Mùa xuân đang đợi – Tác giả: Văn Sao Lạc

Tin Xuân - Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng

Mua xuan dang doi min - Mùa xuân đang đợi - Tác giả: Văn Sao Lạc

“Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào”

Mùa xuân gì nói nữa là sai – Mùa xuân nào đang đợi – Mùa xuân gì phía trước – Mùa xuân của ai miên trường…? Để thi sĩ Bùi Giáng Chào Nguyên Xuân.

Có phải, mùa xuân lưu niệm nuối tiếc dĩ vãng vàng son “Tôi có chờ đâu có đợi đâu/ Đem chi xuân lại gợi thêm sầu” của Xuân Diệu, hay Văn Cao hy vọng “Mùa xuân ước mơ ấy đang đến đầu tiên… Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu” hay mùa xuân thường tại nơi chốn hiện nay “Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau” của Bùi Giáng. Nguyên Xuân trong thơ Bùi Giáng có nguồn gốc với Nguồn sống là cái “Chết mà không mất” nó duy nhất và tuyệt đối như chữ Đạo của Lão Tử.

Con người là một sinh thể, sinh và tử – tử và sinh đi liền nhau như một dòng sông chảy, khoảng nối tiếp sinh – tử là ly biệt giữa các hình thể (tướng) để cái Sống (thể) đi về chỗ khác với hình thức mới “Tôi về nơi chốn có Mồng Một Giêng”. Cái Sống đối với hình thể ta cũng như “lửa đối với củi” từ bó củi này lửa qua bó củi kia, không khác gì Sóng với Nước, sóng vào bờ lại tan như không mất hẳn mà tạo ra con sóng phía sau “Xuân về xuân lại xuân đi/ Đi là đi biệt từ khi chưa về”. Xuân đi, xuân đến, xuân tàn nhưng không mất bản thể Nguyên xuân “Tóc xanh dù có phai màu/ Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng”. Nguyên xuân là nguồn mạch từ niềm xa biệt “Đi về một bữa hôm nay/ Nhớ ngàn xưa đã về đây một lần”. Gặp hình thể nào cũng đáng vui mừng cái hình thể mới thì cái vui ấy tất nhiên cũng miên trường.

Ở đời, ai cũng biết xuân của hoa lá đâm chồi nẩy lộc “Cỏ non xanh rợn chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa”, xuân của sức sống rừng rực dâng trào “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”. .. Tất cả “lạc” rồi “khai” xuân đi rồi xuân đến, đừng lo “Chuyện đời trước mắt trôi” chờ đợi xuân sẽ trở lại. Còn xuân thường tại gọi Nguyên Xuân thì ít ai biết đến. Cái xuân này không thể biết theo lời nói, mà ở trong cái Sống của nó “Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”. Nếu chúng ta không sống với nó, thì tất cả xuân chỉ là mộng tưởng. Thiền sư Thanh Viễn nói “Duy hữu thức xuân nhơn/ Vạn kiếp nguyên nhất xuân”, chỉ có người biết xuân thì muôn kiếp một mùa xuân.

Nói về xuân, không thể không nói đến bài thi kệ “Cáo tật thị chúng” của Thiền sư Mãn Giác, một thiền sư Việt Nam thế kỷ thứ XI thời Lý cách đây gần ngàn năm.

Bài thơ nguyên gốc chữ Hán

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Thiền sư là người tu Thiền, lấy Vô Niệm làm Tông – Vô tướng làm Thể – lấy Vô trụ làm Trụ, họ không làm thơ như ngoài đời nghĩ. Thiền sư chỉ có hoài bão khai thị dẫn dắt đệ tử trên con đường thực nghiệm tâm linh. Có thể nói rằng vào lúc tâm tư tịch lặng an nhiên tự tại, khi những thăng trầm của thế sự không còn làm bận lòng và khi cánh hoa rơi không làm tâm hồn xao xuyến “Tha hồ lẽ thịnh suy, lòng không chút sợ hải”, họ ngộ ra cái trường cửu “Bất sinh bất diệt/ Bất cấu bất tịnh/ Bất tăng bất giảm”. Thiền sư mỉm cười viết bài kệ để lại cho đệ tử trước lúc sắp từ giã cuộc đời. Ngôn ngữ bài kệ dù không đẽo gọt, uốn nắn, tìm chữ, sắp đặt ý lời, nhưng đã vô tình trở thành bài thơ “Cáo tật thị chúng” (Cáo bệnh để dạy đệ tử). Nếu dân gian đón nhận bài thi kệ như một bài thơ hay thì điều đó không phải  là chủ đích của thiền sư.

Hiện nay có nhiều bản dịch theo hai dạng “Thi vị” hay “Thiền vị”

Thi vi hay Thien vi min - Mùa xuân đang đợi - Tác giả: Văn Sao Lạc

Hoa rụng/ Hoa cười” rất tự nhiên và nhẹ nhàng, gợi lên sắc tướng “Xuân” trước mắt mà ai cũng cảm nhận khi xuân đến và đi.

Hoa lạc/ Hoa khai” làm ta liên tưởng đến “lạc” là sự tất yếu khi nhân duyên cũ rã rời để cho duyên mới tụ hợp “khai”. Vậy “lạc để khai, khai để lạc” sinh sinh tử tử không biết đâu là khởi điểm trên một vòng tròn. Một hình thể xuân đến – đi cho vô lượng hình thể xuân nối tiếp cái Nguyên Xuân đó mà thôi. “Xuân đi – Xuân đến” của vạn vật đâu có giống nhau vì mỗi vạn vật là “độc nhất vô nhị”, như con ve không biết xuân thời tiết vì nó chỉ sống mùa hè, tai nấm nở trong buổi mai, cây đại xuân tới tám ngàn năm mới có xuân.. . Thế thì xuân đi – xuân đến là xuân của cái Sống, cái Nguyên Xuân của nó, mà phận sự duy nhất của nó là trở về cái Chân thể ấy.

Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tùng đầu thượng lai” Thiền sư mô tả hiện tượng xảy ra trước mắt khách quan, không đánh giá, không bình luận như cơn gió thổi khóm trúc lay, gió đi rồi trúc không giữ lại, không tiếc nối âm thanh. Cũng như chim nhạn bay ngang qua hồ, nhạn qua rồi mặt hồ không lưu ảnh của chim nữa “Chuyện đời trước mắt trôi” an nhiên tự tại hơn “Trước mắt việc đi mãi” nghe thấy buồn khi sự việc trôi qua. Và khi việc qua rồi tâm lại thảnh thơi “Trên đầu tuổi già lại” không xao động băn khoăn theo tiếng thở dài “Trên đầu già đến rồi”.

Mac vi xuan tan hoa lac tan min - Mùa xuân đang đợi - Tác giả: Văn Sao Lạc

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” Thiền sư nói: “Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết” mang tính phủ nhận triệt để, khiến người đọc không khỏi bàng hoàng kinh ngạc “Xuân đi – Xuân đến” rồi lại “Xuân tàn” nhưng hoa không rụng hết “Muôn vật từ xưa nay/ Tướng thường tự vắng lặng” không phải là sự tan biến mất hết mà sự sống đã xuất hiện “Ngoài sân, đêm trước, một cành mai”. Thiền sư viết một câu có ba cụm từ rời rạc “Đình tiền – Tạc dạ – Nhất chi mai” như là sự hiện hữu không gian – thời gian – hiện tại của thế giới tĩnh trong niềm tịch lặng vô biên, chẳng khác gì dạng tranh tĩnh vật  mô tả chủ đề vô tri vô giác nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa của họa sĩ. Thiền sư không cần thấy một cành mai vật chất ở ngoài sân và cũng không cần phải thấy cành mai bây giờ nữa. Sự chứng ngộ đã làm cho cái mà đêm qua thiền sư nhìn thấy đó không bao giờ mất được, là nói về Nguyên Xuân đó thôi.

Dù sự cảm nhận của mỗi người dĩ nhiên không thể giống nhau, nhưng đọc vào thấy khoan khoái nhẹ nhàng để cho nụ cười nở trên môi và chặt đứt hết vọng tưởng về tự ngã biệt lập với muôn vật. Như Holderlin nói “Con người sống trên đời như một thi sĩ” sống giữa lòng những gì thiêng liêng vừa ẩn giấu, vừa vẫy gọi, mang ta đến gần bản chất của sự vật và thấy mình trong lòng sự vật.

V.S.L
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây