Nỗi đau da cam và sức mạnh Việt Nam – Tác giả: PGS.TS Trần Thị Thu Hoài

Nỗi đau da cam và sức mạnh Việt Nam - Tác giả: PGS.TS Trần Thị Thu Hoài

Sách “Màu của hy vọng”. (Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam).

Tôi vừa khép lại trang cuối cùng cuốn tự truyện ‘Màu của hy vọng’ của chàng trai Đỗ Hà Cừ, một nạn nhân chất độc da cam trong nhiều trạng thái cảm xúc và nghĩ suy. Hàng triệu lít chất độc hủy diệt mà đế quốc Mỹ rải xuống miền nam Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước vẫn để lại những dư chấn khổng lồ cho đến tận hôm nay. Gần 50 năm sau khi cuộc chiến kết thúc với chiến thắng ngày 30 tháng 4 năm 1975, nỗi đau vẫn còn đó, vẫn hiện diện mỗi ngày trên những con người bằng xương bằng thịt.

Bố của Cừ vào chiến trường Quảng Trị năm 1972, đến 1973 đã ra bắc điều trị vì bị mụn, lở loét hết cả người, đau đớn không tiếp tục ở lại chiến trường chiến đấu được. Sau khi xuất ngũ, ông vào trường đại học tiếp tục sự nghiệp học hành rồi ra làm cán bộ Nhà nước.

Tròn 9 năm sau ngày giải phóng miền nam, ngày 30/4/1984, Đỗ Hà Cừ ra đời, không bình thường như các em bé khác. Bao năm trời gia đình đưa Cừ đi chữa bệnh, khắp các bệnh viện, các thầy thuốc, các cách chữa trị Đông, Tây y, tình hình sức khỏe của em vẫn không tiến triển đáng kể.

Bố Cừ một mực từ chối chế độ đãi ngộ của nhà nước cho những nạn nhân da cam vì sợ ảnh hưởng đến tương lai của em trai Đỗ Hà Cừ. Cái tiếng nạn nhân chất độc da cam là một sự ám ảnh hãi hùng đối với chính bản thân gia đình nạn nhân và cộng đồng.

Cừ bị liệt toàn thân, chân tay co quắp, các bộ phận trên cơ thể em hoàn toàn không tuân thủ sự chỉ huy của cái đầu. Sau này thêm chứng động kinh càng làm cho cuộc sống của em và gia đình em thêm cơ cực. Tất cả mọi nhu cầu cá nhân, em không thể tự phục vụ. Em không đứng, không đi, không ngồi bình thường được mà chỉ có một tư thế duy nhất là nằm.

Ngoài những đớn đau vật vã trong suốt những năm tháng chữa bệnh cho Cừ, sự đồn thổi cũng như rỉ tai của thiên hạ “Chắc kiếp trước bố mẹ tôi ăn ở thế nào nên kiếp này trời bắt tội” cũng trút một gánh nặng tinh thần khổng lồ xuống đôi vai gầy của mẹ Cừ và là nỗi đau của đại gia đình em.

Phải đọc tự truyện của Cừ, chúng ta mới hình dung phần nào về sự vất vả, cơ cực của gia đình em khi chăm sóc cho em ngày qua ngày trong suốt 40 năm qua.

Cừ bị liệt toàn thân, chân tay co quắp, các bộ phận trên cơ thể em hoàn toàn không tuân thủ sự chỉ huy của cái đầu. Sau này thêm chứng động kinh càng làm cho cuộc sống của em và gia đình em thêm cơ cực. Tất cả mọi nhu cầu cá nhân, em không thể tự phục vụ. Em không đứng, không đi, không ngồi bình thường được mà chỉ có một tư thế duy nhất là nằm.

Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ vào mẹ và những người thân yêu. Những sinh hoạt, những công việc rất đỗi bình thường của bất cứ ai lành lặn với Cừ cũng là cả một sự đánh vật. Tắm rửa, thay quần áo, đi vệ sinh nặng, nhẹ, chỉ nghe em miêu tả và kể lại cũng đủ thấy sự nhẫn nại khôn cùng và tình yêu vô bờ bến của mẹ và những người trong gia đình em dành cho em trong suốt 40 năm qua.

Chẳng biết nên xem là may mắn hay bất hạnh khi Cừ hiểu rất rõ, hiểu tận chân tơ kẽ tóc về thực trạng cơ thể mình. “Cứ khi thần kinh căng thẳng thì người tôi không ổn định được, toàn thân co cứng, đầu ngoáy liên tục, tay chân cứng đờ”. Hồi tưởng lại những ngày đi nhà trẻ, thèm được bế thì mẹ xuất hiện. “Rồi như vậy đó, mẹ bế tôi đến bây giờ luôn… Tôi gần tròn 40 tuổi, mẹ vẫn còn bế và ôm vào lòng. Đêm nào mẹ cũng ngủ cùng con”. Và khi tuổi trẻ của mẹ qua đi, sức khỏe của mẹ cũng yếu đi theo thời gian, nỗi lo của Cừ làm chúng ta thổn thức: “Mẹ ơi, có lúc nào mẹ nghĩ là…mẹ sẽ không còn ôm con vào lòng nữa?”

Thứ chất độc kinh hoàng đó đã tạo nên một Đỗ Hà Cừ khuyết tật về hình hài ngay từ lúc lọt lòng, cầm tù cơ thể em trong 4 bức tường suốt bao nhiêu năm trời đằng đẵng. Song nó không giam được tâm hồn em.

Sức mạnh của lòng khao khát được vươn ra, hòa nhập với cộng đồng và trở nên hữu ích, không muốn mình là một người vô dụng, là “mãi mãi chỉ là một kẻ để người khác phải gánh trên vai”, Đỗ Hà Cừ đã học chữ, học vi tính, học cách sử dụng mạng internet để kết nối mình với thế giới rộng lớn ngoài kia.

Đọc những trang viết Cừ kể lại việc học từng con chữ của em, nỗi xúc động trào dâng. Em liệt toàn thân, chỉ duy nhất bộ não còn hoạt động tốt, nên việc học của em diễn ra theo một cách vô cùng đặc biệt, không thể tưởng tượng nổi.

Đến tận bây giờ, như em kể trong những trang tự truyện, em đọc sách còn nhanh hơn lật giở trang sách. Vì khi đọc xong trang sách, em phải nhờ người khác lật trang hộ. Và khi không có ai, em bắt buộc phải đợi đến khi có người xuất hiện giúp em.

Quy trình học chữ, quy trình học vi tính, công cụ dạy học, cách thức học của em, nếu không đọc tự truyện, dù trí tưởng tượng có phong phú tới đâu, chúng ta cũng không thể nào tưởng tượng nổi. Đi làm căn cước công dân, chỉ là thủ tục lấy vân tay mà không một cán bộ công an nào có thể làm được. Cho đến khi em gặp một nữ công an vô cùng nhẫn nại, phải mất hàng tiếng mới hoàn thành công việc mà người bình thường làm chỉ trong vài phút này. Sức mạnh của lòng khao khát không thể sống như một kẻ vô dụng đã thôi thúc em vượt qua những chướng ngại tưởng chừng không thể vượt qua để chạm tới những giấc mơ. Em mê bóng đá và em đã xoay sở bằng mọi cách để có vé đi xem trực tiếp ở sân bóng dù trận bóng diễn ra ở tận Hải Phòng, Hà Nội, xoay sở mọi cách để có thể di chuyển cái cơ thể bất trị, liệt toàn thân của mình tới sân bóng. Với một người như Cừ, làm được những việc này, quả là phi thường.

Đọc tự truyện của Cừ, chúng ta nhận ra những vị Bồ Tát trong đời thực. Mẹ của Cừ chính là một vị Bồ Tát cứu rỗi cuộc sống của chàng trai Đỗ Hà Cừ. Sức mạnh của tình mẫu tử, sức mạnh của tình yêu thương vô bờ bến, sức mạnh của trí tuệ, của sự sáng tạo, của những khát khao mong mỏi có thể giúp con thực hiện những ước mơ bình dị, bà đã làm nên những điều kỳ diệu.

Bà chính là người Mẹ, người Thầy, Bà là tất cả với cuộc sống của Cừ. Bà dạy em chữ, dạy em vi tính, vượt qua mọi trở ngại khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua để giúp em chạm vào những ước mơ nhỏ nhoi của một người tàn tật nặng như Cừ.

Tình yêu con đã làm trí tuệ bà bừng sáng. Và cũng chính tình yêu vô bờ của bà dành cho đứa con tàn tật, khát khao bù đắp cho con những thiệt thòi đau đớn, giúp con thực hiện những ước mơ đã biến bà trở nên mạnh mẽ, quyết đoán và tràn đầy năng lượng suốt 40 năm qua.

Tôi đọc từng câu chuyện của em kể về mẹ mà lòng tôi rưng rưng và nước mắt cứ lặng lẽ tuôn rơi. Một bà mẹ từ tình yêu thương với đứa con khuyết tật, bất hạnh đã trở nên mạnh mẽ, can đảm, quyết đoán, thông tuệ, giỏi giang, sáng tạo để có thể dấn thân làm bất cứ điều gì cho con được hạnh phúc.

Suốt 40 năm, từ cách bà dạy chữ cho Cừ, thiết kế cho Cừ cái bàn đọc sách, cải biến các cách để em có thể ngồi trên chiếc xe lăn, thiết kế chỗ tắm cho Cừ,… Mọi vật dụng phục vụ cho cuộc sống và sinh hoạt cho một người tàn tật nặng như Cừ đều không giống ai. Có những điều tưởng chừng như điên rồ, không thể làm nổi, vậy mà tình yêu và trí tuệ đã giúp bà tạo nên những kết quả kỳ diệu làm chúng ta lặng đi thổn thức.

Đọc tự truyện của Cừ, chúng ta nhận ra sức mạnh của văn hóa Việt Nam, lá lành đùm lá rách, bầu ơi thương lấy bí cùng. Bắt đầu từ khát khao và nỗ lực không đầu hàng số phận của chàng trai Đỗ Hà Cừ, những đề nghị của Cừ qua email tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề đạt nhu cầu, nguyện vọng của một người khuyết tật nặng như Cừ hầu như đều nhận được sự quan tâm thỏa đáng và được hỗ trợ, đáp ứng.

Ước mơ được xem trận chung kết U17 Quốc gia ở Huế của Cừ đã được đáp ứng theo một cách đặc biệt cảm động. Tổng Biên tập báo Bóng đá lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Phú, sợ Cừ không đủ sức khỏe vào tận Huế đã đích thân đến tận nhà tặng em chiếc ti vi to để Cừ có thể xem trận chung kết bóng đá.

Bao nhiêu tấm lòng của các cá nhân, các cơ quan đoàn thể, bao nhiêu sự giúp đỡ tận tâm hết lòng hết sức của cộng đồng dành cho chàng trai Đỗ Hà Cừ giúp em có thể làm nên những điều kỳ diệu.

Noi dau da cam va suc manh Viet Nam 2 min - Nỗi đau da cam và sức mạnh Việt Nam - Tác giả: PGS.TS Trần Thị Thu HoàiKhông gian đọc Hy vọng của chàng trai khuyết tật Đỗ Hà Cừ bên mẹ là cô Nguyễn Thị Kim Sơn.

Với người Thầy đầu tiên là Mẹ, người Thầy thứ hai là những cuốn sách, với ý chí, nghị lực trở thành người hữu ích, cùng sự hỗ trợ giúp đỡ nhiệt tình, có trách nhiệm của cộng đồng, Đỗ Hà Cừ đã trở thành người quản lý “Không gian đọc Hy vọng” (một hình thức thư viện tại gia) nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Không những thế, chàng trai tàn nhưng không phế này còn giúp những người tàn tật nặng trên quê hương mình, và sau này mở rộng ra nhiều tỉnh thành trên cả nước tìm lại động lực sống và ý nghĩa cuộc sống thông qua mô hình các “không gian đọc”.

Với việc đứng ra thành lập “Câu lạc bộ Không gian đọc Hy vọng”, đến năm 2024, câu lạc bộ đã có 32 không gian đọc trên khắp mọi miền đất nước, trong đó có 28 không gian đọc do người khuyết tật quản lý. Quả là một kỳ tích.

Chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ nhưng dư âm khủng khiếp mà nó để lại vẫn còn đó. Nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam không chỉ là nỗi đau riêng của cá nhân người đó mà là nỗi đau của đại gia đình và toàn xã hội.

Tàn nhưng không phế, không thể để mình “mãi mãi chỉ là một kẻ để người khác phải gánh trên vai”, Đỗ Hà Cừ, một nạn nhân chất độc da cam đã làm nên những điều kỳ diệu. Cơ thể tàn tật nhưng tâm hồn em khỏe khoắn và tràn đầy năng lượng tốt lành, những gì em làm được với sự giúp đỡ, hỗ trợ của gia đình, cộng đồng đã thay đổi cách nhìn, xóa dần định kiến của xã hội về người khuyết tật. “Màu của Hy vọng”, tự truyện của Đỗ Hà Cừ là minh chứng cho sức mạnh Việt Nam: sức mạnh của khát khao, ý chí, nghị lực khổng lồ không đầu hàng số phận; sức mạnh của tình mẫu tử; sức mạnh của truyền thống lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái,…

Và thông điệp lớn em muốn gửi tới mọi người: Cuộc sống dù có gian nan, thử thách đến đâu, nếu có ước mơ, niềm tin thì Hy vọng sẽ thành công”

PGS.TS TRẦN THỊ THU HOÀI

(Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

 

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây