Nghĩ thêm về truyện cổ tích Chử Đồng Tử

Nghĩ thêm về truyện cổ tích Chử Đồng Tử

Nghĩ thêm về truyện cổ tích Chử Đồng Tử

Việc phân tích truyện cổ tích Chử Đồng Tử phải dựa trên tinh thần văn bản hiện lưu hành. Do đó, các khía cạnh chủ đề của truyện cũng vì thế mà mở rộng thêm ra, phong phú và hấp dẫn hơn nhiều. Chúng tôi xin trình bày đôi điều nghĩ thêm về truyện cổ tích đặc sắc này, để bạn đọc rộng đường tham khảo.

Các nhà nghiên cứu cho rằng truyện Chử Đồng Tử có nguồn gốc từ một truyền thuyết dân gian về thời Hùng Vương. Truyền thuyết ấy tôn vinh công trạng khai khẩn đất hoang, nhiều sình lầy, góp phần làm cho dân gian được no ấm của Chử Đồng Tử, một trong những chàng rể của Hùng Vương, sau trở thành một trong những vị phúc thần tối linh, được người đời ghi nhớ công ơn, lưu truyền mãi đến ngày nay. Và khi truyền thuyết ấy trở thành truyện cổ tích như ta đã thấy, hơn nữa, cũng theo phán đoán của các nhà nghiên cứu, có thể người đời sau đã thêm thắt vào phần cuối, có thêm nhiều yếu tố kỳ ảo thì truyện cổ tích Chử Đồng Tử đã trở thành truyện cổ tích thần kỳ.

Đương nhiên, việc phân tích truyện cổ tích Chử Đồng Tử phải dựa trên tinh thần văn bản hiện lưu hành. Do đó, các khía cạnh chủ đề của truyện cũng vì thế mà mở rộng thêm ra, phong phú và hấp dẫn hơn nhiều. Chúng tôi xin trình bày đôi điều nghĩ thêm về truyện cổ tích đặc sắc này, để bạn đọc rộng đường tham khảo.

Truyện Chử Đồng Tử ra đời vào thời điểm nào ? Có thể nhận biết được điều này, căn cứ vào nội dung của truyện. Đó chính là xã hội phong kiến. Đã thấy có sự đối lập giàu nghèo quá rõ. Vua quan thì giàu sang phú quý, còn tầng lớp lao động thì quá nghèo, thậm chí, không thể nghèo hơn được nữa, như cha con Chử Đồng Tử trong truyện cổ tích này. Nho giáo hình như đã ảnh hưởng sâu sắc đến cộng đồng xã hôi, kể cả mặt tích cực và tiêu cực của nó. Có thể thấy một số khía cạnh chủ đề sau đây của truyện cổ tích Chử Đồng Tử:

1. Chủ đề PHỤ TỪ, TỬ HIẾU

Chuyện rằng: “… Chử Đồng Tử nhà nghèo, lại mồ côi mẹ. Cha con làm nghề đánh cá ven sông. Gia cảnh nghèo đến nỗi hai cha con chỉ có một chiếc khố che thân. Cù Vân (cha Chử Đồng Tử) ốm nặng. Khi sắp chết dặn lại con rằng:

– Bố chết, con cứ táng trần cho bố, còn cái khố con giữ lại mà dùng !…

Cù Vân chết, Chử Đồng Tử không nỡ để cha trần truồng, lấy khố đóng cho cha rồi mới chôn…”

Như thế, người cha biết mình sắp chết còn nghĩ đến con, nghĩ đến cuộc sống còn rất khốn khó của người dương thế. Thương con đến như vậy, người cha ấy tất phải là người cha hiền. Hình ảnh người cha, chỉ được kể bằng vài chi tiết loáng thoáng thế thôi, nhưng ngẫm cho kỹ, đó lại là một chi tiết rất quan trọng, mà trước hết, nó góp phần khắc họa tính cách của người cha, làm tỏa sáng phẩm chất đáng kính của người cha, tuy nghèo hèn nhưng tấm lòng vô cùng đôn hậu, bao dung. Cha hiền, tất sinh con có hiếu. Chử Đồng Tử không nỡ để cha trần truồng mà về bên kia thế giới. Anh quyết định lấy khố đóng vào cho cha rồi mới chôn, mặc dù anh biết rằng cái khố ấy cũng sẽ mục nát ra, còn anh thì không có gì để mặc trong lúc này. Tấm lòng nhân hậu của người cha và hành động của người con chí hiếu, dường như đã cảm động đến cả quỷ thần. Người đọc, người nghe có thể bỏ qua tính chất cường điệu của sự miêu tả, mà trái tim rung lên với dạt dào cảm thương xót xa cho số phận những con người bất hạnh.

Một chi tiết khác, ở cuối truyện, có giá trị hoàn thiện thêm phẩm chất người con chí hiếu. Chử Đồng Tử, do cần cù chịu khó làm ăn, lại được Thần Tiên giúp đỡ, anh đã gây dựng được thế lực ngang ngửa với vua cha, thậm chí, anh còn mạnh hơn thế lực của nhà vua, bởi vì anh còn có cả phép Tiên phi phàm. Nhưng nhà vua (cha công chúa Tiên Dung vợ Chử Đồng Tử) vì thiển cận, hẹp hòi, cố chấp, lại còn ganh ghét, đưa quân tướng đến đánh đuổi vợ chồng Chử Đồng Tử, như thể đánh đuổi kẻ thù. Tuy nhiên, Chử Đồng Tử đã quyết định không giao chiến với cha vợ (mặc dù anh là con rể không được vua cha thừa nhận) mà anh chủ động “nhổ” toàn bộ cơ nghiệp, gồm tất cả lâu đài nguy nga tráng lệ, để bay về trời. Bởi một lẽ đơn giản, anh là phận tôi con. Chống lại vua cha phẳng phải là một hành động được xem là bất hiếu hay sao ? Thế nên anh hành động như thế, là để thực hiện vẹn tròn chữ hiếu. Đúng hơn là hành động của anh cho thấy anh trước sau vẫn là một người con hiếu thảo. Sự nhân nhượng ấy giúp Chử Đồng Tử cùng một lúc thoát khỏi hai tội lớn là BẤT HIẾU và BẤT TRUNG. Bởi thế, bay về trời, chính là một giải pháp tối ưu, phù hợp với mong muốn của dân gian. Chi tiết này góp phần tô đậm thêm phẩm chất tốt đẹp của Chử Đồng Tử.

Ở đây, cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, một trong những đặc sắc của nghệ thuật truyện cổ tích là ngôn ngữ rất giản dị. chi tiết không rườm rà, lời kể không để lộ cảm xúc của người kể chuyện. Chi tiết tự nó tạo vang ngân, trực tiếp tác động vào tri giác và nhận thức của người đọc, người nghe. Chi tiết “Phụ từ, tử hiếu”, theo chúng tôi, cần phải được xem là khía cạnh chủ đề quan trọng bậc nhất của truyện cổ tích Chử Đồng Tử.

2. Chủ đề thứ hai là KHÁT VỌNG BÌNH ĐẲNG, ƯỚC MƠ MỘT CUỘC SỐNG HẠNH PHÚC Ở ĐỈNH CAO

Như trên đã nói, Chử Đồng Tử xuất thân nghèo hèn, đến mức không thể nghèo hơn được nữa. Khi cha anh chết, anh không còn mảnh khố che thân. Người kể chuyện không phải nhẫu nhiên mà “bảo” anh nghèo đến thế. Tác giả truyện cổ tích muốn dựng lên một sự đối lập đến cực điểm của sự giàu nghèo giữa tầng lớp thống trị với tầng lớp dân đen, cuối cùng, tạo ra quan hệ Nhân-Quả theo quan niệm Phật giáo.

Người lao động dù nghèo, nhưng chịu thương chịu khó, ăn ở hiền lành, lại chí hiếu như Chử Đồng Tử, ắt phải được lấy con gái nhà vua lá ngọc cành vàng làm vợ. Họ sống hòa thuận, hạnh phúc. Hơn thế nữa, lại được Tiên truyền phép, cho cả điện ngọc nguy nga, lầu son gác tía, địa vị cao sang. Đó chẳng phải là ước mơ đẹp đẽ, chân chính của người bình dân trong xã hội phong kiến quá nhiều bất công hay sao ? Chi tiết này nằm trong môtip truyền thống của văn học dân gian, chẳng những ở nước ta, mà còn có ở khắp mọi nơi trên thế gian đầy rẫy bất công và khổ đau này. Ví như truyện TẤM CÁM ở nước ta, hay truyện CÔ GÁI LỌ LEM ở nước khác chẳng hạn. Ý nghĩa triết học và ý nghĩa nhân văn của chi tiết này thật là sâu sắc. Do vậy, không nên lấy quan điểm hiện đại mà phê phán việc Chử Đồng Tử trở thành giàu sang phú quý là thế này thế khác. Ví như cũng không nên lấy quan điểm của con người ngày nay mà phê phán cô Tấm trong truyện cổ tích TẤM CÁM. Lấy quan điểm hiện đại để phê phán truyện cổ tích là một việc làm ngây thơ, không thấu tình đạt lý !

Ngoài ra, với nhân vật Tiên Dung, việc nàng kiên quyết từ chối những lời cầu hôn của các công tử con nhà danh giá, vui vẻ và chủ động kết hôn với Chử Đồng Tử, sống cuộc đời bình dị của người lao động giữa thiên nhiên đất trời phóng khoáng, theo quan niệm của người xưa, đó chính là sự sắp đặt của số phận, của duyên trời. Nghĩa là nó có sự sắp đặt của đấng siêu nhiên. Nàng có đủ lý trí để nhận biết đó là một mối lương duyên trời định. Tiên Dung không đưa Chử Đồng Tử về cung, một phần, hay đúng hơn là nàng thừa biết vua cha không bao giờ chấp nhận, lại có thể sẽ bị trừng phạt rất nặng nề, cho thấy sức mạnh của Nho giáo đã tỏa chiết tinh thần con người thời đại ấy đến mức nào.

Tuy nhiên, chi tiết này, theo thiển ý của chúng tôi, nó không phải là chi tiết có thể tạo ra một khía cạnh chủ đề quan trọng, mà nó chỉ có thể tạo ra ý tưởng về ước mơ cuộc sống bình đẳng, dung hòa sự đối cực giai cấp, trong thực tế là vô cùng gay gắt.

Hạnh phúc ở đỉnh cao mà Chử Đồng Tử có được về sau này, phải chăng, chính là sự đền bù xứng đáng của siêu nhiên cho những con người nghèo hèn nhưng tốt bụng. Xét về tổng thể, đây cũng là một kiểu kết cấu NHÂN-QUẢ, có hậu, một trong những môtip chủ yếu của truyện cổ tích.

Truyện cổ tích CHỬ ĐỒNG TỬ, suy cho cùng, cũng chỉ là truyện cổ tích mà thôi. Người xưa làm ra truyện cổ tích là để thỏa mãn những khát khao cháy bỏng của người bình dân về một cuộc sống tốt đẹp, công bằng. Mà khi con người còn dám mơ ước, khát khao tin tưởng vào những điều tốt lành, thánh thiện, thì đó chính là cái hồn nhân văn nguyên thủy đang còn bay bổng, giúp con người có đủ niềm tin và nghị lực đứng vững ở cõi thế gian đầy bất trắc này!

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây