế là con đành chân không đứng cạnh mẹ chụp một kiểu ảnh để đời. Ra về, mẹ tìm mua cho con đôi dép Nhật. Dép đẹp quá, con chỉ để dành không dám mang, mà con quanh quẩn ở trong làng, có đi đâu để phải mang dép!

Hình bóng mẹ cứ hiện về mồn một, con tìm lại dấu xưa trên bến sông này. Hồi ấy, khi chuẩn bị xuống ghe, mẹ hỏi con có đói bụng không? Chuyến đi phố lần đầu thật quá thích thú nên quên đi cái đói, nhưng nhìn chiếc xe đẩy bánh mì đi qua, con nói: “Mẹ ơi, con ưng ăn bánh mì cho biết”…

Mùa hè, trời trong xanh, không một gợn mây, không một làn gió. Hàng cây tĩnh lặng dưới nắng gắt. Mắt tôi hoa lên, cảm giác cay cay rồi nhòa trong mắt kính của người con nhớ mẹ. Tôi ra xe chạy về phía cầu Cửa Đại. Đứng tựa lan can đỉnh cầu nhìn về phía biển. Làng Trung Phường-nơi mấy tòa nhà cao to của một dự án 500 triệu đô-la đã thay cho làng chài nghèo khó ngày xưa. Người dân được sắp xếp vào khu ở mới cách biển chừng ba cây số, nghĩa là nghề chài lưới biển bãi ngang đã được khuyến khích chuyển đổi qua nghề khác. Nhìn xa dần về phía nam, nhô lên một cụm công trình bề thế, nhà mới xây chồm ra phía biển một khách sạn hạng sang, sân golf, vườn rau sạch, khu vui chơi giải trí… của một thương hiệu Việt – Vincom. Tôi để lại xe, chân sải lần theo trí nhớ mang máng thời chiến tranh ở vùng cận biển này. Vùng đệm sát biển-vách thực vật tự nhiên chắn gió, phủ cát bởi những loài cỏ cụm, lông chông, lưỡi long, xương rồng, dương liễu trải qua hàng trăm năm “từ thời cha ông mở cõi” hay lâu hơn thế, đã ăn sâu vào tiềm thức người dân xứ này.

Căn cứ lõm Bàu Bính đã trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh min - Giấc mơ Vườn Mẹ - Phan Đức NhạnCăn cứ lõm Bàu Bính đã trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: QUANG VIỆT

Bàu Bính! Bàu Bính có từ bao giờ? Tên làng thì chắc chắn đã có chừng 500 năm trước. Làng quê bao giờ cũng có những hình ảnh neo đậu như cây đa, giếng nước, đình làng, miếu thờ, nhà thờ tộc họ, bến cá, chợ quê… Nhà ngoại tôi gần chợ Bàu Bính. Một không gian xưa cũ-gồm nhà rường 5 gian sườn gỗ, mái ngói, nhà trù, nhà ngang, sân gạch, vườn hoa, ruộng thổ bậc cao, bậc thấp, hai hàng cau thẳng tắp từ sân ra ngõ, con đường làng quanh co, lũy tre làng tươi xanh luôn trải hoa nắng lên mặt đường. Cậu tôi là thầy giáo trường làng, tham gia tổ chức Việt Minh rất sớm. Nhớ lại Tết Mậu Thân, nhân dân Bình Dương tập kết quân vùng Bàu Bính, nhà ngoại trở thành điểm trực ban của bộ chỉ huy chiến dịch. Mẹ và tôi tập trung tại nhà ngoại để chuẩn bị tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Hội An. Mỗi thành viên chuẩn bị vũ khí thô sơ là cây gậy, cuộn dây, cái mõ tre, gói cơm vắt, không khí đi khởi nghĩa mà nườm nượp, đông vui như đi lễ hội. Sáu giờ chiều, một người phụ nữ cụt nữa cánh tay, vai mang xắc cood, đến phổ biến chủ trương chuẩn bị lên đường để kịp tới Hội An vào “giờ G”…

Hôm nay, tôi trở về nhà ngoại, không còn mẹ dẫn dắt, nhưng đi đâu, về đâu cũng cảm nhận đi theo dấu chân của mẹ. Nồi Rang chợ mai, Bàu Bính chợ chiều ngày xưa là nơi mua bán sầm uất, nay kinh doanh nhỏ lẻ thưa thớt, sống dựa vào mua bán phục vụ bà con trong làng. Bàu Bính-nơi tụ nghĩa của vùng Đông, Quảng Nam, Quảng Đà. Bàu Bính là nơi an toàn khu của cách mạng. Bàu Bính trở thành căn cứ lõm 1970-1972. Bàu Bính là nỗi khiếp sợ của quân thù, Bàu Bính góp phần để Bình Dương trở thành đơn vị Anh hùng Lực Lượng Vũ trang lần thứ hai trong sự nghiệp chống Mỹ.

Lần theo Mặt biển-mặt trận trong tập sách Rét tháng Giêng của nhà văn Chu Cẩm Phong, đâu chỉ có người ra biển, còn đó những người mẹ đứng canh nơi bãi biển để phối hợp với chồng con làm nghề biển, để phân chia thành quả cho người lao động, cho cách mạng. Thôn Sáu Bình Dương bãi cát sóng dồi/ Nắng long lanh trong mắt người bám biển/ Giặc mới lui càn khi em vừa đến/ Bà mẹ già kể chuyện chặn xe tăng/ Quanh những bờ dương bị giặc san bằng/ Đã lại mở những chiến hào gan góc/ Những em bé, dưới mưa bom vẫn đi làm đi học… (Bài thơ về hạnh phúc – Dương Hương Ly). Người mẹ trẻ từ Thủ đô Hà Nội để lại đứa con yêu thương mới 16 tháng tuổi cho bà ngoại để ra chiến trường, để về vùng Đông, về Bình Dương làm người chị, người em, người con của Bình Dương, để làm người chiến sĩ… Dân Bình Dương mãi nhớ câu thơ … Trong góc vườn cháy khét lửa napan/ Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc/ Và em gọi đó là hạnh phúc. Hạnh phúc thật giản đơn, giản đơn như sự nở hoa theo lẽ tự nhiên nhưng ngàn đời sau nhân dân không dễ gì quên một thời đánh giặc mất mát, đau thương để có “ruộng lúa xanh tràn”, để có nhành hoa cúc, để có một Bình Dương Anh hùng.

Khi cuộc chiến đi qua, bom mìn được tháo gỡ, những chiếc xe tăng Mỹ nằm trơ trên cát, một số người muốn thu gom cho vào lò nung sắt thép để khỏi nhìn thấy mà “gai mắt ngứa gan”. Một số người khác lại muốn lưu giữ những phương tiện gây nên tội ác chiến tranh để nhắc nhở cháu con rằng: sức mạnh sắt thép không phải là sức mạnh vô biên, đáng sợ. Nhân dân tổ chức lại sản xuất tăng gia là tuyên chiến với cuộc sống đói nghèo trên vùng cát, làm cho màu xanh phủ tràn trên mảnh đất quê hương. Rừng dương hàng triệu cây lớn lên từng ngày, gió vi vu như lời ru tình tự, Bình Dương lại được đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động. Cây cầu bê-tông 2 tỷ 574 triệu đồng được Phó chủ tịch tỉnh Vũ Ngọc Hoàng ghi vốn đầu tư 2 tỷ, phần còn lại do Công ty Xây dựng Quảng Nam đóng góp và thi công đã  nối liền đôi bờ sông Trường Giang để con đường của Bình Dương lên huyện gần được hơn một nửa. Hội trường xã 300 triệu đồng được Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân hỗ trợ vốn từ nguồn ngân sách do Công ty Xây dựng Quảng Nam thực hiện. Ghé thăm Phòng Truyền thống của xã, hình ảnh hai nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang được trân trọng treo ở trung tâm. Chị Trần Thị Kim Cúc- một Xã Đội trưởng can trường đánh giặc rất cừ, chị Phan Thị Nga- một nữ Anh hùng trung kiên, nghĩa khí. Tôi từng chứng kiến những đồng đội của chị Cúc, chị Nga một thời khi gặp lại, họ đã ôm chầm lấy nhau mà tỉ tê, hả hê trò chuyện, họ đã điểm tên người còn, người mất cho tới khi không cầm được nước mắt, khóc òa. Chuyện còn đó, chị Nga tuổi đời mới hai mươi, bị địch bắt khi đang hoạt động ở khu dồn. Chúng bày đủ trò uy hiếp, hăm dọa, sỉ vả, đe dọa trước mặt người thân và bà con làng xóm. Hình ảnh chị còn mãi in đậm trong tâm khảm mọi người: Ở thời điểm tử sinh, một nụ cười coi khinh kẻ thù trêu ngươi chính quyền tay sai tựa như nụ cười chiến thắng của người con Long An: Võ Thị Thắng. Không khuất phục được chị, chúng bịt mắt chị để chuẩn bị nổ súng. Hành động phản kháng của chị là lời tuyên chiến với tử thần trong buổi trưa nắng nóng tại nổng cát khu dồn: “Chúng bay hãy thả hết những người dân vô tội để bà con được tự do về nhà. Hãy bắn tau đi, không cần bịt mắt để tau được nhìn bà con, được nhìn quê hương thân yêu lần cuối”. Quân thù nhụt khí, run tay, hèn hạ chỉ dám bắn chị từ phía sau lưng để tránh ánh mắt rực lửa cùng lời hô vang to như anh hùng Nguyễn Văn Trỗi “Hồ Chí Minh muôn năm…” của người nữ chiến sĩ anh hùng.

z2961523644485 8addf1fd410955c3adfd230d986eecf7 min - Giấc mơ Vườn Mẹ - Phan Đức NhạnNhà văn Hồ Duy Lệ (bên trái) và nhà báo Vinh Quang thăm 2 cây dương thần

Phía trước ủy ban xã là nghĩa trang liệt sỹ Bình Dương, nơi ấy có 1.347 liệt sỹ yên nghỉ, những người con trung hiếu của Bình Dương. Nhiều người tới đây thắp hương trong những dịp lễ tết đều nhận thấy là công tác chăm sóc nghĩa trang rất được địa phương chú trọng. Chúng ta hiểu rằng, các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang khi Tổ quốc cần mà chưa và không bao giờ đòi hỏi ở Tổ quốc sự đền đáp vinh danh. Nếu có nghĩ thì những người con ấy khi còn sống luôn nghĩ về người mẹ của mình nhiều nhất. Và chắc chắn trước lúc nhắm mắt họ cũng mong những người mẹ được chăm chút và phụng dưỡng tốt hơn!

Từ cảm thức ấy, chúng ta sẽ không khỏi nặng lòng suy nghĩ về 350 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở Bình Dương, mà nhiều mẹ của các liệt sỹ tới nay vẫn còn nằm rải rác trên nhiều vùng, thậm chí có những gia đình không còn ai để quan tâm mồ mả, hương khói và thờ phụng. Chúng ta không khỏi nhói lòng và bao lần tự hỏi: Vì sao người dân Bình Dương vẫn duy trì thói quen nhang khói cho những địa điểm khó có ai nghĩ tới: cồn cát, bờ tre, góc vườn, gốc cổ thụ…? Có lẽ, chỉ người Bình Dương mới biết trong từng hạt cát quê mình thấm đẫm những gì…

Bình Dương là một vùng cát tiếp giáp biển, là những nổng cát cao lên liên tiếp khác thường. Đặc điểm này được hình thành trong quá trình biến đổi địa chất thủy văn. Quá trình dâu bể ấy, trải qua ngàn đời và được con người cùng tự nhiên “lưu giữ” có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa của thiên tai, địch họa. Từ nổng miếu Ông Mèo phía xã Bình Đào tới đầu làng cát cao giáp Xuyên Thọ (Duy Nghĩa) một vệt nổng cát xuyên suốt với những cái tên quen thuộc: nổng Tam Vị, nổng Ông Ban, nổng Cây Nài, nổng Ông Thế, nổng Ông Bút, nổng Ông Cửu Họp, nổng Cây Sanh, nổng Miễu, nổng Ông Nhánh, nổng Cây Mộc… Tôi còn nhớ, khi thời tiết bất thường xảy ra năm 1964 (năm Giáp Thìn), những người cao tuổi điểm lại đây là năm bão lụt lớn đặc biệt, các cụ còn gắn mác năm ấy “bão bay cối đá, lụt cá ăn sao”. Nước dâng lên rồi ghim chân nước ba ngày, sau đó mưa to đầu nguồn, nước dâng lên cực nhanh, con người ở khu vực địa hình thấp chỉ kịp bám ngay vào những nổng cát để thoát nạn “bà thủy”. Và biết đâu những sự kiện ấy đã góp thêm sức sống cho câu chuyện thần thoại Sơn Tinh Thủy Tinh mà chúng ta từng nghe kể.

Những câu chuyện kể về “đất thánh” Bình Dương một thời chiến tranh, một thời hòa bình đều để lại trong lòng nỗi xốn xang, bồi hồi làm rưng rưng nước mắt. Lịch sử còn ghi vụ thảm sát trảng Trầm, những loạt đạn của bọn lính đánh thuê Nam Hàn quét vào 73 người dân vô tội ngã xuống. Thật đau đớn! Một bé gái mới 5 ngày tuổi quấn trong bọc giẻ được mẹ ẵm chặt trên tay đang bú. Súng nổ, người mẹ ngã gục. Em bé được mẹ che chở, trở thành người duy nhất sống sót trong vụ thảm sát. Câu chuyện được nghe từ chú Phan Ca, người cùng làng kể lại mà xúc động, quặn lòng. Ôi em bé mồ côi đã không còn hơi để khóc. Mẹ em chết rồi nhưng miệng em vẫn ngậm vú mẹ, dòng sữa mẹ hiền và hơi ấm cuối cùng của mẹ đã trao lại cuộc sống của em cho người đời. Giặc bỏ đi, ánh nắng chiều mùa đông yếu ớt tranh tối với hoàng hôn, dân làng lo hậu sự cho những người bị giết hại, đã phát hiện ra em bé đang thoi thóp trong vòng tay mẹ. Ngày hôm sau bà con ẵm em lên trao cho người mẹ khác ở chợ Hương An nuôi em. Sau chiến tranh, gia đình của mẹ nuôi di cư vào Nam Bộ, em bé biết đâu đường về để trở lại dâng nén hương viếng người mẹ sinh thành. Và chúng ta vẫn thầm mong một ngày không xa em bé mồ côi được trở lại đất tổ-dù một lần-để thăm nơi nguồn cội và khắc ghi vụ thảm sát trảng Trầm.  

Mới đây, khi chuẩn bị thông tin cho quyển sách căn cứ lõm Bình Dương, anh Mai Văn Năm-nguyên Ủy viên Trung ương Đảng- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tâm sự: Bình Dương mình còn nhiều, rất nhiều những mẹ, những chị, em đã một đời phấn đấu hy sinh cho cách mạng, nay chính sách cần quan tâm. Chị Nguyễn Thị Nhờ, một cán bộ trong phong trào đấu tranh chính trị đã phấn đấu trở thành cấp ủy tỉnh-Trưởng Ban Đấu tranh Chính trị tỉnh rồi anh dũng hy sinh. Chuyện kể thời khắc cuả cuộc “chiến tranh đặc biệt”, Quốc dân đảng truy tìm cán bộ, đảng viên, bà Xã Nghị một mình đã nhanh trí cứu chồng và bao nhiêu người khác thoát nanh vuốt kẻ thù. Cô Phan Thị Truy, người gìn giữ bảo toàn đường dây liên lạc của tổ chức Đảng ở thời kỳ ác liệt khó khăn sau Hiệp định Genève, rồi trở thành Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh. Cô Trịnh Thị Huyền, Huyện ủy viên, người con Bình Dương, được phân công về lãnh đạo, chiến đấu bảo vệ quê hương trong những ngày Bình Dương gian nan, ác liệt. Ngô Thị Thanh Hương, người con vùng cát đẹp nết, đẹp người, phấn đấu trở thành Chủ tịch rồi Bí thư Huyện ủy để kế tục sự nghiệp vinh quang của người cha-Bí thư huyện ủy Ngô Thanh Dũng…

Người Bình Dương đã quen với cuộc sống nhọc nhằn, gian nan, mùa nắng chân đi trên cát bỏng, cát cháy, mùa mưa dầm chịu ngập úng, bão giông. Những công sự bí mật, hầm hào, trận địa tập trung nơi địa hình cao ráo. Thế trận có lòng dân, địa hình dựa vào nổng cát cao, bờ thổ, bờ kênh. Khi mặt đất xơ xác trống trải thì ẩn vào lòng đất, con người hoạt động như mạch ngầm lúc ẩn, lúc hiện, khi phân tán, lúc tập trung sẵn sàng phòng thủ, chủ động tấn công để giành thắng lợi. Chiến tranh kết thúc, làng quê nghèo còn lại trang sử oanh liệt, con người còn lại chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em, lại lao vào mặt trận mới. Câu chuyện bàn tay trắng từ trong đổ nát đi lên có sá chi khổ cực trăm bề để lợp lại màu xanh quê hương, để sức sống mới bật dậy phi thường. Trong một cuộc hội họp làng xã có mẹ nói: “Các con ơi! Đời mẹ già rồi, chẳng còn bao hơi nữa, sự nghiệp này trao lại để lớp con cháu của mẹ phấn đấu giữ vững ngọn cờ. Các con hãy vững tin, truyền thống quê hương Bình Dương không ở đâu xa, mà ở ngay trong chính chúng ta, đang ẩn vào trong xóm làng, nổng cát, rừng dương xanh”…

Tôi lớn lên nghe nội kể: Vườn Tổ quê mình ngày xưa rộng lớn, một phần đất công, một phần phân chia dần cho lớp lớp con cháu để mỗi gia đình nhỏ có mảnh vườn và nhà ở. Vườn đã có trong tiềm thức một ranh giới linh hoạt co giãn, vườn tham gia vào cơ cấu ban đầu hình thành làng thôn xã tắc. “Vườn mẹ ngày xưa vắt qua nổng cát/Bên biển bên sông, lộng gió biển khơi/Đời mẹ nghèo quanh năm tần tảo/Giàu tình yêu, các con được chăm chút mỗi ngày”.

Từ những trăn trở xót xa, tôi nảy ra ý tưởng đã đeo đẳng, ấp ủ nhiều năm tháng để xây dựng không gian “Vườn Mẹ”. Tôi nêu ý tưởng “Vườn Mẹ” với đồng nghiệp và bạn bè, được chú Trần Anh Vũ, Trần Dũng Mãnh cùng các cô chú anh chị thế hệ đi trước-thế hệ từng đổ máu xương trên đất Bình Dương, trên đất Vùng Đông Quảng Nam-động viên và khuyến khích. Tôi dốc lòng tìm ý, chốt lại nội dung: chọn khu vực đồi cát-một thực thể có vị trí xứng đáng trong lịch sử thời chiến tranh tại Bình Dương dành làm đài tưởng niệm và khuôn viên để an vị mồ mả cho các “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Một bia ghi danh 1.347 liệt sỹ. Tái tạo công sự, hầm ngầm, trạm phẫu, hào giao thông, bờ làng chiến đấu, lập điểm tiền tiêu để canh chừng giặc dã. “Vườn Mẹ” là không gian sinh tồn có làng nghề truyền thống, có hoa cỏ cây cao bóng mát, có bến nước, đường làng, nhà văn hoá, lớp học … để các con vui sống với nhau. “Vườn Mẹ” có không gian bảo tàng các loài hoa xương rồng đa dạng phong phú đã gắn bó với vùng đất này từ ngàn xưa. Vườn Mẹ được quy hoạch giữ yên người dân sống trong vùng dự án để họ cùng tham gia, chỉnh trang cho làng quê- một làng quê Việt- có nét, có hồn! Tôi mời hội đồng cố vấn, hội đồng tư vấn để tham gia đóng góp ý tưởng và cách làm “Vườn Mẹ”. Tôi mang hồ sơ ý tưởng “Vườn Mẹ” trình bày với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Chủ tịch đón nhận rất vui, đồng tình chia sẻ, động viên khuyến khích rồi hẹn tôi tới Phủ Chủ tịch để nhận Thư Chủ tịch nước gửi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Phan Việt Cường và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam – Lê Trí Thanh, về ý tưởng không gian “Vườn Mẹ”. Tôi vui mừng, chia sẻ cảm xúc với anh Vũ Ngọc Hoàng, Hồ Thanh Hải, Thuận Hữu, Phan Thăng An… về lời lẽ rõ ràng, ấm áp, chân tình trong Thư của Chủ tịch nước…

Mong rằng “Vườn Mẹ” – một công trình tâm huyết, gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng của Quảng Nam sẽ sớm hình thành trên đất Bình Dương Anh hùng.       

P.Đ.N

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây