Những vần thơ vượt qua ranh giới – Tác giả: Thanh Thuý

Thơ buổi sáng” là tập thơ mới nhất của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng (Nxb Hội Nhà văn, 2023) đã long trọng ra mắt tại Hà Nội với sự tham gia của rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học uy tín: Nguyễn Quang Thiều, Trương Đăng Dung, Đỗ Lai Thúy, Trần Đăng Khoa, Phạm Xuân Nguyên…

Ra mat tap Tho buoi sang min - Những vần thơ vượt qua ranh giới - Tác giả: Thanh ThuýRa mắt tập “Thơ buổi sáng” là tập thơ mới nhất của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng.

Ngoài những bài thơ tự do, thơ Haiku, một trường ca mang tên “Bài tiễn biệt thi sĩ” đã được giới thiệu trong cuốn sách dày dặn hơn 300 trang này.

Theo nhận định chung của các vị khách quý tại buổi lễ ra mắt tập thơ “Thơ buổi sáng”: Thơ Nguyễn Đức Tùng rất hiện đại, giàu có, phong phú một cõi sống, và mỗi bài đều có ý tưởng và câu chuyện riêng với những phong cách khác nhau: hiện thực, lãng mạn, và cả siêu thực, gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ.

Nhà thơ Mai Văn Phấn, trong bài “Những vần thơ vượt qua ranh giới” đã viết về Nguyễn Đức Tùng: “Ông là một trong số ít tác giả hiếm khi phải đi qua vùng tối” hoặc “chiếu nghỉ”, tức là hiếm khi phải đi qua giai đoạn ngừng viết, lắng lại để tích lũy, chiêm nghiệm. Dấu ấn thơ Nguyễn Đức Tùng là hành trình liên tục đi tìm cách viết mới, quan niệm mới. Có thể nói, thơ ông vượt qua nhiều ranh giới do chính ông tạo lập. Từ ranh giới ấy, độc giả biết thêm nhiều quan niệm nghệ thuật khác, không gian khác của ông.”

“Tính truyện” trong thơ Nguyễn Đức Tùng được tác giả Lê Hồ Quang nhận định trong bài “Thơ Nguyễn Đức Tùng “nơi câu chuyện bắt đầu bằng ngôn ngữ khác”: “Thơ đã đi qua rất nhiều chặng đường lịch sử. Từ trữ tình rậm lời của thơ tiền hiện đại đến sự tối tăm và hóc hiểm ngôn ngữ của thơ hiện đại, qua mê cung của thơ hậu hiện đại với bề bộn những “giải thiêng”, “giải tự sự”, “giải trung tâm” … đến lúc nào đó, người ta bỗng cần đến thơ như những câu chuyện bình dị của đời sống con người. Những câu chuyện của thơ, như Nguyễn Đức Tùng đã làm trong tác phẩm của mình.

Còn khi nói về thơ mình, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng đã chia sẻ với độc giả trong “Thơ buổi sáng”: “Thơ được viết trong cô độc, và nỗi đau của nó, có thể gây cảm giác bất an, nhưng thơ cũng làm bạn cảm thấy được kết nối với người khác, cảm thấy bạn không phải một mình trên thế gian này… Thơ hôm nay phải là tiếng nói khác, trực tiếp, độc đáo, chân thật, của xã hội mà người viết đang sống. Muốn chân thật nó phải mới và khác…Thơ mang lại những kinh nghiệm và cảm xúc không thể chia sẻ bằng phương tiện nào khác.”

Nói về sự cô độc của thơ và người thơ, đồng thời cũng của độc giả, nhà thơ Trương Đăng Dung chia sẻ: Có lẽ mỗi nhà thơ cũng nên phải quen với việc thiết lập một cộng đồng độc giả của riêng mình. Không thể có nhà thơ được tất cả mọi người đón nhận, không thể có những bài thơ mà tất cả mọi người thấy hay.

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng hiện sống và viết ở Canada, ngoài làm thơ, viết truyện, dịch thuật, ông còn nổi bật trong tư cách một nhà nghiên cứu phê bình, đã xuất bản các tập tiểu luận: “Thơ đến từ đâu”, “Thơ cần thiết cho ai”, “40 năm thơ Việt hải ngoại”…  Với tập “Thơ buổi sáng”, người đọc sẽ nhận ra : “Khi bạn viết hay đọc một bài thơ, bạn đứng vào trung tâm của cuộc đời mình.” Và giống như nhà thơ, độc giả sẽ “tin vào sự cần thiết của thơ ca”.    

Thanh Thuý

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây