NẾP NHÀ – SỰ BIẾN ĐỔI TỪ TRUYỀN THỐNG ĐẾN HIỆN ĐẠI

NẾP NHÀ – SỰ BIẾN ĐỔI TỪ TRUYỀN THỐNG ĐẾN HIỆN ĐẠI

NẾP NHÀ – SỰ BIẾN ĐỔI TỪ TRUYỀN THỐNG ĐẾN HIỆN ĐẠI

Huỳnh Ngọc Trảng

Bài nói chuyện trong buổi talkshow “Sống có gu” do Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức vào ngày 16/5/2019 nhân Triển lãm phong cách nội thất Việt Nam – Vifa GU tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC, quận 7, TPHCM). 

I.- TỔNG QUAN VỀ SỰ BIẾN ĐỔI VĂN XÃ TRONG MỘT THẾ KỶ QUA 

  1. Việc tiếp xúc với phương Tây đã có từ­­ lâu. Song, đặc biệt kể từ khi thực dân Pháp tiến hành chính sách khai thác thuộc địa Đông Dương vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 thì thực sự mới có tác động lớn. Đó là thời điểm xã hội Việt Nam, bắt đầu bước ra khỏi khuôn mẫu của xã hội khép kín của di sản và truyền thống sang một xã hội mở rộng của thời thượng và chọn lựa mà nổi bật là kinh tế hàng hóa và luân lý cá nhân chủ nghĩa.
  2. Rõ ràng là trong hơn 100 năm qua, tuy âm điệu phương Tây chiếm phần chủ đạo trong bản trường ca hiện đại hóa ở xứ sở này; nhưng sự rung động của các thế hệ cư dân hoàn toàn không như nhau, đặc biệt là những dị ứng và phản ứng từ thực tiễn đó đã nảy sinh ra các phong trào có qui mô, đích và đường khác nhau, song tất thảy đều có xu hướng đề kháng dân tộc chủ nghĩa. Toàn cảnh là sự nhập nhằng giữa áp bức và đấu tranh, sự áp đặt và giải trừ, giữa những thất bại đau thương đẫm máu và những thắng lợi hào hùng, giữa tình trạng thế giới hóa và nỗ lực bảo tồn phong hóa. Do đó, cơ cấu văn hóa, cái GU chung nhất là một tập thành những thành tố truyền thống và những thành tố mới mà giờ đây đã là một tập họp quan trọng – có thể gọi là “truyền thống mới” trong toàn cơ cấu văn hóa vật chất (ăn, mặc, ở, đi lại, sinh hoạt) và văn hóa tinh thần, bao gồm thế giới quan và nhân sinh quan…

II.- NGÔI NHÀ VÀ NẾP NHÀ XƯA VÀ NAY 

  1. Ngôi nhà truyền thống được coi là dương cơ có vai trò quan trọng tương đương như âm phần. Tuy vậy, ngôi nhà truyền thống dành không gian quan trọng có qui mô lớn cho tổ tiên/người chết lớn hơn không gian dành cho người sống. Đối với người sống, nó dành phần cho người lớn nhiều phần hơn cho người trẻ/nhỏ; đàn ông nhiều hơn phụ nữ.
  2. Chế độ gia trưởng dẫn đến sự bất bình đẳng trong sinh hoạt gia đình. Đó là một tập thể nhiều thế hệ chung sống dựa trên qui tắc tuân phục phi dân chủ, nhưng lại dựa trên sự tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống đặc biệt lúc khốn khó.
  3. Chủ nghĩa tông tộc làm cho phạm vi gia đình được mở rộng hơn, tạo nên một mạng lưới thân tộc ấm áp chung quanh gia đình; nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy tạo nên gánh nặng trách nhiệm cho các thành viên như việc đóng góp ma chay, cúng giỗ, tế tự v.v… tu bồi mồ mả, xây dựng và trùng tu từ đường… Ở đấy, chế độ tông tộc cũng ràng buộc, hạn chế tự do cá nhân.
  4. Có nhiều nguyên nhân làm tan rã chế độ gia đình nhiều thế hệ và làm lỏng lẻo tinh thần gia tộc. Các nguyên nhân đó là sự phát triển phương tiện giao thông, đô thị hóa, sự phát triển công nghiệp, chiến tranh v.v… Thực tế là càng lúc gia đình hạt nhân càng phát triển chiếm tỉ trọng lớn trong xã hội. Khuôn mẫu chung là gia đình gồm cha mẹ và con cái đã trở thành phổ biến. Nếp nhà truyền thống đang gặp thách thức là xung đột thế hệ. Làm sao để có được sự tự do tự chủ của con cái mà đồng thời vẫn đảm bảo được hơi ấm hạnh phúc, tình cảm của thế hệ ông bà và con cháu, đặc biệt là việc thực hành chu toàn hiếu để. Đạo hiếu và phong hóa gia đình hiện đại là một vấn đề không thể không lưu tâm.
  5. Bản thân nếp nhà hiện đại cũng đang diễn biến theo chiều hướng khác xưa, ở đó, nổi bật lên hàng đầu là sự phân hóa có xu hướng cá nhân. Rõ ràng là xã hội hiện đại càng lúc càng có nhiều điều kiện thuận lợi cho quyền tự quyết của cá nhân trong việc chọn lựa và thị hiếu. Do sự chênh lệch về giờ giấc làm việc ở công sở, hãng xưởng, công ty lẫn giờ giấc học tập và sinh hoạt của con cái… bữa cơm gia đình đã không có thể là cuộc sum họp gia đình. Cái hiện tượng mà tôi có lần viết trên mục “Câu chuyện văn hóa” của báo Nhà Đẹp có nhan đề là “Văn hóa tô” đã giành lấy vị trí của mâm cơm mẹ nấu. Thêm vào đó, văn hóa tô được hộp, bịch hỗ trợ và thuận lợi hơn nhờ sự tích cực của Go Việt, Grab food “freeship”. Cái thị hiếu ẩm thực đa dạng của các thành viên trong gia đình như vậy đã góp phần làm giảm sút chất lượng hay phá hỏng bữa cơm sum họp của gia đình.

Ở lĩnh vực giải trí, càng lúc càng ít đi việc cùng ngồi xem một chương trình tivi, cùng đưa nhau đi xem kịch, hát, coi phim… Cơm tối xong, mỗi người một máy: hoặc tivi, hoặc điện thoại, hoặc Ipad, hoặc P.C. Các chương trình nghệ thuật thì ai thích gì thì đi với nhóm của mình v.v…

Trẻ con giờ thì có góc riêng, phòng riêng. Đó là chốn riêng tư. Cha mẹ, anh chị muốn vào phòng phải gõ cửa mới đúng phép lịch sự. Nói chung, khác xưa lắm rồi, thậm chí không ít bậc phụ huynh đã xác lập phương châm: Con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó.

  1. Khuôn mẫu đại gia đình-gia tộc truyền thồng rõ ràng đã làm ngột ngạt một số người, song cũng nhờ sự tương trợ và tình thương đã giúp nhiều người trưởng thành và thành đạt. Đối ứng mô hình gia đình ở các đô thị lớn là cái tính vô danh và vô hình, họ sẽ gặp những nỗi buồn không-biết-tỏ-cùng-ai vì không còn mạng lưới thân tộc huyết thống vì bà con thân thích ở dưới/ngoài quê đó đã cách trở hoặc đã lỏng lẻo vì những tác nhân khác. Chính điều này, đòi hỏi mỗi gia đình hạt nhân phải tái định dạng một mạng lưới thân tộc xã hội, tức thiết lập một tập họp thân thích không dựa trên huyết thống mà dựa trên mối quan hệ đồng nghiệp, đồng đạo, đồng sở thích, cùng quan điểm, hợp gu với mình. Thực tế chứng minh rằng, ai đã tạo nên một mạng lưới “thân tộc xã hội” tích cực sẽ đem lại những lợi ích quan trọng cho gia đình mình. Tất nhiên, việc tái định dạng gia đình trên cơ sở “thân tộc xã hội”, cũng chỉ có kết quả khi đặt nền tảng trên sự tương trợ, tương thân tương ái – cái thuộc tính cho-nhận qua lại của quan hệ thân tộc huyết thống.
  2. Như vậy, nếp nhà hiện đại đang biến đổi khác xưa ở những điểm khá cơ bản. Đó là sự thay đổi bản chất bổn phận gia đình, người ta càng ngày càng ít dành thời gian cho bất cứ cái gì giống như gia đình và càng ngày càng xuất hiện những dấu hiệu của sự căng thẳng và xung đột nhiều hơn trước đây. Gia đình hiện nay đang ngả qua xu hướng coi đó là lĩnh vực mà trong đó người ta tìm được sự mãn nguyện cá nhân. Một khi gia đình thất bại trong việc cung cấp tình trạng tốt đẹp về mặt tình cảm và tâm lý cho các thành viên của nó thì tính hợp lý cho sự tồn tại của nó sẽ mất đi. Mâu thuẫn chính trong nếp nhà/gia đình hiện đại là xung đột: một bên là gia đình với bất cứ kiểu nào (từ xưa đến nay ở khắp mọi xứ sở) cũng yêu cầu các thành viên hy sinh một số tự do và ngược lại, bên kia, xã hội hiện đại với sự cá nhân hóa lại càng kỳ vọng mọi người là những vai trò tự lập hơn trong các quan hệ kinh tế, gia đình, giải trí và sự thân mật riêng tư.

Nói chung, khuynh hướng thu hẹp gia đình đang bộc phát, song sức sống dồi dào của nhu cầu cộng đồng vẫn đang cưỡng lại. Do đó, niềm tin và hy vọng của chúng ta là với năng lực sáng tạo không lường trước được trong bước đường dấn vào quá trình đối ứng đau đớn sẽ tìm được phương thức hợp quần mới, dung hòa được mối liên kết gia đình với tự do cá nhân.

III.- HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI

Thói thường khi gặp những vấn nạn văn xã, ở xứ ta thường đổ lỗi cho sự thay đổi và kêu gọi trở về với khuôn mẫu truyền thống, coi đó là đáp án cho vấn đề. Rõ ràng là chúng ta không thể quay ngược lại bánh xe lịch sử.

  1. Cương lĩnh văn hóa ra đời sau thời điểm đổi mới: Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Thực tế tuồng như, thế nhân lại rập nhau kêu gào việc giữ gìn bản sắc dân tộc và ít/hay quên hẳn cái phần “tiên tiến”. Hiện tượng thiên lệch về sự thượng tôn truyền thống, cái nhìn mất cân đối của chỉnh thể tiên tiến – đậm đà bản sắc dân tộc như vậy là căn bệnh trầm kha có nguồn gốc từ lịch sử lâu đời.

Là một dân tộc luôn phải đối đầu sống còn với các thế lực ngoại xâm Tàu-Tây-Nhật-Mỹ nên thường lấy chủ nghĩa dân tộc làm tư tưởng văn hóa. Chính vì vậy, khái niệm văn hóa ở xứ ta là một định đề kép, gắn chặt văn hóa với dân tộc; cái của ta mới là văn hóa và không có thứ văn hóa phổ quát. Chủ nghĩa dân tộc trung tâm (ethno-centrism) tự nó đẻ ra đứa con ruột của nó là chủ nghĩa bài tha. Sự thiên trọng về truyền thống/bản sắc dân tộc nhờ đó mà kéo dài tuổi thọ đến nay. Do  tình cảnh đối lập giữa chủ nghĩa văn hóa và chủ nghĩa tiến bộ kéo dài không có lối thoát.

Trong thực tế lịch sử ở bất cứ tọa độ địa lý nào, văn hóa luôn tiến hành việc tổng hợp mới-cũ và tích hợp nội ngoại để thiết lập cơ cấu văn hóa đương đại cho cộng đồng mình. Đặc tính cơ bản của văn hóa là luôn thay đổi và có thể học tập được. Do đó, tuyệt đối hóa truyền thống, bản sắc thực ra vô hình trung là dựng rào cản sự tiến bộ, ngăn chặn sự tiếp nhận những thành tựu tiên tiến của thời đại. Vấn đề lý tưởng là cân bằng cái tiên tiến và các thành tố đậm đà bản sắc dân tộc, chứ không phải chỉ cái này hay cái kia. Ở đây cũng cần xác định rằng hai thành tố trên quan hệ nhau không như tổng số của một phép cộng mà là một chỉnh thể tương giao tương tác; chỉ được coi là văn hóa hiện đại, khi thành phần hiện đại là chủ đạo cuốn hút những giá trị truyền thống tiến lên con đường sáng của tương lai. Nó hướng vận mệnh của cộng đồng/dân tộc hướng về tương lai chứ không hướng vào dĩ vãng. Rõ ràng là không có khái niệm phát triển đằng sau cánh cửa truyền thống, một di sản dù vàng son và đồ sộ đến đâu cũng không bao giờ đủ. Và điều mà chúng ta ai cũng biết là nội hôn đồng nghĩa với suy vong.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

                               

         

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây