‘Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại. Ít ra thì truyền thuyết nói như vậy’ (Colleen McCullough).
*
Tôi nhớ buổi đầu đón mẹ từ sân bay về, ngay khi tới cửa nhà tôi, thật sự mẹ tôi choáng: “Nhà của Hoài thật đây à?”. Mẹ tôi đã không tin nổi. Vì nói thật, mẹ tôi đã không tin đứa con có thể gọi là nhiều thiệt thòi trên đường đời như tôi, nay lại có một cơ ngơi như vậy. Và cũng vì những căn nhà mà mẹ tôi đã từng ở ngoài Hà Nội, 4 m2 , 8 m2 , rồi 16 m2 … tất cả đều trong những khu tập thể chật chội, và người ta sống được với nhau chỉ bởi tình người.
Mẹ tôi ở đây một thời gian ngắn, rồi theo nguyện vọng của mẹ muốn có một ngôi nhà riêng, chúng tôi đã tìm mua cho mẹ một ngôi nhà với mẹ là “hơn cả trong mơ”. Đấy là một ngôi nhà nằm sát sân bay Tân Sơn Nhất, cũng hơn 100 m2, có tầng trệt tầng lầu, có mảnh sân nhỏ trước cửa để mẹ tôi trồng cây, hoa.
Ngôi nhà này nằm trong khu quân đội, yên tĩnh và trật tự trị an rất tốt. Và đặc biệt, ở đây có rất nhiều các cô, các chú là nghệ sĩ, là tướng tá của quân đội vốn là bạn thân thiết của mẹ tôi suốt hai cuộc kháng chiến; ngoài những lúc tề tựu tâm tình, thì cũng thường gặp nhau mỗi khi họp chi bộ hay họp khu phố đầy tiếng nói cười …
*
Kể từ ngày bố tôi mất đi, rồi em tôi là Lê Khánh Châu và vợ con sang Đức sinh sống, mẹ tôi rất tâm trạng, dù bên mẹ luôn có Như là cô em út của tôi. Vào TP. Hồ Chí Minh, có lẽ mẹ có thêm nhiều nguồn tình cảm an ủi hơn. Ngoài vợ con tôi, đặc biệt là con trai tôi, mẹ tôi còn nhiều bà con thân thiết, nhiều đồng nghiệp, đồng cảnh, và đặc biệt là những người bạn của tôi và của Châu-Hoa…
Cũng ở đây, tôi thường gặp nhiều đồng nghiệp nghệ thuật thân thiết của mẹ, như cô Phùng Thị Nhạn, nghê sĩ nhân dân, biên đạo múa. Cô Nhạn cũng như cô Chu Thúy Quỳnh, Xuân Quỳnh thân với mẹ tôi từ thuở Đoàn ca múa Trung ương, và tình cảm ấy luôn thắm thiết qua hàng chục năm, nay lại gần nhau giữa Sài Gòn nên lại càng thắm thiết. Hay như cô Lệ Chi – chú Mai Khanh, chú Quốc Trụ, nhất là cô Ngọc Dậu, nghệ sĩ nhân dân và chồng là chú Trần Chất, đều là những giọng hát nổi tiếng.
Nhiều buổi trưa chú Trần Chất và cô Ngọc Dậu chở nhau đến chơi với mẹ tôi, những “hào quang” một thời mày mày tao tao nói cười ríu rít, rồi cơm nước đãi đằng nhau, rồi cùng lăn kềnh ra ngủ như ngày nào đi biễu diễn ở khắp miền đất nước. Mặc dù đã giã từ ánh sáng sân khấu nhiều năm, nhưng mẹ tôi vẫn yêu nghệ thuật lắm. Mẹ vẫn thường ngồi hát bên cây đàn pianô mà tôi chuyển từ Hà Nội vào cho mẹ. Hát cho đồng nghiệp, cho bạn bè, cho đồng chí thân yêu.
Đã nhiều lần đến đây, tôi gặp rất nhiều những vị tướng tên tuổi mà năm xưa ra trận chỉ biết tiếng hát mẹ tôi qua chiếc đài bán dẫn nhỏ, nay về già mới có cơ hội gặp gỡ nên đã tìm đến đề nghị mẹ tôi hát cho nghe lại những bài hát năm xưa…
Những khi ấy, thú thật, đứng ngoài cửa lắng nghe, tôi không thể quả quyết rằng, hát trên một sân khấu lớn ánh đèn rực rỡ, hay chỉ hát riêng cho một người lính suốt cuộc đời trận mạc, thì người nghệ sĩ thấy lúc nào là hạnh phúc hơn? Có lẽ với một người say mê lý tưởng và yêu nghệ thuật như mẹ tôi thì những khi cất lên tiếng hát như thế, đều là một niềm say mê tột độ và một ý nghĩa sâu sắc như nhau…
*
Trong ba đứa con của mẹ, thì đứa hợp với mẹ tôi nhất, được mẹ tôi thương yêu nhất, và cũng chăm sóc mẹ tôi nhiều nhất, chính là Châu. Cũng như tôi, Châu và cả Như đều ít được gần bố mẹ. Ngày ấy là con cán bộ, mà lại cán bộ làm văn hóa – nghệ thuât thì cầm chắc là phải xa bố mẹ suốt. Bởi bố tôi thì đi viết báo ở các tỉnh, rồi đi chiến trường Trị Thiên-Huế. Còn mẹ thì quanh năm suốt tháng đi biểu diễn, khi trong nước, khi ngoài nước, khi thì lăn lội hàng tháng ngoài mặt trận lửa đạn…Tôi ở với ông, bà, còn Châu – Như đi trại trẻ, đứa trại trẻ này và đứa trại trẻ kia. Lâu lắm lắm mới được bố mẹ tới thăm một lần…
Sau này lớn lên, Châu cũng như tôi nhập ngũ, rồi Châu học Đại học kỹ thuật quân sự, sang Nga làm tiến sĩ, rồi lấy vợ cũng là sinh viên Việt Nam học tại trường bên Nga là Nguyễn Thanh Hoa, con gái đầu lòng của nhà thơ Tố Hữu. Dạo ấy bác Tố Hữu ngoài là nhà thơ, còn là một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Từ đấy, Châu ở chính bên nhà vợ, kể như đi ở rể…
Nhưng dù vậy, trong tình yêu của mẹ, Châu bao giờ cũng là đứa con gần gũi nhất. Châu hiền lành, tình cảm, cứ có giây phút nào rảnh rỗi là ngồi tâm tình bên mẹ hàng tiếng đồng hồ, không buồn vui gì không tâm sự, không miếng ngon nào là không chia sẻ với mẹ. Châu yêu mẹ lắm lắm, tôi nghĩ trong trái tim Châu, Mẹ luôn ở vị trí thiêng liêng nhất.
*
Trước khi mẹ tôi quyết định vào TP. Hồ Chí Minh, Châu và Hoa đã rất muốn đón mẹ tôi sang sinh sống tại Đức (Châu là giáo sư, tiến sĩ tại Đại học Bochum, đã đưa vợ và con sang sinh sống ở đây). Ai cũng cho như thế là rất hợp lý, vì đời sống ở Đức cao, nhất là Châu lại là một giáo sư, tiến sĩ nên lương tiền khá, có thể chăm sóc rất tốt cho mẹ.
Hơn nữa mẹ cũng muốn gần gũi Châu nhất. Và cũng có thể thêm một lý do nữa là Thi, con trai của Như cũng đã sang du học ở đây. Nhưng khi nhớ Châu và Hoa thì mẹ tôi bay sang thăm, có khi ở lại chơi hàng tháng , nhưng ở hẳn bên đó như ao ước của Châu thì không, dù mẹ tôi rất yêu Châu và vợ con Châu…
Không đón được mẹ sang, Châu – Hoa thể hiện tình cảm của mình với mẹ bằng một sự chăm sóc hết lòng. Ngôi nhà mẹ tôi ở Sài Gòn, ngoài một phần tiền của mẹ tôi do bán căn nhà ngoài Hà Nội, phần chính là của Châu – Hoa góp vào. Hàng tháng, Châu – Hoa đều đặn gửi tiền về chăm sóc mẹ, dù mẹ ở Hà Nội hay Sài Gòn, với số tiền chắc chắn nhiều hơn tiền lương hưu hằng tháng của một người nghệ sĩ. Và khi vài ba tháng, lúc lâu nhất cũng là một năm, Châu lại về thăm mẹ, đưa mẹ đi nghỉ ngơi khi Nha Trang khi Vũng Tàu. Châu chính là niềm an ủi, niềm hạnh phúc lớn nhất của mẹ tôi, như là một báu vật của đời mẹ…
*
“Cho đến bây giờ và tôi tin mãi mãi về sau, lịch sử âm nhạc nước nhà sẽ vinh danh bài hát “Xa khơi” – bản tình ca về sự chia ly và khát vọng thống nhất non sông. Và mỗi lần xướng tên bài ca ấy, là mỗi lần người đời lại nhắc đến nghệ sĩ Tân Nhân, người đã hát bằng cả tấm lòng và sự đớn đau vì nỗi chung riêng ngày đất nước đôi miền” – Một nhà báo đã viết như thế về mẹ tôi, và anh cho rằng cuộc đời mẹ tôi, chính là một cuộc đời “vinh quang và cay đắng…”.
Có một lần ra Hà Nội, tôi có diện kiến với nhà báo ấy trên một phố bia Hà Nội, và tâm sự cùng anh về mẹ tôi. Vinh quang thì chắc hẳn rồi, nhưng còn cay đắng? Cay đắng vì mối tình với ba tôi năm xưa hay chăng? Ngẫm ra cuộc đời ai khi trẻ không có những vấp váp về tình yêu, và có thể quá nặng nề coi đó là những đắng cay? Sau này ba tôi về nước, ba mẹ tôi đã găp lại nhau sau 45 năm xa cách, bấy giờ mẹ tôi mới hiểu rằng có bao giờ ba tôi – nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phản bội mẹ tôi đâu? Đất nước cách chia và con người thành ra xa cách, ba tôi không phản bội mẹ tôi, không phản bội đồng chí đồng đội. Và cả ba và mẹ đã cùng giữ trong trái tim mình những tình cảm nhớ thương, giữ cho cuộc đời mình trọn con đường nghệ thuật mà buổi đầu vì nó họ đã đến với nhau và thề nguyền đi trọn con đường ấy.
Tôi cũng tâm sự với người bạn rằng: “Mẹ chúng tôi, nói cho cùng là một người hạnh phúc. Hạnh phúc vì bà được sống với người mình yêu và yêu bà bằng một tình yêu duy nhất là bố tôi – Lê Khánh Căn. Và nếu tiêu chí của một người mẹ hạnh phúc là có những đứa con xinh đẹp, tài năng, và hiếu thảo, thì mẹ chúng tôi có đủ cả ba điều ấy. Đứa con xinh đẹp của mẹ là em tôi Lê Khánh Như. Đứa con thông minh tài giỏi của mẹ là em tôi giáo sư Lê Khánh Châu. Và cả ba anh em chúng tôi đều là những đứa con rất hiếu thảo với mẹ.
Còn nói về tổng thể cuộc đời, thì cuôc đời mẹ tôi là một cuộc đời cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật, cho đất nước, một đất nước từng có số phận như chính cuộc đời mẹ, và mẹ đã tìm thấy hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của đất nước, của Nhân dân. Nhân dân cơm ngô cơm khoai thì mẹ cũng cơm khoai cơm ngô, Nhân dân áo vá vai thì áo mẹ cũng những mảnh vá, Nhân dân tiễn chồng tiễn con ra trận thì mẹ cũng tiễn bố con, rồi tiễn con ra trận, Nhân dân khóc òa ngày thống nhất non sông thì mẹ cũng ôm chầm bà ngoại con bên bờ Nam đầm đìa nước mắt …
*
Cuối năm 2007, một lần tôi sang chơi thăm mẹ, mẹ tôi vẫy lại gần, quàng vai tôi rất âu yếm và nói: “Con gắng đi Mỹ, sang đó tìm nơi ba Thơ (nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ) yên nghỉ, thắp cho mẹ một nén hương”. Ít ngày sau, tôi và vợ tôi đi Mỹ, bay từ bờ Đông đến bờ Tây, tìm đến công viên Vĩnh hằng nơi ba tôi yên nghỉ, với bản đồ chỉ dẫn của Nguyễn Hiệp, lại thêm có hai người cháu ruột của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đưa đi. Vợ chồng tôi đã cung kính thay mặt cho mẹ tôi thắp hương cho ba tôi, thưa với ba những tình cảm quý trọng của mẹ tôi cũng như nguyện vọng của mẹ tôi với những tác phẩm âm nhạc viết về quê hương đất nước rất thắm thiết của ba… Những dòng nước mắt dài chảy trên má tôi, tôi hiểu đấy là nước mắt của cả tôi và của cả mẹ tôi thương tiếc nhạc sĩ…
Ngay khi chúng tôi về nước, tôi liền đến thăm mẹ ngay, mang quà Mỹ về tặng mẹ và em Như. Nhưng hình như mẹ tôi chỉ quan tâm tới những tấm hình chụp khi tôi dâng hương cho nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Mẹ tôi xem rất kỹ từng tấm hình, với gương mặt hết sức chăm chú nhưng không nói thêm một lời nào. Có lẽ bà đã toại nguyện với cuộc đời này… Bốn hôm sau, trong một buổi sáng như mọi sáng mai khi mẹ tôi ra quét sân, mẹ bất ngờ ngã xuống vì một cơn đột quỵ. Em tôi liền gọi xe cấp cứu, và kể từ khi ấy, mẹ tôi không một lần mở mắt và không còn biết một điều gì cho đến lúc ra đi…
*
Mẹ tôi đã đi xa, đã hóa thành làn mây trắng bay cuối trời. Nhưng nhiều người vẫn không nghĩ mẹ tôi đã mất. Chúng tôi, những đứa con của mẹ cũng vậy. Chúng tôi không còn mẹ nữa, nhưng vẫn không tin là mẹ đã ra đi. Khi đâu đó giữa đất trời và trong tâm hồn những đứa con của mẹ, những bạn bè anh em, những thế hệ, vẫn vang vọng tiếng hát của mẹ. Xa khơi hay Câu hò bên bờ Hiền Lương, Chim ponkle hay Gió mùa thu mẹ ru con ngủ… Nhiều thế hệ vẫn thốt lên tên gọi Tân Nhân, Tân Nhân và Xa khơi, Tân Nhân và Câu hò bên bến Hiền Lương… Tiếng hát, và tiếng đẹp của mẹ là mãi mãi, là vĩnh cửu giữa cuộc đời này…
“Bằng giờ đây đã trở thành một nhà văn. Người pháo thủ năm xưa ấy suốt cuộc đời chỉ mong muốn viết những tác phẩm về cuộc chiến tranh giải phóng, viết về đồng đội và viết người mẹ nghệ sĩ thân yêu của mình. Và tác phẩm này chính là điều ấp ủ nhất của trái tim ông, để rồi 50 năm sau trong một trại viết về chiến tranh cách mạng và người lính nơi Đà Lạt mù sương, ông đã cầm lên cây bút để viết tác phẩm mong ước của đời mình, bởi lẽ với ông, thiêng liêng nhất trong cuộc đời của con người bao giờ cũng là được chiến đấu bảo vệ cho Đất Mẹ, cho người mẹ thiêng liêng của mình.
Mẹ, suốt tuổi thanh xuân mẹ đã đi qua những cánh rừng, đi qua hai cuộc kháng chiến, mẹ đã hiến dâng tất cả những gì cao đẹp nhất của mình cho Tổ quốc thân yêu: Cuộc đời, tiếng hát, và những tình cảm sâu nặng nhất, những tháng năm đẹp đẽ nhất. “Tổ quốc ơi vì Người tôi ca hát”. Bao vực thẳm đèo cao, bao mặt trận nóng bỏng, bao cánh rừng dằng dặc… mẹ đã đi qua để đem tiếng hát hiến dâng cho người chiến sĩ, để chắp cánh cho tâm hồn người lính bay lên, bay lên làm trọn sứ mạng, nghĩa vụ của mình với Tổ quốc thân yêu, với quê hương làng xóm, với ngọn cỏ nhành cây và người mẹ hiền của mình” *.
Bài ca hay đep nhất mẹ đã hát cho Tổ quốc, cho Nhân dân và đồng đội của con. Và tác phẩm cao quý nhất của con cũng xin để viết về mẹ, về tiếng hát và trái tim tuyệt vời ấy của mẹ…”
—————-
(* Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” năm 2020 do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học -Nghệ thuật – Bộ VHTTDL tổ chức tại Đà Lạt tháng 10/2020)