Nam Việt Đế hàng phục đảng Hắc Long – Truyện lịch sử Phùng Văn Khai

Nam Việt Đế hàng phục đảng Hắc Long - Truyện lịch sử Phùng Văn Khai

Nhà văn Phùng Văn Khai.

Sau cuộc nghị chính nơi điện Vạn Thọ, Nam Việt Đế Lý Phật Tử cho gọi riêng Đại Tổng quản Ngô Bân, hai vị Tả – Hữu Thừa thị tới căn dặn thêm mọi việc. Khi đó, Đại Tổng quản và hai vị Thừa thị mới biết vua đang chuẩn bị tuần du tới xứ vạn đảo ngoài  biển Trường Châu. Quả những lời phân ưu trên đại điện đã từ lâu canh cánh trong lòng hoàng thượng. Các đại thần trong lòng vừa khâm phục vừa có phần lo lắng cho sức khỏe của ngài.

Đại Tổng quản Ngô Bân trang nghiêm nói:

– Bẩm hoàng thượng! Hạ thần tuân chỉ tổng quản việc trùng tu, tôn tạo quốc điện, quyết đem hết sức mình để không phụ lòng hoàng thượng. Song, việc tuần du biển Trường Châu, hoàng thượng phải cẩn thận mới được. Xứ vạn đảo ấy vốn là nơi trú ẩn, hoành hành của bọn giặc cướp đã hàng trăm năm. Nghe nói, tàn binh thủy quân của Lương triều đều dạt về đó cả. Lại như bọn đạo tặc bất mãn với Trần Văn Đế, Trần Tuyên Đế cũng chọn nơi đó để tụ họp, có thể nói là chỗ tụ tập của quần hùng gian đảng chuyên cướp bóc, mãi lộ. Nghe nói đã hàng trăm năm nay, thương thuyền xuôi nam ngược bắc đều phải cống nạp cho chúng. Các Thái thú, Thứ sử phương Bắc xuống phương Nam trị nhậm đều phải thương thảo, đem vàng bạc thức vật cho chúng mới có thể hành binh. Nay Đô đốc Lý Thiệu Long đang bận việc quân ở phía nam không thể tháp tùng. Thần xin hoàng thượng hãy thong thả đợi Lý Đô đốc ra bắc sẽ khởi giá cũng chưa muộn.

Đức vua mỉm cười còn chưa kịp nói, Tả Thừa thị Phạm Lang đã dập đầu:

– Bẩm hoàng thượng! Ngô Thái úy nói đúng lắm! Hoàng thượng tuyên chỉ trùng tu, phục dựng quốc điện Phong Châu khiến bách tính thị tộc vừa xôn xao mừng rỡ vừa tò mò quan sát việc làm cổ kim chưa từng có của bậc thánh quân. Nay hoàng thượng hãy ở vững trong kinh thành ban thánh chỉ để chúng thần thực thi việc trùng tu quốc điện mới yên lòng bách tính. Hoàng thượng bôn ba ra ngoài cửa biển còn nhiều giặc cướp khiến quần thần ngày đêm lo lắng sẽ ảnh hưởng tới việc khác. Xin hoàng thượng nghĩ lại!

Thấy Tả Thừa thị mạnh dạn nói thẳng, Hữu Thừa thị Khả Mật toan đứng ra can gián bỗng đức vua ra hiệu mọi người im lặng rồi ngài ngự tươi cười nói:

– Các vị ái khanh! Trẫm biết các khanh đều một lòng lo việc nước, song trẫm đây cũng như các khanh, không thể ngồi chờ được nữa. Trẫm đã giao chức Đại Tổng quản cho Ngô khanh còn khư khư ở trong triều phán xét đông tây chẳng phải thêm rối việc ư? Việc dựng điện, xây chùa cũng như đánh trận đều phải quy về một mối. Một Đại Tổng quản cân nhắc quyết định là đủ. Còn như việc tuần hành vùng vạn đảo Trường Châu không thể để chậm hơn được nữa. Trẫm nghe nói, nơi vạn đảo đang có đảng Hắc Long toàn là bọn kiêu binh hãn tướng thủy quân Lương triều, Trần triều tụ tập hoành hành, trẫm phải sớm tới đó tìm kế sách dẹp yên bọn chúng. Trẫm năm nay đã gần sáu mươi tuổi càng phải tranh thủ thời gian tự mình làm vài việc có ích cho nước. Lý Thiệu Long đi vắng, triều đình chẳng phải còn Đề đốc Phùng Thanh đó sao? Trẫm đã xem kỹ Phùng Đề đốc, nhất loạt từ kiến thức bản lĩnh tới cơ trí tầm nhìn, vị tướng quân trẻ tuổi này quyết không thua kém gì Lý Đô đốc đâu. Việc tuần du biển Trường Châu kỳ này hãy để Phùng Đề đốc tháp tùng trẫm. Vạn Xuân ta có đến vài chục cửa sông, cửa biển, việc kết nối giao thương đường thủy nay mai chính là lẽ sống còn. Việc hưng quốc an dân sau này phải trông cậy nhiều vào mặt biển.

Nha van Phung Van Khai giua Hop Thoong qua ban thao min - Nam Việt Đế hàng phục đảng Hắc Long - Truyện lịch sử Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (giữa) họp Thoòng qua bản thảo.

Ba vị đại nhân thấy ý của hoàng thượng đã quyết, lại luôn việc đại sự đích thân đức vua đã chân thành phân ưu trên đại điện hôm trước, nhất loạt là các việc phía nam, phía bắc, cương vực nơi biên giới, hải phận ở biển xa đều đã tỏ rõ trách phận từng người nên đám Ngô Bân, Khả Mật chỉ biết im lặng nhìn nhau. Bản thân đức vua cũng luôn xác quyết phải tự đảm đương phần nhất định, nhất là những việc khó nơi biên viễn trùng khơi. Lập tức, cả ba vị đại thần đều khấu đầu quỳ xuống hô:

– Chúng thần xin lĩnh mệnh!

*

Nhận được mệnh lệnh tháp tùng đức vua tuần du cửa biển Trường Châu, lại có sự căn dặn riêng của Thái úy Ngô Bân, Đề đốc Phùng Thanh khẩn trương dẫn năm mươi thuyền nhẹ lập tức tới bến Giang Biên. Một mặt, Phùng Đề đốc cho hai trăm hải thuyền giao hai đô tướng Phạm Bang, Kiều Thái thẳng từ cửa Đại Ác theo đường biển tới cửa Đằng Giang rồi từ đó hộ giá hoàng thượng tuần du các biển Trường Châu. Nguyên từ khi đảm đương cương vị Đề đốc – Phó tướng cho Đô đốc Lý Thiệu Long, việc điều động binh lực thủy quân phía bắc Vạn Xuân, Đô đốc Lý Thiệu Long đều giao cả cho Phùng Đề đốc.

Hôm trước, khi được theo hầu giá đức vua tới Hạc Trì, vào thành Gia Ninh, tiếp đó ngược Lô Giang tới Phong Châu, nhiều lần hoàng thượng cho gọi riêng Đề đốc Phùng Thanh tới đàm đạo. Ngài ngự đã sớm nhắc tới việc sẽ tuần hành xứ vạn đảo Trường Châu, còn dặn họ Phùng trước mắt hãy giữ kín chuyện này để ngài quyết sách xong đâu đấy công cuộc trùng tu quốc điện mới khởi hành. Đề đốc Phùng Thanh từ đó trở về thủy trại cửa Đại Ác đã không kể ngày đêm cho vẽ lại sơ đồ biển đảo Trường Châu. Cho đắp hai chiếc sa bàn đất dẻo một trong lòng soái thuyền nhẹ chuyên dùng đi trong sông, một trên hạm kỳ lớn chuyên dẫn dắt bọn hải thuyền đi biển. Quả nhiên mọi việc vừa xong cũng là lúc nhận được mệnh lệnh hoàng thượng du hành.

Mờ sáng, cánh cổng thành phía bắc từ từ mở ra. Trong làn sương se lạnh tiết cuối thu, năm sáu người hành lý gọn gàng lặng lẽ rời vòm cổng uy nghi thong thả bước dưới hàng nhãn cổ thụ rùm ròa tiến ra bến nước. Ít ai ngờ đó chính là đức vua xuống thuyền đi tuần du cửa biển. Tiễn chân ngài chỉ có Ngô Thái úy và hai vị quan văn. Đi sát bên cạnh, Đề đốc Phùng Thanh bận bộ trường bào màu xanh nhạt hệt như một vị thương nhân xuống thuyền du ngoạn.

Khi đã an vị trong lòng soái thuyền, đoàn thuyền nhẹ  đã nhổ neo được nửa khắc sắp đến khoảng sông rẽ vào nhánh lớn Lục Đầu Giang xuôi sang Bạch Đằng Giang ra cửa biển. Đây cũng là lộ trình thao luyện thường xuyên của thủy binh từ ngày còn Đô đốc Triệu Quang Thành. Khi ấy, đức vua hãy còn là một vị đô tướng kỵ binh dưới trướng của lão tướng Phạm Tu.

Biết rõ tâm tính của đức vua, Đề đốc Phùng Thanh cho đặt bộ bàn ghế gỗ chắc khỏe ngay nơi mũi thuyền mời hoàng thượng thưởng trà trên đó. Thật bất ngờ, đức vua tự mang theo chiếc giỏ mây nhỏ, ngài khẽ đặt lên chiếc bàn gỗ rồi thong thả nhấc ra năm, sáu củ khoai lang luộc đặt lên bàn mỉm cười bảo với Phùng Đề đốc:

– Phùng tướng quân! Hôm nay trẫm chiêu đãi khanh món khoai mật mới gửi ra từ Ái Châu. Chủng khoai này thơm ngon bổ dưỡng lắm.

Đề đốc Phùng Thanh thoáng sững người không thể ngờ vị vua một nước mà đồ ngự thiện một bữa lại quá sức giản dị bình dân bèn đáp:

– Bẩm hoàng thượng! Thần từ bé đã quen với khoai luộc sắn lùi. Nay được ban thưởng thức vật này quả không cao lương mỹ vị gì sánh được.

Đức vua tươi cười nói:

– Phùng ái khanh! Khanh chớ khách sáo với trẫm làm gì! Các khanh thân làm tướng soái đều phải ăn to nói lớn, dẫn đầu thủy quân càng phải ăn sóng nói gió mới có sức vóc, chứ ba thứ đồ củ quả chay tịnh này thi thoảng hãy nếm chút thôi. Trẫm khi tuổi trẻ đánh trận nếu không được ních đầy bụng mỗi khi phải cầm giáo lên ngựa chân tay đều run rẩy lắm. Chính bởi vậy, sau này, binh tướng Vạn Xuân ta bất kể thủy binh, bộ binh, tượng binh, kỵ binh đều phải được ăn no mặc ấm. Điều đó đã sớm đưa vào quân chế rồi phải không Phùng Đề đốc?

Đề đốc Phùng Thanh thấy đức vua trong lúc dùng bữa sơ khoáng vẫn nhớ tới quân chế khẩu phần định lượng trong các chủng quân bèn khâm phục nói:

– Bẩm hoàng thượng! Quả là không giây phút nào hoàng thượng không nhớ tới ba quân chúng tướng. Đúng là quân chế Vạn Xuân đều đã định rõ khẩu phần định lượng từng loại trong các chủng quân. Được ăn chế độ cao nhất chính là thủy quân phía bắc mà thần dẫn dắt. Lại còn tùy theo từng mùa khí hậu mà tăng giảm rau thịt cho phù hợp. Đó cũng là một trong mười điều luật ở trong quân.

Thấy vị Đề đốc trẻ tuổi thuộc làu quân chế, đức vua trong bụng rất mừng nói:

– Phùng tướng quân! Khanh hãy nhớ rằng, anh em binh lính ở trong quân trước tiên họ tuân phục sự công bằng. Trông chờ được bổng lộc của triều đình e rằng còn xa xôi lắm. Bởi vậy, binh sĩ dám sống chết trên chiến trường chính là sự công bằng, chăm lo nhỏ nhất từ khẩu phần ăn, tấm áo ấm, đôi giày vải, ngụm nước ngọt, lời nói động viên của các bậc ngũ trưởng, thập trưởng, bách hộ, đô tướng. Bởi vậy, đạo làm tướng trước hết phải ở sự công bằng rồi mới tới lòng dũng cảm, dám đánh và đánh thắng quân giặc. Miếng ăn nơi bách tính thị tộc càng phải coi trọng, công tâm. Vạn Xuân ta bây giờ cương vực mở mang, các thị tộc miền núi, miền sông, miền biển khác xa nhau từ sinh kế, phong tục tới thổ nhưỡng, mùa màng. Có nơi được mùa lại có nơi vụ mùa mất trắng. Có nơi khô hạn cháy ruộng cháy đồng cũng có nơi mưa lụt ngập cây ngập núi. Rồi nạn độc trùng, chuột bọ tàn phá khắp nơi. Nếu triều đình không công tâm san sẻ, sớm có kế sách hỗ trợ vùng thiên tai địch họa, dân chúng biết trông cậy vào đâu? Sau cuộc tuần du biển Trường Châu, trẫm phải tới vùng tây bắc một chuyến mới được.

Đề đốc Phùng Thanh thấy đức vua trong lòng chất chứa nhiều tâm sự, ngài không nguôi quốc sự các miền. Ngay chuyến tuần du vùng biển Trường Châu đã khởi sinh khi ngài còn ngồi trong lòng thuyền vượt Lô Giang đã thấy hoàng thượng dường như đang muốn chạy đua với thời gian, tự mình vạch những kế sách lớn cho công cuộc Vạn Xuân định quốc. Lại thấy đức vua đã dùng xong bữa sáng, chung trà ngài ngự cũng đã cạn, Phùng Thanh bèn đứng dậy nói:

– Bẩm hoàng thượng! Kính thỉnh hoàng thượng ngự lãm sa bàn vùng biển Trường Châu hạ thần đã cho đắp sẵn trong soái thuyền.

Đức vua lập tức đứng lên nói:

– Quả là Phùng Đề đốc rất biết tiết kiệm thời gian cho trẫm. Khanh hãy mau nói rõ tình hình mọi mặt vùng biển vạn đảo Trường Châu để trẫm nghe.

Khi vua tôi đều đã kéo nhau vào trong lòng soái thuyền, Đề đốc Phùng Thanh thong thả cầm cây gậy trúc trỏ vào lòng chiếc sa bàn đắp đất nghiêm trang nói:

– Bẩm hoàng thượng! Tiếp giáp cửa biển Đằng Giang hơn trăm dặm chính là xứ đảo Bách Ngư. Nơi đây là chỗ thương thuyền phía nam, phía bắc thuận tiện neo đậu trao đổi giao thương đã có từ hàng nghìn năm. Xứ đảo Bách Ngư gần năm trăm đảo lớn nhỏ trong đó hơn năm mươi đảo có ngư dân sinh sống. Các đảo lớn đều có nước ngọt, ngư dân ngoài nghề đánh bắt tôm cá trên biển còn có thể trồng trọt, chăn nuôi trên đảo, đời sống đều sung túc. Trên các đảo lớn xứ đảo Bách Ngư đã lác đác có vài ngôi miếu dân chúng dựng thờ thần biển. Tiếp đó là xứ đảo Thiên Long hơn bốn trăm đảo lớn nhỏ, trên các đảo lớn đều gồm chứa hang động bên trong. Đây cũng là nơi bọn cướp biển trú ngụ, hoành hành chuyên nghề mãi lộ. Bọn chúng còn coi đó là vương quốc riêng. Các thương đoàn, tiêu cục, thuyền bè qua lại, kể cả là thuyền đánh cá của ngư dân đều phải cống nộp cho chúng. Chúng phần nhiều là tàn binh thủy quân các vương triều phương Bắc, hoặc do bão tố đắm thuyền, hoặc do thua trận không dám trở về quân doanh mà tụ tập còn tự xưng là đảng Hắc Long. Chúng suy tôn tên chúa đảo là Hắc Long Đại Vương. Hắc Long Đại Vương theo thế tập cha truyền con nối. Hắc Long Đại Vương đời thứ nhất là Từ Thiên Long, một mãnh tướng thủy quân dòng dõi Từ Thịnh thời Đông Ngô – Tôn Hạo thảm bại trước binh tướng Tư Mã Chiêu đã phải lang bạt làm cướp biển vùng Hợp Phố, sau nhà Tấn truy sát đã dạt tới xứ đảo Thiên Long. Trải năm, sáu đời Hắc Long Đại Vương, nay chức đại vương đang do Từ Thiên Hắc đảm nhiệm. Chính tên Từ Thiên Hắc hai năm trước từng được chủ soái nam chinh Chiêu Chương Đạt thuê áp tải thuyền lương từ cửa biển Hợp Phố tới cửa biển Đằng Giang. Hắn dám ngang ngược đòi một phần ba số quân lương khiến họ Chiêu cũng phải ngậm đắng nuốt cay. Vùng biển xứ vạn đảo Thiên Long, lâu nay bọn Từ Thiên Hắc đã tự coi là sào huyệt bất khả xâm phạm bởi quan quân hai nước đều chưa nghĩ cách gì trị được. Tiếp đó là xứ đảo Vạn Hoa ngót một ngàn đảo lớn nhỏ vốn là vùng đánh bắt hải sản vô cùng phong phú, dồi dào, quanh năm cá tôm quần cư sinh sống. Dẫu bọn Từ Thiên Hắc bắt cống nạp tôm cá rất cao, song ngư dân từ Trường Châu tới, ngư dân từ Hợp Phố đến vẫn rất đông. Thà rằng cam tâm tình nguyện nộp một nửa tôm cá cho chúng vẫn dễ bề sinh sống bởi biển ở đây vừa ít sóng gió vừa dày đặc cá tôm, tưởng chừng chỉ cần thò gàu múc xuống biển nhấc lên đã chật bồ tôm cá.

Đức vua nghe tới đâu, đôi mắt ngài sáng ra tới đó. Quả là ngài đã không nhìn lầm người. Để Đề đốc Phùng Thanh tháp tùng chuyến đi biển này đúng là ngài đã có được người hiểu biết sâu rộng về xứ vạn đảo – một phần quốc thổ – hải phận của Vạn Xuân. Đúng là bọn người phương Bắc trong khi thất trận vẫn càn rỡ làm những điều thất đức cướp bóc dân lành. Lần này, Vạn Xuân phải quyết xây dựng một đội hải thuyền lớn làm chủ xứ vạn đảo giúp dân chúng mưu sinh, khai thông tuyến đường biển phía bắc an yên mới được.

Đức vua xúc động nói:

– Phùng tướng quân! Ngày trước, Đô đốc Triệu Quang Thành cùng mấy ngàn thủy binh Vạn Xuân hy sinh trên biển trẫm còn là một vị đô tướng chỉ biết ôm mặt khóc thầm. Nay Vạn Xuân ta thái bình cũng đã hơn hai mươi năm, có lẽ nào vẫn để giặc cướp phương Bắc chiếm biển chiếm đảo hoành hành ngang ngược? Ta cùng Đề đốc đi chuyến này quyết phải hàng phục được bọn cướp biển mới trở về.

Đề đốc Phùng Thanh như thấu suốt tâm tư hoàng thượng vội quỳ sụp xuống:

– Hạ thần xin lĩnh mệnh!

Nha van Phung Van Khai lam viec voi lanh dao Thu vien quoc gia min - Nam Việt Đế hàng phục đảng Hắc Long - Truyện lịch sử Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (mặc quân phục) làm việc với lãnh đạo Thư viện quốc gia.

*

Buổi sáng nơi làng chài Vạn Ninh.

Theo lộ trình cuộc tuần du biển Trường Châu, Đề đốc Phùng Thanh thỉnh mệnh đức vua vào làng chài Vạn Ninh nơi cửa biển Đằng Giang tạm nghỉ. Biết trước các tướng đã chuẩn bị kỹ lịch trình cuộc tuần du, đức vua lập tức ân chuẩn. Chính bản thân hoàng thượng cũng muốn tìm hiểu phong tục đi biển ở làng chài Vạn Ninh. Tương truyền từ thượng cổ, chỉ có các làng chài ở Vạn Ninh mới có thuật đóng thuyền buồm ba vách chịu được sóng to gió lớn, thậm chí đi ngược gió ngược nước rất thuần thục. Mỗi khi mùa gió bấc, thường chỉ đội thương thuyền Vạn Ninh mới có thể ngược gió ra khơi lên phía bắc hoặc ngược từ cửa biển Cửu Đức vào bến Đằng Giang. Đây cũng là bí thuật đi biển của dân làng chài Vạn Ninh truyền từ đời nọ sang đời kia, nơi khác không sao học được.

Từ tối hôm trước, các tướng đã chủ động sắp đặt để đức vua nghỉ đêm trên soái thuyền song khi tiếp các lão trượng làng chài Vạn Ninh tới kiến giá, hoàng thượng đã lệnh cho tùy tùng sắp đặt lên ngôi đình cổ ngay sát cửa sông tiện đàm đạo với các vị lão trượng. Các vị lão trượng không biết vị chủ thương thuyền uy nghi cân quắc tiếng nói sang sảng như chuông chính là Nam Việt Đế. Có vị còn bỗ bã nắm tay trò chuyện gọi đức vua là lão đệ hết sức thân mật. Khi đã tề tựu đâu đấy trên sạp gỗ trong ngôi đình cổ, một vị áng chừng là trưởng lão làng chài Vạn Ninh nhìn chủ thương thuyền phấn chấn nói:

– Lão đệ! Đang tiết cuối thu se lạnh, đệ lại hứng thú ra biển vân du hẳn là thương khách lớn đất Long Biên đi tìm thú vui trên biển, tiện xem xét mai kia điều tiết thương thuyền giúp cho thương hội. Lão hủ đây đã gần tám mươi, chứng kiến nhiều việc chốn dân gian vẫn cho rằng lênh đênh trên biển cũng là một kỳ thú vậy.

Đức vua thấy lão trượng tuy đã có chút men rượu song lời nói vẫn rất tinh tường, chỉ nhìn lướt đã đoán chắc đám người phía trước đều là thương nhân phú hộ vừa tuần du khảo sát cung đường vận chuyển trên biển bèn cười nói:

– Thưa lão huynh! Đệ đây quả là muốn khảo sát vài chỗ trên cửa sông cửa biển Trường Châu. Năm trước, thương đoàn của đệ khi chở hàng sang Hợp Phố đã bị đánh cướp mất hai mươi bảy thuyền trên xứ đảo Thiên Long. Vẫn biết đất có thổ công sông có hà bá, năm nào thương đoàn lão đệ cũng dâng cúng ba vạn lạng bạc trắng cho Hắc Long Đại Vương, bản thân ngài ấy đã cử mười chiếc hắc thuyền trợ lực vượt xứ đảo, không hiểu sao vẫn bị cướp trắng hai mươi bảy thuyền hàng đều là thức vật quý hiếm chút nữa khiến đệ phải sạt nghiệp. Nay nhân lúc trời quang mây tạnh, lão đệ cùng bọn gia nhân thử tuần du một chuyến tìm gặp thương thảo với Hắc Long Đại Vương xem sao?

Vị lão trượng Vạn Ninh thấy thương khách nhắc tới Hắc Long Đại Vương bèn sa sầm nét mặt tỏ vẻ bực giận nói:

– Lão đệ! Chớ có nhắc đến bọn ác tặc đó làm gì. Chính các thương đoàn, tiêu cục kinh thành thường xuyên cho đút vàng bạc mới khiến bọn chúng lộng hành trên biển. Dân chài cửa biển ba xứ đảo Bách Ngư, Thiên Long, Vạn Hoa đều khốn khổ khốn nạn với chúng. Chúng không chỉ hàng tháng cho lâu la đi khắp một vòng bắt dân các đảo phải nộp cống gạo, muối, lợn, gà ngon béo, mà làng chài xóm ấp nào có con gái đẹp chúng đều ngang ngược tới bắt đi nói là để hầu hạ chúa đảo. Bảy làng chài Vạn Ninh mười mấy năm nay đã phải cống nạp cho chúng hơn hai mươi thiếu nữ rồi. Đã nhiều lần, dân các làng chài xứ đảo trình báo nha huyện đều không thấy hồi âm. Bọn lão hủ đây đang tính liều một phen về thẳng triều đình tâu với tân vương việc giặc biển ức hiếp dân lành xứ vạn đảo. Nay lão đệ lại có ý tới thông đồng với chúng còn ra thể thống gì?

Vị thương khách trung niên nghe nói vậy bèn khẽ chau mày rồi chậm rãi nói với các vị trưởng lão:

– Các vị trưởng lão! Tại hạ hôm nay mới biết có vấn nạn giặc biển với chúng dân vạn đảo. Quả nơi xa xôi đầu sóng ngọn gió, chúng dân còn phải chịu nhiều ức hiếp không biết kêu cầu ở đâu? Các hương trưởng, huyện lệnh vùng xa phần thì e giữ ghế ngồi, phần lại sợ sệt bọn giặc cướp kề ngay bên cạnh. Triều đình ở nơi xa không phải cái gì cũng biết? Cũng may lão đệ đây là chỗ thân thiết cũ với tân vương, kỳ này trở về quyết tâu lên hoàng thượng đưa binh thuyền tới dẹp yên bọn giặc cướp. Xin các lão trượng hãy đợi thêm ít ngày nữa. Nhất định tại hạ không nói suông đâu!

Vị thương khách vừa nói tới đó, bỗng ở bên ngoài có toán người cầm đuốc rảo bước vào trong sân đình. Vừa tới nơi, toán người lập tức sụp lạy tung hô:

– Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế!

Bấy giờ, trên chiếc sạp gỗ chính giữa đình, các vị bô lão mới ngơ ngác rồi cập rập sụp lạy.

Lập tức vị thương khách tươi cười nói:

– Các vị lão trượng, hương thân hãy bình thân! Trẫm chỉ muốn lặng lẽ tuần du cửa biển, các vị hương thân đừng làm khó trẫm. Xin mời các vị vào cả trong này!

Khi đó, các vị lão trượng làng chài Vạn Ninh mới biết thương khách trung niên trò chuyện từ tối chính là Nam Việt Đế. Thật chẳng ngờ đức vua từ lời nói cung cách tới ăn mặc bên ngoài đều hết sức giản dị, sơ khoáng dễ gần. Lại như những uất ức của xứ vạn đảo ngài ngự đều đã sáu bảy phần thông hiểu, còn tỏ rõ chủ trương sớm đánh dẹp giặc cướp khiến ai nấy đều rất mừng.

Chuyện trò một lát mới biết các vị lão chài mới đến đều là binh lính cũ của Đô đốc Triệu Quang Thành ngày trước. Sau khi thua trận trên biển, chiến thuyền phần nhiều vỡ đắm trôi dạt về các cửa sông, binh lính sống sót của Triệu Đô đốc được cư dân bảy làng chài Vạn Ninh cứu vớt rồi ở lại mưu sinh. Sau này, khi Đô đốc quân sư Phùng Kim thống suất thủy quân phá tan bọn Dương Sằn đã nhiều lần cho người về các cửa biển Đằng Giang tìm lại bọn lính cũ cũng được ít nhiều. Song nhiều người đã an cư lạc nghiệp nơi làng chài Vạn Ninh không muốn theo vào trong quân nữa đều được Phùng Đô đốc thuận cho. Buổi chiều, khi tới làng chài, Đề đốc Phùng Thanh cùng bộ tướng lên bờ tới ngôi đình cổ xem xét trước, lính cũ của Phùng lão Đô đốc ở ở đây đã ngờ ngợ rồi mau chóng nhận ra bởi ngài Đề đốc giống cha như tạc. Vậy mới có việc các vị hương thân cũng là lính cũ thủy quân Vạn Xuân đốt đuốc tới lạy tạ hoàng thượng.

Suốt đêm hôm đó, các lão chài cửa biển Vạn Ninh ân cần hầu chuyện hoàng thượng. Nhất loạt những thói quen đi lại của bọn đảng Hắc Long, luồng lạch nông sâu, số lượng thuyền bè ba xứ đảo Bách Ngư, Thiên Long, Vạn Hoa đều được các lão chài bẩm báo cẩn thận với hoàng thượng. Nhận định việc hàng phục đảng cướp Hắc Long trên biển không thể ngày một ngày hai sớm xong được, đức vua lệnh cho Đề đốc Phùng Thanh tạm dừng thuyền nơi cửa biển Vạn Ninh ít ngày để đích thân ngài ngự bàn với các vị lão trượng cách thức chế phục giặc biển.

Nha van Phung Van Khai thu 2 tu trai sang di dien da tai Bac Giang - Nam Việt Đế hàng phục đảng Hắc Long - Truyện lịch sử Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (thứ 2 từ trái sang) đi điền dã tại Bắc Giang.

*

Buổi sáng trên biển xứ đảo Bách Ngư.

Sau năm ngày ở cửa biển Vạn Ninh vừa đàm đạo với các vị trưởng lão nơi đây vừa để cho Đề đốc Phùng Thanh có thời gian sửa soạn thêm bảy mươi chiếc thuyền ba vách cỡ lớn trên chất đầy lương thảo, khí cụ cho cuộc tuần du. Thuyền ba vách vốn chuyên dùng cho việc đi biển tùy theo hải trình dài ngắn mà bố trí từng loại lớn nhỏ. Mỗi mùa biển động hoặc cần phải ngược nước, ngược gió, chỉ loại thuyền ba vách bốn cột buồm mới đi lại được. Các thương đoàn buôn bán phải đi qua các xứ đảo Bách Ngư, Thiên Long, Vạn Hoa đều phải nhờ vào loại thuyền này. Thuyền ba vách trông bề ngoài đơn giản nhưng không hề dễ đóng. Phải là các lão thợ kỳ cựu vùng biển Vạn Ninh mới chế tác sử dụng được đã từng có nơi khác mua về tháo ra rồi bắt chước đóng mới y sì không sai sót mà khi thả ra biển gặp sóng lớn lập tức vỡ thành nhiều mảnh chủ thuyền còn không hiểu tại sao. Bí thuật nằm ở nhiều chỗ, đặc biệt long cốt[1] của thuyền ba vách chính là lõi cây táu mật chỉ có ở trên đỉnh núi Vạn Ninh. Loại táu mật này không chỉ dẻo dai bền chắc mà còn cứng hơn sắt thép. Thuyền càng dài rộng, long cốt càng phải vững chắc. Mà chỉ có thể dùng độc một cây táu mật chứ tuyệt không được ghép gặp sóng sẽ lập tức đứt gãy ở khớp nối không khắc chế được. Ngay như các xương hoành thiết[2] trong thân thuyền cũng phải được làm bằng loại gỗ táu mật trên đỉnh núi Vạn Ninh. Tùy theo độ dài thân thuyền có thể là mười lăm, hai mươi, ba mươi bộ hoàng thiết tạo thế liên hoàn vững chãi. Các loại ván gỗ trong thuyền đều dùng chủng gỗ de thớ mịn hết sức bền dai. Giữa các khe ván gỗ thường được đóng so le hai lớp đều dùng vỏ hà biển đốt cháy thành vôi trộn với dầu cây trẩu pha đất sét trắng mua của bọn lái buôn nơi đầu nguồn Lục Đầu Giang thành chất kết dính chét vào các khớp nối, khe ván gỗ vô cùng vững chắc. Thuật đóng thuyền còn tùy theo chủng loại mà gia cố thêm bớt nhưng hễ là thuyền xuất xứ ở bảy làng chài Vạn Ninh đều được đặt mua với giá gấp rưỡi nơi khác. Đây cũng là thông lệ nơi cửa biển Đằng Giang.

Trước khi tới xứ đảo Bách Ngư, Đề đốc Phùng Thanh sau khi thỉnh mệnh hoàng thượng đã cho gọi hai đô tướng Phạm Bang, Kiều Thái đến căn dặn. Vâng mệnh chủ tướng, Phạm Bang và Kiều Thái bèn chia hai trăm hải thuyền làm sáu đội trên đều cho trương các sắc kỳ: Hồng kỳ, Hoàng kỳ, Lam kỳ, Bạch kỳ, Lục kỳ, Tương kỳ. Trừ sắc Hắc kỳ tuyệt không dùng đến. Phùng Đề đốc còn dặn khi chưa có pháo hiệu tuyệt không được tiến bừa. Cẩn thận hơn, trên mỗi hạm kỳ, Đề đốc Phùng Thanh đều cho một vị lão trượng cùng mười tráng đinh Vạn Ninh lên giúp các đô tướng Phạm Bang, Kiều Thái nắm rõ thêm các luồng lạch nơi xứ đảo.

Đang tiết trời đầu đông gió lạnh, mặt biển xám ngoét thu hẹp tầm nhìn. Xứ đảo Bách Ngư chìm trong màn sương đùng đục. Hai mươi chiếc thuyền chất đầy hàng hóa trên treo cờ hiệu tiêu cục Vạn Hành An như đang cố dò dẫm bơi trong biển sương mù tiến về phía xứ đảo Thiên Long. Tiếng là phân chia các xứ đảo Bách Ngư, Thiên Long, Vạn Hoa, kỳ thực trên biển cũng đều hòa trộn cả khó rạch ròi phân định. Ngay cả các lão ngư dân cả đời đánh bắt cá tôm nơi vạn đảo nhiều khi cũng không biết mình đang ở Bách Ngư hay ở Thiên Long, Vạn Hoa nữa? Nơi đất trời như dính liền làm một, chẳng ai còn để tâm phân định làm gì.

Trời càng lúc càng sáng dần, hai mươi chiếc thuyền hàng lặc lè tiến về phía xứ đảo Thiên Long. Chỉ thấy bốn phía mây kéo quang dần. Biển dưới mạn thuyền xanh ngắt. Sóng chỉ lao xao sì soạp dội thân thuyền. Những mái chèo dài ngoằng nhịp nhàng chém xuống nước biển xanh.

Hai mươi thương thuyền lặng lẽ tiến về phía trước. Cũng đã vài tháng nay, nơi xứ đảo Thiên Long mới lại có bóng dáng thương thuyền. Đoàn thuyền vừa qua hết khoảng biển rộng nhịp nhàng tiến vào luồng biển hẹp hai bên có đến bảy, tám đảo nhỏ như đột ngột nhô ra từ trong lòng nước. Đây chính là khoảng ranh giới giữa xứ đảo Bách Ngư và xứ đảo Thiên Long.

Đám thương thuyền đang thuận tay chèo bỗng chợt dừng cả lại. Phía trước, ngay sát mấy hòn đảo lờm chờm mặt nước, thình lình vụt hiện hai đội hải thuyền hơn chục chiếc. Lá kỳ hiệu đen đúa thêu bốn con rồng trắng chờn vờn trên sóng đột ngột hiện ra.

Khi đám thương thuyền còn chưa hết bàng hoàng, các tay chèo đều buông rời, bọn phu thuyền sợ hãi dạt về một góc cũng là lúc từ các hải thuyền Hắc Long, vô số bọn người hung dữ lăm lăm mã tấu hò nhau nhảy phắt lên thuyền.

Chỉ trong thoáng chốc, đoàn thương thuyền đã hoàn toàn bị khống chế ngoan ngoãn đi theo các hải thuyền dẫn về phía xứ đảo Thiên Long.

*

Hàng chục bó đuốc lớn cháy rừng rực tỏa ánh sáng bập bùng nhảy múa khắp nơi trần vách trong hang. Không thể nào ngờ giữa trùng khơi sóng nước xứ đảo Thiên Long lại có một lòng hang đá rộng lớn bên trong bài trí nguy nga như cung điện vua chúa. Ngay cả các đồ trân quý, các thức vật ngọc lụa, các đồ gỗ, đồ đồng, từ long ngai dát vàng rực rỡ đến những tấm nệm da hổ dài rộng vài sải tay. Nhất loạt các đồ binh khí đao thương cung kiếm đều được bày dựng dàn dạt trong lòng hang. Chính giữa cung thất nguy nga là một chiếc long ngai bằng cẩm thạch bọc da hổ lớn như chiếc sập đại. Hai bên, hai hàng tú nữ mặt hoa da phấn cầm hốt đứng chầu. Tiết trời khá lạnh mà đám tú nữ ăn mặc vải lụa hờ hững phong phanh phô bày da thịt. Gương mặt ả nào cũng lóng lánh như tiên nữ giáng trần.

Chĩnh chện giữa long ngai là vị đại vương độ tuổi trung niên to béo phục phịch, cặp mắt híp nhỏ như mắt rắn. Đại vương ăn mặc cầu kỳ, trên người đeo đầy đồ trang sức tưởng như chỉ trọng lượng của chúng người thường khó có thể đứng dậy. Vầng trán thấp bóng lưỡng của đại vương còn khoanh tròn trên đó một bộ vòng vàng đính ngọc chờm cả ra những lọn tóc xoăn đã bắt đầu đốm bạc. Ngay đôi hia bằng da báo cũng có tới sáu, bảy chiếc kiềng vàng như vít chặt đại vương xuống đất. Vừa nhìn thấy toán lâu la phía trước dẫn vào đám tù binh bị trói, đại vương đã ồ ồ cất giọng như khoan vào tai óc những kẻ xung quanh:

– Lũ bay chớ vô lễ với khách quý của quả nhân! Hãy mau mở trói cho khách!

Đám lâu la dường như đã quen với cảnh này lập tức tiến về phía trước bọn người mới bị dồn đến vung kiếm lên loang loáng. Như để thị uy đám thương khách cũng là phô diễn tài nghệ của mình, chỉ loáng cái, dây trói lả tả rơi xuống đất, năm sáu người bị trói thoáng chốc xoa tay hướng về phía đại vương khúm núm tạ ơn:

– Xin tạ ơn đại vương!

Vị đại vương trên long ngai phẩy tay một cái khiến toàn thân trang sức kêu xủng xoảng lập tức cất giọng nói:

– Các vị thương đoàn không cần phải khách sáo, càng không cần phải đa lễ. Quả nhân xưa nay thay trời hành đạo chưa bao giờ cậy thế ức hiếp các ngươi. Đối với quả nhân, bất luận là thương khách phương Nam hay phương Bắc, quan quân thượng quốc hay vua chúa man di đều nhất loạt coi như nhau. Tất cả đều phải tiền trao cháo múc. Muốn hàng hóa hay quan quân luân chuyển qua xứ đảo Thiên Long đều phải để lại một phần ba làm lộ phí. Tất thảy đều được quy ra bạc trắng mà nộp, tuyệt không phân biệt nam bắc đông tây. Đến cả xứ đoàn của Phật tổ nơi Tây Trúc qua đây, quả nhân cũng không ngoại lệ!

Thấy vị đại vương dường như đang ở lúc phấn chấn tự cho mình làm cán cân trên biển, vị thương khách trung niên vóc vạc cao lớn hiên ngang liền tiến về phía trước vài bước cung kính thi lễ nói:

– Bẩm đại vương! Ngài quả là thánh minh sáng suốt! Hạ nhân đây vốn từ xưa hâm mộ oai phong của ngài mới cố tình tìm đến nay đã được diện kiến bậc chí tôn quả danh bất hư truyền. Cầu chúc cho đại vương vạn thọ vô cương chủ trì công đạo cho thương đoàn các xứ mới là vạn phúc cho thương hội.

Vị đại vương thấy lão thương nhân phía trước lời nói mềm dẻo mà khí độ hiên ngang trong bụng đã có sáu bảy phần tò mò. Xưa nay, các thương khách bị bắt sống dẫn giải vào nơi đây đều bốn năm phần dở sống dở chết vì sợ hãi. Có kẻ sợ quá chân không đứng vững người cứ nhũn ra phải đến lúc đại vương cho người đưa trở lại thuyền mới ú ớ nói lời cảm tạ được. Nay bọn người này vừa bị dẫn tới trước long ngai đã khua môi múa mép quả gan không phải nhỏ.

Thấy vậy, Hắc Long Đại Vương bèn hỏi:

– Ồ! Lão thương nhân! Chẳng hay ngươi đến từ phương Nam hay phương Bắc? Những lời đồn thổi về ta ngươi nghe được từ lũ quan quân hay bọn thương đoàn? Ngươi bảo tự tìm đến ta là ý làm sao? Xưa nay phàm là quan quân hay thương khách đều tìm mọi cách tránh mặt quả nhân, đây ngươi lại cố công tìm đến quả thực khác người. Nếu trí trá nói sai nửa câu đừng trách quả nhân độc ác.

Vị thương khách trung niên phía trước vẻ mặt vẫn điềm nhiên còn có phần tươi tắn nói:

– Bẩm Đại Vương! Hạ nhân chính là Vạn Tuấn Thần chủ tiêu cục Vạn Hành An đã từ lâu mến mộ uy phong Đại Vương. Tổ tông của hạ nhân hơn chục đời trước vốn ở Giang Nam, vì vướng vào nạn văn bút thời Ngô Đế mà phải phiêu dạt xuống Giao Châu kiếm kế mưu sinh. Vạn Hành An mỗi năm có tới ba, bốn trăm thuyền hàng luân chuyển qua xứ đảo Thiên Long đều dâng cúng đầy đủ thức vật, bạc trắng cho Đại Vương không dám sai sót nửa cắc. Năm ngoái, hơn bốn mươi thuyền tơ lụa của Vạn Hành An cất từ Hợp Phố qua vùng kiêm quản của Đại Vương không hiểu sao đều còn là những thuyền rỗng trở về? Đám gia nhân còn vu tội cho các tướng của Đại Vương trưng tập của cải, hạ nhân đều không tin lời chúng. Xưa nay Vạn Hành An vẫn tuân theo ý chỉ của Đại Vương ba phần lấy một. Đoàn thuyền bốn mươi mốt chiếc chở tơ lụa từ Hợp Phố tới xứ đảo Thiên Long đã dành ra mười bốn chiếc dâng lên Đại Vương rồi. Ẩn tình này mong đại vương hãy soi tỏ cho hạ nhân. Còn như hai mươi chiếc thuyền chở sản vật, đồ gốm, đồ đồng hôm nay tới xứ đảo Thiên Long đều là quà của hạ nhân dâng lên Đại Vương vậy.

Vị Đại Vương ngồi trên ngai vàng nghe kẻ phía trước mặt tâu bày từng câu chữ rõ ràng biết ngay đã gặp phải đại thương khách lại chính là mối làm ăn từ mấy chục năm – tiêu cục Vạn Hành An. Tiêu cục Vạn Hành An vốn có giao hảo với đảng Hắc Long từ hơn trăm năm trước. Trong các lời tổ huấn của họ Từ từ khi làm chúa đảo xứ Thiên Long đều đã căn dặn kỹ phải hết sức giữ chữ tín với hai tiêu cục lớn là Bát Bảo Tiêu ở Hợp Phố và Vạn Hành An ở Giao Châu.

Thấy đều là khách cũ vốn giao hảo ân tình, đại vương Từ Thiên Hắc bèn nhanh nhẹn đứng dậy tiến về phía vị thương khách ôn tồn nói:

– Ồ ồ! Thì ra là Vạn tiên sinh! Lúc trước bọn lâu la không biết hàng hóa của tiên sinh đã phá lệ làm bừa ta vẫn muốn có dịp đưa hàng trả lại cho Vạn tiên sinh mà chưa được mong tiên sinh thứ lỗi. Vạn tiên sinh đã tới đây là thượng khách của ta. Những hiểu lầm hôm trước mong tiên sinh bớt giận.

Vị khách trung niên thấy Đại Vương họ Từ vẻ ngoài phục phịch nặng nề mà dáng đi hãy còn rất nhanh nhẹn biết ngay là bậc cao thủ. Lại chỉ trong tích tắc đã thay đổi từ lời nói bên ngoài tới sắc diện bên trong mới thong thả nói:

– Đại Vương! Chuyện không đáng cũng đã xảy ra rồi. Đại Vương đừng nên bận tâm làm gì. Hôm nay lão phu tới đây cũng là để mở rộng thêm tầm mắt còn muốn bàn bạc với ngàimột vụ làm ăn. Không hiểu ngàicó muốn nghe chăng?

Đại Vương chúa đảo vô cùng mừng rỡ nói:

– Đáng mừng! Đáng mừng! Cả đời quả nhân luôn ưa thích việc làm ăn. Làm ăn càng lớn quả nhân đây càng thích. Mấy năm trước, nếu không phải lão hồ ly Chiêu Chương Đạt sớm nuốt lời ta thì không chỉ xứ đảo Thiên Long mà các vùng Bách Ngư, Vạn Hoa nối thông đến Hợp Phố đã trở thành chốn thần tiên rồi. Nào đâu họ Chiêu chỉ biết giữ mình bỏ mặc thuộc hạ chết cháy chết chìm nơi đất khách, hai vạn tạ quân lương hứa trả cho quả nhân cũng bị lão hồ ly phủi mất mới khiến đám lâu la của ta phải cướp bừa hàng hóa của các hạ ngài. Nay có mối làm ăn gì, Vạn tiên sinh hãy mau nói ra đi? Bất kể là khống chế thương thuyền đông tây nam bắc trên biển hay đốt kho cướp bến trên bờ; bất luận là luân chuyển vàng bạc châu báu gạo muối đồng sắt hay tú nữ mỹ nhân quả nhân đây đều thành thạo. Vẫn theo luật lệ cũ, qua ba lấy một. Người quy ra bạc, bạc quy ra vàng theo lệ cũ xưa nay. Quả nhân cũng đang muốn xem lá gan của các hạ.

Chủ tiêu cục Vạn Hành An nhìn thẳng vào vị Đại Vương thong thả nói:

– Từ Đại Vương! Ngài quả là có chí khí của bậc anh hùng trong thiên hạ còn luôn coi trọng chữ tín làm đầu. Đại Vương hẳn đã biết rõ rằng, xưa nay, việc thông thương nam bắc đều là bên nặng bên nhẹ. Tất thảy tài vật quý hiếm, đồng sắt gạo muối, gỗ quý, sừng tê, ngà voi, thợ giỏi, mỹ nữ đều là từ phương Nam đem lên dâng nộp cho phương Bắc. Ngay cả những thứ như gốm trắng, đá xanh, chu sa, đất sét, cây thuốc quý hiếm các thương nhân cũng đều tìm mọi cách mua gom vận chuyển về phương Bắc cả. Còn như từ phương Bắc xuống phương Nam phần lớn cũng đều là những thuyền rỗng trở về, có chăng là chút vải lụa Giang Nam mà thôi. Nay tân vương Vạn Xuân vốn ưa thích việc giao thương, buôn bán, lại là chỗ quen biết cũ của họ Vạn nên lão phu mới đích thân đi chuyến này tới bàn với Từ Đại Vương xin ngài ân chuẩn để Vạn Hành An thiết lập một hành doanh trăm gian chứa đủ mọi hàng hóa thức vật trên xứ đảo Thiên Long. Việc này Đại Vương hãy đứng ra làm chủ. Các thương đoàn từ phương Bắc tới cứ việc lấy hàng trong kho ở xứ đảo Thiên Long rồi trả bạc trắng cho ngài. Các thương đoàn, tiêu cục ở Long Biên, lão Vạn ta sẽ đứng ra làm chủ gom góp hàng hóa, vận chuyển tới đây. Tỷ lệ thông quan vẫn theo chế định của Đại Vương đều được quy ra bạc trắng. Như vậy cũng vẹn cả đôi đường, đến như hoàng đế, quân vương phía nam, phía bắc cũng chỉ nhìn ra biển mà thở dài thôi.

Hắc Long Đại Vương như đột nhiên quên mất mình đang là chúa đảo lập tức ôm chầm lấy chủ tiêu cục Vạn Tuấn Thần mừng rỡ nói:

– Hay lắm! Quả là ông trời đã đem Vạn tiên sinh tới cho ta!

Suốt ba ngày ba đêm, Hắc Long Đại Vương chúa đảo Thiên Long đích thân chiêu đãi thương đoàn Vạn Hành An hết sức chu đáo. Nơi ở của Đại Vương chúa đảo xa hoa không kém gì cung thất lộng lẫy của vua chúa phương Bắc. Mọi thức vật trân quý, sơn hào hải vị, mỹ nữ các tộc người phương Nam, phương Bắc đều có đủ. Khu hang động liên hoàn trong ruột núi không chỉ vững hơn tường đồng vách sắt ngay một con chim vào ra cũng khó lọt thoát được bài trí hết sức trang nhã, công phu. Tương truyền các hiệp thợ giỏi ở Giang Nam, Hợp Phố, hoặc các làng nghề nổi tiếng ở Giao Châu đều từng đến phục dịch Hắc Long Đại Vương xây dựng, tu sửa cung điện trong lòng biển. Có đám thợ Giang Nam thình lình được đón đi tuyệt tích đến hai, ba năm trời sửa xong cung thất, khi được đưa trở lại bản quán cứ ngơ ngẩn như mình xuống xây cung điện cho Long Vương không biết đâu là thực đâu là hư nữa. Những câu chuyện nửa hư nửa thực như thế truyền đến tai các hoàng đếTrung Nguyên đám quyền thần chỉ biết tìm mọi cách gạt đi còn cho đó là việc hoang đường. Từ thời Tần, Hán, Ngô, Ngụy, Tấn… các hoàng đế Trung Nguyên luôn bắt bọn thuộc tướng đi tìm ra các đảo xa học phép tu tiên cũng chính từ những lời truyền tụng nửa thực nửa hư. Ngay như Ngô Đại đế Tôn Quyền cũng đã sáu bảy lần sai thuộc hạ dùng hải thuyền vượt biển Quỳnh Châu đi về phương Nam tìm thuốc tiên bọn chúng đi rồi đều sợ hãi không dám trở về kiến giá.

Hắc Long Đại Vương và Vạn tiên sinh tỏ ra rất hợp ý nhau. Biết được tiên sinh họ Vạn nhiều đời trước từng xuất thân ở Giang Nam cũng là đồng hương với họ Từ nên chúa đảo càng tỏ ra quý trọng. Kiến thức mọi mặt của Vạn tiên sinh cũng không phải tầm thường. Họ Vạn thông kim bác cổ, nhất loạt các điển cố, điển tích Giang Nam, trên từ chuyện thiên văn thiên tượng, dưới là chuyện các ngôi đất mạch nước đầm hồ tiên sinh đều bàn tới cốt yếu của sự việc. Ngay cả những việc trong huyền thoại như sách đọc của Đại Kiều, Tiểu Kiều thuở thanh mai trúc mã đến thuật múa kiếm dụng binh của Tôn Sách, Chu Du; hoặc như vải lụa mà Ngô lão quốc thái sai thị nữ đem xuống thuyền chuyển sang Kinh Châu cho công chúa út đến thuật tàng hình trên sóng nước của ngũ hổ tướng Triệu Vân hộ giá Lưu Bị vượt Trường Giang thảy đều được Vạn tiên sinh kể rất tài tình. Đến mức Đại Vương họ Từ mấy ngày liền nghe mãi không chán. Cũng trong khoảng thời gian đó, đã mấy lần Từ Thiên Hắc xin được kết nghĩa huynh đệ với Vạn tiên sinh hết sức chân thành. Sau vài lần từ chối, chủ tiêu cục Vạn Hành An mới bất đắc dĩ tuân theo. Hắc Long Đại Vương cũng ân chuẩn sai các tùy tướng dẫn đám người đi cùng Vạn tiên sinh đi khắp các đảo xung quanh tìm nơi thích hợp để dựng trăm gian nhà gỗ chuẩn bị cho công cuộc làm ăn.

Tới ngày thứ tư, khi Vạn tiên sinh và Hắc Long Đại Vương vẫn còn đang như tân nương tân lang hình bóng không rời, bỗng vị tiên sinh họ Vạn nhân một buổi chỉ có hai người ân cần nói:

– Từ lão đệ! Mọi việc cần bàn huynh đều đã thỉnh bàn với vương đệ. Đã đến lúc huynh phải tạm bái biệt vương đệ trở về. Mười mấy thương đoàn, tiêu cục, hàng trăm thương thuyền nơi cửa biển Đằng Giang đang trông chờ tin tức của huynh. Vương đệ hãy sớm sửa soạn khu hành doanh cho khang trang để chứa các đồ quýnhập kho tiện nay mai đón các thương đoàn từ Hợp Phố đến lấy hàng. Mọi việc bàn giao hàng hoá quy đổi ra bạc trắng ở đây, vương đệ hãy chủ trì giúp ta.

Hắc Long Đại Vương chúa đảo Từ Thiên Hắc bỗng đâu được mối làm ăn lớn từ trên trời rơi xuống luôn mấy hôm tỏ ra mừng rỡ chắc mẩm trong bụng từ nay chỉ cần ngồi yên một chỗ đã có thể khống chế các dòng thương thuyền buôn bán hai phươngnam – bắc không còn phải chia binh tướng đi cướp giật trên biển như trước nữa. Lại thấy Vạn tiên sinh vốn xuất thân đất Giang Nam có máu buôn bán lại là chủ tiêu cục Vạn Hành An mạng lưới bảo tiêu cung ứng hàng hoá rộng khắp Vạn Xuân tất việc giao thương không bao giờ dứt. Họ Từ như nhìn thấy từng dòng bạc trắng, vô số gái đẹp các nơi tuôn về vương quốc của mình bèn xúc động nói:

– Vạn đại huynh! Huynh trưởng hãy bình an lên đường sớm có tin mừng báo cho đệ. Bọn tuỳ tùng huynh trưởng hãy để lại một ít để chúng giúp việc dựng hành doanh, kho xưởng. Lâu la thuộc tướng của đệ chỉ quen đánh cướp chứ việc sắp đặt kho xưởng chúng đã làm bao giờ đâu? Đại huynh hãy tin Từ Thiên Hắc này!

Vị khách thương nhân trỏ tay về phía xứ đảo Vạn Hoa ân cần nói:

– Từ lão đệ! Kìa đệ xem! Cả xứ đảo Vạn Hoa lớn nhỏ gần nghìn đảo nay mai ắt đều thuộc quyền cai quản của vương đệ. Từ xứ đảo Vạn Hoa tới Hợp Phố, Từ Hợp Phố tới Giang Nam rộng lớn nay mai ắt đều dần dần thu về tay vương đệ. Đạo lý của thương nhân dùng bạc trắng trị thiên hạ có kém gì đạo lý dùng gươm sắc giáo nhọn của quân vương. Những năm tháng phải bôn ba giữa trùng khơi của vương đệ quả là không uổng vậy. Ta hẹn với đệ không quá mười ngày nữa, hơn trăm chiếc thương thuyền lớn sẽ chở hàng quý tới hành doanh.

Hắc Long Đại Vương và vị thương nhân họ Vạn còn trò chuyện mãi đến khi thuyền nhẹ của tiêu cục Vạn Hành An tới bến đón mới thôi. Khi bóng mười chiếc thương thuyền đã khuất dạng nơi biển thẳm, Hắc Long Đại Vương dường như vẫn châng lâng trước mối lợi tới bất ngờ vừa quay trở về cung điện vừa lẩm bẩm:

– Quả là trời giúp họ Từ ta!

Vo chong Nha van Phung Van Khaitrong mot chuyen dien da tren bien - Nam Việt Đế hàng phục đảng Hắc Long - Truyện lịch sử Phùng Văn KhaiVợ chồng Nhà văn Phùng Văn Khai trong một chuyến điền dã trên biển.

*

Soái thuyền nơi xứ đảo Bách Ngư.

Luôn mấy hôm liền trời quang mây tạnh, xứ đảo Bách Ngư mùa ngư dân nghỉ biển các xóm chài đông đúc hẳn lên. Khắp hai bên con đường cát mịn chạy quanh co trên vô số đảo lớn nhỏ, đám đàn bà, con trẻ lao xao vá từng tấm lưới đợi mùa đi biển mới. Ở các bãi đóng thuyền nơi vụng đảo, hàng chục thuyền gỗ chiếc lật nghiêng, chiếc lật ngửa, chiếc gần như dựng đứng trên những cọc gỗ vững chãi để bọn phu thuyền tha hồ bào, đục, tu sửa, trét chất kết dính gồm vỏ hà nung cháy thành vôi trộn nhựa cây sắn thuyền giã nhuyễn dọc các khe nứt ngang dọc nơi thân thuyền. Xung quanh đám ván gỗ, cưa, đục, những vò rượu cùng đám xương gà, xương lợn lổn nhổn từ hôm trước chưa ai dọn của đám thợ bạn làng chài tới đánh chén vứt lăn lóc khắp nơi. Đàn ông xứ vạn đảo mùa nghỉ biển thường say bí tỉ ngày này sang ngày khác. Ấy vậy mà chỉ cần nghe tiếng cồng hiệu lệnh xuống thuyền đi biển, đám trai tráng, phu thuyền, già trẻ say lăn lóc trên bờ lập tức bừng tỉnh ngay. Khi đã xuống lòng thuyền nắm chắc tay chèo ai nấy đều tỉnh queo căng mắt vượt những con sóng trắng ra khơi tìm luồng tôm cá.

Trong lòng soái thuyền, quây quanh chiếc sa bàn đắp đất, Đề đốc Phùng Thanh nhìn khắp một lượt thấy các đô tướng đã tề tựu đông đủ, ngay cả đức vua cũng có mặt tự lúc nào đã ra hiệu miễn lễ cho các tướng để thuận bàn công việc.

Đề đốc Phùng Thanh trang nghiêm nói:

– Bẩm hoàng thượng! Từ xứ đảo Bách Ngư tới hành doanh Hắc đảng không quá hai canh giờ các thuyền của ta đều có thể nhất tề xung trận. Kỳ hiệu Vạn Hành An đều đã được chuẩn bị đầy đủ. Binh tướng các thuyền đều nắm chắc các vị trí phải chiếm cứ. Người của ta trên đảo báo về bọn Từ Thiên Hắc vẫn không hề tỏ ra nghi kỵ, đề phòng chuyện Vạn Hành An tới kết mối giao thương. Xin hoàng thượng định đoạt để chúng thần xuất chiến dẹp bọn giặc cướp trên biển.

Phùng Đề đốc vừa nói dứt lời, các vị đô tướng, đội trưởng từng chiến thuyền ai nấy xì xầm chỉ trỏ quanh chiếc sa bàn đắp đất. Trong số các đô tướng dự họp bàn, có đến hơn mười vị hôm trước từng theo đức vua cùng Phùng Đề đốc tới tận bên trong cung điện chúa đảo Hắc Long. Khi trở về, ai nấy đều dự tính sẵn công việc cần làm cho từng chiến thuyền hết sức tỉ mỉ, chu đáo.

Thấy các đô tướng hãy còn giữ ý chưa nói, đức vua bèn khích lệ:

– Phùng Đề đốc! Cuộc xuất chiến lần này trẫm có ba điều kiện. Thứ nhất, tuyệt không được chém giết bừa bãi mà phải mau chóng khống chế tên đầu đảng, bức hàng bọn lâu la sao cho nhanh gọn. Thứ hai, tuyệt không được đốt phá hành doanh, kho xưởng, bởi sau này không chỉ ngư dân vạn đảo dùng làm nơi tránh trú mưa bão, sửa chữa ngư thuyền mà các thương nhân nam – bắc qua xứ đảo đều có thể dùng để sắp đặt hàng hoá giao thương. Thứ ba, phải tìm chứng cứ tuyên tội Hắc đảng ngay chính nơi chúng gây tội ác để chúng phải tâm phục khẩu phục mà chịu chết cũng là thông điệp gửi tới bọn người Trung Nguyên sau này không còn dung túng cho Hắc đảng làm càn.

Chúng tướng dạ ran mau chóng ai về thuyền nấy giong buồm vươn chèo nhằm thẳng xứ đảo Thiên Long.

Do đã thông tỏ từ trước, lại một mặt đám lâu la của Hắc Long Đại Vương nhận lệnh của chủ khẩn trương thu xếp hành doanh để đón các thương đoàn nhập đảo nên khi bảy đội thương thuyền mang kỳ hiệu Vạn Hành An nhất tề cập đảo bọn chúng không chút phòng bị đã mau chóng bị khống chế hoàn toàn. Ngay cả chúa đảo Từ Thiên Hắc cũng bị bắt sống lúc vẫn đang say sưa hoan lạc cùng các mỹ nữ Giang Nam trong cung điện. Hơn mười tên võ sĩ manh động cứu chủ đều đã bị giết dưới kiếm của đề đốc Phùng Thanh cùng các đô tướng ngay trong cung điện của họ Từ.

Các đô tướng cùng các vị trưởng lão, tráng đinh vùng biển Vạn Ninh, xứ đảo Bách Ngư mau chóng lục tìm khắp nơi trên đảo bắt giữ bọn lâu la. Vốn quen thói cướp bóc khắp nơi rồi trở về đảo ăn chơi hưởng lạc, bọn lâu la khi nhận ra tình thế đã trúng phải mưu kế của binh tướng Vạn Xuân biết có chống cự cũng vô ích bèn đua nhau xin hàng còn tình nguyện dẫn tới các hang ổ ẩn nấp của bè đảng. Chỉ trong vòng nửa buổi sáng, toàn bộ gian đảng Hắc Long trên các đảo lớn nhỏ trong đó có chúa đảo Từ Thiên Hắc kẻ bị bắt, người bị giết không sót một ai. Ngay tên chúa đảo, khi các vệ sĩ thân cận bị rơi đầu máu vọt bắn cả vào ngai vàng trong cung điện dường như vẫn còn chưa tỉnh mộng. Khi hiểu rõ cơ sự, Hắc Long Đại Vương đã bị trói giật cánh khuỷu dẫn ra cột chặt phía bên ngoài thềm đảo. Nhìn thấy hơn trăm thương thuyền lúc này đã nhất loạt thay bằng kỳ hiệu thuỷ quân Vạn Xuân, Hắc Long Đại Vương hộc lên một tiếng hai mắt trợn trừng uất hận.

Đã chuẩn bị từ trước, đề đốc Phùng Thanh trên mỗi thương thuyền đều cho đem sẵn vài chục cây luồng dài để binh lính, tráng đinh khi bắt lâu la đảng cướp đóng xóc như dân làng chài đóng cua biển ra chợ bán. Cứ bốn cây luồng hai cây kẹp chặt trên cổ, hai cây kẹp chặt dưới hông rồi dùng thừng tre trói chặt lại. Hai cánh tay bọn tù binh phải đặt thẳng ra phía trước dọc thân luồng cũng bị những sợi lạt giang bánh tẻ soắn bện hết sức chắc chắn. Nhìn bộ dạng đám cướp biển ngày thường hung hăng hống hách quen cướp phá chém giết nay tên nào tên nấy cum cút như mèo cắt tai lấm lét sợ sệt nhìn nhau không hiểu tại sao thoáng chốc cả một đảng cướp ngót nghìn tên làm mưa làm gió bao năm xứ vạn đảo Thiên Long đột nhiên sa bẫy như cua cá nằm trong chậu. Hắc Long Đại Vương uất nghẹn mắt mũi trợn ngược càng vùng vẫy sợi dây trói sắc lạnh càng như cứa chặt vào da thịt họ Từ. Biết mình đã mắc phải kế hiểm của vị tiên sinh họ Vạn, trong lúc bấn loạn, Từ Thiên Hắc thoáng nhìn thấy Đề đốc Phùng Thanh, gã gia nhân to lớn hôm trước tháp tùng chủ tiêu cục Vạn Hành An bèn xuống giọng khẩn thiết gọi:

– Tướng quân huynh đệ! Ta bị oan mà! Huynh đệ hãy mau dẫn ta đến gặp Vạn tiên sinh huynh trưởng của ta!

Đề đốc Phùng Thanh uy nghi trong bộ giáp phục Đề đốc thuỷ quân tay lăm lăm thanh trường kiếm nhìn khắp đám tù binh đang lũ lượt được giải đến nghe tiếng gọi của tên chúa đảo lập tức bước về phía Hắc Long Đại Vương cất giọng hỏi:

– Từ Thiên Hắc! Ngươi bị oan khuất ở đâu? Huynh trưởng Vạn Hành An của ngươi là ai sao có thể cứu cái mạng chó của ngươi được?

Hắc Long Đại Vương ngẩn người trước sự uy vũ của vị tướng Vạn Xuân lập tức hiểu ra lai lịch của chủ tiêu cục Vạn Hành An không phải tầm thường. Đến như kẻ gia nhân phục vụ ngài ấy hôm trước nay thoắt cái biến thành mãnh tướng chỉ vài canh giờ đã khống chế toàn bộ đảng Hắc Long ắt bản lĩnh của chủ nhân còn lớn hơn nhiều. Trong lúc cùng đường tuyệt lộ, Hắc Long Đại Vương không còn giữ được thể diện nữa bèn xuống giọng van xin:

– Tướng quân ơi tướng quân! Quả là ta bị oan mà. Hôm trước Vạn đại huynh còn hẹn đưa thương thuyền chở hàng tới cùng ta mưu việc làm ăn với thương nhân Hợp Phố cũng có cả tướng quân ở đó. Ta không dám nuốt lời xin tướng quân hãy nói với đại huynh vài tiếng giúp ta!

Đề đốc Phùng Thanh nhìn chúa đảo Hắc Long không nén được sự ghê tởm trong lòng. Mới mười ngày trước y còn huyênh hoang khoe chiến tích cướp quân lương của Chiêu Chương Đạt, mua cả đoàn kỹ nữ Giang Nam chưa thoả còn cho lâu la đi bắt liền một lúc hơn mười thiếu nữ các làng chài xứ đảo Bách Ngư về giở trò thú tính nay bị trói gô dưới đất còn một mực kêu oan mới trỏ kiếm vào họ Từ mắng lớn:

– Từ Thiên Hắc! Đến bây giờ ngươi còn chưa biết tội ư? Đảng Hắc Long các ngươi dựa vào đâu mà tới đây chiếm đảo chiếm biển cướp bóc lương dân hoành hành năm này qua năm khác? Ngươi còn cho xây cung thất trên đảo phè phỡn xa hoa chẳng kém gì vua chúa còn tự mình tấn phong chức Đại Vương, lạm dụng nghi trượng, khinh nhờn vương pháp. Ngươi tưởng các hoàng đế Trung Nguyên xa xôi vạn dặm không làm gì được ngươi thì Vạn Xuân ta tha tội chết cho ngươi hay sao? Nay ta vâng mệnh Nam Việt Đế tới tuyên tội chết cho ngươi cùng gian đảng cũng là thay trời hành đạo. Ngươi còn gì để nói hay không?

Từ Thiên Hắc nghe từng lời tuyên tội của viên mãnh tướng Vạn Xuân câu nào cũng đều đích đáng, song y thầm nghĩ chắc binh tướng Vạn Xuân cũng vì vàng bạc châu báu mà đến đây bèn liều lĩnh nói:

– Tướng quân huynh đệ! Ngài có tuyên ngàn tội ta cũng đến thế mà thôi. Ai ở vị trí của ta cũng đều thế cả. Chưa kể bọn lâu la dưới trướng chúng ỷ thế làm càn cũng đổ vấy cả cho ta hay sao? Nay ở giữa chỗ trời biển mênh mông chỉ có ta và ngài chẳng có hoàng đế hoàng thượng gì hết, ngài hãy tha mạng cho ta, mọi của cải vàng bạc châu báu mỹ nhân trên đảo ta đều dâng hết cho ngài. Chỉ xin ngài dăm chiếc thuyền nhỏ cùng vài chục kẻ lâu la rời khỏi nơi đây. Phía giữa trùng khơi cách đây trăm dặm có ngôi đảo hoang Bạch Long khô cằn nhỏ bé ở giữa trời nước mênh mông không thuộc đất đai của phương nào, ta có thể sống chút tuổi già ở đó. Được như thế đời đời kiếp kiếp họ Từ này xin đội ơn tướng quân. Xin ngài hãy gia ân làm phúc!

Đề đốc Phùng Thanh cười lớn nói:

– Từ Thiên Hắc! Ngươi quả là ham sống sợ chết đến mức lú lẫn rồi hay sao? Đâu phải ai cũng như ngươi vô pháp vô thiên chỉ biết của cải mỹ nhân mà không biết trên đầu còn có vương pháp, trong tim óc còn có đạo lý làm người. Càng nơi biển cả mênh mang càng phải biết giữ gìn cương thổ hải phận cho nước. Bạc vàng châu báu của ngươi đều là do cướp giật từ mồ hôi nước mắt bách tính Vạn Xuân ta mà có. Còn như đám mỹ nữ cũng đều là mua về từ khắp nơi bằng đồng tiền dơ bẩn, còn dám đem ra làm vật chuộc mạng hay sao? Ngươi lại còn mở miệng xin hòn đảo nhỏ hoang vắng xa xôi để sống qua ngày ư? Nơi cuối đất cùng trời, dẫu phong ba bão tố đến đâu, một tấc biển, tấc đảo của Vạn Xuân, người phương Bắc các ngươi đừng hòng đến ở. Ngươi thực đã làm ô danh họ Từ, còn mặt mũi nào đi đâu được nữa? Ta sẽ xử trảm ngươi tại đây! Chứng lý tội ác của ngươi đã rành rành, ngươi đừng hòng mong thoát tội!

Đề đốc Phùng Thanh vừa nói tới đó, bỗng từ phía trong lòng hang nơi cung điện trên đảo, mấy vị lão trượng dắt ra bảy tám thiếu nữ làng chài Bách Ngư trước đó bị lâu la Hắc đảng tới bắt đi. Một vị lão trượng tức giận đến nỗi xổ tung râu tóc thoáng nhìn thấy tên chúa đảo lập tức giằng chiếc mái chèo lớn trong tay một tên quân sầm sập chạy xuống toan giáng thẳng vào đầu Từ Thiên Hắc.

Thấy vậy, hai vị đô tướng vội sấn đến ngăn cản vị lão trượng.

Lão trượng trỏ thẳng vào mặt họ Từ gầm lên:

– Tên giặc thối tha họ Từ kia! Ngươi thật không bằng loài cầm thú. Bao năm hãm hại dân làng ta, hãm hiếp hai con gái của ta. Hôm nay lão phải băm vằm ngươi ra mới được.

Vị lão trượng chưa dứt lời, phía trước lại có bảy tám tráng đinh người nào người nấy thương tích đầy mình, có người bị chặt cụt nửa bàn tay, có người vết sẹo còn chưa kịp lên da non vắt ngang trên mặt, râu ria hốc hác ai nấy cầm búa cầm gậy xông thẳng tới trước tên chúa đảo trỏ mặt mắng:

– Tên họ Từ kia! Ngươi cướp thuyền của ta, bắt giết vợ con ta, còn bắt chúng ta về phục dịch đám lâu la sống không bằng chết. Chúng ta thề phải lột da ngươi, xẻ thịt ngươi, moi gan móc mắt ngươi!

Hắc Long Đại Vương chân tay đều bị trói chặt ú ớ kinh hãi không hiểu ở đâu ra vô số bọn ngư dân, lão trượng, thiếu nữ kéo đến chỉ mặt kể tội. Lâu nay, dung túng bọn lâu la làm đủ thứ chuyện thương luân bại lý, lại tưởng mình là ông trời con không biết có ngày phải đền tội nên chúa đảo Hắc Long đã từ lâu dường như không còn nhớ những tội ác chồng chất của mình. Họ từ chỉ biết nhắm chặt mắt lại phó mặc sinh mạng cho may rủi.

Để cho mọi người tới xỉ vả kể tội chán chê chúa đảo Từ Thiên Hắc, cũng là kịp đủ thời gian cho các vị lão trượng, tráng đinh cửa biển Vạn Ninh, xứ đảo Bách Ngư nhận mặt định tội từng tên trong đám lâu la bộ tướng đảng Hắc Long, đúng đến giờ Ngọ, Đề đốc Phùng Thanh mệnh lệnh đem Từ Thiên Hắc cùng một trăm hai bảy tên bộ tướng lâu la gây nhiều tội ác nhất loạt đều xử trảm ngay tại chỗ. Số còn lại đều cho thích vào trán bốn chữ “Tội nhân Vạn Xuân” rồi chia làm bốn đợt lần lượt thả chúng về Hợp Phố. Sau này, các ngư dân trên biển còn truyền kể nhau mãi câu chuyện bọn tù binh bị thích chữ cứ mãi loanh quanh không dám vào cửa biển Hợp Phố đúng lúc trời sóng to gió lớn khiến thuyền bị vỡ đắm chết rất nhiều.

Âu cũng là kết cục của bọn bất lương.

Trong suốt nửa tháng liền, vâng mệnh đức vua, Đề đốc Phùng Thanh cùng các đô tướng Phạm Bang, Kiều Thái cho triệu tập ba mươi bảy vị lão trượng từ các làng chài Vạn Ninh, Đằng Giang, các xứ đảo Bách Ngư, Thiên Long, Vạn Hoa tới cùng bàn việc yên ổn lâu dài xứ vạn đảo Trường Châu. Đang mùa sóng yên biển lặng, dân các làng chài nơi cửa biển và xứ đảo đều cử ra những đội thuyền tới các đảo lớn nhỏ xem xét kỹ mọi mặt, tính sinh kế lâu dài. Đích thân đức vua ân chuẩn việc thiết lập khu hành doanh hơn trăm gian kho xưởng trên đảo lớn Thiên Long, lập ra đội thương thuyền trăm chiếc giao cho hai đô tướng Phạm Bang và Kiều Thái tạm đảm đương thống suất.

Khi công việc dần đi vào nề nếp, mặc các vị lão trượng xứ vạn đảo lưu luyến chẳng muốn rời, nhằm một buổi trời quang mây tạnh, từ lúc mặt biển còn mờ mịt hơi sương, đức vua cùng Đề đốc Phùng Thanh lặng lẽ lên thuyền nhẹ theo cửa biển Đằng Giang trở lại Long Biên.

————————

[1] Long cốt: Theo thuật đóng thuyền cổ của làng chài Vạn Ninh, long cốt tức là cây gỗ xương sống theo trục dọc nằm dưới đáy thuyền giữ vai trò quyết định sự vững chắc của thuyền.

[2] Hoành thiết: Tức các xương ngang làm bằng gỗ kết hợp với long cốt tạo thành bộ khung vững chắc chống chọi lại sóng to gió lớn. Thuật đóng thuyền này vẫn còn tới hôm nay nơi các xưởng đóng thuyền thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

 

 

 

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây