Hình ảnh con mèo qua vài cái nhìn dân gian người Việt – Tác giả: Ngô Văn Ban

Tin Xuân - Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng

Hinh anh con meo qua vai cai nhin dan gian nguoi Viet min - Hình ảnh con mèo qua vài cái nhìn dân gian người Việt - Tác giả: Ngô Văn Ban

Trung Quốc, năm Mão gọi là Thố, cầm tinh con thỏ. Người Việt ta lấy con mèo tượng trưng cho năm Mão, không lấy con thỏ như  lịch ở Trung Quốc. Việc thay thế hình ảnh con thỏ sang hình ảnh con mèo trong lịch của ta, chứng tỏ người Việt ta tiếp thu có chọn lọc, phù hợp với cuộc sống dân tộc ta. Con mèo dù gì cũng gần gũi với người Việt ta hơn con thỏ.

Như thế, người sinh năm Mão là cầm tinh con mèo. Không hiểu như thế nào mà trong bài “Vè 12 con giáp” của dân gian đã nhận định: “Tuổi Mẹo là con mèo ngao/ Hay quấu hay quào ăn vụng quá tinh” như thế! Tuy thế cũng có nhận định, người “tuổi Mẹo đã khéo lại khôn”.

Mèo không nuôi trong nhà là mèo hoang, thuộc loại “mèo mả gà đồng”, “mèo đàng chó điếm”, “chó khô mèo lạc”… Loại mèo này đã được người đời gán cho những người không được giáo dục, những kẻ lưu manh, bịp bợm, lẳng lơ...Ra tuồng mèo mả gà đồng/ Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào” (Truyện Kiều). Đó là chưa kể “mèo hoang lại gặp chó hoang” thì lại… lắm chuyện nữa !

Mèo mà bị cắt tai thì “tiu nghỉu như mèo cụt tai”, còn mèo “cụt đuôi“ thì được an ủi vì có được “mèo dài đuôi” khen “mèo cụt đuôi”.

Mèo cụt đuôi đôi khi cũng có… giá, vì đã được đem ra làm lễ vật… thách cưới trong hôn nhân xưa: “Còn duyên anh cưới ba heo/ Hết duyên anh cưới… con mèo cụt đuôi”. Mèo cụt đuôi cũng rất thú vị khi nó nằm trong câu nói lái tài tình của người Việt: – “Mèo đuôi cụt” nằm “mục đuôi kèo”, – “Mèo đuôi cụt” nằm “mút đuôi kèo”.

Theo quá trình tiến hóa, mèo con lớn lên sống lâu thành mèo già. Ai cũng cho mèo già thật khôn lanh, nhiều kinh nghiệm đến độ tinh ranh, gian giảo như loài chồn cáo, “mèo già hóa cáo” là vậy! Như khi “mèo già ăn trộm” thì “mèo ốm phải đòn, mèo con phải vạ”. khi thấy “mèo già khóc chuột” thì chính thật là giả dối rồi! Và sự thật là, khi “mèo già” thì sức tàn lực kiệt, thế nào cũng “thua gan chuột nhắt” và “mèo già không bắt gà hàng xóm” được, vì chẳng sức đâu mà bắt!

Trong lời ăn tiếng nói dân gian, đặc biệt, từ “mèo” còn chỉ việc “trai gái nhân tình” nên có việc o mèo, có mèo, liếc mèo, mèo chuột, mèo mỡ… được thể hiện trong các câu ca dao:

Khổ qua xanh, khổ qua đắng
Khổ qua mắc nắng, khổ qua đèo
Anh muốn thương em, anh mần giấy giao kèo
Ngày nay mới chắc em là con mèo của anh.

Cô con gái mới hỏi lại:

Con thú bốn chân anh gọi con mèo thì phải
Còn anh với em tình ngãi sao anh cũng gọi con mèo?
Thế là chàng trai chẳng biết trả lời sao cho phải!

Có cô gái bộc bạch:

Sông Hàm Luông sông sâu, sóng cả
Em thương anh nhiều mà chẳng dám theo
Thương anh đâu quản hiểm nghèo
Ngặt vì một nỗi, anh có con mèo theo sau…

Hay cô gái nạn nhân của nạn tảo hôn, bộc bạch:

Bầu non ong đốt chẳng eo
Tuổi tôi còn bé chẳng mèo mỡ đâu
Kể ra mười bốn trên đầu
Mẹ cha sở định làm dâu nhà người.

Loài người nuôi mèo chủ yếu là để bắt chuột, “súc miêu phòng thử” là thế! Cho nên loài chuột bao giờ cũng mong ai đó “giết một con mèo cứu được vạn con chuột”. Nhưng mèo bắt được chuột không phải dễ: “Con mèo con mẽo con meo/ Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà”. Và nếu “vồ con chuột nhỏ nhảy lên xà nhà” thì thật là uổng công sức, có khi chẳng bắt được. Nên mèo phải tìm cơ hội tìm chuột to, phải kiên nhẫn rình, kiểu “rình như mèo rình chuột”. Mèo tinh quái, nhưng chuột cũng không kém phần tinh ranh. Chúng thấy mèo là trốn chạy rất nhanh, nên “mèo khen mèo dài đuôi”, chuột cũng khoe rằng “mình nhỏ mình dễ chạy”.

Khi bắt được chuột, trước khi thưởng thức món ngon hợp khẩu, mèo có thú là vờn con mồi, lúc thì buông ra, lúc thì vồ chụp lấy làm con mồi hốt hoảng, mệt nhoài, “vờn như mèo vờn chuột” là vậy! Tuy thế, không phải mèo nào cũng siêng bắt chuột, những con mèo lười, thuộc loại “bắt chuột không hay, chỉ hay ỉa bếp”. Có mèo lười đến độ “… rình bồ lúa vênh râu, thấy con chuột chạy ngóc đầu… kêu ngao” thì thật hết chỗ nói! Nói mèo lười hay mèo… đồng lõa với chuột thì chỉ có… chuột có mèo mới biết, trời mới biết, vì cũng có khi “miêu thử đồng miên“, “mèo chuột ngủ với nhau” thì đó là sự đồng tình, liên kết, móc ngoặc, không sát hại nhau… đã đưa đến biết bao sự tai hại. Con người mà cũng móc ngoặc nhau như thế thì cũng rất nguy hại cho đất nước, dân tộc.

Tuy “sắc nanh chuột không dễ cắn được cổ mèo“, nhưng làm gì có chuyện “chuột gặm chân mèo“, “chuột cắn dây buộc mèo“, hay như :

Chồn đèn cắn cổ chó săn
Chuột kêu chút chít muốn ăn con mèo
Chó chạy chồn rượt đuổi theo
Chuột gặm đầu mèo, muỗi đớp cánh dơi…

Thì chỉ có trong vè nói ngược mà thôi, chứ thật như thế thì… loạn  cả lên. Còn việc :

Con mèo trèo lên cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đàng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo

Thì cũng thật là lạ, vì mèo có bao giờ leo cây cau… thăm chuột, mèo trèo lên cây cau bắt chuột thì có! Cho hay, những kẻ yếu hèn luôn muốn cúc cung tận tụy, phụng sự bề trên, lo lắng đủ việc kể cả việc giỗ chạp nhà quan, nhưng kẻ có quyền lực có tha chết bao giờ đâu? Ngẫm sự đời cũng thế!

Mèo thích ăn chuột nhưng mèo cũng khoái ăn mỡ nữa. “Mèo nào chẳng ăn vụng mỡ”, “mèo nào từ mỡ” và “mấy đời chó đói chê xương, mèo chê mỡ bếp, cọp nhường mồi ngon”. Mỡ hấp dẫn mèo đến độ có những sự thèm thuồng quá cỡ “như mèo thấy mỡ”. Mèo khoái ăn mỡ như thế nên khi thấy mèo nằm bếp liếm, nhai cục… than thì đừng có ngạc nhiên, vì “mèo nào mèo lại ăn than, bởi chưng có mỡ đổ tràn lên trên” đó thôi ! Do đó, “mỡ để miệng mèo” có ngày không còn, rồi sinh ra bực tức, bảo “mổ mèo đòi mỡ” như đã từng đòi “mổ lợn đòi bèo”. Vì vậy, người xưa có lời khuyên: “Đừng mang mỡ đứng trước miệng mèo”, tức là đừng bày ra những gì khêu gợi trước  mặt kẻ xấu: “Mèo nào thấy mỡ không ham/ Trai nào thấy gái chẳng tham sắc nàng”. Người đời cũng vậy thôi! Những ham mê vật chất như thế, kết quả chẳng tốt đẹp gì.

Tuy thế, chứ “mèo tha miếng thịt xôn xao/ Kễnh (cọp) tha con lợn thì nào thấy chi”, để thấy thế lực của kẻ mạnh, kẻ có quyền như thế nào. Ở đời, dù kẻ mạnh hay kẻ yếu cũng có kẻ tham lam. Kẻ mạnh có của đút lót nhiều, những nhờ cậy không thành, nếu mất đi thì tiếc hơn kẻ yếu. Vì chưng kẻ yếu có của đút lót gì nhiều đâu! Việc “hùm mất hươu tiếc hơn mèo mất thịt” là thế!

Mèo cũng hay ăn vụng, ăn lén ăn lút khi con người vắng mặt hay sơ ý, không để ý đến. Chuyện ăn vụng của mèo cũng được ví von với con người: “Lửa gần rơm không cháy cũng tròm trèm/  Mèo không ăn vụng, đi đêm làm gì?”. Dù có bào chữa: “Tình ngay mà lý lại gian/ Mèo không ăn vụng trèo giàn làm chi?”, thôi thì cứ đổ oan cho mèo cho… yên chuyện: “Nửa đêm trống trở sang canh/ Lỡ ăn vụng dại,  đổ quanh cho mèo”.

Việc ăn uống như thế, việc “đi ngoài” của mèo thì cũng rất… kỹ. Trước khi thải chất bẩn ra ngoài, bao giờ mèo cũng đào một lỗ nhỏ rồi thải vào đó, thải xong, quơ chân lấp đất lên, “giấu như mèo giấu cứt” là như thế ! Từ đó, con người ví von, trong cuộc sống có người cũng giấu nhẹm những chuyện của mình (như chuyện tài sản, chuyện chạy chọt…), không muốn cho ai biết như con mèo giấu phân của nó vậy.

Bên cạnh mèo còn có chó. Chó và mèo xưa nay chẳng bao giờ hợp nhau, “gấu ó như chó với mèo” là như thế! Mèo chỉ biểu tỏ sức mạnh với chuột, nhưng đối với chó thì mèo có những mối quan hệ khác. Mèo với chó như hai lực lượng đối kháng nhau, mâu thuẫn nhau. Vì thế, khi nói “chó với mèo” hay “mèo  với chó”… là chỉ sự ăn ở, đối  xử nhau không thuận hòa, đầy xung khắc. Có người lại cho rằng con người nuôi chó giữ nhà, đi săn… được chủ cưng chiều. Nay trong nhà chủ lại nuôi con mèo để bắt chuột cũng được chủ nâng niu bế bồng, cưng còn hơn cưng chó. Rồi có chuyện “con mèo xán vỡ nồi rang, con chó chạy lại nó mang lấy đòn”. Đó là chưa kể khi chó đi đâu đó, chủ đã sai mèo làm cái việc mà chó thường làm, đó là việc bắt mèo ăn phân người.

Con người có lúc cũng chẳng ưa gì mèo chó, lợi dụng hình ảnh mèo chó để chửi mắng quàng xiên những người mình không ưa, như “chửi mèo mắng chó, đá mèo quèo chó, đánh chó chửi mèo”… Người đời còn cho rằng “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”, có phải tiếng kêu “meo meo” của mèo gần với âm “nghèo”, tiếng chó sủa “gâu gâu” của chó gần với âm “giàu” chăng?

Với tính cách của các con vật chó mèo này, con người luôn mượn hình ảnh, tính cách của chúng đưa vào lời ăn tiếng nói, đưa vào tục ngữ ca dao mang những nội dung đả kích, phê phán trước những hành vi, lối sống không tốt đẹp gì của một bộ phận con người trong xã hội.

Như phê phán những người làm ăn chẳng ra gì: “Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, làm như mèo mửa”. Còn hàng quan lại tham ô tham nhũng thì hình ảnh con mèo cũng “có mặt” trong những lời phê phán: “Con mèo đi chợ Chùa Chanh/ Mua quả na chín, mua nhành cau tươi/ Đưa lên nó biếu ông Trời/ Trời khen nắc nởm, Trời cười ha ha/ Trời ban cho các mèo già/ Quần xanh áo đỏ mũ da giày vàng”.

Dù ai cũng biết “chó sủa mèo ngao” nhưng ai khen ta “hát như mèo ngao, hát như mèo cái gào đực” trong lúc “mèo động tình” thì ta có nước… độn thổ. Đó là chưa kể khi ta bị chê: “Lôi thôi như mèo sổ chuột; Lôi thôi như mèo vật đống rơm; Lượt bượt như con mèo ướt; Lừ đừ như mèo ngái ngủ; Viết chữ như mèo quào…” thì ta chẳng vui gì!

Trong việc tìm vợ, anh chàng chẳng nề gian khổ leo đèo vượt suối nơi chốn xa xôi để tìm một người bạn đời vừa ý, nhưng cưới về rồi anh chàng thất vọng: “Anh đi năm bảy dặm đèo/ Mà cưới con vợ như mèo mắc mưa!”. Còn có những anh chàng cưới vợ về rồi, sau đó làng xóm nhận xét: “Mèo nm b a khoanh đi?/ V anh đp lắm, đuổi ruồi không bay”.

Anh em cột chèo cũng có khi gấu ó với nhau: “Anh em cột chèo như mèo với chó”. Nhưng cũng có những anh chồng bị các bà vợ than thở suốt: “Chồng người vác giáo săn beo/ Chồng em vác đũa săn mèo khắp mâm”. Hay: “Chồng người đi ngược về xuôi/ Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo”.

Trong hôn nhân ngày xưa, tục thách cưới, nộp cheo cũng bị phê phán và hình ảnh con mèo cũng dự phần vào sự phê phán:

Anh về anh bảo mẹ cha
Bắt lợn để cưới, bắt gà để cheo
Đầu lợn lớn hơn đầu mèo
Làng ăn không hết làng treo cột đình
Ông xã đánh trống thình thình
Quan viên mũ áo ra đình ăn cheo.

Việc hôn nhân là do duyên số: “Còn duyên anh cưới ba heo/ Hết duyên anh cưới con mèo cụt đuôi”. Quan hệ giữa nàng dâu – mẹ chồng trong xã hội xưa có khi lên đến cực điểm bất đồng: “Mẹ chồng đối với nàng dâu/ Như mèo với chuột có thương nhau bao giờ”.

Về mặt ẩm thực, thịt mèo các tay nhậu cũng khoái lắm, cho là món tiểu hổ. Vì thế ở các nơi, một số quán nhậu tiểu hổ mọc lên để phục vụ và sẵn sàng thu mua loại tiểu hổ này. Dân nhậu khoái khẩu cứ ca tụng mãi loại thịt này:

Thịt mèo trắng hơn thịt gà
Ngọt thơm chất vị, đậm đà tình dân
Ruột mèo nấu nộm rau cần
Nhai giòn không chán, một lần khó quên
Giả cầy hoặc luộc đều nên
Học Tàu cho thuốc tự nhiên thơm bùi

Mèo “vắng mặt” nhiều trên trần thế vì các quán tiểu hổ, thì chỉ có loài chuột… “hoan hô, phấn khởi” thôi!

Chuyện mèo năm Mão nếu kể ra cho nhiều thì… mèo vẫn hoàn mèo mà thôi!

N.V.B
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây