Theo Hội Thiên văn Hà Nội HAS, trong tháng 5 năm 2022, những người yêu thiên văn có thể quan sát những hiện tượng kỳ thú trên bầu trời. Trong đó đáng chú ý nhất là mưa sao băng và nguyệt thực toàn phần xuất hiện vào đầu và giữa tháng.
Ngày 1/5: Trăng mới
Mặt Trăng sẽ ở cùng phía Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất và sẽ không thể quan sát được trên bầu trời đêm. Cảnh tượng này xảy ra lúc 3:30 (giờ Việt Nam). Đây sẽ là khoảng thời gian tuyệt nhất trong tháng để quan sát những thiên thể mờ như thiên hà và các cụm sao vì chúng sẽ không bị ảnh hưởng bởi ánh trăng.
Ngày 6-7/5: Mưa sao băng Eta Aquarid
Mưa sao băng Eta Aquarid là một mưa sao băng trên mức trung bình, đạt tới 60 sao băng một giờ ở cực điểm. Hầu hết sao băng sẽ quan sát được ở Nam bán cầu. Ở Bắc bán cầu, tần suất chỉ đạt khoảng 30 sao băng mỗi giờ.
Mưa sao băng Eta Aquarids được hình thành từ những hạt bụi của sao chổi Halley – thiên thể được biết đến và quan sát từ thời cổ đại.
Mưa sao băng Eta Aquarids thường xảy ra hàng năm từ 29/4 đến 28/5, cực điểm của năm nay vào đêm ngày 06/05, rạng sáng ngày 7/5. Ánh sáng của trăng gần tròn sẽ che lấp hầu như tất cả sao băng, ngoại trừ những vệt sao băng sáng nhất. Nhưng nếu kiên nhẫn, bạn vẫn có thể sẽ nhìn được một vài vệt sao băng đẹp.
Tốt nhất nên quan sát ở những địa điểm tối từ sau lúc nửa đêm. Các sao băng có xu hướng tỏa ra từ chòm sao Aquarius (Bảo Bình), nhưng cũng có thể xuất hiện từ bất cứ đâu trên bầu trời.
Ngày 16/5: Trăng tròn
Mặt Trăng sẽ nằm đối diện với Mặt Trời khi quan sát từ Trái Đất và phần hướng về Trái Đất của Mặt Trăng sẽ được chiếu sáng toàn bộ. Cảnh tượng này xảy ra lúc 11:15 (giờ Việt Nam).
Lần trăng tròn này được những bộ tộc châu Mỹ bản địa thời xưa gọi là Trăng Hoa (Full Flower Moon) bởi vì đây là khoảng thời gian những bông hoa mùa xuân xuất hiện nhiều nhất. Lần trăng này cũng được biết đến là Trăng Trồng ngô (Corn Planting Moon) và Trăng Sữa (Milk Moon).
Ngày 16/5: Nguyệt thực toàn phần
Nguyệt thực toàn phần. Ảnh: Hoàng Quốc Phương (HAS)
Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng hoàn toàn đi qua vùng bóng tối của Trái Đất. Với loại nguyệt thực này, Mặt Trăng sẽ trở nên tối dần sau đó chuyển sang màu gỉ sắt hoặc màu đỏ của máu.
Lần nguyệt thực này có thể quan sát toàn bộ khu vực Bắc Mỹ, Greenland, Đại Tây Dương, vài phần thuộc Bắc Âu và Tây Phi (không quan sát được tại Việt Nam).
Ngày 30/5: Trăng mới
Mặt Trăng sẽ ở cùng phía Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất và sẽ không thể quan sát được trên bầu trời đêm. Cảnh tượng này xảy ra lúc 18:32 (giờ Việt Nam). Đây sẽ là khoảng thời gian tuyệt nhất trong tháng để quan sát những thiên thể mờ như thiên hà và các cụm sao chúng sẽ không bị ảnh hưởng bởi ánh trăng.