Nhà nghiên cứu 102 tuổi Nguyễn Đình Tư đạt kỷ lục Việt Nam về lao động, sáng tạo

Với hơn 80 năm lao động cống hiến để cho ra đời gần 60 tác phẩm giá trị về văn hóa, lịch sử, địa chí của các vùng miền; nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vừa được trao bằng kỷ lục Việt Nam sáng 11-11.

Nha nghien cuu 102 tuoi Nguyen Dinh Tu dat ky luc Viet Nam ve lao dong sang tao min - Nhà nghiên cứu 102 tuổi Nguyễn Đình Tư đạt kỷ lục Việt Nam về lao động, sáng tạoÔng Trần Hoàng – thường trực hội đồng xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – trao bằng và bà Triệu Lệ Khánh – phó bí thư thường trực Quận ủy Bình Thạnh – tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Đình Tư – Ảnh: THẢO LÊ

Sáng 11-11, UBND quận Bình Thạnh phối hợp với Viện Kỷ lục Việt Nam tổ chức buổi trao tặng bằng tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục Việt Nam đến nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư với nội dung: “Nhà nghiên cứu có quá trình 80 năm lao động, sáng tạo, cống hiến, đóng góp nhiều nội dung giá trị về văn hóa, lịch sử, địa chí của các vùng miền, tỉnh/thành phố Việt Nam với gần 60 tác phẩm đã được xuất bản”.

Có mặt tại buổi lễ với trang phục áo dài đỏ truyền thống, nhà nghiên cứu 102 tuổi khiến nhiều người ngưỡng mộ vì sự khỏe mạnh và minh mẫn. Càng bất ngờ hơn, dù ở độ tuổi “bách niên giai lão”, ông vẫn cần mẫn làm việc 8 giờ/ngày, sử dụng máy tính thành thạo để nghiên cứu và soạn thảo văn bản.

Chia sẻ với mọi người có mặt tại buổi lễ, ông cho biết bản thân cũng chỉ là một người dân bình thường, sống âm thầm trong một con hẻm nhỏ tại TP.HCM, lâu nay không ai biết tới.

Nhưng ở con người bình thường ấy lại có khát vọng cống hiến rất lớn cho TP.HCM và đất nước. Chính lòng yêu nước đã thôi thúc ông tìm tài liệu nghiên cứu, viết sách về lịch sử Việt Nam.

Nha nghien cuu Nguyen Dinh Tu chia se min - Nhà nghiên cứu 102 tuổi Nguyễn Đình Tư đạt kỷ lục Việt Nam về lao động, sáng tạoNhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ – Ảnh: THẢO LÊ

Ông hóm hỉnh tự nhận mình là “ông già kỳ cục” khi đã 102 tuổi mà vẫn khỏe, đi đứng không phải chống gậy, chưa cần người dìu. “102 tuổi vẫn minh mẫn, trí nhớ còn tốt, mắt còn sáng, đánh vi tính không cần đeo kính. Cũng kỳ quặc thật” – ông Nguyễn Đình Tư tự trào.

Càng đáng trân quý hơn khi “ông già kỳ cục” này hứa hẹn những tháng năm còn lại của cuộc đời vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu để viết sách.

“Mọi người tùy theo đơn vị công tác của mình phải cố gắng cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp của TP.HCM chúng ta. Để thành phố ngày một phát triển, xứng đáng với danh hiệu Hòn ngọc Viễn Đông”, ông Nguyễn Đình Tư động viên thế hệ trẻ.

Đánh giá cao những cống hiến của ông Nguyễn Đình Tư, bà Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc – tổng thư ký Tổ chức kỷ lục Việt Nam – cho rằng những tác phẩm của ông đã đóng góp rất lớn vào sự nghiệp phát triển văn hóa, lịch sử, địa chí của Việt Nam. Đặc biệt, dù đã ngoài 100 tuổi nhưng cụ vẫn say mê nghiên cứu viết sách. Bằng tôn vinh là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến của ông Nguyễn Đình Tư – một tấm gương rất lớn cho tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ về tinh thần học tập và cống hiến trọn đời.

Ông Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920, quê quán Nghệ An.

Một số tác phẩm nổi bật của ông: bộ lịch sử tiểu thuyết Loạn 12 sứ quânTừ điển địa danh hành chính Nam BộChế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954)Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954)… Các tác phẩm đều đạt được các giải thưởng của Việt Nam.

Tác phẩm mới nhất của ông là bộ sách Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, dặm dài lịch sử (1698-2020), đang chuẩn bị ấn hành tập 2 vào cuối năm nay.

Bên cạnh những thành tích ấn tượng trên, ông Nguyễn Đình Tư cũng là người đề xuất đặt tên hai đường Hoàng Sa và Trường Sa tại TP.HCM.

THẢO LÊ

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây