Người thứ hai mang dòng máu Việt được vinh danh tại cuộc thi Chopin

Người thứ hai mang dòng máu Việt được vinh danh tại cuộc thi Chopin
J J Bùi tại cuộc thi piano Chopin 18 Ảnh: BTC cuộc thi Chopin

Người thứ hai mang dòng máu Việt được vinh danh tại cuộc thi Chopin

Chỉ giành giải 6 cuộc thi piano Chopin 18, J J Bùi lại được truyền thông Việt Nam và quốc tế rất chú ý bởi tiếng đàn cảm xúc, bởi là học trò của ông thầy xuất sắc có tới hai học trò ẵm giải cao và bởi bạn trẻ này mang một nửa dòng máu Việt.

Cuộc thi piano Chopin 18 vừa kết thúc tại Ba Lan nhận được sự quan tâm đặc biệt của người Việt bởi kỳ này có “yếu tố Việt”. 

Lần đầu tiên kể từ sau giải nhất Chopin năm 1980 của Đặng Thái Sơn, Việt Nam mới có thêm thí sinh người Việt là Nguyễn Việt Trung vào tới vòng 2 trong số 4 vòng chính thức và J J Bùi mới 17 tuổi giành được giải 6.

Đứa con tài năng của cha Việt, mẹ Trung Quốc

Ba của J J Bùi là ông Bùi Văn Dũng, một người gốc Nam Bộ, nhập cư Canada năm 1980. Mẹ là bà Sonia Wang, người gốc Trung Quốc. Vợ chồng ông Dũng đã kịp sang Ba Lan khi con trai bước vào vòng 3 của cuộc thi Chopin danh giá và chứng kiến con được xướng tên trong lễ công bố giải thưởng và lễ trao giải long trọng.

Trước “quả ngọt” này, giải thưởng đầu tiên trị giá 500 USD J J Bùi đã giành được khi mới 7 tuổi sau khi học đàn được 2 năm, trong một cuộc thi piano cấp thành phố. 9 tuổi, cậu được tài trợ theo học chương trình dành cho những trẻ có năng khiếu đặc biệt. 

Tại đây, trong vòng 2 năm cậu đã hoàn thành xong chương trình học 10 năm. 11 tuổi, J J Bùi lại giành giải nhất trong cuộc thi piano toàn quốc dành cho những người không chuyên thuộc mọi lứa tuổi nhờ phần biểu diễn đầy cảm xúc bản Ballade số 1 của Chopin về những người anh hùng của Ba Lan tưởng chỉ những người trưởng thành, nhiều trải nghiệm mới chạm được vào nguồn xúc cảm mạnh mẽ của bản nhạc.

Ba mẹ của J J Bùi đã mang video thu âm bản Ballade số 1 của Chopin tới giới thiệu với nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, và cũng từ video này, nghệ sĩ quyết định thu nạp cậu học trò “có tâm hồn của Chopin”. Để rồi sau 3 năm theo học thầy Sơn, năm 2020, mới 16 tuổi, J J Bùi nhận được học bổng cao nhất của Nhạc viện Oberlin, Mỹ – nơi Đặng Thái Sơn giảng dạy. Và năm nay là giải 6 giải Chopin.

J J Bùi sinh ra trong một gia đình lao động nhập cư bình dân, với người cha quanh năm lao động vất vả để người vợ được chuyên tâm chăm lo cho hai con đều theo nghiệp đàn. Chị gái của J J Bùi cũng học đàn chuyên nghiệp, hiện đang học ngành biểu diễn piano ở Đại học Toronto (Canada). 

Hai chị em từng giành giải nhất cuộc thi toàn quốc Canada với màn song tấu piano. Ông Dũng từng chơi đàn mandolin khi còn là cậu bé niên thiếu ở Việt Nam, nhưng gia đình ông và cả gia đình bên vợ không ai chơi piano trước đây. 

Thấm nỗi vất vả của đời nhập cư, vợ chồng ông quyết tâm đầu tư cho các con. Vợ ông nghỉ hẳn ở nhà để theo các con từng bước học đàn. Riêng J J Bùi, bà đón đưa con đi học, mua sách cho con đọc để luyện dẻo đôi tay, kiên nhẫn ngày qua ngày ngồi vuốt những ngón tay con cho thêm dài thêm dẻo. 

Khi J J Bùi còn nhỏ mỗi ngày tập đàn 5 – 6 tiếng là chừng đó thời gian bà ngồi bên cạnh con mình.

“Ơn thầy Sơn trả sao cho đủ”

Gia đình J J Bùi sống ở Toronto, 4 năm theo học Đặng Thái Sơn, cứ 2 – 3 tuần, bất cứ khi nào thầy Sơn có thể sắp xếp thời gian là vợ chồng ông Dũng lại thay phiên lái ôtô hai chiều 1.100km tới Montréal để con được học. 

Thời gian gần đến cuộc thi Chopin vừa qua, ông bà phải lái xe đường dài hằng tuần để đưa con đến học với “bác Sơn”. Có lẽ cũng bởi cảm động nỗi vất vả và tấm lòng của ông bố bà mẹ nhập cư này mà Đặng Thái Sơn cũng ưu ái bỏ công dạy dỗ nhiều hơn cho J J Bùi.

Chứng kiến thành tựu lớn đầu đời của con, ông Dũng không nghĩ tới công lao bao năm lam lũ mà chỉ tự hỏi “làm sao trả đủ công ơn của thầy Sơn”. 

“Bác Sơn rất chăm lo cho cháu, chú ý đến cháu từng tí một, cho nhiều thì giờ để cháu được học với ông. Cháu là một trong những học trò ông thương nhất. Chúng tôi không biết làm sao trả ơn bác Sơn, một người giỏi và hiểu biết như vậy” – ông Dũng xúc động nói.

Chính Đặng Thái Sơn cũng thừa nhận với Tuổi Trẻ, ngoài năng khiếu và sự nhạy cảm đặc biệt, ông đã nhận J J Bùi làm học trò và không tiếc sức chỉ dạy em còn bởi em “có chất Việt Nam”, có hoàn cảnh đặc biệt, sinh ra trong một gia đình “rất bình dân, tử tế” khiến ông cảm thấy gần gũi với mình.

Ví tiếng đàn của J J Bùi như ánh trăng, đầy cảm xúc (còn Bruce Liu – giải nhất – như mặt trời), Đặng Thái Sơn rất hài lòng với thành tích của J J Bùi, dù theo ông, cậu còn có thể chơi hay hơn ở vòng thi chung kết và có thể được giải cao hơn. “17 tuổi mà làm được như vậy là thỏa mãn bần cố nông lắm rồi” – nghệ sĩ Đặng Thái Sơn chia sẻ hài hước về thành tích của J J Bùi.

Mang các quốc tịch khác nhau, mọi người trong gia đình ông Dũng nói tiếng Anh. J J Bùi không nói được tiếng Việt nhưng luôn được cha mẹ trò chuyện nhiều về quê cha đất tổ. J J Bùi cũng đã về Việt Nam hai lần năm 2018 khi tham gia Liên hoan và Cuộc thi piano quốc tế Hà Nội và xuất sắc giành giải nhất. 

Mới 17 tuổi, ngoài giải thưởng Chopin vừa đoạt được, J J Bùi đã có trong tay kha khá các giải thưởng toàn quốc ở Canada và một số giải thưởng quốc tế.

Theo dõi J J Bùi trực tuyến suốt hành trình coucours Chopin năm nay, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đặc biệt thích tiếng đàn của cậu bé mang nửa dòng máu Việt này. Ông gọi J J Bùi là “thiên tài” và tỏ ý tiếc nuối khi em chỉ giành giải 6.

 


Kỳ tích thầy và trò cùng giải nhất

Captureb min - Người thứ hai mang dòng máu Việt được vinh danh tại cuộc thi ChopinĐặng Thái Sơn cùng hai học trò vừa được giải Chopin lần thứ 18 Bruce Liu (giải nhất) và J J Bùi (giải 6, bìa phải) – Ảnh: NVCC

Lần đầu tiên trong lịch sử cuộc thi Chopin, Đặng Thái Sơn đã tạo ra kỳ tích khi thầy và trò cũng được giải nhất, cách nhau 41 năm. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử cuộc thi này và các cuộc thi piano quốc tế lớn khác, có người thầy mà cuộc thi Chopin 17 có 3 học trò được giải 3, 4, 5; còn Chopin 18 thì có 1 học trò đoạt giải nhất và 1 học trò giải 6.

Sau ít giờ hạnh phúc cho học trò, Đặng Thái Sơn nói với Tuổi Trẻ ông rất điềm tĩnh trước thành tích khiến giới âm nhạc cổ điển đang xôn xao.

Thậm chí, giống như lần ông đi thi Chopin 41 năm trước không mang “bộ cánh” tử tế nào để biểu diễn chung kết vì không nghĩ mình vào được tới vòng đó, lần này ông cũng không mang theo trang phục biểu diễn để chụp ảnh cùng học trò được giải.


     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây