Nhâm Dần – Tết con cọp hay Tết con hổ?

Nhâm Dần - Tết con cọp hay Tết con hổ? - VSD Văn Hóa - Nghệ Thuật
Tranh con cọp của hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu. Ảnh: Tường Minh

Nhâm Dần – Tết con cọp hay Tết con hổ?

Tết Nhâm Dần đã cận kề, tự dưng người bạn vong niên hỏi, năm nay ăn Tết cọp hay ăn Tết hổ? Người viết chợt ngẫm lại, trong vô vàn điển hình phong phú về tiếng Việt, hai chữ cọp và hổ cũng là một ngẫu tượng thú vị.

Trước hết hãy nói về chữ hổ. Nhân gian chẳng xa lạ gì hình ảnh con vật nổi tiếng bá chủ sơn lâm này. Từ xưa đến nay, hổ luôn được nhắc đến với đầy đủ ý nghĩa biểu trưng cho sức mạnh loài vật cuồng dã trong tự nhiên.

Trong chữ Hán, hổ (虎) được vẽ đủ hình về con vật mạnh mẽ, có đủ cả nanh vuốt, tấm thân vằn vện và chiếc đuôi dài. Những người thích chiết tự còn ví luận, trong chữ hổ có chữ thất (七) và chữ kỷ (cơ, 几) hàm nghĩa thú vị rằng, “gặp con vật này, bạn chỉ có thất cơ lỡ mệnh thôi”.

Trong hệ số đếm chu kỳ Thiên Can Địa Chi của triết học Đông phương, hổ là con vật được chọn đứng thứ ba, viết Dần (寅). Năm Tân Sửu qua, năm Nhâm Dần tới, người ta sẽ gọi tiễn Trâu đón Hổ, là theo canh vị này.

Nhưng đó là gọi theo chữ Hán, Dần được viết là hổ. Còn trong tiếng Việt, Dần sẽ viết là cọp. Cọp là một từ thuần nôm của người Việt, trong tiếng Hán không có chữ này. Với dạng chữ Nôm, cọp viết là chữ ?, hoặc ?, và chữ ?. Tất cả đều ghép từ bộ chữ Hán, mượn âm chữ Hán tương tự mà thành.

Chữ ? hay ?, lấy bộ trỉ hoặc bộ khuyển, chỉ vào nghĩa “con thú”, và chữ cập 及 mượn âm; hàm nghĩa con thú đọc như chữ cập, chính là chữ cọp. Chữ ? cũng lấy bộ trỉ và chữ hợp (合) mượn âm, đọc là cọp.

Với cách hiểu như vậy, gọi năm Dần, là năm Hổ, tức dùng nghĩa chữ Hán và năm Cọp, tức dùng nghĩa chữ Nôm. Theo đó, gọi Tết này là Tết con Cọp, chắc chắn là gọi theo tiếng Việt, là cách gọi của người Việt.

Chữ cọp, với nghĩa nôm như vậy, chỉ vào con cọp, động vật ăn thịt có sức mạnh trong thiên nhiên. Người Việt ăn Tết năm con cọp, chứ không phải ăn Tết năm con hổ như chữ Hán thể hiện.

Chữ cọp, sau thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp, bởi sự du nhập đa dạng vào tiếng Việt, còn biến ra nghĩa khác. Đó là chữ “copy”, tức sao chép, đọc vắn tắt là cọp.

Trong tiếng Việt, nhất là ngôn ngữ phía nam, “cọp” thêm nghĩa “sao chép, xem trộm”. Đọc sách “cọp”, đọc báo “cọp”, nghĩa là đọc sách báo không trả tiền. Học sinh cọp bài, tức là quay cóp trong thi cử.

Ăn Tết con cọp, là từ dùng theo nghĩa tiếng Việt, ai cũng hiểu. Tuy nhiên, người Quảng Nam vốn tiếu lâm, thích nói lái, lại né chữ cọp, chuyển qua dùng chữ hổ. Bởi nói Tết con cọp, chắc chắn dân xứ Quảng Nam sẽ lửng lơ “năm Dần chắc sẽ bắt được con cọp” rồi cười ha hả. Tết con cọp 2022 ở xứ Quảng, thú vị thay, lại là Tết con hổ mà thôi!

NGUYÊN ĐỨC

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây