Ông Phủ Vĩnh Tường, chồng Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương là ai? – Tác giả: Nghiêm Thị Hằng

1.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì Hồ Xuân Hương (giả thiết sinh năm 1772 mất năm 1822) quê gốc ở Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An, xứ Bắc Hà. Dân tộc Việt. Giai đoạn sáng tác Cổ điển, thể loại Hán Nôm. Thế nhưng một cứ liệu khác lại minh chứng ở Viễn Đông Bác Cổ, có lưu trữ tập Hán văn chép tay Dương Hạo đỉnh tập quốc sử dĩ biên số hiệu A-1045, biên tập vào năm 1862, nói đến việc quan Tham hiệp trấn Yên Quảng là Trần Phúc Hiển, có người vợ bé là nhà thơ, nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Vậy ông Phủ Vĩnh Tường chồng Bà Chúa thơ nôm là ai?

Chuyện tình Hồ Xuân Hương ở đất Phủ Vĩnh Tường

Hồ Xuân Hương, một nhà thơ nữ hiếm hoi trong làng thơ Việt Nam, xưa nay vẫn là huyền thoại, nhưng ít ai biết nữ sĩ được xếp hạng nổi tiếng thứ 2479 trên thế giới và thứ 2 trong danh sách Nhà thơ nổi tiếng. Người ta thuộc thơ Hồ Xuân Hương, biết chuyện tình của nữ sĩ qua bài thơ Khóc Tổng Cóc và Khóc ông Phủ Vĩnh Tường. Thế nhưng cuộc đời của Hồ Xuân Hương ra sao, đã trải qua những nỗi bất hạnh nào để có duyên thơ, thì đến nay vẫn là huyền bí, cũng như chuyện người cha của nữ sĩ họ Hồ là Hồ Phi Diễn hay Hồ Sĩ Danh? Còn nữa ông Phủ Vĩnh Tường, người chồng thứ hai của nữ sĩ là ai, Trần Phúc Hiển hay Phạm Viết Ngạn? Còn nữa, mộ nữ sĩ có còn trong những khu mộ cổ ven hồ, hay đã nằm sâu trong sóng nước Hồ Tây?… Trong bài viết này, tôi chỉ muốn lần ra trong các cứ liệu lịch sử và văn chương, để giải mã ông Phủ Vĩnh Tường chồng Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương là ai?

Theo bia đá dựng ở đầu làng Quỳnh Đôi, quê hương nữ sĩ họ Hồ, thì sau 3 năm chồng chết, Hồ Xuân Hương cũng về với thế giới bên kia năm 1822, cùng năm đó Phủ Tam Đa được đổi tên thành Phủ Vĩnh Tường, danh xưng này vang lên từ đấy. Còn ông Phủ Vĩnh Tường trong bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh Tường của Hồ Xuân Hương là ai, ông Tri phủ Tam Đái, Trần Phúc Hiển, người đã chết từ năm 1819, hay ông Tri phủ Vĩnh Tường Phạm Viết Ngạn, người chết năm 1862? Tôi không bình luận về bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh Tường là của Hồ Xuân Hương hay của ai, mà chỉ muốn nhắc đến bài thơ này như một cái cớ “Phủ Vĩnh Tường” đã đi vào văn học, từ đó danh xưng vùng đất này được nhiều người biết đến.

 Bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh Tường, có câu: “Hăm bảy tháng trời đã mấy chốc” cho thấy duyên nghĩa vợ chồng của họ chỉ vẻn vẹn 27 tháng.

Khi về đất “Phủ Vĩnh Tường” năm 2019, tôi được lãnh đạo huyện tặng cuốn Địa chí Vĩnh Tường, Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2018, dày 968 trang. Tại trang 745 phần thứ 5 văn hóa xã hội, viết về Hồ Xuân Hương có nêu: “Hồ Xuân Hương sinh năm 1772 mất năm 1822, người làng Quỳnh Đôi, xứ Nghệ”; “Bà lấy Tri phủ Vĩnh Tường, tuy cũng là làm lẽ nhưng tình yêu được trân quý. Theo Phạm gia tộc phả và Triệu tông phả, ông Phủ Vĩnh Tường Chính là tú tài Phạm Viết Ngạn, khi thăng chức Đồng tri phủ Phân phủ Vĩnh Tường thì cải thành viết lập, nguyên quán ở hương Trà Lũ, xã Xuân trung, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định”.

Địa chí Vĩnh Tường không nêu rõ nữ sĩ Hồ Xuân Hương lấy Tú Tài Phạm Viết Ngạn năm nào, nhưng có ghi năm ông  nhậm chức Tri Phủ Vĩnh Tường năm 1862 và cùng năm ấy là năm mất của ông, hưởng thọ 61 tuổi.

Vậy ông Phủ Vĩnh Tường chồng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương có phải tú tài Phạm Viết Ngạn?

Có bao nhiêu ông Tri phủ Vĩnh Tường?

Theo Địa chí Vĩnh Tường năm 2018,  phần II lịch sử vùng đất Vĩnh Tường, Chương 2: Vĩnh Tường thời kỳ phong kiến tự chủ năm 938-1873, mục 2.2.3 Vĩnh Tường thời Nguyễn 1802-1873, tại trang 178 nêu: “Huyện Vĩnh Tường ngày nay nằm trong Phủ Tam Đới, thuộc trấn Sơn Tây dưới triều Nguyễn. Đến năm 1821, vì kiêng tên húy, Vua Minh Mạng đã đổi tên Phủ Tam Đới, thành Phủ Tam Đa. Năm 1822 Phủ Tam Đa được đổi thành Phủ Vĩnh Tường”. Tại trang 180 có nêu tên quản phủ Vĩnh Tường: “Năm 1826 ở huyện Lập Thạch, Lê Văn Bang đã tập hợp hơn 1000 người nổi lên cướp bóc. Quản phủ Vĩnh Tường là Trần Văn Di thân chinh đem 200 dân binh đi đánh dẹp”. Như vậy Phủ Vĩnh Tường được thành lập năm 1822, thì 4 năm sau Trần Văn Di là tri phủ Vĩnh Tường đầu tiên. Cũng tại trang 180 có nêu “Năm 1833 thành phủ Vĩnh Tường lại phải đem quân đi tiêu diệt cuộc nổi loạn… Đồng Tri phủ Vĩnh Tường, Sơn Tây là là Nguyễn Trù”. Với trích dẫn trên thì Tri phủ Vĩnh Tường năm 1833 có tên là Nguyễn Trù. Từ năm 1833 đến năm1873, địa chí Vĩnh Tường không nhắc tới tên các Tri phủ khác. Còn theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì “Năm Nhâm Tuất Tự Đức thứ 15 (1862) Phạm Viết Ngạn được thăng chức Đồng tri Phủ Vĩnh Tường năm đó ông 61 tuổi, mất ngày 14/4 cùng năm tại sở lỵ”.

Như vậy từ năm 1822 đến năm 1862, Phủ Vĩnh Tường có 3 ông là Trần Văn Di, Nguyễn Trù và Phạm Viết Ngạn là Tri phủ và chỉ có ông Phạm Viết Ngạn được xác nhận là chồng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Nhưng lại có nhiều cứ liệu trong đời thường, cũng như những bài thơ của Hồ Xuân Hương  trong tập Lưu Hương Ký, trở thành minh chứng có lý, có tình, có độ tin cậy, khẳng định Trần Phúc Hiển, Tri phủ Tam Đái (tiền thân của Phủ Vĩnh Tường) mới chính là chồng của nữ sĩ họ Hồ.

2.

Từ cứ  liệu về Hồ Xuân Hương, Trần Phúc Hiển và Phạm Viết Ngạn, chúng tôi đã tìm ra một đáp số có lý có tình, giải mã thiên tình sử ông Phủ Vĩnh Tường – chồng bà Chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương – là ông Trần Phúc Hiển. Ba năm sau mãn tang chồng (năm 1822), ở tuổi 49, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã theo chồng về thế giới bên kia. Trần Phúc Hiển chính là người chồng thứ hai cũng là người chồng cuối cùng của nữ sĩ họ Hồ.

Tri phủ Tam Đái Trần Phúc Hiển chính là chồng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Ông Trần Phúc Hiển -Tri Phủ Tam Đái (tiền thân của Phủ Vĩnh Tường) là chồng  nữ sĩ Hồ Xuân Hương, có rất nhiều cứ liệu ghi trong sử sách và của các nhà nghiên cứu trong nước, các cứ liệu qua tập Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương, viện dẫn, thấy hợp tình, hợp lý.

Một cứ liệu cổ nhất còn lưu giữ ở Viễn Đông Bác Cổ, là tập Hán văn chép tay Dương Hạo đỉnh tập quốc sử dĩ biên số hiệu A-1045, do Thám hoa Phan Thúc Trực, nguyên tên là Dương Hạo, người Nghệ An soạn vào năm 1862, nói đến việc quan Tham Hiệp trấn Yên Quảng là Trần Phúc Hiển, do tham ô, bị Gia Long kết án tử hình năm 1819. Nguyên tác chữ Hán, Đào Thái Tôn trích dịch. Theo đó trong sách của Dương Hạo có đoạn: “Quan Tham Hiệp trấn có người vợ bé tên là Xuân Hương, giỏi về văn chương và chính trị. Bấy giờ nổi tiếng là thi nữ, Quan Tham Hiệp thường sai nàng vào việc quan. Viên án thủ Dung vốn sợ và rất ghét nàng”. Mặt khác việc quan Tham Hiệp Trần Phúc Hiển  bị Gia Long kết án tử hình năm 1819 là có thật, minh chứng Sách sử Đại Nam thực lục chính biên quyển số 57, trang 12a chép rõ chuyện này.

Vậy quan Tham Hiệp Trần Phúc Hiển là ai? Nhân duyên nào đến với nữ sĩ Hồ Xuân Hương? Theo căn cứ  từ Lưu Hương ký, Tục Hoàng Việt thi tuyển và Đại Nam thực lục thì Trần Phúc Hiển vốn dòng dõi thi thư, con Trần Phúc Nhàn, nguyên giữ chức tham mưu trong quân đội chúa Nguyễn Ánh, (tử trận trước khi chúa Nguyễn khôi phục Phú Xuân). Tháng 7 năm Quý Hợi 1803, Vua Gia Long đền công cho con là Phúc Hiển được bổ chức Hàn Lâm thị thư sau đó được thăng Tri phủ Tam Đái (theo Đại Nam thực lục Chính Biên, q 22/1b). 

Trần Phúc Hiển là người đằng trong, khi đó đã có vợ ở quê, nhưng người vợ không theo chồng ra Bắc. Trong thời gian làm tri phủ Tam Đái 1810-1813, Trần Phúc Hiển nhiều lần đến Cổ Nguyệt Đường trên đường Cổ Ngư ven Hồ Tây của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, để xứng họa thơ ca và hứa sẽ cưới nàng làm vợ.

Sau ba năm trấn nhậm Phủ Tam Đái, tháng Chạp năm Quý Dậu 1813, Trần Phúc Hiển được thăng chức Tham Hiệp trấn Yên Quảng. Đầu năm Giáp Tuất (1814) Phúc Hiển rời Phủ Tam Đái, dong thuyền qua Thăng Long để ra Yên Quảng nhậm chức mới. Khi qua Thăng Long, Phúc Hiển rủ bạn tình Xuân Hương cùng đi, khi gần đến trấn lỵ bên sông Bạch Đằng, sợ dư luận dị nghị, nên để bạn tình ở lại Yên Quảng và hứa hẹn sau khi ổn định, sẽ rước nàng về Vịnh Hạ Long. Từ Yên Quảng trở về Thăng Long, lúc này Hồ Xuân Hương còn phải cư tang mẹ một năm (năm 1815). Sau khi nữ sĩ mãn tang mẹ, Trần Phúc Hiển đã giữ lời hứa, đầu năm 1816 rước nàng về trấn lỵ Yên Quảng bên bờ sông Bạch Đằng. Nàng thơ trở thành bà lớn trấn Hải Đông, được chồng kính mến, nàng ngồi sảnh đường giúp chồng giải quyết các việc quan, nàng thường bên chồng cố vấn các vụ kiện, nên bị Viên án thủ Dung thù ghétTrong thời gian yêu nhau từ năm 1813-1816 nhiều lần quan Tham Hiệp trấn Yên Quảng về thăm người yêu ở kinh thành và nàng thơ cũng đã ra Yên Quảng thăm Phúc Hiển. Nàng đã được đi thăm nhiều địa danh ở trấn Yên Quảng và Vịnh Hạ Long, lúc chia tay nhau cả hai cùng lưu luyến, bịn rịn. Trong tập Lưu Hương Ký, nữ sĩ Xuân Hương đã có 3 bài thơ lưu dấu các địa danh: Lục giang, Bạch Đằng Giang, Yên Quảng, Yên Hưng nơi nàng đã có những chuyến du hành cùng Phúc Hiển. Các bài thơ này vừa đề tặng và cũng để nhắc nhở đấng phu quân chớ quên tình nghĩa vợ chồng. Trong tập Lưu Hương Ký còn có bài thơ của Tham Hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển hoạ thơ Xuân Hương (do cụ Bùi Hạnh Cẩn dịch)

Thiên tình sử của Bà Chúa thơ Nôm với quan Tham Hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển, là mối tình của trai tài gái sắc, cảm thương, cảm mến nhau từ Cổ Nguyệt Đường, ngôi nhà của nữ sĩ bên đường Cổ Ngư. Từ biệt Tổng Cóc năm 1804, hơn 10 năm sau, năm 1816 Hồ Xuân Hương mới về làm lẽ Tham Hiệp trấn Yên Quảng –Trần Phúc Hiển.

Nhưng ngày vui chẳng được bao lâu, sau 27 tháng nghĩa vợ tình chồng, thì năm Gia Long thứ 17 (1818), Phúc Hiển bị tố cáo nhận hối lộ, bị bắt giam và bị xử tử vào năm sau (1819). Ba năm sau mãn tang chồng, nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng về với thế giới bên kia khi tử vi chưa qua hết tháng hạn của tuổi 49.

Theo Ts Phạm Trọng Chánh – người viết bài nghiên cứu Chân dung Hồ Xuân Hương qua 31 bài thơ tình của Tốn Phong, thì Tốn Phong là người viết lời tựa cho Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương năm 1814, ông cũng viết 31 bài thơ về Hồ Xuân Hương”. Qua 31 bài thơ của Tốn Phong, chân dung nàng thơ được khắc họa, đọc thơ biết gia cảnh, chuyện thơ, chuyện tình của nữ sĩ. Là bạn thơ, cũng là người tình của Hồ Xuân Hương trước năm 1814, nhưng rồi Tốn Phong cũng nhận ra Xuân Hương đã yêu Tham Hiệp Yên Quảng Trần Phúc Hiển, vì thế đã có thơ chúc nàng: “Xe loan mong sớm với người xa”.

Còn bài thơ Khóc ông phủ Vĩnh Tường, các nhà nghiên cứu đã khẳng định không phải của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, có thể là của các nhà thơ đời sau, khi nghĩ tới nữ sĩ, người ta nghĩ tới mối tình đẹp của ông Tri Phủ Tam Đái vùng đất sau này (năm 1822) được đổi tên là Phủ Vĩnh Tường, nên đã khóc thay cho Hồ Xuân Hương với người chồng duyên nghĩa 27 tháng đã phải lìa xa. Khóc cho Xuân Hương ở cái thời “Ông Phủ Vĩnh Tường” còn là ngọc chưa tỳ vết, cũng là xót thương cho chuyện tình của nữ sĩ.

Tôi không có ý định đi sâu tìm hiểu bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh Tường, chỉ muốn đưa ra các cứ liệu lịch sử và văn chương, để khẳng định ông Trần Phúc Hiển mới chính là người chồng thứ hai của Bà Chúa thơ Nôm, đừng ai gán cho bà một người chồng khác mà mấy trăm năm rồi, vẫn đau lòng nàng thơ nơi chín suối.

Từ những cứ liệu này, đề nghị Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, hãy sửa phần đời tư của nữ sĩ Hồ Xuân Hương có hai người chồng là Nguyễn Bình Kình và Trần Phúc Hiển, lấy thân thế sự nghiệp của Trần Phúc Hiển  thay cho Phạm Viết Ngạn như  trích dẫn hiện nay.

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây