Chử Đồng Tử – Vị Thánh tổ của doanh thương

CHỬ ĐỒNG TỬ - VỊ THÁNH TỔ CỦA DOANH THƯƠNG

CHỬ ĐỒNG TỬ – VỊ THÁNH TỔ CỦA DOANH THƯƠNG

Nguyễn Hùng Vĩ

Tài liệu xưa nhất có ba chữ “Tứ bất tử” là ghi chép của Nguyễn Tông Quai (1692 – 1767) khi ông chú thích cho tác phẩm Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Lời chú ấy như sau:

 “Người đời Thanh nói: Tản Viên đại vương đi từ biển lên núi, Phù Đổng thiên vương cưỡi ngựa bay lên không trung, Đồng Tử nhà họ Chử gậy nón lên trời, Ninh Sơn (nay là Sài Sơn) Từ Đạo Hạnh in dấu vào đá để đầu thai. Ấy là An nam tứ bất tử vậy”.

 Câu chuyện Chử Đồng Tử sớm được ghi lại trong một tác phẩm quan trọng của văn học Việt Nam là Lĩnh Nam chích quái (thế kỉ XIV). Chử Đồng Tử được nhân dân ta thờ phụng, hương khói từ bao đời nay. Vũ Quỳnh (1453 – 1516) khi viết lời tựa cho tác phẩm, bình luận rằng:

 “Chử Đồng Tử tình cờ mà lấy Tiên Dung, Thôi Vĩ không hẹn mà gặp tiên khách, qua đó thấy âm đức của việc thiện”.

 Chúng ta đến với hình tượng Chử Đồng Tử hôm nay cũng thấm đẫm tinh thần “âm đức của việc thiện”.

  Truyền thuyết về Chử Đồng Tử đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa giải mã những lớp ý nghĩa tiềm ẩn của nó.

 Các cách “đọc” khác nhau cho chúng ta thấy:

–   Ý nghĩa về về một câu chuyện tình yêu vượt mọi lễ giáo phong kiến.

–   Ý nghĩa về nghề ngư nghiệp sông nước

–   Ý nghĩa về sự truyền bá Phật giáo.

–   Ý nghĩa về việc nối kết không gian vùng núi – đồng bằng- miền biển buổi đầu dựng nước…

 Về ý nghĩa gắn với nghề buôn cũng đã được GS Trần Quốc Vượng trước đây và nhà nghiên cứu Phan Duy Kha nói tới thích thảng trong bài viết của hai ông.

 Về ý  nghĩa này, chúng tôi cũng đã có sự quan tâm riêng của mình từ trước. Nay trình bày lại qua việc khảo sát ngữ văn và tiếp cận văn hóa hiện tượng này.

  1. Về tên riêng:

 Kinh nghiệm đọc những văn bản văn xuôi, thần tích thần phả thời trung đại cho chúng tôi thấy có một xu hướng đặt tên riêng theo chữ Hán nhưng đó là các danh từ phiếm chỉ, mang một ý nghĩa chung, dù viết dưới hình thức tự dạng nào. Nó tồn tại như một ẩn ngữ của nghệ thuật ngôn từ trung đại và cần được nhìn nhận theo xu hướng là một diễn ngôn quá khứ. Có thể dẫn ra không ít ví dụ:

 Thần tích Tản Viên sơn thần cho ta các tên như: Mẹ Tản Viên là bà Đinh Thị Đen (viết Điên đọc Đen), thì chữ Điên có nghĩa là ngọn cao nhất (điên lĩnh là ngọn núi, điên thụ là ngọn cây), họ Đinh là họ đầu làm lang của người Mường, cư dân chủ thể ở đó trước đây. Em Tản Viên là Cao Sơn, nghĩa là núi cao. Em nữa là Quý Minh có nghĩa là cao rông mênh mông. Người nuôi Tản Viên là Ma thị, tức là có nghĩa bà Dì.

Truyện Trầu Cau có ông bố họ Cao tức âm gần âm Cau, con là Tân và Lang, đều có nghĩa chỉ cây cau. Đạo sĩ nuôi hai anh em có tên Lưu Huyền. Lưu là viết tắt chữ Phù lưu nghĩa là Trầu, Huyền cũng có nghĩa là Không, hợp lại ta có thể khẳng định: Lưu Huyền là Trầu Không. Con gái đạo sĩ là Thị Liên, tức là liền trầu. Chữ Liền của tiếng Kinh vốn từ chữ Liên của âm Hán Việt mà ra.

 Truyện Ông đầu rau có nhân vật Thị Nhi, thì chữ Nhi có nghĩa là nhừ, nấu nhừ. Chồng Thị Nhi là Trọng Cao, thì chữ Cao có nghĩa là bột ngũ cốcbánh bột ngũ cốc. Ở đây có nghĩa là Cơm. Vậy Cơm là rất trọng. Chồng sau có tên là Phạm Lang, thì chữ Lang còn đọc là Canh, có nghĩa là thức ăn có rau và nấu rất nhiều nước. Ta tái lập được Cơm – Canh – Nấu chín. Sự tích cái bếp được kí tải như vậy.

 Còn trong nhiều địa danh là tên riêng chúng ta cũng thấy trường hợp chuyển ngữ như vậy: Nhật Lệ (Quán Hàu), Dũng Quyết (Trộ Đó), Đại Tứ (Trập Buông)…

 Vậy, trong truyện Chử Đồng Tử, chúng ta nếu theo con đường đó thì sẽ thấy:

 – Họ Chử: Chữ Chử có nghĩa là bãi sông. Bãi sông đó có bến và người ta trao đổi, giao lưu hàng hóa. Tiếng Hán có từ Chử Phố. Phố cũng là bãi sông, bến nước vốn có giao thương, buôn bán, và từ đó chữ Phố có nghĩa là Chợ ở bến sông. Từ Chử Phố biến âm ở người Kinh ta có từ Chợ Búa. Như vậy ngoài nghĩa bãi sông, chữ Chử còn có nghĩa là Chợ, không gian trao đổi hàng hóa, không gian buôn bán.

 – Đồng Tử: Trước nay, các nhà dịch thuật đều dịch là chú bé. Đó chỉ là một nghĩa mà thôi. Nếu tra Phật Quang đại từ điển, chúng ta thấy những nghĩa khác phù hợp với vị thế của vị Thánh này hơn.

 Mục Đồng Tử trong từ điển này ghi rõ:

Đồng tử.

Phạm, Pali: Kumara. Dịch âm: Cưu ma la. I. Đồng tử: Con trai 4 tuổi hoặc 8 tuổi trở lên, chưa cạo tóc, chưa thụ giới, gọi là đồng tử. II. Đồng tử: Chỉ cho Bồ tát, Bồ tát là vương tử của Như lai, ví như trẻ con thế gian không có ý niệm dâm dục nên gọi Bồ tát là Đồng tử. III. Đồng tử: Những vị theo hầu đức Phật, Bồ tát và chư thiên cũng gọi là Đồng tử. Như tám đại đồng tử: Thỉnh Triệu, Kế thiết ni, Cứu hộ tuệ, Ô ba kế thiết ni, Quang Võng, Địa Tuệ chàng, Vô Cẩu quang và Bất Tư nghị tuệ theo hầu Bồ tát Văn Thù”.

 Như vậy, nếu dịch theo nghĩa I ta thấy không ổn. So với sự tu luyện theo Phật của Chử Đồng Tử như trong truyện đã viết thì ta thấy nghĩa hai là nghĩa Bồ tát mới hợp với nhân vật này. Và như vậy, Chử Đồng Tử mới ngang đẳng cấp với Thánh trong tín ngưỡng giàu yếu tố đạo giáo

 –Chử Cù Vân: Là tên của bố Chử Đồng Tử. Còn có văn bản chép là Chử Vi Vân. Tra chữ Vân ở Từ điển Hán Việt trích dẫn ta gặp ngay một chữ có nghĩa đáng lưu ý: lộn xộn, rối loạn, bối rối. Chữ  có nghĩa là nhọc nhằn, lao khổ (trong Cù lao). Tra tiếp chữ Vi ta gặp một nghĩa tương tự là đen đủi,suy yếu, tàn tạ (trong Hàn vi, Suy vi). Như vậy, qua tên gọi, người xưa kí tải vào đó một nhân vật nghèo khổ, suy vi, tàn tạ như bản thân hình tượng này.

 – Bùi Thị Gia: Mẹ Chử Đồng Tử. Chữ Bùi cũng cùng một trường nghĩa như trên. Từ điển cung cấp một nghĩa đáng lưu ý: Bùi, còn đọc là Phôi trong Phôi pha, lại đồng âm với Hoại và là cách viết giản thể của Hoại với nghĩa Hư nát, mục nát.

 Như vậy, từ việc giải mã âm đọc so với nghĩa, ta thấy các tác giả đã kí tải cho chúng ta thấy một gia cảnh khốn khó xuất thân Chử Đồng Tử. Đây là những người cực kì nghèo khổ.

Tất cả các tên gọi đó đều ẩn tàng một lớp nghĩa tương tự dù được các cụ mĩ hóa bằng các cách ghi với tự dạng khác nhau.

  1. Về nội dung câu truyện.

 Theo dõi câu truyện được kể trên văn bản của Lĩnh Nam chích quái, ta thấy câu chuyện có kết cấu như sau:

  Đoạn 1: Xuất thân của Tiên Dung. Đoạn 2: Xuất thân và gia cảnh Chử Đồng Tử. Đoạn 3: Thiên duyên Chử Đồng Tử – Tiên Dung. Đoạn 4: Vợ chồng mở phố chợ, bán hàng, gặp gỡ thương nhân nước ngoài và bày cách vượt bể đi buôn. Đoạn 5: Chử Đồng Tử theo tu Phật và được vật thiêng giúp cho việc xây dựng cơ nghiệp. Từ cây gậy và chiếc nón trở thành dinh cơ, lâu đài. Đoạn 6: Vua Hùng Vương bắt tội và tất cả đều biến hóa. Đoạn 7: Âm phù hỗ trợ Triệu Quang Phục.

 Trong cấu trúc trên ta thấy Đoạn 4 và Đoạn 5 không những nằm ở trung tâm câu chuyện mà còn chiếm dung lượng số chữ nhiều nhất. Vậy, theo chúng tôi, chủ điểm chính của câu chuyện chính là việc phong thần cho một hình tượng doanh thương, mở đầu việc mở chợ buôn bán và nhờ doanh thương mà xây dựng được sự nghiệp từ một hoàn cảnh nghèo khổ đến không còn nổi một chiếc khố, phải xin ăn ở bến sông. Với việc tu luyện Phật pháp thì chỉ cần cây gậy chiếc nón (vật dụng của kẻ hành khất, và cũng là vật dụng của nhà sư đi khất thực) cũng có thể làm nên sự nghiệp kinh tế lớn lao.

 Trong sự nghiệp doanh thương, vai trò người vợ, người phụ nữ là vô cùng lớn lao. Điều này những ghi chép của các nhà buôn phương tây thế kỉ XVII đến Việt Nam cho ta thấy rõ hơn.

 Việc doanh thương đi kèm với tín ngưỡng, ở đây là đạo Phật, là vô cùng quan trọng, là một yếu tố tạo niềm tin cho thương nhân. Việc quan hệ với thương nhân nước ngoài, học hỏi kinh nghiệm của họ là rất cần thiết.

 Câu chuyện còn chỉ ra mối quan hệ giữa thương mại và chính trị. Chỉ cần vua cha theo lời sàm tấu nên hiểu nhầm thì sự nghiệp buôn bán cũng vì thế mà có thể bị tiêu tan.

 Trong sự giao thoa các tín ngưỡng, trước khi được nhân dân phong thánh theo tinh thần Đạo giáo, Chử Đồng Tử, như khái niệm Đồng Tử đã nói ở trên, qua quy chiếu Phật giáo, chính là một vị Bồ Tát của nghề thương mại.

 Thánh Chử xứng đáng là một vị Bồ tát, vị Đạo tổ, là Thánh khởi nguyên của doanh thương Việt Nam.

Hà Nội 16 tháng 10 năm 2015.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây