Mực nước sông Mekong cao hơn cùng kỳ nhiều năm gần đây

Mực nước sông Mekong cao hơn cùng kỳ nhiều năm gần đây
Dòng chảy về ĐBSCL cao hơn trung bình nhiều năm. Ảnh: Cảnh Kỳ

Mực nước sông Mekong cao hơn cùng kỳ nhiều năm gần đây

Tại các trạm trên sông Mekong như Chiang Saen (Thái Lan), Kratie và Biển Hồ ở Campuchia, mực nước cuối tuần qua đều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Dòng chảy bình quân về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn TBNN, có tác động tích cực, giảm xâm nhập mặn ở các tháng 4 và 5 nếu không có gì bất thường từ vận hành xả nước ở các đập thủy điện.

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, dòng chảy về châu thổ sông Mekong phụ thuộc vào điều tiết thủy điện. Hai yếu tố thượng lưu quan trọng đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie ở Campuchia.

Cuối tuần qua, mực nước tại Kratie ở mức 8,10m, cao hơn mực nước TBNN 1,82m; cao hơn mùa khô 2015-2016, 2017-2018, 2019-2020 và 2020-2021 lần lượt là 0,78m, 0,4m, 1,01m và 0,6m.

Còn tại Biển Hồ, dung tích Biển Hồ hiện còn lại khoảng 2,21 tỷ m3, cao hơn dung tích TBNN 0,32 tỷ m3; cao hơn mùa khô 2015-2016, 2017-2018, 2019-2020 và 2020-2021 lần lượt là 0,79 tỷ m3, 0,23 tỷ m3, 0,79 tỷ m3 và 0,47 tỷ m3.

Tại trạm Chiang Saen (Thái Lan), mực nước đạt 2,74m, cao hơn TBNN 1,21m…

Tại Việt Nam, mực nước tại trạm Tân Châu (sông Tiền) đạt 1,16m, cao hơn TBNN 0,06m và cao hơn những năm gần đây cùng thời điểm. Tại trạm Châu Đốc (sông Hậu) mực nước đạt 1,36m, cao hơn TBNN 0,12m và cao hơn mấy năm gần đây cùng thời điểm. Dự báo xu thế mực nước đầu nguồn ĐBSCL sẽ tăng trong thời gian tới.

Trong tuần thứ 2 của tháng 4/2022, xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) xuống hạ lưu dao động trong khoảng từ 1.123m3/s đến 1.916m3/s. Mực nước tại Cảnh Hồng ở mức 536,46m, tương ứng với lưu lượng khoảng 1.332m3/s.

Các hồ chứa trên lưu vực sông Mekong còn dung tích điều tiết bình quân vào khoảng 43,8%, tương đương với tổng dung tích còn khoảng 28,7 tỷ m3.

Dự báo dòng chảy bình quân về ĐBSCL từ tháng 4 đến cuối mùa khô ở mức cao hơn TBNN, ảnh hưởng của xả nước gia tăng từ thủy điện Trung Quốc và hạ lưu vực Mekong sẽ có tác động tích cực, giảm xâm nhập mặn ở các tháng 4 và 5 nếu không có gì bất thường từ vận hành xả nước ở các thủy điện.

Cụ thể, dự báo lưu lượng dòng chảy từ Kratie về ĐBSCL tháng 4/2022 đạt 4.730m3/s, cao hơn 2.739m3/s so với TBNN và cao hơn 5/6 mùa khô gần đây (từ mùa khô 2015-2016 đến nay).

Tháng 5/2022, dự báo dòng chảy từ Kratie về ĐBSCL đạt 5.000m3/s, cao hơn 1.708m3/s so với TBNN và cao hơn các mùa khô 2015-2016, 2018-2019, 2019-2020…

Mưa trái mùa bất thường

Mua trai mua lam lua do nga min - Mực nước sông Mekong cao hơn cùng kỳ nhiều năm gần đâyMưa trái mùa làm lúa đổ ngã, ảnh hưởng đến năng suất và khó khăn trong thu hoạch lúa Đông Xuân ở ĐBSCL. Ảnh: Cảnh Kỳ

Trong tuần qua, mưa xuất hiện nhiều nơi tại ĐBSCL với lượng bình quân khoảng 20-40mm, có nơi trên 100mm. Dự báo tuần tới vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục có mưa xuất hiện trên diện rộng với lượng vào khoảng 30-50mm.

Theo ghi nhận của PV, từ tháng 3/2022 đến nay, mặc dù chưa hết mùa khô nhưng tại ĐBSCL đã xuất hiện nhiều đợt mưa lớn. Theo người dân và cơ quan chuyên môn, đây được xem là hiện tượng thời tiết bất thường, gây ảnh hưởng cục bộ đến sinh hoạt cũng như việc thu hoạch lúa Đông Xuân.

Cụ thể như, tại Hậu Giang đã có hàng trăm héc-ta lúa Đông Xuân đến ngày thu hoạch nhưng gặp mưa lớn, cộng với tình trạng thiếu mắt cắt cục bộ nên lúa phải nằm chờ, làm giảm năng suất và lợi nhuận của nông dân.

Mot ruong lua o xa Vinh Thuan Dong huyen Long My tinh Hau Gian min - Mực nước sông Mekong cao hơn cùng kỳ nhiều năm gần đâyMột ruộng lúa ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang bị ảnh hưởng do thời tiết, máy cắt không đến kịp.

Ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho hay, do để nhiều ngày nên lúa bị đổ ngã khá nhiều, năng suất giảm đáng kể so với dự tính ban đầu, bà con còn phải tốn tiền mua xăng dầu bơm rút nước ra ngoài để hạn chế lúa bị ngập úng…

Theo ông Trần Chí Hùng – Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, xảy ra tình trạng trên do thời tiết bất thường, cụ thể là mưa nhiều, trong khi lúa đang chín rộ.

“Trong điều kiện bình thường thì số lượng máy cắt trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho nông dân, nhưng năm nay thời tiết hơi bất lợi nên việc điều tiết máy cắt gặp khó khăn cục bộ. Chúng tôi đã nắm tình hình và chỉ đạo các địa phương huyện rà soát, có phương án điều động máy cắt để kịp thời thu hoạch lúa giúp bà con” – ông Hùng cho hay.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây