Phùng Văn Khai như tôi biết – Tác giả: Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Trọng Nguyên

Phùng Văn Khai như tôi biết - Tác giả: Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Trọng Nguyên

Dịch giả Nguyễn Trọng Nguyên (bìa phải) và nhà văn Phùng Văn Khai.

Tôi quen biết Phùng Văn Khai không lâu, qua sự giới thiệu của một số bạn văn trong trường Viết văn Nguyễn Du năm 2022, nhưng con người và sự nghiệp văn chương của Phùng Văn Khai đã để lại trong tôi một cảm tình đặc biệt.

Phùng Văn Khai năm nay đã qua năm mươi tuổi, cái tuổi ấy trong giới sáng tác văn học không là trẻ nhưng cũng chưa phải là “cây đa cây đề”. Tuy nhiên, những tác phẩm ông đã và sẽ tiếp tục viết đáng để cho người trong nghề nể phục.

Tôi đã bỏ hàng tháng trời để đọc mấy ngàn trang sách của ông. Đó là Ngô Vương; Phùng Vương; Nam Đế Vạn Xuân (Lý Nam Đế); Triệu Vương phục quốc (Triệu Quang Phục); Lý Đào Lang Vương (Lý Thiên Bảo – anh ruột Lý Nam Đế); Lý Phật Tử định quốc (Lý Phật Tử), và gần đây nhất là bộ Trưng Nữ Vương. Ngoài ra, Phùng Văn Khai còn viết cả tiểu thuyết hiện đại (Hư thực; Hồ đồ), truyện ngắn (Bên kia sông; Những người đốt gạch; Hương đất nung) và tập thơ dày tới 330 trang. Sách nào của ông cũng dày dặn, bìa cứng, đẹp, trang trọng… Tôi không có ý kể ra đây thật đầy đủ các tác phẩm của Phùng Văn Khai cũng như các giải thưởng văn học mà ông đạt được vì tất cả đã được nhiều cây bút khác thống kê đầy đủ. Chỉ cần một cú click chuột vào và Google với “Nhà văn Phùng Văn Khai” là ra vài chục bài của rất nhiều nhà: nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nhà nghiên cứu lịch sử… viết về Phùng Văn Khai với cơn mưa lời khen. Tôi chỉ muốn viết cảm nhận của tôi về ông với mong muốn thể hiện bằng chữ tất cả những điều mình chất chứa trong đầu khi tiếp xúc hay đọc các tác phẩm của ông.

dich gia Nguyen Trong Nguyen ngoai cung ben trai trong chuyen di dien da tai Bac Giang - Phùng Văn Khai như tôi biết - Tác giả: Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Trọng NguyênDịch giả Nguyễn Trọng Nguyên (ngoài cùng bên trái) trong chuyến đi điền dã tại Bắc Giang.

Người không quen biết Phùng Văn Khai bao giờ, đọc tiểu thuyết lịch sử của ông có thể nghĩ ông có dáng dấp của một anh nho sĩ xưa, hoài cổ, thích khăn đóng áo dài, tóc búi tó… và có thể đi thêm đôi guốc mộc nữa cho đủ bộ? Nhưng không, ngoài đời Phùng Văn Khai là một Thượng tá, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội. Với tính tình vui vẻ, nụ cười luôn nở trên môi khiến cho người tiếp xúc ngắm khuôn mặt trẻ hơn tuổi ấy, dễ lầm tưởng Khai mới chỉ mới bước sang đầu bốn mươi.

Phùng Văn Khai viết rất nhanh, có thư ký riêng để đánh máy, chỉ vỏn vẹn chục năm trời, Khai cho ra đời gần chục đầu sách, quyển nào cũng dày, đúng là “sách đè chết người”, bởi vì khách đến chơi với Khai, khi về nhận được “chút quà quê” là một túi chứa đầy sách. Nhìn vào tốc độ viết như vũ bão của Khai mà thấy nể phục vô cùng. Phùng Văn Khai là một nhà văn quý hiếm đáng được ghi vào “sách đỏ” của làng văn học Việt Nam để bảo tồn, để kể cho thế hệ trẻ nghe mà học tập.

Trong các tiểu thuyết lịch sử của mình, Phùng Văn Khai hay dùng từ “tráng sĩ” để gọi các thanh niên trai tráng khỏe mạnh, giỏi võ đánh được hổ dữ, dũng cảm hàng phục cả voi rừng. Còn tôi, tôi cũng gọi Khai là “tráng sĩ văn chương”, bởi với thời gian hạn hẹp như vậy, vừa làm công tác quản lý với tư cách là Phó Tổng biên tập một tạp chí danh tiếng, với trăm công nghìn việc hành chính cụ thể, ấy thế mà Khai còn viết được như vậy thì lực viết ấy cũng xứng đáng là một tráng sĩ.

Nha van Phung Van Khai va dich gia Nguyen Trong Nguyen trong chuyen di dien da tai Bac Giang - Phùng Văn Khai như tôi biết - Tác giả: Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Trọng NguyênNhà văn Phùng Văn Khai (bìa trái) và dịch giả Nguyễn Trọng Nguyên trong chuyến đi điền dã tại Bắc Giang.

Lâu nay, dư luận trong nước vẫn đánh giá và có nhiều trăn trở về tình trạng lớp trẻ của ta không thích học môn lịch sử. Không thiếu những câu chuyện cười ra nước mắt khi học sinh làm bài thi lịch sử với những câu trả lời ngô nghê kiểu như “Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai người khác nhau” và những thừa nhận chua xót “dân ta thuộc sử Tàu hơn sử Việt Nam”.

Nguyên nhân thì có nhiều, tôi không bàn ở đây, nhưng tôi thấy một điều khá rõ là các bài học lịch sử in trong sách giáo khoa phổ thông khô khan, nhạt nhẽo quá, lại thêm kiểu học thuộc lòng như ở ta khiến cho học sinh kinh hãi khi nghĩ đến việc học lịch sử. Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai đã làm cho việc tìm hiểu lịch sử được hấp dẫn hơn. Bởi người viết tiểu thuyết lịch sử có quyền hư cấu, các nhân vật lịch sử – các anh hùng của nhân dân Việt Nam – dưới ngòi bút sáng tạo của tác giả Phùng Văn Khai là những người có tính cách đặc biệt… trở nên lấp lánh, can trường và oai hùng hơn. Những thói quen sinh hoạt, cách thức sản xuất, các trận chiến săn bắt thú rừng… được mô tả trong tiểu thuyết rõ ràng làm cho cuốn tiểu thuyết hay hơn, sinh động hơn.

Nha van Phung Van Khai dva ich gia Nguyen Trong Nguyen trong cuoc Toa dam ve lich su - Phùng Văn Khai như tôi biết - Tác giả: Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Trọng NguyênNhà văn Phùng Văn Khai (mặc quân phục) và dịch giả Nguyễn Trọng Nguyên (bìa trái) trong cuộc Tọa đàm về lịch sử.

Ở Việt Nam, nhiều người đã quen biết đến lối viết tiểu thuyết lịch sử theo kiểu chương hồi như trong các bộ tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc, Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử… của Trung Quốc với hai câu thơ gần giống với câu đối giới thiệu tóm tắt về nội dung một chương trong bộ truyện. Người đọc thời nay bắt gặp một phong cách viết tương tự như vậy trong các cuốn tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai nhưng về lịch sử nước nhà, về các nhân vật lịch sử mà do không chuyên sâu, nhiều người chẳng biết những ông ấy bà nọ là ai, từ thời nào, có công trạng gì đặc biệt với dân với nước… khi đọc tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai, người đọc hiểu thêm về các nhân vật lịch sử, các anh hùng dân tộc yêu quý của mình. Chắc hẳn Phùng Văn Khai phải là người mê tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc từ nhỏ và các chương hồi đã ngấm vào ông sâu sắc lắm thì mới chọn cách viết chương hồi như vậy để đưa vào các tác phẩm của mình.

Giống như nhiều độc giả, khán giả ở Việt Nam, tôi vẫn thường xuyên xem các bộ phim cổ trang của Trung Quốc. Tôi thấy họ mạnh tay đầu tư cho rất nhiều phim lịch sử, dã sử… Tôi không hiểu người Trung Quốc có hay săm soi về tính trung thực, khách quan của các bộ phim ấy không, nhưng tôi nghĩ nếu độc giả, hoặc các cơ quan kiểm duyệt của chúng ta quá nghiêm khắc đến mức ngặt nghèo với nhà văn thì sẽ làm nhà văn nản lòng, lo ngại khi viết các vấn đề về lịch sử.

Trong một cuộc tiếp xúc với nhà văn Phùng Văn Khai tại phòng làm việc ở trụ sở Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 4 Lý Nam Đế, câu chuyện giữa chúng tôi bị gián đoạn nhiều lần vì các biên tập viên và nhân viên dưới quyền của Phùng Văn Khai vào trao đổi báo cáo công tác, cuộc nói chuyện ngắn ngủi ấy đã giúp tôi phần nào hiểu được lý do tại sao Phùng Văn Khai xông pha, dấn thân vào con đường viết tiểu thuyết lịch sử đầy khổ ải ấy. Tôi được nghe kể về việc nhà văn đã nhiều lần đi điền dã về các địa phương nghiên cứu lăng mộ, đình, đền, chùa miếu, tra cứu các sách lịch sử… Và khi đọc các cuốn tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai tôi thấy tác giả đã đưa vào cuốn sách của mình các tư liệu ấy rất nhuần nhuyễn, rất nhiều nhân vật lịch sử cùng vô số tên đất, tên núi, tên sông cổ từ bao giờ đã được đưa vào tiểu thuyết. Tôi không phải nhà nghiên cứu sử nên không dám đánh giá về độ chính xác về các tư liệu lịch sử. Nhưng tôi biết các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai đã được các nhà nghiên cứu sử khắt khe khen ngợi, điều đó cho thấy Phùng Văn Khai đã có được một bản lĩnh văn chương và kho tàng kiến thức đầy đủ vững vàng và phong phú đến cỡ nào.

Nha van Phung Van Khai va dich gia Nguyen Trong Nguyen nha tho Bui Thanh Ha trong buoi ra mat sach - Phùng Văn Khai như tôi biết - Tác giả: Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Trọng NguyênNhà văn Phùng Văn Khai (mặc quân phục) và dịch giả Nguyễn Trọng Nguyên (bìa trái), nhà thơ Bùi Thanh Hà trong buổi ra mắt sách.

Qua câu chuyện tôi hiểu khát vọng cháy bỏng của Phùng Văn Khai là được phục vụ đông đảo quần chúng mà Khai gọi theo lối rất ư lịch sử là “có được thiên hạ”. Đông đảo bạn đọc biết đến sách của mình không phải mưu cầu danh lợi mà để mọi người yêu lịch sử của đất nước mình, dân tộc mình. Mỗi ngày qua đi, đống bản thảo trên bàn của Phùng Văn Khai dày thêm lên, từng chương từng hồi được hiện hữu, đấy là niềm vui to lớn và chân chính của một người viết có tâm, có tầm.

Tôi vẫn nghe nhiều người phàn nàn: Dân tộc chúng ta đã trải qua hai cuộc kháng chiến hào hùng, có biết bao nhiêu chiến công, bao nhiêu tư liệu quý giá… thế nhưng chưa có tác phẩm nào phản ánh các cuộc kháng chiến ấy cho xứng tầm. Xin thưa, đó không phải là vấn đề Nhà nước không đầu tư hoặc vì một lý do nào khác, đó chỉ là: mấy chục năm qua nhân tài văn chương chưa có chăng? Nhưng bây giờ, lớp nhà văn người như Phùng Văn Khai đã xuất hiện. Chúng ta hãy đợi Phùng tráng sĩ viết xong một số nhân vật lịch sử thời cổ đại, trung đại, tráng sĩ có thể sẽ viết đến các nhân vật lịch sử cận đại hoặc mạnh tay viết cả đương đại nữa cũng nên. Tôi ước mong sẽ đến một ngày được cầm trên tay cuốn tiểu thuyết hay của Phùng Văn Khai viết về lịch sử hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta để thốt lên rằng: Điều mà cả dân tộc chúng ta mong đợi đã trở thành hiện thực, tác phẩm này thực sự xứng tầm với bao công sức máu xương của đồng bào chiến sĩ đã đổ xuống trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại.

N.T.N

 

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây