Giới thiệu khái quát huyện Long Mỹ
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH:
Long Mỹ là một huyện vùng nông thôn thuộc tỉnh Hậu Giang, cách trung tâm tỉnh Hậu Giang 20 Km có vị trí quan trọng là cửa ngõ của tỉnh Hậu Giang. Huyện Long Mỹ nằm dọc trên các tuyến giao thông thuỷ bộ quan trọng của tỉnh và tiểu vùng Tây Sông Hậu, có những điểm giao lưu kinh tế với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và với đô thị trung tâm của Đồng bằng Sông Cửu Long là Thành phố Cần Thơ. Phía Bắc giáp huyện Vị Thuỷ, phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông giáp huyện Phụng Hiệp, phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu. Huyện có 13 xã và 02 thị trấn, với 94 ấp.
Long Mỹ có điều kiện thời tiết, khí hậu khá thuận lợi cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi và các hoạt động kinh tế khác. Thế mạnh của huyện là sản xuất lúa, mía và khai thác tiềm năng mặt nước nuôi thuỷ sản, cung cấp nguyên liệu cho Công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản. Hệ thống công trình cơ sở hạ tầng – kinh tế xã hội của huyện đang từng bước hoàn chỉnh, nhất là hệ thống giao thông thuỷ lợi, hình thành các cụm kinh tế xã hội, trung tâm chợ xã; cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đã được quy hoạch và đang triển khai thực hiện góp phần thu hút đầu tư, công trình văn hoá, phúc lợi xã hội là điều kiện cần thiết để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Bên cạnh những mặt đạt được, Long Mỹ cũng còn có những khó khăn nhất định điểm xuất phát kinh tế của huyện tương đối thấp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, thu nhập thấp, cơ cấu kinh tế thời gian gần đây có chuyển biến tích cực song vẫn còn tồn tại những bộ phận chuyển dịch chậm, phát triển chưa đồng bộ. Cơ cấu sản xuất trong từng ngành chưa chuyển dịch kịp thời với sự biến động thị trường, nền nông nghiệp nhìn chung chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất nhỏ, phân tán manh mún. Việc tiếp nhận những ưu đãi đầu tư, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực còn ít và có phần khó khăn,… Phải nói rằng những khó khăn thách thức trên tác động không nhỏ đến quá trình công nghiệp hoá hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của huyện.
Tuy còn một số mặt khó khăn nhất định nhưng nhìn chung, huyện Long Mỹ có điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội tương đối thuận lợi để phát triển một nền nông nghiệp hàng hoá đa dạng với nhiều ngành mũi nhọn đạt hiệu quả kinh tế cao, có nguồn lao động dồi dào và tỷ lệ lao động trẻ chiếm ưu thế. Đây là các thế mạnh, là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển tổng hợp các ngành nông nghiệp lẫn các ngành công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh nếu được đầu tư đúng mức, khai thác đúng lợi thế.
1. Thuận lợi của huyện Long Mỹ:
Long Mỹ giàu truyền thống cách mạng, anh hùng trong chiến đấu, đi đầu trong sản xuất. Bên cạnh đó Đảng bộ và nhân dân Long Mỹ nhận được sự chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang nên đời sống kinh tế của người dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người cải thiện năm sau cao hơn năm trước.
Điều kiện địa lí thuận lợi có hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Cùng với khu công nghiệp tập trung sông hậu của tỉnh đây là điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng công nghiệp của địa phương.
2. Khó khăn:
Bên cạnh đó cũng không ít những khó khăn như điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Đội ngũ cán bộ thiếu và mới chưa qua đào tạo chuyên môn. Hệ thống sông ngòi chằng chịt hạn chế việc phát triển giao thông đường bộ. Nhiều xã sau khi chia tách chưa có trụ sở làm việc. Tuy nhiên với tinh thần đoàn kết sáng tạo Đảng bộ và nhân dân Long Mỹ đã vượt qua những khó khăn ban đầu đưa huyện phát triển.
I. ĐỀN THỜ BÁC HỒ XÃ LƯƠNG TÂM – HUYỆN LONG MỸ
Nhân dân miền Nam nói chung, nhân dân Hậu Giang, Long Mỹ nói riêng, hình ảnh của Bác Hồ kính yêu ở trong trái tim, khối óc của mỗi người dân, tuy xa thủ đô Hà Nội hàng nghìn cây số nhưng luôn hướng về Bác Hồ và thủ đô mến yêu với niềm tin vững chắc để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Khi nghe tin Bác qua đời ngày 03/9/1969 là nỗi đau chung, sự tổn thất lớn lao đối với cả dân tộc Việt Nam; nhất là nhân dân miền Nam chưa kịp rước Bác vào thăm.
Để đền đáp công ơn trời biển của Bác và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân xã Lương Tâm; Đảng bộ xã , do đồng chí Lữ Minh Chánh (Hai Chánh), Bí thư Đảng ủy xã đã quyết định lập bàn thờ Bác ngay tại Văn phòng Đảng ủy xã. Đồng chí Lê Văn Thống, ủy viên thư ký được giao nhiệm vụ phóng ảnh Bác lập bàn thờ và may băng tang để tổ chức lễ truy điệu. Ngày hôm sau lễ truy điệu được tổ chức trọng thể với sự có mặt đông đủ của các đồng chí lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể xã, ấp, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đóng quân gần cơ quan xã, cùng đông đảo bà con trong xã đến đự lễ với nỗi đau buồn vô hạn, tưởng niệm, ghi lòng tạc dạ về công ơn trời biển của Bác và hứa với Bác quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng – biến đau thương thành hành động cách mạng, quân dân Hậu Giang đã liên tục tấn công địch trên khắp các địa bàn trong tỉnh. Trong tuần lễ để tang Bác, quân dân tỉnh Hậu Giang mở đợt tấn công vào 34 mục tiêu quân sự, tiêu diệt gần 400 tên địch. Chỉ tính riêng xã Lương Tâm, quân dân ta đã tiêu diệt đồn: Vàm Cấm, đồn Tô Ma, đồn Đường Đào (bị đánh thiệt hại nặng). Trên 40 tên địch đền tội và nhiều tên khác bị thương.
Ngay sau ngày Quốc tang, các đồng chí lãnh đạo và một số đồng chí lão thành cách mạng, các vị bô lão trong xã đã bàn bạc đi đến quyết định: xây dựng Đền thờ Bác tại ấp 3, ngã tư lộ xe. Đây là nơi thuận lợi nhất để mọi người dân trong xã và các khu vực dễ dàng đến viếng Bác bằng cả đường thủy và đường bộ. Trong quá trình chuẩn bị thì địch tổ chức phản kích ác liệt, mở nhiều cuộc càn quét qui mô vào vùng này và địa điểm xây dựng đền thờ Bác là nơi giao điểm pháo của địch ở các nơi bắn vào. Cuối cùng Đảng bộ quyết định giữ nguyên bàn thờ Bác tại cơ quan Đảng ủy xã Lương Tâm.
Mùa hè năm 1972, Mỹ ngụy mở nhiều đợt càn quét qui mô, tập trung bom pháo đánh phá ác liệt địa bàn Long Mỹ. Cơ quan Đảng ủy xã bị bom pháo Mỹ đánh sập phải dời đi nơi khác, bàn thờ của Bác được lập lại và tổ chức các ngày lễ kỷ niệm Bác giữ đúng hằng năm (ngày sinh nhật, lễ giỗ và Tết Nguyên đán). Ngoài ra, nhân dân trong vùng thờ Bác và tổ chức lễ giỗ tại nhà, như gia đình ông Nguyễn Văn Tòng ở ấp 6, xã Vĩnh Viễn. Lễ giỗ Bác tổ chức ở đây bình dị nhưng rất trang trọng, có đây đủ con cháu trong nhà và bà con xóm giềng đến cúng. Tưởng niệm Bác. Ở thị xã Vị Thanh (tỉnh lỵ Chương Thiện) bà Trần Thị Láng người Hoa, tổ chức lễ giỗ Bác công khai trong vùng giặc kìm kẹp, xem là ”cúng cơm ông tổ”…
Sau ngày hòa bình, từ nguyện vọng tha thiết của Đảng bộ và nhân dân xã Lương Tâm, mong muốn xây dựng lại đền thờ Bác Hồ ở vị trí đã dự kiến trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tại ngã tư lộ xe, ấp 3, xã Lương Tâm, được Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Long Mỹ và Sở Văn hóa Thông tinh tỉnh Hậu Giang chấp thuận, các ngành, các cấp và nhân dân trong và ngoài địa phương tích cực đóng góp tiền, công sức, với tấm lòng kính yêu Bác và đây là công trình “uống nước nhớ nguồn” thiết thực chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác.
Ngày 2-9-1990, nhân dân và các ban, ngành trong và ngoài tỉnh như Bạc Liêu, Kiên Giang đã tổ chức trọng thể lễ khánh thành đền thờ Bác và rước ảnh Bác từ cơ quan Đảng ủy xã LươngTâm về đền thờ (cách 3 km). Từ đó cứ đến các ngày kỷ niệm: 30-4, 19-5, 2-9, tết Dương lịch và tết Nguyên đán nhân đần Hậu Giang và các tỉnh vùng lân cận đều tổ chức hành hương về nguồn, trở thành ngày truyền thống hằng năm.
Đền thờ Bác được xây đựng năm 1990, với qui mô nhỏ không đủ sức chứa đông đảo nhân dân các nơi đến hành hương viếng Bác trong các dịp lễ hội. Do đó được Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cần Thơ (củ) cho phép xây dựng mở rộng khu đền thờ Bác, kết hợp với sinh hoạt văn hóa, thể thao, hình thành một trung tâm giáo dục truyền thống và sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong vùng. Qui hoạch tổng thể khu đền thờ mới gần 2 hecta, gồm có 7 hạng mục công trình.
Đền thờ Bác được xây mới cách đền cũ 50 mét về phía kiến trúc mang tính dân tộc, trang trọng, tôn kính.
Nhân kỷ niệm lần thứ 106 ngày sinh của Bác (19-5-1890 – 19-5-1996), các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện và nhân dân xã Lương Tâm, địa phương các tỉnh lân cận đã long trọng tổ chức lễ khánh thành khu đền thờ Bác mở rộng và rước tượng Bác về đền thờ mới rất trọng thể.
Nhân kỷ niệm lần thứ 107 ngày sinh của Bác (19-5-1890 – 19-5-1997) Tỉnh ủy, ủy ban Nhân dân tỉnh Cần Thơ (củ) tiếp tục cho xây dựng nhà trưng bày thời niên thiếu và cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Đây là hạng mục thứ hai sau đền thờ, trong số 7 hạng mục của tổng thể khu di tích.
Từ năm 1990 đến năm 2010, bình quân mỗi năm có từ 35.000 đến 40.000 lượt người đến viếng tưởng niệmcông đức của Người. Nhân các ngày lễ hội đều tổ chức nhiề u hình thức hoạt động văn hóa – thể thao vui chơi giải trí cho nhân dân địa phương và các xã lân cận tỉnh bạn. Đây trở thành một công trình tưởng niệm Bác; đồng thời là trung tâm văn hóa – thể thao của nhân dân trong vùng.
Với ý nghĩa đó, Bộ Văn hóa – Thông tin ra quyết định số 02.QĐ/BT, ngày 07-01-2000 công nhận Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
II. KHU DI TÍCH CHIẾN THẮNG 75 TIỂU ĐOÀN ĐỊCH – XÃ VĨNH VIỄN – HUYỆN LONG MỸ ( 1973)
Khu lưu niệm di tích chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch năm 1973 nằm ở địa phận xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, ngay ngã tư của hai con kinh: kinh 10 và kinh 13. Nơi đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Khu ủy và đồng chí Lê Đức Anh (Sáu Nam) tư lệnh Quân khu 9 cùng Bộ chỉ huy tiền phương đứng chân lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng của khu và các tỉnh chiến đấu và chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch sau Hiệp định Paris.
Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ Liên tiếp bị thất bại trên chiến trường miền Nam, đặc biệt là cuộc tiến công chiếnlược mùa hè năm 1972 của quân dân ta đã giành thắng lợi to lớn, làm thất bại nặng nề chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris.
Ngày 27 tháng 1 năm 1973 Hiệp định Paris được ký kết, tuy Mỹ cuốn cờ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, nhưng chúng không cam tâm chịu thất bại, với mưu đồ ”quân Mỹ rút, nhưng quân ngụy vẫn đứng vững”, tiếp tục thực hiện chế độ “thực dân mới” ở miền Nam Việt Nam.
Vì vậy, khi Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực (28-1-1973), Nguyễn Văn Thiệu đã chọn Chương Thiện (cũ) là trọng điểm số 1 ở miền Tây để thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”. Chúng tuyên bố: ”ở Chương Thiện không có chuyện ngừng bắn. Không có Hiệp định gì cả”.
Nắm được âm mưu ý đồ phá hoại Hiệp định của địch, đầu tháng 01 năm 1973 chấp hành chỉ thị của Bộ tư lệnh miền, Quân khu 9 tiến hành điều chỉnh, bố trí lực lượng của Quân khu và bộ đội địa phương các tỉnh vào địa bàn trọng điểm Chương Thiện. Ta vừa điều chỉnh xong lực lượng thì địch mở cuộc hành quân lớn do Sư đoàn 21 làm nòng cốt cùng hàng chục tiểu đoàn bảo an và xe M113 đánh vào tây nam Long Mỹ trước khi Hiệp định có hiệu lực. Bộ tư lệnh Quân khu chủ trương phá kế hoạch này. Một bộ phận pháo binh của ta pháo kích căn cứ hành quân của Sư đoàn 21 ở Vị Thanh, cùng lúc ta nghi binh đánh vào Cần Thơ, làm cho địch hủy bỏ cuộc hành quân co về giữ thị xã, thị trấn.
Tượng các đ/c lãnh đạo đã chỉ đạo đánh 75 lượt tiểu đoàn địch
Đêm 27 tháng 01 năm 1973, quân dân ta đã tiêu diệt một số đồn ở nam Long Mỹ. Tiểu đoàn Tây Đô 1 cùng với du kích xã Long Trị diệt Phân chi khu Cái Nai, xã Long Trị. Tiếp theo Tiểu đoàn Tây Đô 1 diệt đồn Sáu Sang, xã Xuân Hòa – Kế Sách, đồn Cây Dương, xã Phú Hữu – Châu Thành, nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược của địch trở về ruộng vườn cũ.
Ngày 28 tháng 01 năm 1973, Hiệp định Paris có hiệu lực nhưng chiến sự vẫn tiếp điển, quân ngụy tiếp tục tổ chức nhiều cuộc phản kích nhằm chiếm lại một số địa bàn quan trọng ở Chương Thiện. Trung đoàn 10 (chủ lực khu) đánh địch phản kích, diệt 170 tên ở đông nam và tây bắc Long Mỹ. Trung đoàn l (chủ lực khu) diệt 120 tên, phá hủy 3 xe ở bắc Long Mỹ. Lực lượng các tỉnh phối hợp đánh hệ thống chi khu, diệt đồn, phá ấp chiến lược chia cắt và làm chủ hệ thống giao thông nối từ căn cứ U Minh lên Cần Thơ, qua Trà Vinh.
Ngày 28 tháng 01 năm 1973, Tỉnh ủy Cần Thơ phối hợp với Thành ủy huy động trên 30.000 quần chúng xuống đường chào mừng hòa bình, mừng thắng lợi Hiệp định Paris. Trong thời điểm này, nhân đần đã tuyên truyền vận động hằng trăm binh sĩ địch bỏ hàng ngũ địch về với gia đình.
Từ ngày 28 tháng 01 đến 15 tháng 02 năm 1973 ở bắc Long Mỹ Trung đoàn l (chủ lực khu) đã chặn đánh địch bình định lấn chiếm, diệt gần 300 tên và vận động đại đội bảo an 406 chống lại lệnh hành quân bình định.
Đêm 30 tháng 1 năm 1973, một cơ sở nội tuyến của ta trong phòng vệ dân sự ở ấp Vị Long vận động 13 binh sĩ khởi nghĩa chiếm đồn Nhà Đèn, diệt 1 tên ác ôn, thu 27 súng. Tiếp theo 5 giờ sáng ngày 6 tháng 2 năm 1973, 12 binh sĩ thuộc Đại đội 2 Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 31 ngụy đóng trên tuyến lộ Vị Thanh – Hỏa Lựu khởi nghĩa diệt 3 sĩ quan và hạ sĩ quan ngụy, mang 3 súng về với cách mạng.
Ngày 16 tháng 2 năm 1973, Trung đoàn 33 (Sư 21 ngụy) được 2 chi đoàn xe M113 yểm trợ đánh điểm đáp trực thăng để rước đoàn cán bộ của ta trong Ủy ban Liên hiệp quân sự. Ta có ý hức cảnh giác, nên bố trí một bộ phận của Trung đoàn 10 chặn đánh địch, diệt 2 xe M113 và một số tên địch, bọn còn lại rút chạy về Long Mỹ. Thực hiện chủ trương của Khu ủy, ngày 20 tháng 2 năm 1973 Hội nghị Ban chấp hành Tỉnh ủy Cần Thơ mở rộng để đánh giá tình hình và đề ra Nghị quyết 6 tháng đầu năm 1973, đã nhấn mạnh: ”… Khẩn trương xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang tạo nên sức mạnh tổng hợp để nhanh chóng làm thay đổi tương quan lực lượng ta địch, có lợi thế về sau, làm thất bại âm mưu bình định lấn chiếm phá hoại Hiệp định của địch…”
Ngày 20 tháng 3 năm 1973 Bộ Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật của ngụy họp bí mật tại Cần Thơ phổ biến kế hoạch bình định năm 1973 ở vùng 4 chiến thuật. Kế hoạch chia làm 3 bước:
– Từ tháng 3 – 5 năm 1973 bình định lấn chiếm Chương Thiện.
– Từ tháng 6 – 9 năm 1973 bình định lấn chiếm U Minh.
– Từ tháng 10 – 12 năm 1973 bình định lấn chiếm Cà Mau.
Mở đầu kế hoạch, ngày 19 tháng 3 năm 1973 địch triển khai bước 1 đánh vào Chương Thiện, chúng huy động toàn bộ Sư đoàn 21, một bộ phận Sư đoàn 9, các tiểu đoàn bảo an, thiết đoàn 6 (52 xe M113), 4 tiểu đoàn pháo, 2 giang đoàn chia nhiều cánh đánh vào mục tiêu, đột phá là vùng tây nam Long Mỹ, chúng dự kiến trong vòng 7 đến 10 ngày sẽ chiếm xong các mục tiêu. Nhưng các cánh quân địch bị Trung đoàn 10 (chủ lực khu) cùng du kích bẻ gãy mũi tiến công vào Giao Đu; Trung đoàn 1 (chủ lực khu) diệt 1 tiểu đoàn địch ở Lái Hiếu, Tiểu đoàn Tây Đô, địa phương quân huyện và du kích các xã đã đánh chia cắt lực lượng địch không hợp đồng đánh vào mục tiêu được.
Được sự hỗ trợ của bộ đội, nhân dân ở các chi khu Long Mỹ, Ngang Dừa đã đẩy mạnh hoạt động binh vận phân hóa hàng ngũ địch và có hơn 14.000 đồng bào đã nổi dậy phá ”ấp chiến lược” trở về quê cũ. Đêm 23 tháng 3 năm 1973, hai cơ sở nội tuyến và 1 cảm tình ở Đại đội 2 (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 31 ngụy) đóng ở kinh Mười Thước khởi nghĩa diệt 25 tên, mang 5 súng và 1 máy PRC25 về với cách mạng.
Đến ngày 20 tháng 4 năm 1973, cuộc hành quân mà chúng dự kiến trong vòng 7 đến 10 ngày sẽ chiếm xong các mục tiêu đã bị thất bại. Ngày 2 tháng 5 năm 1973 địch đưa chỉ huy sở Trung đoàn 31 vào đóng ở kinh 13 để chuẩn bị bước lấn chiếm toàn khu vực, đồng thời tập trung lực lượng bảo an ở các tỉnh dồn về tăng cường cho Chương Thiện, đưa tổng số quân địch ở đây lênh hơn 40 tiểu đoàn và tương đương.
Thực hiện chủ trương của Bộ tư lệnh Quân khu và quyết tâm của Tỉnh ủy Cần Thơ là đánh bại âm mưu và ý đồ của địch. Đêm 5 rạng 6 tháng 5 năm 1973 ta đồng loạt tấn công vào các điểm tập trung hành quân của địch như: Sở chỉ huy Trung đoàn 31 ngụy ở khu vực kinh 13, Vĩnh Viễn, diệt 4 xe M113 và 70 tên địch; đánh thiệt hại nặng các trận địa pháo của địch ở Ngang Dừa, Long Mỹ, Ngã Năm, Hỏa Lựu. Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 2 (chủ lực khu) đánh đồn Thạnh Phú, diệt 1 đại đội bảo an, diệt đồn Cái Su, chùa Miên… Trung đoàn l (chủ lực khu) diệt 2 đồn, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn bảo an ở Hòa An, tuyến xáng Lái Hiếu.
Cuộc hành quân vào Tây Nam Long Mỹ của địch bị bẻ gãy.
Ngày 10 tháng 5 năm 1973, đặc công Quân khu diệt đồn Cầu Đúc và diệt Tiểu đoàn 497 bảo an và 1 trung đội dân vệ đến giải tỏa cho đồn Cầu Đúc.
Song song với tiến công quân sự, Đảng bộ địa phương đã vận động hàng ngàn quần chúng ở khu tập trung Vị Thanh, Cái Sình nổi đậy dỡ nhà, chở lúa gạo về quê cũ ở vùng giải phóng.
Ngày 12 tháng 5 năm 1973, Trung đoàn 2 (chủ lực khu) tiến công đồn Giồng Cấm và Ngang Mồ, xã Lương Tâm buộc Trung đoàn 33 ngụy phải bỏ vỡ kế hoạch ứng cứu giải tỏa đông bắc Long Mỹ. Bộ đội địa phương và du kích các xã tấn công và diệt các đồn: nhà thờ Đường Đào (Vĩnh Thuận Đông), Tám Hưng, Cái Nhào (Thuận Hưng), kinh 13, Nước Đục (Vĩnh Viễn). Từ ngày 13 đến 15 tháng 3 năm 1973, Trung đoàn 1 (chủ lực khu) đã tiêu diệt 2 đại đội của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 14, Sư 9 ngụy ở bắc Long Mỹ và 2 đại đội thuộc Tiểu đoàn 429 bảo an Phong Dinh ở Cái Cao – Phụng Hiệp.
Song song với thắng lợi của lực lượng vũ trang, công tác đấu tranh chính trị và binh vận rất sôi động, ở Long Mỹ có 1 phụ nữ sau 24 lần đi chợ đã vận động được 24 binh sĩ về với cách mạng. Đặc biệt là cuộc chở 20 xác lính chết ở trận Đồng Gò, của đồng bào xã Phương Bình ra Kinh Cùng đã tập hợp hằng ngàn nhân dân và hằng trăm vợ con binh sĩ địch buộc tên Hồ Ngọc Cẩn Tỉnh trưởng Chương Thiện phải ra lệnh ngừng hoạt động quân sự 12 ngày tại Đồng Gò để họ đi tìm xác chồng con, đòi tiền tử, đòi rút quân không đi lấn chiếm phá hoại Hiệp định Paris. Chỉ trong tháng 5 năm 1973, riêng ở Chương Thiện đã có trên 300 lính đào, rã ngũ. Tính chung trong toàn tỉnh Cần Thơ có 1.300 tên lính ngụy quay súng về với nhân dân, cô lập 1 tiểu đoàn gốc Hòa Hảo, 14 vụ binh biến cấp trung đội, 6 lần cấp tiểu đoàn chống lệnh hành quân. Ở Trung đoàn 31, Sư 21 ngụy có 20 vụ chống lệnh hành quân v.v…
Trong tháng 5 năm 1973, quân dân ta gở được 75 đồn, địch tái chiếm 16 đồn. Ta giữ vững vùng giải phóng, đánh bại bước đầu kế hoạch bình định đợt 1 của địch. Do đó, địch buộc phải điều lực lượng tổ chức lấn chiếm Chương Thiện đợt 2. Ngày 30 tháng 5 năm 1973, địch đưa thêm vào Chương Thiện Liên đoàn 41 biệt động quân biên phòng, Liên đoàn bảo an Châu Đốc, nâng tổng số lên 48 tiểu đoàn (và tương đương). Lần này địch đột phá hướng chủ yếu là khu vực Ba Hồ, lấy khu vực Lái Hiếu và tây nam Long Mỹ làm hướng phụ, để tránh đụng chính diện của ta, đồng thời nhử ta vào khu vực Ba Hồ để bất ngờ đột kích vào tây nam Long Mỹ.
Thực hiện sự chỉ đạo của Quân khu, tỉnh Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh mở đợt cao điểm 10 ngày (từ 5 tháng 6 đến 15 tháng 6 năm 1973) đánh phủ đầu kế hoạch bước 2 của địch lấn chiếm Chương Thiện.
Ngày 5 tháng 6 năm 1973, Trung đoàn 20 (chủ lực khu) bao vây tiêu diệt Tiểu đoàn 86, đánh thiệt hại Tiểu đoàn 87 Biệt động quân và 2 tiểu đoàn bảo an tại Rạch Rùa (xã Vĩnh Hòa Hưng – nam Hỏa Lựu). Ngày 6 tháng 6 năm 1973 một bộ phận Trung đoàn 2, Trung đoàn 10 (chủ lực khu) đã diệt 6 đồn ở nam Long Mỹ. Ngày 9 tháng 6 năm 1973, Tiểu đoàn 309 và đại đội trinh sát Trung đoàn 1 (chủ lực khu) diệt 2 đại đội địch ở Cái Cao, Phụng Hiệp. Nhân đần rất phấn khởi nổi dậy phá ”ấp chiến lược” trở về quê cũ, riêng xã Hỏa Lựu có 300 gia đình trở về vùng giải phóng. Ngày 11 tháng 6 năm 1973, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 16 ngụy) và Tiểu đoàn bảo an 428 mò vào tái chiếm vùng Cái Cao, Tiểu đoàn 309 (chủ lực khu) chặn đánh diệt 2 đại đội. Số còn lại bỏ chạy về lộ 31. Ngày 30 tháng 6 năm 1973, ta tiêu diệt 2 đồn, giải phóng phần lớn xã Đông Phú, huyện Châu Thành B – Cần Thơ (cũ). Trong tháng 6 năm 1973, hằng ngày trên tuyến lộ 31 nay là Quốc lộ 61) và tuyến Xà No, ta thường xuyên vận động có hàng ngàn lượt gia đình binh sĩ và quần chúng, lúc cao điểm lên tới hàng chục ngàn lượt người trực tiếp vận động hằng trăm binh sĩ địch đào rã ngũ. Riêng huyện Long Mỹ đã vận động hằng ngàn binh sĩ rã ngũ, mang 81 súng về với cách mạng, nội ứng phá 20 đồn.
Để phối hợp với phong trào 3 mũi ở nông thôn, phong trào đấu tranh của nhân dân thành phố Cần Thơ diễn ra rất sôi nổi, chống lại chủ trương của địch ”quân sự hóa học đường” ” chống bắt lính đôn quân”.
Ngày 15 tháng 6 năm 1973, theo thông báo của Ủy ban Liên hợp quân sự 4 bên thì các bên phải ngừng chiến, song địch vẫn tiếp tục điều quân từ Vĩnh Long, Sa Đét, Gò Công v.v… tăng cường cho Chương Thiện, nâng tổng số lên 58 tiểu đoàn (và tương đương).
Trước tình hình mới, ngày 13 tháng 6 năm 1973 Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ đã ra Chỉ thị 03 chỉ đạo quân dân Cần Thơ đẩy mạnh 3 mũi tiên công phối hợp với lực lượng khu quyết tâm đánh bại kế hoạch bình định lấn chiếm đợt 2 của địch ở Chương Thiện.
Ngày 15-7-1973, đơn vị biệt động thị trấn Long Mỹ hóa trang lính cảnh sát của tiểu khu Trương Thiện ngụy, mạo danh Hồ Ngọc Cẩn tỉnh trưởng Chương Thiện làm việc. Lúc đầu địch chưa nghi ngờ ta bắt được 17 tên, thì bị lộ 3 tên tháo chạy ta bắn chết. Kết quả địch chết 3 tên, ta bắt sống 17 tên, làm bị thương 14 tên.
Tháng 8 năm 1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 ra Nghị quyết khẳng định : ”Phải kiên quyết phản công và tiến công; giữ vững và phát huy thế chủ động về mọi mặt của ta. Đánh bại các cuộc hành quân của địch lấn chiếm vùng giải phóng…”.
Đêm 24 tháng 08 năm 1973, cơ sở nội tuyến kết hợp lực lượng vũ trang tấn công trụ sở tề xã Xà Phiên, Long Mỹ diệt l7 tên, phá rã 83 tên dân vệ và phòng vệ dân sự, ta thu 83 súng, một máy PRC 25, 12.000 viên đạn, một số sống sót bỏ chạy về chi khu Long Mỹ, xã Xà Phiên hoàn toàn giải phóng. Nhân dân ấp Long Trị (xã Long Phú) vận động giải tán một 1 liên toán phòng vệ dân sự và một ban tề ấp, nộp cho cách mạng 30 súng.
Cụm tượng 3 thứ quân thể hiện sức mạnh tổng hợp làm nên chiến thắng
Đến ngày 30 tháng 08 năm 1973 địch chấm dứt kế hoạch đợt 2, không hoàn thành việc bình định lấn chiếm Chương Thiệt mà còn bị thiệt hại nặng nề. Đợt 2, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 400 tên địch, bức rút 17 đồn, đánh thiệt hại nặng một chi khu, phá hủy 13 xe, bắn rơi 3 máy bay.
Sau hai lần thất bại, tháng 9 năm 1973 địch điều chỉnh hạ thấp kế hoạch bình định lấn chiếm Chương Thiện, cô lập phong tỏa U Minh. Kế hoạch lấn chiếm đợt 3 này mang tên ”Trần Khánh Dư’, vừa chuyển mũi lấn chiếm tây nam Long Mỹ, vừa phong tỏa kinh tế và cướp lúa.
Để giành thế chủ động, Bộ tư lệnh Quân khu quyết định mở đợt tấn công phủ đầu địch. Đêm 9 rạng 10 tháng 9 năm 1973, Trung đoàn 10 (chủ lực khu) bất ngờ tập kích 2 đồn địch ở chùa Miên và Xẻo Chích (tây nam chi khu Ngã Năm). Trung đoàn 1 (chủ lực khu) tấn công mạnh ở khu vực Lái Hiếu (Phụng Hiệp), đồng thời 1 bộ phận Trung đoàn 1 thọc sâu lấn sát vào thị xã Vị Thanh buộc địch phải điều 1 tiểu đoàn (Sư đoàn 21) và chi đoàn xe M113 chi viện cho Vị Thanh.
Đầu tháng 10 năm 1973, phát hiện địch tập trung lực lượng đánh vào tây nam Long Mỹ và U Minh, Quân khu ra lệnh pháo kích mạnh vào chi khu Gò Quao, làm thiệt hại sở chỉ huy cấp trung đoàn. Đoàn 8 đặc công khu đánh chiếm 5 tàu, Trung đoàn 10 (chủ lực khu) tiêu diệt 4 đồn địch ở xã Vĩnh Thuận Đông, đồng thời pháo kích uy hiếp mạnh trung tâm hành quân ở chi khu Long Mỹ. Các tuyến kênh La Bách (Phụng Hiệp), kinh xáng Ô Môn (Hòa Hưng) Trung đoàn 20 (chủ lực khu) và hoạt động của địa phương quân, du kích đánh căng kéo địch. Ngày 8 tháng 11 năm 1973 Tiểu đoàn Tây Đô đánh tiêu diệt đồn Sơn Phú (xã Đại Thành – Phụng Hiệp), diệt gọn 1 đại đội dân vệ, bắt sống tên đại đội trưởng ở xã Vĩnh Thuận Đông. Quân dân địa phương đã phá sập 3 cầu (vàm Lý Nết, vàm Trà Lồng, vàm Trà Sắt), đánh chiếm 16 chốt của bảo an, bức rút đồn Nhà Thờ, đồn Kinh Ngang, bám giữ tuyến kinh xáng Vịnh Chèo, đắp cản ngăn sông chặn tàu địch, giải phóng 4 ấp của xã Vĩnh Thuận Đông. Bà con giáo dân xã Long Phú kéo đến đấu tranh vạch mặt linh mục Huỳnh Văn Tông tiếp tay cho địch phá hoại Hiệp định Paris. Du kích xã Ba Trinh, Kế Sách diệt trưởng đồn và chiếm đồn Tha La, giải phóng ấp 1, bao vây bức rút đồn Sáu Thuận, Chín Dư, mở rộng vùng giải phóng ở ven sông Hậu.
Đầu tháng 11 năm 1973 địch điều lực lượng hải quân ở Cát Lái và lực lượng bảo an của tỉnh Bến Tre, Gò Công, Châu Đốc tăng cường cho Chương Thiện nâng tổng số lên đến 75 tiểu đoàn (và tương đương) để thực hiện kế hoạch đánh phá Chương Thiện, Cần Thơ, U Minh, Sóc Trăng, Bạc Liêu…
Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu (ngày 6-11-1973), chủ trương kiên quyết đập tan, bẻ gãy cuộc hành quân tháng 11 của địch. Đêm 10 tháng 11 năm 1973 tiểu đoàn pháo 2311 Quân khu pháo kích tiêu diệt 18 tàu địch, tại căn cứ hải quân Xẻo Rô. Tiếp đó lực lương chủ lực, đặc công của khu đánh vào cụm hỏa lực của địch ở Gò Quao, Hỏa Lựu, Vĩnh Thuận Đông, pháo kích vào các chi khu: Vị Thanh, Giồng Riềng, Ngã Năm, Ngang Dừa… Lực lượng 3 mũi của tỉnh Cần Thơ tấn công bao vây hàng loạt đồn bót địch ở Vĩnh Tường, Vịnh Chèo, kinh xáng Xà No, Hòa Hưng, Thác Lác v.v… Các đơn vị chủ lực khu và lực lượng 3 mũi ở các tỉnh Tây Nam Bộ liên tục tấn công gây cho địch nhiều thiệt hại, bị bẻ gãy hoàn toàn kế hoạch hành quân đánh phá qui mô của địch tháng 11-1973.
Bị thất bại ở Chương Thiện và chiến trường chung, buộc địch phải rút toàn bộ lực lượng biệt động ra khỏi Đồng bằng Sông Cửu Long, trả bớt lực lượng bảo an về các tỉnh và lực lượng hải quân về Cát Lái (Sài Gòn). Lực lượng địch ở Chương Thiện giảm 26 tiểu đoàn, nhưng Quân đoàn 4 ngụy vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch bình định. Đến ngày 17 tháng 12 năm 1973 ta mở đợt tấn công giải phóng xã Long Phú (Long Mỹ), Vĩnh Quới (Ngã Năm), Vĩnh Thạnh (Giồng Riềng) ngày 25 tháng 12 năm 1973 ta giải phóng khu vực Lái Hiếu, kinh 13 xã Vĩnh Viễn, xã Vĩnh Thuận Đông và các mục tiêu quan trọng khác, kế hoạch bình định Chương Thiện năm 1973 của địch hoàn toàn bị phá sản.
Kết quả ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21.000 tên địch, diệt gọn một liên đoàn bảo an, 6 tiểu đoàn, 64 đại đội, 2 giang đoàn, 2 chi đoàn xe bọc thép, đánh thiệt hại nặng 34 tiểu đoàn, 4 sở chỉ huy trung đoàn, 1 căn cứ hải quân và 1 chi khu. Tiêu diết 203 đồn (Cần Thơ 51 đồn, bức hàng bức rút 91 đồn chốt khác), bắn cháy 131 tàu chiến (Cần Thơ 3 tàu), phá hủy 116 khẩu pháo (Cần Thơ 8 khẩu), bắn cháy 480 xe quân sự, trong đó có 64 xe M113 (Cần Thơ 104 xe), bắn rơi, phá hủy 63 máy bay các loại (Cần Thơ 26 chiếc) thu hơn 2.200 súng (Cần Thơ hơn 1.000 súng) giải phóng 120 ấp, hơn 80.000 dần. Hỗ trợ cho dân nổi dậy phá kềm, trở về ruộng vườn cũ khai hoang, phục hóa trên 2.000 ha, tăng vụ hơn 10.000 ha, đóng góp 268.000 giạ lúa đảm phụ.
Chiến thắng 75 tiểu đoàn địch tại Chương Thiện năm 1973 đã chứng minh chủ trương đúng đắn, táo bạo, kịp thời của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, Tỉnh ủy Cần Thơ và các tỉnh bạn; đặc biệt là sự chịu đựng gian khổ hy sinh, tinh thần chiến đấu kiên cường dũng cảm của quân dân Đồng bằng sông Cửu Long. Chiến thắng này đã góp Phần tạo tiền đề quan trọng cho quân và dân miền Nam xông lên làm cuộc tổng tiến công và nổi dậy ngày 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Với thành tích chiến thắng vẻ vang 75 lượt tiểu đoàn địch tại Chương Thiện, nên Bộ Văn hóa – Thông tin ra Quyết định số 921-QĐ/BT ngày 20-7-1994 công nhận địa điểm “Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch năm 1973”, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ tỉnh Hậu Giang là di tích lịch sử cấp quốc gia.