Năm Thìn nói chuyện “võ Rồng” ở nước ta – Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Rồng (Long) là con vật huyền thoại, xếp vào hàng thứ 5 trong 12 con giáp. Đất nước ta vốn dĩ “con Rồng, cháu Tiên” nên hình tượng Rồng được các bậc danh võ Việt sáng tác đưa vào các đòn thế, bài quyền, bộ pháp, tấn pháp… Nhân năm đôi điều luận bàn về ‘võ Rồng”.   

Võ Rồng trong dòng võ Tây Sơn, Bình Định
H1 min - Năm Thìn nói chuyện “võ Rồng” ở nước ta - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà Hải
Hoàng đế Quang Trung, người có công đưa nền võ học nước nhà lên hàng “Quốc võ”.

Vùng đất võ Bình Định nổi danh với câu ca: “Roi Thuận truyền. Quyền An Thái”. Hệ thống quyền thuật của môn phái An Thái do võ sư Diệp Trường Phát (Tàu Sáu) được xây dựng dựa trên 4 bộ chính: Hổ quyền, Long quyền, Hầu quyền và Xà quyền. Trong đó, Hổ quyền và Long quyền thuộc Ngạnh công, được coi là nền tảng. Hầu quyền và Xà quyền thuộc Nhu công và Miên công, là phần xuất sắc cao diệu chỉ được truyền thụ khi đã luyện qua Hổ quyền và Long quyền.

Võ thuật Trung Quốc nổi tiếng với Ngũ hình quyền, thì trong những bài quyền tinh hoa của Bình Định, Tây Sơn cũng có bài Ngũ cầm quyền (Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc). Trong môn phái Thiếu bình Tây Sơn có quyền pháp: Long – Hổ – Hầu – Xà – Hạc và các bài quyền, binh khí mang tên Rồng: Mãnh long quyền, Long hổ quyền, Song long đao, Bát quái địa long đao.

Nói tóm lại, võ cổ truyền Bình Định rất đa dạng và phong phú bao gồm rất nhiều môn. Mỗi môn có kết cấu kỹ thuật riêng của nó, do nhiều yếu tố cấu thành như: tư thế cơ bản, động tác cơ bản, các bộ pháp: thủ pháp, tấn pháp, nhãn pháp, khí pháp… và các đòn thế. Thủ pháp (bộ tay) của võ cổ truyền Bình Định là Ngũ hành pháp. Luyện tập bộ tay theo phép Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ; trong đó có bộ Thủy là Cường long xuất hải (Con rồng bay nhanh mạnh ra biển, ở thế tấn công) với biểu hiện đặc tính cực kỳ dũng mãnh, uy lực như “sấm động”, “triều dâng”, kết hợp với khả năng nhào lộn, uốn lượn uyển chuyển, thoắt ẩn, thoắt hiện, mang đặc tính biến hóa linh diệu của Rồng.

Sau khi luyện tập và hoán đổi thuần thục các phương cách hóa chuyển của bộ tay, người học võ phải tiếp tục trải qua một quy trình khổ luyện hết sức công phu, bền bỉ, để biến các tính năng trên đôi cánh tay, nhất là bàn tay thành những bộ: Long giác, Hổ trảo, Hầu chỉ, Xà thao, Hạc chỉ.

Tấn pháp là phương pháp luyện tập đôi chân và di chuyển theo hướng của nguyên lý bát quái. Bát quái tượng trưng cho tám quẻ, theo 8 hướng và 8 con vật; trong đó có bộ tấn Long tấn (tấn Rồng vàng) với tính năng đặc thù: biến hóa, thoắt ẩn, thoắt hiện, bay nhanh như chớp, uốn lượn vờn mây, uy lực, sức mạnh thần kỳ. 

Về binh khí, võ cổ truyền Bình Định có các bài nổi tiếng: Độc long thương (bài thương Rồng dữ) của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, Lôi phong tùy hình kiếm (bài kiếm Giông bão) của Đô đốc Trần Quang Diệu, Lôi long đao (bài đao Rồng sấm) của Đô đốc Võ Văn Dũng…

H2. Long van tru tu binh min - Năm Thìn nói chuyện “võ Rồng” ở nước ta - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiVõ sư Châu Mẫn (môn phái Bình Định Gia) đang biểu diễn thế Long vận trụ tứ bình trong bài quyền Long hoa đao pháp.

Theo võ sư Châu Mẫn (môn phái Bình Định Gia), bài quyền Long hoa đao pháp là một trong Lục bộ tinh của Bình Định Gia: Miêu (Miêu tẩy diện), Long (Long hoa đao pháp), Ngưu (Kim ngưu), Hầu (võ khỉ – Hầu quyền), Xà (Xà quyền), Hổ (Ba Chân Hổ) được giữ gìn, phát huy và kế thừa đến nay đã hơn 200 năm.

Tổng 180 động tác trong bài quyền, đây là một trong những bài quyền dài nhất của hệ thống các bài quyền thảo của môn phái Bình Định Gia. Trong bài chỉ đánh đúng tay long và tay đao, hoàn toàn không sử dụng tay quyền. Khi rồng bay, móng vuốt của chúng giương hết ra, tất cả được thể hiện rõ qua tám chữ “buông, bắt, cấu, giật, chộp, giữ, đẩy, vuốt”. Bài quyền được thể hiện dựa trên hình tượng con Rồng với sức mạnh siêu nhiên cùng các miếng đòn cương nhu uốn lượn nhưng mang tính sát thương cao.

Võ Rồng trong các bài quyền quy định của Liên đoàn VTCT Việt Nam

Theo Đại võ sư Lê Kim Hòa, Chưởng môn phái Thanh Long võ đạo, bài võ Thanh long độc kiếm là một trong năm bài “Ngũ long kiếm pháp” có nguồn gốc từ thời Tây Sơn (thế kỷ 18). Ngày nay, Thanh long độc kiếm là bài binh khí của môn phái Thanh Long võ đạo, được đưa vào trong hệ thống 18 bài quy định của Võ cổ truyền Việt Nam, cũng là một trong mười bài Võ cổ truyền Việt Nam được chọn để giới thiệu ra thế giới.

H3 min - Năm Thìn nói chuyện “võ Rồng” ở nước ta - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiVõ sư Anh Tuấn (Võ đường Thiếu Lâm Tây Sơn) biểu diễn thế Long Thăng Trảm Thạch trong bài Thanh Long Độc Kiếm, bài quy định của LĐVTCT Việt Nam.

Thanh kiếm là sự nối dài của cánh tay, khi kiếm và người hợp nhất cùng với tấn pháp nhanh mạnh có thể nhập nội tấn công đối phương trong phạm vi hẹp hoặc rộng, hoặc có thể xoay trở ứng phó với nhiều người từ nhiều hướng khác nhau. Kiếm được xếp vào hàng “vua của các binh khí”, người sử dụng kiếm có thể dùng để khắc chế được nhiều loại binh khí khác. Môn sinh Võ cổ truyền tập bài võ này phải mất từ 4 – 5 năm trở lên mới thuần thục được. Khi người tập đến một trình độ nhất định sẽ có một thân pháp uyển chuyển, thanh thoát, hoàn toàn làm chủ thanh kiếm.

Trong bài thiệu Thanh long độc kiếm có các đòn thế “võ Rồng” như: Long Thăng Trảm Thạch, Thanh Long Xuất Thế, Ẩn Long Trầm Thủy, Giao Long Đảo Hải, Thanh Long Bải Vĩ, Vọng Nguyệt Long Giáng, Thanh Long Bái Tổ.

Bát quái côn là bài côn được Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần thứ 3 do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền (VTCT) Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh (từ ngày 15 đến 26 tháng 4 năm 1995) chọn đưa vào chương trình quy định chung của VTCT dân tộc. Hội nghị lần này quy tụ gần 100 võ sư, huấn luyện viên ưu tú của 26 tỉnh thành trong cả nước với yêu cầu chọn được một bài kiếm, một bài quyền và một bài côn. Suốt 11 ngày ròng rã, hội nghị đã cùng nghiên cứu, bình chọn, hoàn chỉnh và đi đến thống nhất được ba bài: Ngọc trản ngân đài, Huỳnh long độc kiếm và Bát quái côn.

H4 min - Năm Thìn nói chuyện “võ Rồng” ở nước ta - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiĐại võ sư Tấn Vương (Võ đường Thiếu Lâm Tây Sơn) biểu diễn thế Long Du Điền Hải trong bài Bát Quái Côn, bài quy định của LĐVTCT Việt Nam.

Theo lời của võ sư Trương Hùng, người được cho là truyền nhân chính thức và cũng là người có công đưa bài côn giới thiệu ra cả nước, lai lịch của bài côn có thể được xét đến từ những năm 1945, khi một người Việt gốc Hoa là ông Huỳnh Dền chạy giặc vào đất Phú Yên. Là người từng nhiều năm theo học võ Thiếu Lâm ở Trung Quốc, ông mở lò võ dạy cho nhiều người. Trong số những học trò của ông có võ sư Trương Hường, chú ruột võ sư Trương Hùng, vừa là người nhà, vừa là người chăm chỉ nhất nên được ông truyền tất cả bí quyết, tinh hoa võ nghệ mà ông biết. Bài Bát quái côn được coi là bảo bối của môn phái, tuy nhiên do sự phức tạp và yêu cầu khá cao như: đam mê, chăm chỉ, chuyên luyện, công phu, thể lực, công lực tốt, tinh thần võ sĩ đạo v.v. khiến nhiều người bỏ cuộc, không theo được tới cùng.

Bàn về uy lực và độ khó của bài, võ sư Trương Hùng đánh giá:… nếu là người “tay ngang” phải theo nghề võ ít nhất 7 năm mới được học, nghĩa là ở trình độ huấn luyện viên trung cấp trở lên mới có thể lĩnh hội được. Người học nếu không chuyên luyện, bỏ chừng 1 tháng là quên ngay.

Trong bài thiệu Bát quái côn có các đòn thế “võ Rồng” như: Long du điền hải, điểu thủy đăng thiên (Rồng chơi ruộng biển, chim nước lên trời), Bạch xà long trận, đơn phụng triều dương (Rắn trắng trận rồng, một chim phượng ngắm mặt trời).

Siêu xung thiên (còn gọi là Đại đao xung thiên, Xung thiên đại đao, Tứ trụ siêu xung thiên, Siêu bát quái, trong dân gian gọi là Siêu ông) là bài đại đao được Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần 2 do Liên đoàn VTCT Việt Nam tổ chức năm 1994 bình chọn, thống nhất là một trong những bài binh khí tiêu biểu cho quốc võ dân tộc.

Tương truyền, võ sư Phan Văn Thành, quan bộ hình thời nhà Nguyễn (1802 – 1945) đã sáng tạo bài võ Siêu xung thiên trong thời gian ông sinh sống và làm việc kinh đô Huế.

Lấy cảm hứng từ sự uy dũng và những lợi thế của cây đại đao, bài võ Siêu xung thiên được dành riêng cho các vị tướng mỗi khi cầm quân ra chiến trận. Đại đao, hay còn gọi là “Soái của trăm quân”, được các vị tướng xưa kia sử dụng khi ngồi trên lưng ngựa “tả xung hữu đột” giữa trận mạc.

Cấu tạo của cây đại đao gồm 4 bộ phận chính: thân đao, cán đao, đĩa đao và vòng kêu. Chiều dài và cân nặng của mỗi cây đại đao được thiết kế tùy vào khả năng của người sử dụng.

H5 min - Năm Thìn nói chuyện “võ Rồng” ở nước ta - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiVõ sư Anh Tuấn (Võ đường Thiếu Lâm Tây Sơn) biểu diễn thế Long Thăng Hổ Giáng trong bài Siêu Xung Thiên, bài quy định của LĐVTCT Việt Nam.

Bài võ Siêu xung thiên tuy không dài nhưng để có thể biểu diễn được thuần thục thì cần nhiều thời gian luyện tập với độ tập trung cao. Cũng bởi cây siêu đao rất khó sử dụng, trước khi nhập môn học viên cần phải đạt trình độ nhất định về võ thuật cơ bản để có thể lĩnh hội đầy đủ bài võ đòi hỏi cao cả về kỹ thuật lẫn thể lực này.
Đao pháp dùng trong bài võ Siêu xung thiên gồm những kỹ thuật đặc trưng như: bổ, chém, phạt, đâm, đỡ, xoay, vớt, gạt… kết hợp với các thế tấn pháp: đinh tấn, trung bình tấn, trảo mã tấn, xà tấn, tọa tấn, lập tấn, hạc tấn, miêu tấn.

Phần lớn, người sử dụng cây đại đao thường cầm chắc bằng hai tay, dựa trên sự di chuyển linh hoạt của thân pháp, phối hợp cước pháp và sự chắc chắn của tấn pháp để có thể thi triển những đường đao một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt.

Khi dùng đại đao tấn công, các đường đao bổ mạnh, chém rộng dũng mãnh trong từng chiêu thức, lúc động lúc tĩnh, uy vũ đường đường. Khi cần thiết, có thể dùng cán đao để tấn công bất ngờ đối phương, cũng có thể dùng thân đao, lưng đao để đỡ, gạt phòng thủ toàn thân trước sự tấn công của đối phương.

Trong lời thiệu bài Siêu xung thiên có thế: Long thăng hổ giáng loan xa sát (Rồng lên cọp xuống xoay như vần bánh xe) thể hiện uy lực của con Rồng.

Độc lư thương là bài thương (giáo) được Liên đoàn VTCT Việt Nam chọn lựa từ những năm đầu thế kỷ XXI đưa vào hệ thống 18 bài quyền quy định của võ cổ truyền Việt Nam.

H6 min - Năm Thìn nói chuyện “võ Rồng” ở nước ta - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiĐại võ sư Tấn Vương (Võ đường Thiếu Lâm Tây Sơn) biểu diễn thế Hồi Long Giáng Thế trong bài Độc Lư Thương, bài quy định của LĐVTCT Việt Nam.

Theo lời kể lại của các lão võ sư vùng Tây Sơn Thượng Đạo (An Khê, Gia Lai), trong khoảng những năm 1770, khi dựng cờ khởi nghĩa, lập căn cứ địa nhằm chiêu mộ anh hùng hào kiệt bốn phương, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã biên soạn bài Độc lư thương cho binh sĩ luyện tập. Độc lư ngụ ý tượng trưng cho sự đoàn kết một lòng và ý chí không gì chuyển lay của ba anh em nhà Tây Sơn khi đứng lên phất cờ khởi nghĩa, vững chắc như thế 3 chân của một chiếc lư hương. Độc lư còn hàm nghĩa thể hiện ý thức tôn thờ một chủ, đồng lòng quyết tâm ủng hộ nghĩa quân Tây Sơn của từng chiến binh cũng như của toàn thể nhaân dân.

Sau khi Tây Sơn suy vi, Độc lư thương vẫn âm thầm được truyền dạy trong chi phái Tây Sơn  võ đạo Bình Định tại An Khê. Tuy nhiên, trải những biến thiên dâu bể, nhiều đời lưu truyền trong các võ đường khác nhau nên khó tránh khỏi có những sai lạc trong chiêu thức cũng như những điểm chưa hợp lý trong tính khoa học của bài.

Đặc điểm bài võ: Mô phỏng hoàn hảo thần thái của chiếc độc lư ba chân cắm cây hương trên các bệ thờ, bài thương thể hiện sự vững chắc liền lạc và kín đáo khi phòng thủ, thần tốc và bất ngờ khi tấn công. Đòn thế của bài liên hoàn hỗ trợ nhau, biểu hiện sự kết hợp hài hòa của binh khí là cây trường thương trong tay người thi triển các đòn thế với thập tam pháp: thủ pháp, nhãn pháp, thân pháp, yêu pháp, bộ pháp, thức pháp, đảm pháp, khí pháp, thần pháp, kình pháp, cước pháp, thế pháp, tâm pháp. Bởi vậy, uy lực của bài chỉ thực sự được phát huy tại những địa thế rộng rãi, nơi chiến địa, và tỏ ra hiệu quả trong quân đội Tây Sơn khi đánh trên lưng ngựa, trên thuyền hay dưới đất.

Lời thiệu bài võ có những thế “võ Rồng” như: Hồi Long giáng thế đảo liên thành, Đảo thế luân thân Hầu Long bộ, Chuyển Long phi giác thối Liên đài.

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây