Tìm về nguồn cội của bổn hát chèo thuyền Bát Nhã – Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Tìm về nguồn cội của bổn hát chèo thuyền Bát Nhã

TÌM VỀ NGUỒN CỘI CỦA

BỔN HÁT CHÈO THUYỀN BÁT NHÃ

Tác giả: Huỳnh Ngọc Trảng

Theo tài liệu chính thức, việc đưa Bổn hát chèo thuyền Bát Nhã[1] vào trong nghi thức tang lễ của tín đồ đạo Cao Đài vào ngày 13-10 năm Ất hợi (8-11-1935). Đây là ngày lễ kỷ niệm ngày Khai đạo hàng năm, và nhân đó tổ chức lễ Khai thuyền Bát Nhã do ngài Khai pháp Trần Duy Nghĩa, chưởng quản cơ quan Phước Thiện, đứng ra chủ trì tại Khách đình Tòa thánh Tây Ninh. Bài viết này, trước hết tìm hiểu tín lý và nội dung của hình thức diễn xướng Chèo thuyền Bát Nhã và sau đó, bước đầu truy cứu về cội nguồn lịch sử văn hóa của hình thức “hát đưa linh” này.

I.- LÝ SỰ CỦA NGHI THỨC CHÈO THUYỀN BÁT NHÃ

Một cách tổng quát,Hát Chèo thuyền Bát nhã là hình thức diễn xướng thực hành tang lễ của đạo Cao Đài. Chính vì vậy, lý sự của nó thống thuộc vào giáo lý của tôn giáo này. Nói theo ngôn ngữ của Đạo, thì pháp thuyền Bát nhã bao gồm cả bí pháp và thế pháp.

  1. Theo giáo thuyết của đạo Cao Đài : Từ thuở hỗn độn, lúc trời đất đã phân ngôi thứ mà chưa có loài người, Đức Diêu Trì Kim Mẫu, vâng lệnh thượng đế, đã phong định 99 ức nguyên nhân (dị bản: 100 ức)xuống trần, dùng Ngọc Lộ Kim Bàn trụ các nguyên nhân cho xuống thế lập đời. Trước khi khởi hành, Diêu Trì Kim Mẫu đã ban cho mỗi vị một túi vạn bửu nan chứa đủ 8 món báu là Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ và dặn dò rằng hễ để mất một trong 8 báu ấy thì không thể trở về với Đức Mẹ Diêu Trì được. Thế nhưng, bấy giờ có một Đại Tiên, hiệu là Cù Tán Đởm (còn gọi là Kim Quang Sĩ), đứng bên phải Diêu Trì Kim Mẫu thấy các nguyên nhân xuống thế lập đời đến bái biệt Kim Mẫu mà không nói gì đến y nên y giận dữ bỏ ra ngoài, rồi lập tức dẫn theo 5 “Chơn linh qui vị”: tiền bạc (kim), sắc đẹp (Mộc), rượu (Thủy), sự nóng giận (Hỏa), nha phiến (Thổ) xuống trần, cốt phá hoại vạn bửu nan bằng cách tạo nên các sự ham muốn, khoái lạc để tha hóa con người (tức 99 ức nguyên nhân tại thế) khiến họ mê say mùi vị thế gian, quyến luyến chốn hồng trần mà quên dần nguồn cội. Chính vì điều đó, con người càng ngày càng sa đọa, do vậy thánh nhân ra đời, lập nên tam giáo đưa ra tam qui ngũ giới (Phật), tam cang ngũ thường (Nho), tam nguyên ngũ hành để thức tỉnh các linh căn/ nguyên nhân hồi đầu qui bản, nhớ về tám món báu/ vạn bửu nan để tỉnh giác. Kẻ nào được thuận duyên sớm ngộ đạo mới gặp được Bát nhã thuyền để hồi quy về cựu vị.

Khuôn thuyền Bát nhã chẳng hề chìm,

Nổi quá như bông, nặng quá kim.

Có đạo trong muôn ngồi cùng đủ,

Không duyên một đứa cũng là chìm. [Kinh Tận độ]

Như chúng ta biết, đạo Cao Đài có tôn danh chính thức là Đại đạo Tam Kỳ phổ độ, theo đó xác định sứ mệnh chính của tôn giáo mình là thực hiện lần độ tận thứ ba.

  • Nhứt kỳ phổ độ, do Nhiên Đăng cổ Phật làm chủ hội, đã độ được 6 ức nguyên nhân.
  • Nhị kỳ phổ độ, do Phật Di Đà làm chủ hội, độ được 2 ức nguyên nhân.
  • Và Tam Kỳ phổ độ nhằm độ 91 ức nguyên nhân còn say đắm nơi trần thế. Những nguyên nhân đắc đạo tình nguyện đến nơi Ngọc Hư cung giáng trần, chịu mạng lịnh nơi Đức Di Lạc Vương Phật.

Trong thời kỳ Hạ ngươn mạt kiếp này, Đức Chí Tôn/ Ngọc Hoàng Thượng đế, chúa tể càn khôn vũ trụ, một mặt dùng cơ bút huyền diệu mở đạo Cao Đài ở nước Việt và đồng thời, với lòng từ bi rộng lớn ngài đã dùng bí pháp cho tam vị Thần xuống thế, tượng trưng cho thế pháp là: Tổng Lái (Hắc Sát tinh), Tổng Mũi (Bạch Hổ tinh) và Tổng Thương (Huỳnh Long tinh) lèo lái khuôn thuyền Bát Nhã “để độ dẫn các chơn linh nguyên nhân, hóa nhân, quý nhân và các chơn hồn tức là trong chúng sanh, dẫu xiêu lạc nơi nào cũng tìm rước về hội ngộ cùng thầy[2]

Trong văn bản Bổn hát chèo thuyền (Bát Nhã), các nhân vật đảm nhận phận sự, ngoài “Tam vị thần” Tổng Lái, Tổng mũi, Tổng Thương, còn có Tổng Khậu (tượng trưng cho chơn hồn thế nhân – phải chịu sự sai khiến của lục dục thất tình) và 12 Bá Trạo (thiên binh), tức 12 tay chèo. Tất thảy 16 nhân vật trên có phận sự  điều khiển  thuyền Bát Nhã dẫn độ Bát hồn (vật chất, thảo mộc, cầm thú, con người, thần, Thánh, tiên, Phật) từ thế gian hồi quy cựu vị: “Nương phướn linh thiên tướng dắt dìu/ Đáo Tiên cảnh tiêu diêu khoái lạc/ Bát Nhã để rước người lữ khách/Truyền thiên binh đẳng đẳng tay chèo(Bổn hát con thuyền bát nhã). Ở đó, về mặt bí pháp mà nói, Đức Di Lạc Vương Phật làm chủ thuyền Bát Nhã, đứng ra kêu gọi linh căn chơn tác của 91 ức nguyên nhân mau tỉnh ngộ về cửa này, nương nơi thuyền Bát Nhã mà trở về cựu vị.

  1. Những gì trình bày trên đây là cái lý tạo nên chủ đề tư tưởng, làm cơ sở cho việc đặt định nội dung và tình tiết của Bổn hát chèo thuyền, kịch bản hát đưa linh của tín đồ đạo Cao Đài/ Đại đạo Tam Kỳ phổ độ. Tuy nhiên, trong cảnh giới “mạt thế luận” thiêng liêng bao trùm lên toàn bộ nội dung, ở đó vẫn hiển hiện những mảng trò diễn thế tục đậm chất hài hước khá tương đồng với các tình tiết thấy phổ biến ở những kịch bản Hát Bá Trạo, hình thức diễn xướng nghi lễ gắn với tục thờ cúng Cá Ông của ngư dân duyên hải Trung bộ: 1/. Xử tội Tổng Thương lười: bỏ bê phận sự tát nước trốn đi ngủ; 2/. Tổng Thương uống rượu ngâm thơ, hát lý bông lông; 3/. Tổng Thương câu cá bị tố cáo để “ngả mặn”, vi phạm trai giới; 4/. Tổng Thương đôn đốc việc chèo thuyền tránh giông bão…

Với cái nhìn so sánh đơn giản, chúng ta nhận thấy ngay rằng các mảng trò diễn hài hước này được tác giả Bổn hát chèo thuyền đặt biệt chú trọng. Điều này, không những biểu hiện ở sự phong phú về chi tiết mà còn ở những chỉ dẫn khá tường tận về cách diễn xuất được ghi trực tiếp trong kịch bản. Dẫn một ví dụ: Tổng Thương/ Tổng Khoang bỏ bê nhiệm vụ tát nước.

Ở kịch bản Bài trạo ca/ Hát bơi chèo thờ thần Cá Ông của thôn Trường Đông (Khánh Hòa)[3] trò xử phạt Tổng Khoang lười biếng bỏ bê nhiệm vụ tát nước là một thoại ngắn và kế đó, Tổng Khoang diễn độc thoại bằng hát lý và ngâm thơ vịnh cảnh biển trời.

Tổng Đà gọi Trung khoang rằng: Việc nhà còn thong thả/Việc nước đích phải hằng chăm/ Chú để vậy mà nằm/ Mối dây kia ta dóc đứng! chứ chẳng chơi!

Tổng Khoang nói: Tính chú hay nói cỡn/ Trong lòng có hiềm chi? Không biểu cũng phải đi/ Có lẽ đâu mà đòn tới?/ Thôi chứ! bạn!/ Hoang mang cử bộ thi hành/ Chóng chóng giữa khoan ra tát nước// Lại lý rằng: Tay cầm gàu nước ra tát ra/ Chúc cho… tình… phúc thọ/ a ý a/ vinh hoa hoa trùng trùng (…)// Ngâm rằng: Tôi tát nước rồi, tôi nghĩ tôi buồn, tôi ngâm một đôi câu, tôi chơi ha!

Thủy nhiễu thuyền dung tâm bất dịch,

Ngân hà nhất phái triệt đông tây.

Trong khi đó, ở Bổn hát chèo thuyền là một mảng trò trên dưới ba mươi đoạn thoại dài (6 trang A4) với một chuỗi tình tiết: 1/. Tổng Mũi phát hiện không thấy Tổng Thương thi hành phận sự, báo cáo sự việc với Tổng Lái; 2/. Tổng Lái ra lệnh cho Tổng Mũi đi tìm: thấy Tổng Thương nằm ngủ; 3/. Tổng Lái ban lệnh chém Tổng Thương vì tội “phế phận”; 4/. Tổng Mũi thấy cớ sự vượt quá điều mình nghĩ đứng ra can Tổng Lái để cứu mạng Tổng Thương; 5/. Hai bên đôi co, kết thúc Tổng Lái tha tội Tổng Thương, Tổng Lái bảo với Tổng Mũi rằng mình chỉ thử lòng Tổng Mũi mà thôi! (…)

Đến đây, tác giả Bổn hát chèo thuyền ghi lờichỉ dẫn diễn xuất khá tỉ mỉ:

Khi nói: “Qua cầm bửu đao” thì Tổng Lái rút cây gươm đưa ngay mặt Tổng Mũi làm lấy có, rồi day cán đao vẽ chữ thập trên bụng Tổng Mũi rồi mới hát câu “Qua thử tấm lòng can trường” rồi dắt dao lại lên lưng, mới hát câu “của hiền đệ dường bao cho biết vậy thôi chớ”. Đoạn day ra ngó ngay Tổng Mũi, làm cho Tổng Mũi phải thẹn, rồi đi ra sau lưng của Tổng Mũi, chắp tay đằng sau, bước qua bước lại, gầm gừ nói nhỏ “Bạn kiếm thân không hết, có đâu đủ giết bỏ cho đành” khi thấy Tổng Mũi ra chiều hổ thẹn thì gạn hỏi phen nữa “Phải vậy chăng nhị đệ?” rồi cười cho ngon. Đoạn muốn an ủi mới ra lệnh: “Việc thủy trình qua giao lại cho đệ thân; nếu sơ thất tội kia không thứ đa nghen!” Nếu bộ tịch này Tổng Lái làm khéo thì lớp tuồng này hay lắm.

Nói chung, việc tác giả Bổn hát chèo thuyền rất lưu tâm đến nghệ thuật diễn xuất và tích hợp những mảng trò hài hước vào diễn tiến nội dung của kịch bản thực hành tang lễ của tôn giáo mình đã chỉ ra ý đồ sáng tạo “dĩ huyền độ chơn” tức dùng những mảng miếng hí trường để chuyên chở các tín điều của Đại đạo. Điều này một mặt đã khiến cho cuộc diễn xướng thực hành nghi lễ này được chuyển tải “ý đạo” bằng mảng trò nghệ thuật với những tình tiết thế tục. Mặt khác, các mảng trò này là cứ liệu chỉ ra nguồn gốc Hát Bả Trạo của Bổn hát chèo thuyền. Tất nhiên, dấn ấn của Hát Bả Trạo trong Bổn hát chèo thuyền này có thể nhận diện ở nhiều thành tố chi tiết khác hoặc ở ngay cái khung chính của kịch bản: Bá Trạo Hát múa chèo thuyền đưa linh dưới sự điều khiển của Tổng Lái/ Đà Trưởng, Tổng Mũi, Tổng Thương/ Tổng Khoan[4]

II TÌM VỀ NGUỒN CỘI

Hát Bả Trạo còn được gọi là Chèo Bả Trạo, Hò rỗi, Hò đưa linh, Hò Hầu linh… Điều này chỉ ra hát Bả Trạo – hình thức diễn xướng thực hành nghi lễ gắn với tang lễ Cá Ông/ Cá Voi và tín ngưỡng thờ cúng Nam Hải cự tộc Ngọc Lân Thượng đẳng thần/ Nam Hải Đại tướng quân – bắt nguồn từ hình thức Hò/ Hát đưa linh trong tang lễ của người đời. Hiện tượng này khởi phát từ tập tục người đầu tiên phát hiện thi thể Cá Ông lụy được coi là con trưởng nam của Ông Nam Hải đó.Người đó đảm nhận vai trò “hiếu chủ” trong mọi nghi thức tang tế đối với Cá Ông như phận sự của con trai trưởng của gia đình. Chính vì vậy, đã dẫn đến sự đồng nhất nghi thức tang lễ, trong đó có Hò/ Hát đưa linh, của thế nhân với tang lễ Ông Nam Hải – thần bảo hộ ngư dân và được tôn là Đức Ngư. Theo đó, qua thời gian, Hò/ Hát đưa linh đã biến thành Hát Bả Trạo và cả hai đều đã tích hợp bài bản âm nhạc, nghệ thuật diễn xuất của tuồng/ hát bội. Ở đó, thán, bạch, xướng, nói lối, hát Nam, hát khách…, nói chung bài bản của hát bội, lấn át dần và chiếm tỉ lệ chủ đạo, so với các làn điệu dân ca, đặc biệt là hò – vốn là làn điệu chủ đạo trong thời kỳ khởi phát đến nỗi hình thức diễn xướng thực hành tang lễ lúc bấy giờ gọi là Hò đưa linh (chứ không phải Hát đưa linh, Hát Ông Tổng… như sau này).

Hò đưa linh thấy ghi chép đầu tiên Ô châu cận lục, cuối thế kỷ XVI. Theo đó tập tục xứ Thuận Hóa “Mùa xuân mở hội đua thuyền. Mùa hè mở cuộc tàng cưu.Đưa ma thì múa hát trước linh cửu, gọi là Hò đưa linh”. Tuy nhiên, theo ghi chép của Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) trong Vũ trung tùy bút thì: 1/. Triều Trần mỗi lần có quốc tang thì dân chúng phố phường xúm lại rất đông. Để dẹp đường, người ta “bắt chước lối Vãn ca đời cổ, đặt ra khúc song ngâm, hiệp vào âm luật, sai quân lính đi diễn chung quanh đường nhằm thu hút đám đông để rộng đường cho đám rước quan tài xuống thuyền; 2/. Đời sau bắt chước lối hát vãn, mỗi năm cứ đến rằm tháng bảy, những nhà tang gia cho gọi phường hát đến hát để giúp lễ tế ngu. Tiếng hát bi ai nghe rất cảm động, tục gọi là “phường chèo bội” 3/. Khoảng năm Cảnh Hưng (1740) phường chèo bội mới pha thêm tuồng, cũng đóng vai trò, vẽ mặt, ra múa hát, đùa cợt, không khác chi hí trường. Các nhà tang gia đua nhau mướn phường chèo đóng tuồng để khoe khoang. Các quan lại ghét là hung lễ lại dùng lẫn lộn cát lễ, bèn nghiêm cấm đã hơn mười năm. Các con nhà lương gia tứ đệ có người bỏ cả chức nghiệp đi theo học hát.

Những ghi chép của Phạm Đình Hổ trên đây đã chỉ ra quá trình tích hợp nghệ thuật tuồng và hình thức diễn xướng tang lễ đã được thực hành trong lễ cúng tế rằm tháng bảy, có hơi hám của nghi thức trai đàn chẩn tế của khoa nghi nhà Phật. Đó là một kiểu thức trình diễn tuồng như khác với hình thức diễn xướng dân gian là Hò đưa linh “múa hát trước quan tài” được tác giả Ô châu cận lục ghi nhận. Như vậy, từ thế kỷ XVIII về sau, khi tuồng/ hát bội là loại hình biểu diễn thời thượng thì sự ảnh hưởng của nghệ thuật biểu diễn tuồng/ hát bội đối với các hình thức diễn xướng dân gian càng mạnh mẽ và càng phổ biến hơn. Các hình thức diễn xướng thực hành tang lễ như Hát Ổng Tổng (Trung bộ), Hát đưa linh (Nam bộ) lànhững ví dụ điển hình[5]. Hát Bả trạo cũng như Hát Ông Tổng, Hát Đưa linh còn bảo lưu một lượng hò, lý nhất định. Đặc biệt Hát Bả trạo thì hò, lý, ngâm, nói vè, hát ru còn bảo lưu một tỉ lệ khá cao và đặc biệt ở đây, múa chiếm vị trí quan trọng. Đó là dấu ấn của hình thức Hò đưa linh “múa hát trước quan tài” cổ xưa. Một điều đáng chú ý là tại sao, không phải gắn môi trường sông nước, như Hát Bả trạo, việc di quan của thế nhân dù trên sông hay trên đường bộ cũng đều dùng hò chèo thuyền? Do vậy hình thức diễn xướng thực hành tang lễ này thường được gọi là Chèo rỗi, Chèo đưa linh mặc dù phương tiện vận chuyển quan tài có thể bằng sức người khiêng hay dùng xe rồng (long xa), chứ không phải tất thảy đều dùng long chu hay thuyền Bát Nhã?

Câu trả lời có thể là do việc di chuyển quan tài ở xứ ta ngày xưa bằng đường thủy là chủ yếu, tầng số xuất hiện nhiều đến nỗi lấn át việc di chuyển bằng đường bộ. Phỏng định này rõ ràng là không thuyết phục, do đó, phải truy tìm ở khảo hướng khác: quan niệm về cõi âm, nơi sẽ đến của vong hồn. Đó là hoàng truyền/ suối vàng theo truyền thống Nho, Đạo; hay theo Phật giáo, địa ngục nằm dưới chân núi Thiết Vi, ở vòng ngoài cùng của vùng biển Hàm Hải, cách lục địa Nam Thiệm Bộ châu của loài người 7 vòng biển Hương Hải xa tít tắp. Phải chăng bởi được xác tín như vậy, nên phương tiện đi đến phải dùng thuyền ghe: thuyền rồng (Long chu), thuyền rồng Bát Nhã (Long chu Bát Nhã)… hay thuyền Bát Nhã…

Tam thập lục thiên nhứt thống giao,

Long chu Bát Nhã thoát ba đào.

(… )

Nương phướn linh, thiên tướng dắt dìu,

Đáo tiên cảnh tiêu diêu khoái lạc,

Bát Nhã để rước người chí thánh

Truyền thiên binh đằng đẳng tay chèo.

[Lời bạch của Tổng Lái. Bổn hát chèo thuyền – Thánh thất Cao Đài Bình Phú ]

Kiếp sinh hóa người sau kẻ trước

Dìu dắt nhau mà bước qua đò.

Thuyền vĩnh biệt bao ngày neo bến đợi,

Đưa linh về nơi cõi âm ti.

[Hò đưa linh/ huyện Đồng Xuân/ Phú Yên][6]

Vong linh về hội chay đàn,

Qua thuyền Bát Nhã mà sang kẻo chờ.

Thuyền đầy nước lớn gió to

Thần linh phù hộ bến bờ bình yên.

[Lễ Đàn oan/ Hội Đám chay/ Nhượng Bạn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh][7].

Nhìn chung, qua các trích dẫn tiêu biểu trên, chúng ta thấy rằng các hình thức diễn xướng thực hành nghi lễ tang ma hay siêu độ vong hồn – gọi nôm na là “đưa linh”, đều là trình thức nghệ thuật của hình thái chèo thuyền mà cách gọi có phần cụ thể và xác thực phổ biến ở một số địa phương phía Bắc là Chèo cạn. Chính cách gọi này đã cho chúng ta thấy mối liên hệ của các hình thức diễn xướng tang lễ (Hò/ hát Đưa linh, Hát Ông Tổng, Hát chèo thuyền Bát nhã của đạo Cao Đài…), cũng như Hát Bả trạo/ Chèo Bả trạo… với hình thức Chèo cạn/ Bơi cạn, Chèo thuyền múa mạn, Chèo cạn trong múa Hoa Lan, trong trò Thủy… phổ biến trong các hội lễ truyền thống ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là trong lễ hội Xứ Thanh[8].

Các dữ liệu trình bày trên đây đã chỉ ra tiến trình phát triển của hình thức diễn xướng nghi lễ hò chèo cạn ở những tọa độ địa lý – lịch sử khác nhau trên đất nước ta, ở đó đã ít nhiều cho chúng ta thấy nguồn cội xa xưa của Bổn hát chèo thuyền tang lễ của tín đồ đạo Cao Đài. Từ đó cũng đặt ra câu hỏi tại sao các trìnhthức chèo thuyền lại chiếm một vị trí quan trọng và phổ biến trong môi trường nghi lễ xứ ta nhiều như vậy? Vấn đề này là một chuyên luận khác. Ở đây, sự biến đổi từ con thuyền nói chung đến Long chu và rồi là thuyền Bát Nhã đã chỉ ra ảnh hưởng của Phật giáo đối với hình thức diễn xướng tang lễ ở xứ ta.

[1]Bổn hát chèo thuyền. Nguyễn Ngọc Phan sưu tầm ở thánh thất Cao Đài xã Bình Phú (Cai Lậy, Tiền Giang) năm 2010.

[2] Xem:

  • Lâm Xương Quang: Giảng xưa Ngọc Lộ Kim Bàn Diễn Nghĩa. Phổ Đức Phật đường, 1931.
  • Lời giải thích về chèo thuyền Bát Nhã của ngài khai pháp Trần Duy Nghĩa, Chưởng quản cơ quan Phước Thiện, tại Khánh Đình (Tòa thánh Tây Ninh) ngày 13 – 10 Ất hợi (8-11-1935). /http://caodaism.org/ CaoDaiTuDien/th/th5-076.htm.

[3]Nguyễn Hưng Long: Trường Đông Thôn sự thần trạo ca. [Chữ Nôm]. Bảo Đại nguyên niên (1926). Trần Hàm Tấn phiên âm ra quốc ngữ. B.S.E.I, N.S, Tome XXVIII, no 2, 2e trim. 1953.

[4] Xem:

  • Tôn Thất Bình: Hát Bả Trạo tại Quảng Nam. Trong Văn nghệ dân gian Quảng Nam. – Đà Nẵng, Sở VHTT QN ĐN xb, 1985, tr 78 – 82.
  • Thạch Phương – Ngô Quang Hiển: Hát Bả trạo (làng Xuân Thạnh, Mỹ An, Phù Mỹ, Bình Định)… Trong Ca dao Nam Trung bộ. Nxb KHXH, 1994, tr 391 – 408.
  • Khánh Hải: Hò Bá trạo ở Khánh Hòa. Trong Những tục thờ và lễ hội tiêu biểu của Khánh Hòa. Sở VHTTKhánh Hòa, 2005, tr 202 – 227.
  • Trương Quang Cảm: Tuồng Bá Trạo – nét văn hóa dân gian của vùng biển Nha Trang. Trong Khánh Hòa – diện mạo văn hóa một vùng đất. Tập 2. Bảo tàng và Phân hội Văn nghệ Dân gian Khánh Hòa xb., 2000, tr 107 -111.

[5] Xem Huỳnh Ngọc Trảng: Hát Ông Tổng, Hò đưa linh và việc hiếu của người con trai thứ một. Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 527, 2008, tr 5 – 9.

[6] Nguyễn Đình Chức: Văn hóa dân gian huyện Đồng Xuân. Nxb Từ điển bách khoa, 2009/ tr 399 – 405: Hò đưa linh.

[7] Nguyễn Trí Sơn: Hò chèo cạn và hội đám chay, nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc ở làng biển Nhượng Bạn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Trong Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam bộ. Nxb Từ điển bách khoa, 2008, tr 160 – 167. Theo tác giả Nguyễn Trí Sơn: Hò chèo cạn là một hình thức sinh hoạt văn hóa, gắn với tín ngưỡng thờ cúng Cá Voi của cư dân vùng biển: “1940, các vị lãnh đạo trong làng Nhượng Bạn đứng ra tổ chức đội chèo cạn, lấy sự tích ở miền Nam về, năm 1943, đội chèo cạn ngưng hoạt động”. Hàng năm vào ngày mồng 8 tháng 4 lễ cầu ngư, ngày 12-8 và 25-10, ngày kỵ Đức Ông tại miếu Đức Ông ở xóm Phúc Hải (…). Về nguồn gốc hò chèo cạn, tác giả cho biết: Điều đáng chú ý là ở đây Hát Bả trạo lấy từ miền Nam về, được gọi là Hò chèo cạn.

[8]  Xem Lê Huy Trâm – Hoàng Anh Nhân: Lễ tục, lễ hội Xứ Thanh. Nxb Văn hóa Dân tộc, 2001. Có thể kể thêm hình thức Hội hát chèo tàu (Tam Hội, Đan Phượng, Hà Tây) vào tập hợp Hát chèo cạn (Xem: Bùi Thiết: Từ điển hội lễ Việt Nam, Nxb Văn hóa, 1993, tr 70 – 73).

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây