Giới thiệu khái quát tỉnh Hậu Giang
Giới thiệu về Hậu Giang
Hậu Giang là một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, được thành lập vào năm 2004 do tách ra từ tỉnh Cần Thơ cũ. Tỉnh lỵ hiện nay là thành phố Vị Thanh cách Thành phố Hồ Chí Minh 240 km về phía tây nam, cách thành phố Cần Thơ 60 km theo Quốc lộ 61 và chỉ cách 40 km theo đường nối Vị Thanh – thành phố Cần Thơ.
Hậu Giang là tỉnh ở trung tâm châu thổ sông Mê Kông, thuộc khu vực nội địa của Đồng bằng Sông Cửu Long. Trước năm 1976, Hậu Giang là tên gọi của sông Hậu. Vùng đất thuộc tỉnh Hậu Giang ngày nay trước năm 1956 nằm rải rác thuộc tỉnh Cần Thơ và tỉnh Rạch Giá. Từ năm 1957, toàn bộ vùng đất tỉnh Hậu Giang ngày nay đều thuộc về tỉnh Cần Thơ. Tháng 3 năm 1976, tỉnh Hậu Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau trước đó là tỉnh Cần Thơ, tỉnhSóc Trăng và thành phố Cần Thơ. Ngày 26 tháng 12 năm 1991, tỉnh Hậu Giang được chia thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Ngày 26 tháng 11 năm 2003, tỉnh Cần Thơ lại được chia thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang ngày nay.
Hậu Giang là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ. Tỉnh có thế mạnh về cây lúa và cây ăn quả các loại, có nguồn thủy sản phong phú, chủ yếu tôm cá nước ngọt và chăn nuôi gia súc. Sông Mái Dầm có đặc sản cá ngát nổi tiếng. Tỉnh nổi tiếng với chợ nổi Ngã Bảy và nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia như di tích Khởi Nghĩa Nam Kỳ, di tích Liên Hiệp Đình Chiến Nam Bộ, Căn cứ Tỉnh Ủy Cần Thơ, di tích Tầm Vu, đền Bác Hồ…
Vị trí địa lý
Hậu Giang là tỉnh thuộc khu vực nội địa của Đồng bằng Sông Cửu Long. Lãnh thổ của tỉnh nằm trong tọa độ từ 9030’35 đến 10019’17 Bắc và từ 105014’03 đến 106017’57 kinh Đông. Phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang, phía Bắc giáp thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, phía nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía đông giáp tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh nằm ở hạ lưu sông Hậu, giữa một mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Tỉnh nằm kề thành phố Cần Thơ, trung tâm của vùngTây Nam Bộ.
Điều kiện tự nhiên
Hậu Giang là tỉnh nằm ở phần cuối Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, địa hình thấp, độ cao trung bình dưới 2 mét so với mực nước biển. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Khu vực ven sông Hậu cao nhất, trung bình khoảng 1 – 1,5 mét, độ cao thấp dần về phía Tây. Bề mặt địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống kênh rạch nhân tạo.
Tỉnh Hậu Giang nằm trong vòng đai nội chí tuyến Bắc bán cầu, gần xích đạo, có khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành hai mùa rõ rệt.Mùa mưa có gió Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô có gió Đông Bắc từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm. Nhiệt độ trung bình là 270C không có sự trên lệch quá lớn qua các năm. Tháng có nhiệt độ cao nhất (350C) là tháng 4 và thấp nhất vào tháng 12 (20,30C). Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, chiếm từ 92 – 97% lượng mưa cả năm. Lượng mưa ở Hậu Giang thuộc loại trung bình, khoảng 1800 mm/năm, lượng mưa cao nhất vào khoảng tháng 9 (250,1mm). Ẩm độ tương đối trung bình trong năm phân hoá theo mùa một cách rõ rệt, chênh lệch độ ẩm trung bình giữa tháng ẩm nhất và tháng ít ẩm nhất khoảng 11%. Độ ẩm trung bình thấp nhất vào khoảng tháng 3 và 4 (77%) và giá trị độ ẩm trung bình trong năm là 82%.
Tỉnh Hậu Giang có một hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 2.300 km. Mật độ sông rạch khá lớn 1,5 km/km, vùng ven sông Hậu thuộc huyệnChâu Thành lên đến 2 km/km. Hậu Giang nằm trong vùng trũng của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Cấu tạo của vùng có thể chia thành hai vùng cấu trúc rõ rệt là Tầng cấu trúc dưới và Tầng cấu trúc bên, trong đó Tầng cấu trúc dưới gồm Nền đá cổ cấu tạo bằng đá Granit và các đá kết tinh khác, bên trên là đá cứng cấu tạo bằng đá trầm tích biển hoặc lục địa và các loại đá mắc ma xâm nhập hoặc phun trào.
Đơn vị hành chính
Hậu Giang có 8 đơn vị hành chính, gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 5 huyện. Với 76 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 12 phường, 10 thị trấn & 54 xã:
Ðơn vị hành chính cấp Huyện | Thành phố Vị Thanh |
Thị xã Long Mỹ |
Thị xã Ngã Bảy |
Huyện Châu Thành |
Huyện Châu Thành A |
Huyện Long Mỹ |
Huyện Phụng Hiệp |
Huyện Vị Thủy |
Diện tích (km²) | 118,7 | 144 | 79,0 | 134,5 | 156,6 | 396,2 | 485,5 | 230,2 |
Dân số (người) | 97.200 | 73.000 | 61.100 | 85.429 | 107.700 | 164.900 | 210.089 | 96.500 |
Mật độ dân số (người/km²) | 819 | 507 | 772 | 664 | 688 | 419 | 424 | 419 |
Số đơn vị hành chính | 5 phường (Phường 1, Phường 3, Phường 4, Phường 5 và Phường 7); 4 xã (Vị Tân, Hỏa Lựu, Tân Tiến và Hỏa Tiến) | 4 phường (Thuận An, Bình Thạnh, Vĩnh Tường và Trà Lồng); 5 xã (Long Bình, Long Trị, Long Trị A, Long Phú và Tân Phú) | 3 phường (Ngã Bảy, Lái Hiếu và Hiệp Thành); 3 xã (Hiệp Lợi, Đại Thành và Tân Thành) | 2 thị trấn (Ngã Sáu và Mái Dầm); 7 xã (Đông Phước, Đông Phước A, Phú Hữu, Phú Tân, Phú An, Đông Phú và Đông Thạnh) | 4 thị trấn (Một Ngàn, Bảy Ngàn, Cái Tắc và Rạch Gòi); 6 xã (Thạnh Xuân, Tân Phú Thạnh, Tân Hòa, Trường Long Tây, Trường Long A và Nhơn Nghĩa A) | 8 xã (Thuận Hòa, Thuận Hưng, Vĩnh Thuận Đông, Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A, Xà Phiên, Lương Tâm và Lương Nghĩa) | 3 thị trấn (Cây Dương, Kinh Cùng và Búng Tàu); 12 xã (Phụng Hiệp, Tân Phước Hưng, Tân Bình, Hòa An, Phương Bình, Phương Phú, Hòa Mỹ, Hiệp Hưng, Thạnh Hòa, Bình Thành, Tân Long và Long Thạnh) | 1 thị trấn (Nàng Mau); 9 xã (Vị Bình, Vị Đông, Vị Thanh, Vị Thắng, Vị Thủy, Vị Trung, Vĩnh Thuận Tây, Vĩnh Trung và Vĩnh Tường) |
Năm thành lập | 2010 | 2015 | 2005 | 1913 | 2000 | 1908 | 1917 | 1999[10] |
Tỉnh Hậu Giang cũ, giai đoạn 1976-1991
Theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 2 năm 1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ để thành lập một tỉnh mới có tên là tỉnh Hậu Giang. Tỉnh lỵ khi đó lại đặt tại thành phố Cần Thơ, đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Hậu Giang.
Khi mới thành lập, tỉnh Hậu Giang gồm có thành phố Cần Thơ, thị xã Sóc Trăng, thị xã Vị Thanh và 11 huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, Phụng Hiệp, Long Mỹ, Kế Sách,Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, Vĩnh Châu.
Ngày 15 tháng 12 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 330-CP về việc hợp nhất huyện Long Mỹ và thị xã Vị Thanh thuộc tỉnh Hậu Giang thành một đơn vị hành chính lấy tên là huyện Long Mỹ thuộc tỉnh Hậu Giang. Thị xã Vị Thanh chuyển xuống thành thị trấn Vị Thanh thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Ngày 26 tháng 10 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng của ban hành Quyết định số 119-HĐBT về việc tách huyện Long Mỹ thành hai huyện Long Mỹ và huyện Mỹ Thanh thuộc tỉnh Hậu Giang.
Ngày 6 tháng 4 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng của ban hành Quyết định số 64-HĐBT về việc đổi tên huyện Mỹ Thanh thành huyện Vị Thanh thuộc tỉnh Hậu Giang.
Từ đó cho đến cuối năm 1991, tỉnh Hậu Giang lúc này bao gồm thành phố Cần Thơ, thị xã Sóc Trăng và 6 huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thanh, Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Long Phú, Vĩnh Châu. Tỉnh lỵ lúc đó lại là thành phố Cần Thơ trực thuộc tỉnh Hậu Giang.
Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh Cần Thơ có 7 đơn vị hành chính gồm: thành phố Cần Thơ và 6 huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thanh, có diện tích tự nhiên 3.022,30km2 với số dân 1.614.350 người. Tỉnh lỵ: thành phố Cần Thơ.
Tỉnh Cần Thơ cũ, giai đoạn 1992-2003
Tỉnh Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động trở lại từ tháng 4 năm 1992. Tỉnh Cần Thơ lúc đó có diện tích 2.965,36 km², dân số là 1.832.045 người, bao gồm thành phố Cần Thơvà 6 huyện là Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thanh. Tỉnh lỵ là thành phố Cần Thơ trực thuộc tỉnh Cần Thơ. Địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày nay lúc đó thuộc tỉnh Cần Thơ.
Ngày 01 tháng 07 năm 1999, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 45/1999/NĐ-CP về việc thành lập thị xã Vị Thanh, đổi tên huyện Vị Thanh thành huyện Vị Thủy và thành lập các phường, xã, thị trấn thuộc thị xã Vị Thanh và huyện Vị Thủy, tỉnh Cần Thơ.
Ngày 06 tháng 11 năm 2000, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 64/2000/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Châu Thành để thành lập huyện Châu Thành A thuộc tỉnh Cần Thơ. Theo đó, tái lập huyện Châu Thành A trên cơ sở 22.139 ha diện tích tự nhiên và 163.357 nhân khẩu của huyện Châu Thành.
Từ đó cho đến cuối năm 2003, tỉnh Cần Thơ gồm 9 đơn vị hành chính trực thuộc: thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh, huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, huyện Ô Môn, huyện Thốt Nốt.
Tỉnh Hậu Giang từ năm 2004 đến nay
Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc Hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang như sau:
Thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương có diện tích tự nhiên là 138.959,99 ha và dân số hiện tại là 1.112.121 ngưười, bao gồm: diện tích và số dân của thành phố Cần Thơ cũ; huyện Ô Môn; huyện Thốt Nốt; một phần của huyện Châu Thành, bao gồm: thị trấn Cái Răng; các ấp Thạnh Mỹ, Thạnh Huề, Thạnh Thắng, Yên Hạ và 176 ha diện tích cùng với 2.216 ngưười của ấp Phú Quới thuộc xã Đông Thạnh; các ấp Thạnh Hóa, Thạnh Hưng, Thạnh Thuận, An Hưng, Thạnh Phú, Phú Khánh, Khánh Bình và 254,19 ha diện tích cùng với 1.806 người của ấp Phú Hưng thuộc xã Phú An; các ấp Phú Thành, Phú Thạnh, Phú Thuận, Phú Thuận A và 304,61 ha diện tích cùng với 1.262 người của ấp Phú Lợi thuộc xã Đông Phú; một phần của huyện Châu Thành A, bao gồm: xã Trưường Long; xã Nhơn ái; xã Nhơn Nghĩa; ấp Tân Thạnh Đông và 84,7 ha diện tích cùng với 640 người của ấp Tân Thạnh Tây thuộc xã Tân Phú Thạnh.
Tỉnh Hậu Giang có diện tích tự nhiên là 160.772,49 ha và dân số hiện tại là 766.105 người, bao gồm: diện tích và số dân của thành phố Vị Thanh; huyện Phụng Hiệp; huyện Long Mỹ; huyện Vị Thuỷ; phần còn lại của huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A, trừ phần diện tích và số dân của hai huyện này đã được điều chỉnh về thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương quy định như trên. Tỉnh lỵ tỉnh Hậu Giang đặt tại thành phố Vị Thanh.
Từ ngày 1 tháng 1 năm 2004, tỉnh Hậu Giang chính thức được tái lập và đi vào hoạt động trở lại. Ban đầu, tỉnh Hậu Giang bao gồm thị xã Vị Thanh và 5 huyện: Châu Thành,Châu Thành A, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thủy.
Ngày 26 tháng 7 năm 2005, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 98/2005/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Phụng Hiệp để thành lập thị xã Tân Hiệp, tỉnh Hậu Giang; thành lập phường, xã thuộc thị xã Tân Hiệp.
Ngày 27 tháng 10 năm 2006, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 124/2006/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập xã, thị trấn thuộc thị xã Vị Thanh, huyện Long Mỹ; đổi tên thị xã Tân Hiệp thành thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.
Ngày 23 tháng 9 năm 2010, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Nghị quyết số 34/NQ-CP về việc thành lập thành phố Vị Thanh thuộc tỉnh Hậu Giang trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Vị Thanh trước đó.
Ngày 11 tháng 5 năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thành lập thị xã Long Mỹ trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của huyện Long Mỹ.
Giao thông
Hệ thống giao thông Hậu Giang thuận tiện, nối liền các mạch giao thông với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Trên địa bàn tỉnh, có năm trục giao thông huyết mạch là quốc lộ 1A, quốc lộ 61, quốc lộ 61B, quốc lộ Nam Sông Hậu, quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp. Ngoài ra, tuyến đường bộ nối Vị Thanh-cần Thơ, tuyến đường Bốn Tổng -Một Ngàn là cầu nối quan trọng giữa Hậu Giang, thành phố Cần Thơ với tỉnh Kiên Giang. Đường nội bộ tỉnh, gồm các tuyến 924 đến 933 với tổng chiều dài khoảng 400 km. Mạng lưới đường thủy, gồm có hai trục giao thông quốc gia kênh Xà No, kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp. Hệ thống kênh, rạch hình thành mạng lưới đường thủy chằng chịt, trải đều địa bàn tỉnh đảm bảo cho việc vận tải thuỷ thuận lợi.
Văn hóa & Xã hội
Giáo dục
Hệ thống giáo dục tỉnh Hậu Giang bao gồm đầy đủ các cấp học, ngành học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học. Tiêu biểu như trường Đại học Cần Thơ (khu Hòa An), trường Đại học Võ Trường Toản, trường cao đẳng cộng đồng Hậu Giang, trường trung cấp Luật Vị Thanh, trường trung cấp nghề Hậu Giang, trường cao đẳng nghề Trần Đại Nghĩa và các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học, mầm non…Giáo dục mầm non hiện nay đã có các cơ sở ở tất cả các huyện thị, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Tính đến ngày 30 tháng 09 năm 2008, toàn tỉnh Hậu Giang có 250 trường học ở các cấp phổ thông, đứng thứ 12 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long
Y tế
Tại Hậu Giang có một số bệnh viện như lớn như Bệnh viện đa khoa Hậu Giang với quy mô 500 giường, ngoài ra còn có các bệnh việnkhác như Bệnh viện Sản – Nhi Hậu Giang, Bệnh viện Thành phố Vị Thanh,Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hậu Giang, Bệnh viện Lao phổi tỉnh Hậu Giang…và nhiều cơ sở y tế tại các xã phường, thị trấn thuộc tỉnh Hậu Giang.
Đến năm 2008, toàn tỉnh có 80 cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế. Trong đó có 8 bệnh viện, 8 phòng khám đa khoa khu vực và 64 trạm y tế phường xã. Tổng số giường bệnh là 1.692 giường, trong đó các bệnh viện có 1.135 giường, phòng khám đa khoa khu vực có 65 giường, trạm y tế có 492 giường, với 293 bác sĩ, 558 y sĩ, 387 y tá, 188 nữ hộ sinh, 17 dược sĩ cao cấp, 249 dược sĩ trung cấp và 2 dược tá.
Du lịch
Tỉnh Hậu Giang có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, tuy nhiên vẫn còn hạn chế, Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng. Xu hướng của khách du lịch trong nước lẫn quốc tế là tìm về với thiên nhiên, với miệt vườn sông nước, với rừng, núi, biển càng hoang sơ, ruộng đồng heo hút, chính vì lẽ đó Hậu Giang đang có nhiều dự án phát triển du lịch hướng vào xây dựng du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp với khu vui chơi giải trí, ăn uống, nghỉ ngơi….
Bên cạnh đó, Hậu Giang còn có các làng nghề truyền thống đa dạng và phong phú, thể hiện những nét văn hoá đặc sắc của vùng đất, con người. Đặc sản về cây ăn trái của Hậu Giang cũng được nhiều người ưa chuộng như khóm Cầu Đúc, bưởi Phú Hữu, quýt đường Long Trị….Ngoài ra, tỉnh còn có đặc sản về thủy sản, cá thác lác Vị Thanh ngon nổi tiếng khắp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tỉnh cũng có nhiều di tích văn hoá lịch sử như Căn cứ Tỉnh Ủy Cần Thơ, đền Bác Hồ, di tích Chiến thắng 75 Tiểu đoàn, di tích Tầm Vu,….Hàng năm, mỗi khi có dịp lễ lộc, du khách các nơi tìm về không ít. Ngoài ra, còn có các lễ hội, đặc biệt là lễ hội đua ghe ngo truyền thống thu hút khá nhiều du khách đến xem.
Hậu Giang với tiềm năng thu hút đầu tư.
Hậu Giang là tỉnh ở trung tâm châu thổ sông Mê Kông, thành phố tỉnh lỵ Vị Thanh cách thành phố Hồ Chí Minh 240km về phía Tây Nam theo các tuyến quốc lộ, thủy lộ quốc gia; cách thành phố Cần Thơ 60km theo quốc lộ 61 và chỉ cách 40km theo đường nối thành phố Vị Thanh – Thành phố Cần Thơ đang thi công xây dựng với qui mô 4 làn xe cơ giới bê tông nhựa.
Tỉnh Hậu Giang phía Bắc giáp Thành phố Cần Thơ – Trung tâm động lực thu hút các nguồn lực của vùng ĐBSCL; phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng; phía Đông giáp sông Hậu có nhiều tiềm năng lớn về cung cấp nước ngọt, vận tải sông biển, khai thác cát sông san lấp mặt bằng và tỉnh Vĩnh Long – trục đường thủy chính vào cảng quốc tế Cái Cui, Cần Thơ; phía tây giáp tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu. Diện tích tự nhiên 1.608km vuông.
Do giáp ranh với Thành phố Cần Thơ – Trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học kỹ thuật vùng ĐBSCL, nên kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế – xã hội rất thuận lợi cho các nhà đầu tư như: Sân bay quốc tế Cần Thơ; Bến cảng quốc tế Cái Cui, Cần Thơ; Nhiều trường đại học đa ngành, chuyên ngành (đào tạo trên 40.000 sinh viên 1 năm ) và hệ thống trường cao đẳng dạy nghề, trường dạy ngoại ngữ tiếng Anh, Hoa, Pháp, Nga . . ., bệnh viện tầm cỡ khu vực. Các dịch vụ về khoa học kỹ thuật, tài chính, ngân hàng, kiểm toán, bảo hiểm, dịch vụ thương mại, vui chơi, giải trí, các cơ sở an sinh ở khu đô thị mới, dịch vụ nhà hàng, khách sạn 3 – 5 sao, văn phòng cho thuê, hệ thống siêu thị, hoạt động nghệ thuật và du lịch sinh thái . . . đều có sẵn và rất tiện ích trên địa bàn thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và khu vực lân cận.
Ngoài 2 tuyến quốc lộ là quốc lộ 1A và quốc lộ 61 chạy qua, Hậu Giang có mạng lưới sông rạch rất thuận lợi với trục giao thông thủy quan trọng là sông Hậu – 1 trong 2 nhánh sông lớn của sông Mê Kông, là trục đường chính vào cảng quốc tế Cái Cui, Cần Thơ. Kinh xáng Xà No, kinh Quản lộ Phụng Hiệp là đường thủy quốc gia từ thành phố Hồ Chí Minh xuyên đồng bằng đổ ra biển Tây, nối các tỉnh ĐBSCL đi Campuchia, biển Đông và các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, trung ương và tỉnh đang tập trung đầu tư mới tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, tuyến lộ Nam sông Hậu nối cầu Cần Thơ đi các tỉnh ĐBSCL.
Xác định vị trí địa lý của Hậu Giang là trung tâm tiểu vùng Tây Sông Hậu, cửa ngõ của Bắc bán đảo Cà Mau, có lợi thế đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, nhiều vị lãnh đạo cơ quan Trung ương đến thăm, khảo sát thực tế và đã khẳng định vài trò, vị trí kinh tế của tỉnh mới Hậu Giang đối với khu vực châu thổ sông Mê Kong, đồng thời hoạch định chiến lược phát triển tương lai nhằm vực dậy kinh tế vùng đất Tây sông hậu.
Dựa vào thế tiền sông, hậu lộ của hệ thống giao thông thủy sông Hậu, cầu Cần Thơ và các trục lộ chính đi qua, tỉnh Hậu Giang đã xây dựng Khu đô thị Công nghiệp sông Hậu quy mô diện tích 3.275 ha; Cụm công nghiệp Tân Phú Thạnh quy mô diện tích 201 ha; Cụm công nghiệp Vị Thanh quy mô diện tích 53 ha; Cụm công nghiệp Ngã Bảy qui mô diện tích 25 ha. Hiện các Khu – Cụm công nghiệp trên địa bàn đã thu hút nhiều nhà đầu tư đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước lấp kín địa bàn.
Vùng đất Hậu Giang còn nhiều tiềm năng tự nhiên chưa được khai thác hết, là nơi mưa thuận gió hòa thích hợp phát triển nền kinh tế nông nghiệp nhiệt đới. Miền đất Hậu Giang còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc miền sông nước Nam Bộ, rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Hậu Giang có truyền thống đoàn kết, cần cù lao động, sáng tạo, vượt qua những khó khăn, thách thức để xây dựng quê hương, hòa nhập với tiến trình phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế.Trên bước đường đi tới Hậu Giang mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh bạn, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa. Với tiềm năng sẵn có và truyền thống mến khách, Hậu Giang luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư. Đến với Hậu Giang các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án.