Giám đốc Roscosmos cho biết, sứ mệnh Luna-25 sẽ sớm được khởi động lại.
Tờ The Moscow Times trích thông tin mới nhất của Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos cho biết, vụ tai nạn nghiêm trọng của tàu đổ bộ Mặt trăng Luna-25 hồi tháng 8/2023 có thể là do trục trặc trong bộ phận điều khiển của tàu.
Tàu vũ trụ không người lái Luna-25, dự kiến sẽ hạ cánh xuống Cực Nam của Mặt trăng vào ngày 21/8, đã mất kiểm soát và lao xuống bề mặt Mặt trăng vào ngày 19/8.
Đây là chuyến thám hiểm đầu tiên của Moscow kể từ sứ mệnh Luna-24 năm 1976.
Các quan chức của Roscosmos đã chính thức công bố nguyên nhân vụ tai nạn: Bộ điều khiển trên tàu không tắt được động cơ vì nó không nhận được dữ liệu cần thiết từ một trong các gia tốc kế của Luna-25 – thiết bị dùng để phát hiện và đo chuyển động.
Nguyên nhân này có điểm tương đồng với nguyên nhân mà Roscosmos đưa ra sau cuộc điều tra ban đầu – vài ngày sau khi Luna-25 rơi, đó là động cơ của Luna-25 nổ trong 127 giây trong quá trình đốt cháy thay vì 84 giây như dự kiến, Space thông tin.
Roscosmos cho biết thiết bị đo vận tốc góc BIUS-L của Luna-25 đã không gửi được lệnh tắt hệ thống đẩy do các tín hiệu lộn xộn “với các mức độ ưu tiên thực hiện khác nhau”.
Hệ thống đẩy của tàu đổ bộ đã nổ tung trong 127 giây thay vì 84 giây như dự kiến khi thực hiện xung hiệu chỉnh để chuyển từ quỹ đạo tròn của Mặt trăng sang quỹ đạo hình elip trước khi hạ cánh, The Moscow Times cho biết.
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức Roscosmos, Luna-25 được thiết kế để khởi động lại chương trình thám hiểm Mặt trăng đáng tự hào của Nga và thất bại của Luna-25 sẽ không làm thay đổi tầm nhìn đó, Space thông tin.
Hình minh họa tàu Luna-25 của Nga trên Mặt trăng. Nguồn: N.P.O. LAVOCHKIN; LASPACE.
Tại Đại hội Hàng không Quốc tế 2023, Giám đốc Roscosmos – Yury Borisov cho biết sứ mệnh Luna-25 có thể khởi động lại ngay sau năm 2025.
Tiếp đó, Nga cho biết họ đặt mục tiêu khởi động ba sứ mệnh Mặt trăng tiếp theo – Luna-26, Luna-27 và Luna-28 – lần lượt vào năm 2027, 2028 và không sớm hơn năm 2030. Nhưng những mốc thời gian đó có thể được đẩy nhanh sau vụ tai nạn Luna-25, người đứng đầu Roscosmos cho biết.
“Chúng tôi quyết tâm tiếp tục chương trình Mặt trăng. Hơn nữa, chúng tôi đang xem xét khả năng thực hiện các sứ mệnh Luna-26 và Luna-27 sớm hơn để đạt được kết quả mà chúng tôi cần nhanh nhất có thể” – ông Yury Borisov.
Luna-25 nhằm mục đích trở thành sứ mệnh đầu tiên trên thế giới hạ cánh xuống vùng cực Nam của Mặt trăng, nơi được cho là có nhiều băng nước.
Theo NASA, sứ mệnh Luna-25 có hai mục tiêu khoa học chính: Nghiên cứu thành phần của regolith (đất, đá, bụi) vùng cực; Nghiên cứu các thành phần plasma và bụi của tầng ngoài vũ trụ (exosphere) phía trên vùng cực Mặt Trăng.
Luna-25 dự kiến sẽ hoạt động trên bề mặt Mặt trăng trong một năm.
4 ngày sau vụ tai nạn của Luna-25, Ấn Độ đã làm nên lịch sử khi Chandrayaan-3 đã đưa bộ đôi tàu đổ bộ-máy thám hiểm đáp thành công xuống gần cực Nam vào ngày 23/8.
Thành công của Chandrayaan-3 đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 từng hạ cánh tàu vũ trụ trên Mặt trăng, sau Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc.
Nguồn: Space, Themoscowtimes, Newsweek