Tác giả Bùi Công Minh

Bùi Công Minh

BÙI CÔNG MINH

Sinh năm 1947. Nguyên quán: Làng Nại Hiên, nay thuộc quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012. Các bút danh: Hương Nguyên, Nại Hiên. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khóa 1964-1968. Được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, làm công tác nghiên cứu và giảng dạy Văn học Việt Nam hiện đại; sau đó nhập ngũ, thuộc Sư đoàn 373 bộ đội ra đa – Quân chủng Phòng không Không quân. Từ 1985 chuyển ngành, lần lượt công tác tại Bộ Giáo dục, Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung  ương. Từ 1992: Chuyển về Đà Nẵng sống và làm việc tại các cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy, Giáo dục đào tạo, Tư tưởng văn hóa, Mặt trận Tổ quốc TP. Đà Nẵng. Tiếp tục sáng tác thơ, văn, viết báo tại địa phương và cộng tác với trang văn nghệ một số báo Trung ương. Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Đà Nẵng nhiệm kỳ 2009-2014. Có thơ thiếu nhi đăng Báo Thiếu niên Tiền phong từ năm 1960. Chùm thơ đầu tiên được chọn đăng Báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1969. Sau đó tiếp tục có thơ, bài phê bình, điểm sách đăng Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và một số báo ở Trung ương. TÁC PHẨM: Ngày và đêm (thơ), NXB Quân đội Nhân dân, 1994. Lặng lẽ mình (thơ), NXB Hội Nhà văn, 1996. Gió mặnLời yêu (thơ, in chung với Ngô Liên Hương), NXB Đà Nẵng, 2007. Động và Tĩnh (thơ), NXB Hội Nhà văn, 2012. Những tháng năm không lặp lại (thơ chọn), NXB Đà Nẵng, 2015. Vich-to Huy-gô với chúng ta (sưu tầm, biên soạn), NXB Tác Phẩm Mới, 1985 (nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất). Các nhà văn nói về văn (sưu tầm, Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên. Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Bình, Bùi Công Minh, Trần Đăng Xuyến), NXB Tác Phẩm Mới. GIẢI THƯỞNG: Đêm văn nghệ hậu phương: Bài thơ đạt Giải thưởng cuộc thi Thơ Báo Văn Nghệ năm 1972-1973.

 

QUÊ HƯƠNG
(Kính tặng quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng)

Quê hương dọc đường số Một
Cây mượt mà xanh lúa óng ả vàng
Quê hương
Một bước xuôi xuống biển
Một bước rẽ lên ngàn
Đồng khô cỏ cháy
Hạt gạo gầy cõng lát khoai lang.

Quê hương
Những dòng sông bên lở bên bồi
Ngụm nước nơi thượng nguồn lịm mát
Về cuối sông thành muối mặn cháy khô đồng.

Quê hương ngày nắng lửa ngày mưa dầm
Trận lũ quét đi qua, căn nhà thành thác nước.

Quê hương bán đảo hình cong lòng người ngay thẳng
Hai lần đối đầu những đội quân binh hùng tướng mạnh
Hai lần giặc cuốn cờ, sóng biển vỗ hồn nhiên
Nghĩa trũng mát linh hồn những anh hùng vô danh yên nghỉ
Những người sống bình thản về lại xóm quê vỡ ruộng xây nhà
Không chờ đợi lời ngợi ca
Không mong một bằng khen tuyên dương công trạng
Những khi trở trời vết thương tái phát
Bạn bè đồng đội hộp sữa cân đường
Lòng vẫn chẳng nguôi yên
Còn bao người góc rừng nằm lại.

Quê hương nghìn Bà Mẹ Anh Hùng
Ba mươi năm sau chiến tranh
đêm vẫn thấy hình con trở về thắng trận
Buổi đứng lên lễ đài nhận danh hiệu vẻ vang
Mẹ không còn giọt nước mắt nào để khóc.

*

Quê hương trong cơn quặn đẻ
Phá cái cũ xưa, vẽ lại gương mặt chính mình
Lấy trí thông minh và dũng khí
Sau ca phẫu thuật này là sự hồi sinh.

Quê hương
Ta đã yêu đến tận cùng gốc rễ
Tuổi Năm mươi trở về như trẻ thơ sà vào lòng mẹ
Nghe vị đậm quê hương
Ngọt gió đại ngàn
Mặn mòi nắng bể.

Em yêu ơi em về làm dâu quê anh đã hơn mười năm
Cùng anh lặn lội qua những làng quê xóm núi
Đoán tuổi nhìn khuôn mặt người
Lặng nghe gắng hiểu từng câu nói
Mỗi lần về Hà Nội
Em bảo sao cứ nhớ giọng quê mình
Ít luyến láy, nhiều thô mộc
Đậm đà muối mặn gừng cay.
Vẫn rưng rưng nhắc giọng Quảng chay ngoại thường vẫn hỏi:
Ông bà bây chừ ngoài nớ ra răng?

2000-2006

 

GIÓ MẶN

Những cơn gió mặn mòi thổi chát cả hồn tôi
Nửa đời đi xa, nửa đời về quê mẹ
Tôi mãn nguyện lẫn trong nắng cùng gió bể
Và một ngày, trong cát lấp vùi tôi.

 

TRONG YÊN TĨNH BÀ NÀ

Ngỡ đã qua thời lãng mạn
Lên đến đây lại gặp thuở ban đầu
Se se gió, nồng nồng vị núi
Thơm thơm rừng, ngọt ngọt nụ yêu.

Sương lảng thảng quanh người như rủ chuyện
Một chút mây dè dặt đậu quanh thềm
Giọt nắng nhạt, cỏ trong chiều biếc thẫm
Sau lớp sương mờ thành phố hiện dần lên.

Anh ngồi đếm từng chùm chấm sáng
Núi ở nơi này và sóng vỗ ngoài kia
Thuyền câu mực giăng kim cương ngực biển
Nơi xóm chài, bếp em đã nhen chưa?

Ly rượu nhỏ cho mùa đông chậm đến
Bao lo toan gửi lại rừng già
Cho một thoáng trên cao này siêu thoát
Có tiếng chuông chùa bất chợt ngân nga.

Ngồi một chút lại một điều phát hiện
Như thung lũng sâu huyền bí bao điều
Như thăm thẳm tâm hồn chưa mở hết
Gần cuối cuộc đời vẫn dấu hỏi tình yêu!

2003

 

SÔNG HÀN TUỔI MƯỜI TÁM

Ta có một sông Hàn Mười tám tuổi
Như em sáng nay duyên dáng áo học trò
Sông mở cửa đưa cánh buồm theo gió
Sóng mang hồn thành phố đến khơi xa.

Sông Hàn ơi từ thuở ấu thơ
Dòng sông rộng, bàn chân ta nhỏ bé
Tuổi khôn lớn, đi đầu rừng cuối bể
Mong ngày về trò chuyện cùng sông.

Đời như nước chảy xuôi dòng
Với con sông quê, ta như người có lỗi
Trước dáng mẹ rạp người ngày gió nổi
Vặn mái chèo vượt xoáy nước Hàn giang

Một đời sông là mấy đời người
Sông cuộn chảy qua thăng trầm thành phố
Năm tháng chiến tranh sông đưa người dũng sĩ
Về giải phóng quê mình trong tiếng đạn bom rơi.

Một đời sông là mấy đời người
Ta thương mẹ đôi bờ sông gió cát
Những ngày hè bỏng rang mặt đất
Tưới vồng khoai trong nắng cháy khô da.

Rồi một ngày nhịp cầu mới sẽ bắc qua
Đường Bạch Đằng sóng đôi cùng sông Hàn tình tự
Những ngôi nhà vút cao bên dòng sông tư lự
Ta vẫn muốn riêng mình một Sông Hàn
mười tám tuổi thơ ngây
Như sáng thu này em duyên dáng áo dài bay…

1999

 

DÒNG SÔNG VÀ NHỮNG DÒNG NGƯỜI

(Tặng những người thợ cầu Sông Hàn)

Những dòng người thao thức với dòng sông Đêm về, nhìn bên kia điện sáng
Bên đây, mỗi chiều chạng vạng
Bước chân trẻ thơ thập thõm lối mòn.

Những dòng người như giục giã dòng sông Khi nhịp sống đôi bờ hối hả
Thương mẹ già oằn lưng vất vả
Đôi tay chèo ngược nước buổi đò đông.

Những dòng người hồi hộp với dòng sông
Ngày mở móng cầu, tim dập dồn nhịp máy
Mùa lũ dâng, trụ dầm nước xoáy
Những người thợ lưng trần thức trắng với
đêm đông

Bỗng một ngày tràn ngập bờ sông
Những dòng người dòng người dâng thác đổ
Lồng ngực căng niềm vui rạng rỡ
Và dòng sông như bỗng có hồn người.

Nước mắt niềm vui xen lẫn nụ cười
Trong buổi sáng tháng Ba cầu nối nhịp
Ơi em gái Sơn Trà nói gì trong mắt biếc
Bước chân em hòa dòng người cuộn chảy
với dòng sông.

Ngày khánh thành cầu Sông Hàn
3/2000

 

SÔNG HÀN TUỔI MƯỜI TÁM – BÀI 2

Rồi một ngày nhịp cầu mới sẽ bắc qua
Đường Bạch Đằng sóng đôi cùng Sông Hàn tình tự
(Sông Hàn tuổi Mười tám – bài 1)

Giờ nhịp cầu mới đã bắc qua
Sao em vẫn hát câu thơ ngày xưa cũ
Cũ những chuyến phà ngang, cũ xóm chồ lam lũ
Cũ đôi bờ sông mưa nắng dãi dầu.

Sông hôm nay soi bóng những nhịp cầu
Soi bóng những người yêu và nụ hôn trong gió thoảng
Sông chứng giám những nghĩ suy bạo dạn
Đã hóa những con đường rực rỡ ánh đèn đêm

Câu hát sẽ chẳng bao giờ cũ đâu em
Câu hát nhắc một thời ghềnh thác
Của quê hương từng phen khó nhọc
Bao nếp nghĩ hằn sâu theo những lối mòn

Sông có cây cầu, sông trở thành lãng mạn
Người có cây cầu, người thêm bè bạn
Câu hát có cây cầu, câu hát vút xa khơi…

*
Anh trở về với tuổi Năm mươi
Em vẫn trẻ cùng câu hát sông Hàn Mười tám tuổi
Sau câu hát lại có thêm cầu mới
Những khu phố sẽ mọc lên và người lại gần người!

Nhịp cầu quay một thoáng cắt rời
Rồi một thoáng khép cây cầu liền lại
Như khát vọng đôi bờ mãi mãi
Nối những cuộc đời, nối những vòng tay.

2001

 

THƠ CHO BẠN TỪ SÔNG HÀN

(Tặng một bạn thơ)

Bạn đến sông Hàn, ta ở đâu?
Để câu thơ gọi mãi tìm nhau
Ta về lại sông, bạn xa ngái
Chỉ thấy từng cơn sóng bạc đầu.

Cái dòng sông này kỳ lạ lắm
Mấy ngàn năm tuổi vẫn thanh xuân
Bao nhiêu bèo bọt trôi vô tận
Sông đổ vào ta giọt trắng ngần

Cái dòng sông này năng nổ lắm
Vừa mới đây thôi khuất nẻo bờ
Ngảnh lại thời gian trong thoáng chốc
Điện đã giăng hồng như giấc mơ.

Cái dòng sông này gan góc lắm
Bao nhiêu ghềnh thác cũng băng qua
Đứng mũi chịu sào nơi đầu sóng
Như dòng lịch sử tự ngàn xa.

Cái dòng sông này thương nhớ lắm
Ai đến rồi đi phải nặng lòng
Mảnh đất chưa mưa mà đã thấm
Vẫn đợi người về nơi bến sông.

2001

 

NỐI
(Tặng N.B.T.)

Lại thêm một chiếc cầu
Một chấm nhỏ mơ hồ trên bản đồ trái đất
Nhưng với thành phố này là vạch nối những trăm năm.

Trăm năm con tạo mải xoay vần
Con người thì nối
Nối những bến bờ
Nối những tâm hồn.

Câu thơ buồn ngày nào
Bên kia héo xanh tàu lá
Bên ni hồng hào sắc phố
Cần những bàn tay Con Người
Nối.

Thao thức đêm đêm, những mái đầu chụm lại
Lẽ nào con sông giữa lòng thành phố mãi cách ngăn
Và lời quả quyết cuối cùng:
Nối!

Nối
Thật không dễ chút nào
Vẫn còn những sợi chỉ rối
Những đống bùng nhùng
Những tảng đá ngầm chặn lối
Cần những mũi khoan bền bỉ, kiên cường

*

Góp thêm một chiếc cầu
Dù một chấm nhỏ mơ hồ nơi góc nhỏ nào trên mặt đất
Cũng làm cho hành tinh này hoàn thiện hơn
Những vết nứt sẽ được nối
Những dòng sông sâu không cản bước chân người.

Mặc cho con tạo xoay vần
Con người cứ nối
Sẽ dày thêm những mối nối an lành
Bớt đi những cuộn chỉ rối
Khơi thông những tảng đá ngầm chặn lối
Bắc thêm nhịp cầu đi vào tương lai.

Ngày thông cầu Thuận Phước, tháng 3/2009

 

NGHĨ VỀ PHAN TỨ

Ông đối diện với tử thần
Thách đố và ngạo nghễ
Bản thảo nghìn trang, đơn thuốc cũng nghìn trang
Những đơn thuốc tẻ nhạt và đơn điệu
Bản thảo nghìn trang sự sống tinh ròng.

Ông từ thành phố đến với những cánh rừng
Lại từ những cánh rừng trở về thành phố
Cuộc đời ông trải dài trên bán đảo
Thời gian đo từng bước chân.

Một dải rừng Lào, một doi cát Bình Sơn
Một lối mòn giao liên, một con sông ngày lũ
Một bà má nơi xóm nghèo những ngày đen tối
Mắt ông in bao dấu ấn cuộc đời.

Ông chấp nhận những nỗi đau cơ thể
Những gan những tuỵ những khớp xương
Để chạy đua với thời gian
Hoàn thiện nghìn trang bản thảo
Càng long đong trước số phận mong manh
Càng bám vào trang giấy
Và viết
Và viết.

Mẫn và Tôi( ), Mẫn và chúng ta
Tất cả chúng tôi đều cùng thời với Mẫn
Chiến tranh qua đây, những con đường máu đẫm
Những bắp chân giao liên sáng trong rừng vắng
Đạp trên những lối mòn
Chúng tôi đi, miên man thời gian miên man năm tháng
Ngỡ những bước chân này lên tận các vì sao.

*

Giờ này chúng tôi quây quần bên nhau
Bên những bản thảo chưa hoàn chỉnh
Mỗi người lại tiếp tục những dòng vụng về
Trang nhật ký của ông còn đó
Như một lời dặn dò
Như một lời ký thác
Như một lời thúc giục
Hãy sống tận đáy cuộc đời này
Viết
Và viết.

8/2011

 

THĂM VƯỜN TƯỢNG PHẠM VĂN HẠNG Ở ĐÀ NẴNG

Một cô gái bằng thạch cao
đang yên ngủ trong vườn trưa
Gió nồm nam hây hẩy;

Những cửa sổ hình mặt trăng mặt trời đang áp má,
Hai khuôn mặt người bằng đá ghé môi hôn nhau;

Những chiếc lá bằng đồng
Như có sóng và gió bên trong nét lượn
Không thấy đồng đen,
chỉ thấy những chiếc lá xanh,
với những ngọn gió, những lượn sóng;

Những đầu người như từ thượng cổ,
Như vừa gặp đâu đây
Đôi mắt đang muốn nói điều gì…

*

Có một khu vườn như thế trên quê hương
Cho người bốn phương về đây gặp mặt
Cô gái tin cậy ngủ ngoài vườn
Cửa nhà có hình mặt trăng mặt trời để ngỏ.

Từ khu vườn này ra đi
Sao gặp thỏi đồng đen nào
gặp mẩu sắt nào
tôi cũng thấy chúng như là những chiếc lá mềm mại
Và nhìn vào tảng đá,
tôi cứ thấy hình những mặt người đang hôn nhau

Và gặp nghệ sĩ nào lang thang nơi đâu
Cũng muốn nói như lời ai đó ghi dòng cảm tưởng:
Tôi yêu Hạng vô cùng.

1997

 

VIẾT TỪ CÁP TREO

Anh treo mình giữa không gian
Gió nâng nâng nhẹ, đại ngàn ngước theo
Nắng trên cao nắng trong veo
Mây thì gần lại, suối đèo thì xa
Vẳng nghe tiếng hát ngân nga
Cáp giăng dòng nhạc vắt qua ngang trời
Lối mòn đâu dấu chân người
Trên cao bỗng thấy cuộc đời nhẹ tênh
Trần gian bề bộn thoáng quên
Mộng mơ huyền ảo bồng bềnh cáp treo…

Ngày khai trương tuyến cáp treo Bà Nà

 

BÀI THƠ TÌNH TRONG ĐÊM PHÁO HOA

Những thùng thuốc pháo nén chặt năng lượng
Những thùng thuốc pháo lạnh lùng bình thản
Bỗng vụt thăng hoa khi phóng lên bầu trời.

Lộng lẫy và kiêu sa
Không dễ gì khoe ngắm
Mạnh mẽ và bí ẩn
Nếu không kịp chớp lấy sắc màu
Tất cả sẽ tan biến vào khói mây.

Em
Năng lượng tình yêu lặng im nén chặt
Bỗng vụt hoá cầu vồng bảy sắc
Thăng hoa trên bầu trời anh.

3/2009

 

THƠ KHI VỪA NGỚT BÃO

Vắng những hàng cây quen thuộc
Bần thần nhớ những chiều yên.

Xao xác vỉa hè gạch vỡ Gió rít giật tung những nóc nhà
Vẻ mặt thiên nhiên giận dữ
Như đang đi đòi nợ con người

Em lặng yên không nói
Em đang nghĩ ngợi điều gì
Trận mưa đêm qua
Bao người không có giấc
Ngồi bên nhau đợi ngày mai.

Bên kia sông
Những người phụ nữ trèo lên lợp lại mái nhà
Em gái tan buổi chợ chiều, ngồi đếm từng tờ bạc lẻ
Tất cả làm lại từ đầu
Từ đầu những căn nhà
Từ đầu cơ nghiệp.

Những đoàn xe cứu trợ chạy xuyên đêm
Những tấm tôn, những hạt gạo nghĩa tình
Mong đến được nơi này sớm nhất.

Chiều nay
Lặng đứng trên nền nhà đổ nát
Bỗng thấy con đường thăm thẳm dài
Những dòng người nhẫn nại
Gánh trên đôi vai
Những trĩu nặng cuộc đời
Những xót xa, nuối tiếc
Chen lẫn bao hy vọng
Về những điều tốt đẹp ngày mai.

10/2006

 

NGƯỜI ĐÀN BÀ BÁN GHẾ

Chị vác hai bên vai hai cái ghế
Gỗ mộc thường, không sơn quét tinh vi
Không phải dát vàng
Không trang sức rồng phượng

Ai ghế đây, ghế đây!

Giữa bạch nhật thanh thiên người đàn bà đi bán ghế
Nghe đâu thời nay mua bán phải đi đêm nhiều
Có điều giá cả cũng rất phân minh
Ghế loại nào có giá riêng loại đó
Những chiếc ghế có khi tiền tỷ
Sao ghế chị rao có năm chục ngàn!

Ai ghế đây, ghế đây!

Người đàn bà đi ngang tàng giữa phố
Mang hai vai hai ghế nặng
Ngày xưa em đi giao liên gùi 50 ký
Hai cái ghế ni nhằm nhò chi!
Chừ vết thương xưa tái phát
Chồng đau nặng nằm liệt giường
Con cái phải lo ăn lo học cho tụi hắn
Nên đành phải ra ri
Anh mua ghế cho em đi!

Rồi như thế giữa ồn ào phố xá
Người đàn bà ngang tàng trên vai hai chiếc ghế
Giọng khê nồng
Ai nghế đây ghế đây….

2015

 

ĐỘNG VÀ TĨNH

Ngoài kia động, nơi này yên tĩnh
Gió rèm lay nhắc đã chuyển mùa
Anh tìm lại chiếc áo xanh đời lính
Nhớ một thời sôi nổi từng qua

Đêm thì động mà ngày yên tĩnh
Ngày thường trôi, những việc thường trôi
Đêm, trái tim tình yêu dậy sóng
Tình yêu em anh vẫn chưa nguôi

Ngày xưa động, bây giờ thì tĩnh
Những mùa qua rắc phấn ở trên đầu
Anh ôm em, tâm hồn náo động
Đôi mắt nhìn yên tĩnh thẳm sâu

Gió mây động, mặt đất thì yên tĩnh
Lá non tơ bình thản màu xanh
Em ùa ra sân, vài giọt mưa trên tóc
Rồi nghiêng đầu hôn nỗi lặng đời anh

Giao thừa động, nén nhang thì tĩnh
Khói bay lên thẳng tắp tâm hồn
Bao bão tố thác ghềnh giờ hoá dòng sông lặng
Ta nhìn đời trở lại mắt hồn nhiên.

2006

 

VỌNG HẢI ĐÀI

1.
Ngày mai con lên đường đến những miền xa
Sáng nay cha đưa con lên nơi này
Băng qua trăm bậc đá
Xa xa kìa, rộng dài biển cả
Quê mình tất thảy đấy con
Nơi đây, cánh cửa trông ra biển lớn
Ông bà ta xưa gọi Vọng Hải Đài.

Tự nơi này nhìn ra
Mỗi buổi mai biển bình minh vàng rực
Mỗi chiều về biển như tấm thảm xanh màu ngọc bích
Sóng vỗ đường chân trời
Thời gian không gian trộn lẫn
Mờ xa bao dáng người qua đây từ buổi hồng hoang
Hằn những vệt mòn huyền thoại
Biển tự đo mình bởi trùng trùng con sóng
Biển tự đo mình bởi từng luồng cá bạc
Biển tự đo mình bằng những cánh buồm giong
Biển tự đo mình bằng lớp lớp chiến công
Thăm thẳm đại dương những anh hùng yên nghỉ.

Rồi từ đây con sẽ bay qua bao ruộng đồng, sông núi
Qua bao kinh tuyến vĩ tuyến qua những múi giờ
Đôi mắt con cũng sẽ là một Vọng Hải Đài
Nhìn ra bốn biển
Nói với các đại dương
Về những con người chịu khó chịu thương
Về những con người dầm mưa dãi nắng
Đêm ngày giữa trùng khơi kéo chùm lưới nặng
Lênh đênh nghề biển hồn treo cột buồm
Trải bao cơn bấc cơn nồm
Da sắt xương đồng tâm hồn như muối mặn.

Không dễ gì làm người-của-biển đâu con
Con hãy ngồi đây và lắng nghe
Trong tiếng biển thầm thì còn có tiếng ầm ào bão tố
Những cơn sóng gầm như hổ dữ
Chồm lên những thân phận mỏng manh
Biển đem đến bao điều ngọt lành
Biển cũng lấy đi bao nhiêu êm ấm
Dẫu ken dày dấu tích những đền thờ Đức Ông Cá Voi,
miếu thờ Cậu Cá Sấu
Nhưng người dân biển quê mình
Như những lá thuyền nhỏ nhoi va phải bức tường dày
kết đầy sóng biển
Tất cả gia tài trong phút chốc cuốn trôi
Ông tha mà bà không tha
Làm sao qua được Hăm ba tháng Mười

Con biết chăng, tên những cơn bão bao giờ cũng hay cũng đẹp
Những Rita, Karinna, Lisa, Ophelia
Những Chan Chu, Xangsane
Con có thể quên đi những cái tên
Nhưng nỗi đau của người dân quê mình thì con phải nhớ
Những nỗi đau rát lòng như xát muối
Sau mỗi lần cơn bão đi qua
Người mẹ mất con đêm ngày ngóng nhìn ra biển rộng
Bảy mươi tuổi, chỉ một lời ước nguyện
Nhà nước giúp tui tìm 3 đứa con
Hắn mất đi
Tui biết sống răng chừ!

Và còn biết bao những cơn bão không tên
Những cơn bão ngầm chứa đầy tham vọng
Ẩn sau những lời lẽ mỹ miều
Cứ cuộn dần cuộn dần ngày đêm gặm nhấm thềm lục địa
Con có thể quên đi bao điều
Nhưng không thể quên những người thương yêu
từng ngã xuống
Ngã vì bão giông quăng quật
Ngã vì thuyền đứt neo tan tác
Ngã vì những tay súng cướp đảo phá thuyền
Cướp đi mạng sống con người
Vét bòn từng con tôm con cá.
Vọng Hải Đài sẽ kể con nghe và con hãy nhớ
Để hiểu trong mỗi bát cơm đầy
Có nỗi nhọc nhằn những con người trằn mình ngày đêm
trên biển cả
Cả giọt nước mắt thiếu phụ ngóng chồng hoá đá
Không dễ gì làm người-của-biển đâu con!

2.
Ngày mai con hãy yên lòng đến những miền xa
Có thể còn những điều con quên
Nhưng có điều này con phải nhớ
Rằng biển quê mình
Dẫu còn lắm phong ba bão tố
Bao đợt sóng chồm lên như hổ dữ
Những cơn bão có tên và không tên
Nhưng như phép màu của đức tin
Người dân nơi xóm chài mỗi sớm mặt trời lên
Vẫn hiên ngang ngẩng mặt chào biển rộng
Đất quê cằn, nhọc nhằn gió cát
Phải bắt đầu từ biển, đi lên từ biển
Ông cha nghìn đời
Bắp tay cuộn dưới mặt trời
Da nhuộm hồng nước biển
Lẽ nào cháu con quên lưới vây, lưới cản
Lẽ nào bỏ nghề đi lộng đi khơi
Bão giông là việc của trời
Nén tiếng khóc, dằn lòng sau bão
Vững bước lên thuyền mặt biển chiều hôm
Lạy trời cho cả gió nồm
Ghe ra biển lớn mươi hôm ghe về

Dẫu biết ngoài khơi xa kia
Sóng gió gập ghềnh
Bao bãi đá ngầm hiểm ác
Nhưng biển của mình thì mình phải ra khơi
Gia tài đơn sơ cha ông xưa trao lại
Con cá con mực con tôm đây là của quê mình
Của quê mình trùng trùng những nhành rong biển
Những rạn san hô những bãi đá ngầm những tầng nước thẳm
Lẽ nào lật úp ghe thuyền lặng yên phơi mình trên bãi cạn
Một phút buông lơi một giờ buông lơi một ngày buông lơi
Là cánh tay chùng là chùm lưới rũ
Là biển quê mình thành đích ngắm của mưu mô
Mỗi đội thuyền đi biển hôm nay là một hải đội
Hoàng Sa Trường Sa
Mỗi bạn chài mang hồn người lính chiến
Ra khơi sống cùng biển
Ăn sóng nói gió
Không đe dọa ai
Không xâm lấn ai
Biển của mình thì mình phải ra khơi
Ngẩng mặt hiên ngang giữa sóng gió biển trời
Hát lời biển ngập tràn ngực biển
Ra đi sóng biển mịt mờ
Trời cho lưới nặng dô hò kéo lên
Là hò hố lên
Là hố hò lên!

Vọng Hải Đài thành vọng gác thiêng liêng
Từng dặm nước dõi theo mỗi chiều mỗi sớm
Còn bao nhiêu Vọng Hải Đài trong ánh mắt người lính biển
Nơi đảo nổi đảo chìm tít tắp trùng khơi
Bạn chài mỗi chuyến ra đi
Giữa mênh mông không bao giờ đơn độc
Biển quê hương ấm nồng
Những đường mòn trên biển năm xưa còn đây
khắc ghi dòng lịch sử
Những linh hồn giữa biển khơi yên nghỉ
Sẽ thành những la bàn nhắm hướng chỉ phương
Những hạm tàu không bao giờ lạc lối
Trên biển cả mịt mù nhân nghĩa
Sẽ cập bờ neo bến của yêu thương.

3.
Ngày mai con từ biển quê mình đến những miền xa
Con hãy nhớ thu vào tầm mắt muôn gương mặt người,
Thấu tận muôn tâm hồn người
Nơi những đại dương xa xôi những miền đất lạ
Để ngày về con sẽ lại đến nơi đây
Băng qua trăm bậc đá này
Tựa lưng vào núi Ngũ Hành sơn trông ra biển lớn
Cùng Vọng Hải Đài trò chuyện
Những câu chuyện rộng dài như biển
Thẳm sâu như biển
Mênh mang như đường chân trời
Câu chuyện về những cuộc đời
Trụ bám trên biển
Sống chết cùng biển
Và con sẽ hiểu thêm
Trong biển lại có biển
Biển của triệu triệu tấm lòng
Đăm đắm nỗi niềm đất nước
Biển dậy sóng triệu triệu tâm hồn
Thời gian vô hạn vô hồi vỗ bờ ký ức
Vọng Hải Đài còn chong mắt những ngàn năm
Canh cho quê hương đời đời sóng yên biển lặng
Những ngư dân hiền lành hôm nay có
dáng người lính trận
Mỗi chuyến ra khơi trang nghiêm một lần đi
cắm mốc chủ quyền
Hứa với những người đang sống đây
Thề cùng bao linh hồn đã khuất
Biển của mình thì mình đem máu xương gìn giữ
Biển của mình thì mình phải ra khơi
Buồm căng lồng ngực bạn chài ngân vang câu hát
Đây biển Việt Nam
Đây hồn Việt Nam
Tổ quốc trào dâng cùng biển trời bát ngát.

Đà Nẵng, mùa biển động 2011

 

CÂY SANH

Tuổi thơ ta là xóm nhỏ Cây Sanh
Con suối chảy, đôi bờ cây dứa dại
Pháo sáng lập loè dưới đồn Tây ngày ấy
Những đêm cáng thương bộ đội chạy trên đường.

Bạn bè quen từ thuở xa xôi
Giờ đã là ông bà nội ngoại
Gặp ở đâu, nghe giọng nói
Cũng hình dung cây cỏ quê mình
Hình dung con đường nho nhỏ
Cái cầu tre gập ghềnh
Bốn tuổi té nhào xuống suối
Cả nhà hoảng hốt đi tìm
Giờ tuổi Sáu mươi qua bao nhiêu sông suối
Những vấp ngã cuộc đời sao quên!

Cây Sanh xa ngái ấu thơ
Chiều nay về đất cũ
Vẫn đây, bóng cố ngồi một mình
Nhìn ra con cháu ngoài sân chia tay bối rối
Hai năm rồi về nghe con
Một thoáng trong đời rồi biền biệt
Lời hẹn xưa văng vẳng mãi trong hồn.

Ôi đất Quảng này đâu cũng là quê
Xóm Giếng Bộng làng Nại Hiên mẹ chống cửa nhà
theo cha đi kháng chiến
Cổ viện Chàm những pho tượng ngẩn ngơ
Mẹ mang bầu sinh con trên đường
Làng Mã Châu thành nơi cắt rốn chôn nhau.
Tuổi thơ lớn theo đường cha đánh giặc
Giờ mẹ kể con nghe quen thuộc hết
Những Đại Bường – Trung Phước – Đèo Le
Những Châu Ổ, An Tân, chuyến cam nhông ray và
những người công nhân đẩy xe goòng buổi ấy
Và xóm nhỏ Cây Sanh này theo suốt tuổi thơ con.

Cứ chiều chiều hiu hắt câu ca dao
Ngọn đèn dầu vặn lên ngoại bày con làm thơ lục bát
Thăm thẳm thời gian thăm thẳm không gian bao giờ gặp mặt
Cái thời Cha từ Việt bắc nhớ thương…

Hăm bảy Tết chú Ba ra vườn hái mấy nhành hoa cải
Con cháu vòng quanh khấn vái ông bà
Nhớ bao người thân kháng chiến đi xa
Khao khát mong ngày tự do đoàn tụ.

Giờ ta lớn con đường thành bé nhỏ
Cây Sanh xưa cháy rụi tự lâu rồi
Những tên đất tên người thành kỷ niệm
Nhưng đất và người xóm cũ vẫn sinh sôi
Nuôi ta lớn khôn là hạt gạo tự trăm miền đất nước
Nhưng buổi trở về bỗng lặng đứng trước nơi đây
Trời vẫn gió, lá rung, cây vẫn nhắc
Hồn cây xưa về lại, mỉm cười chào.

1997-2007

 

CHIỀU HÒN KẼM

Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi
(Ca dao xứ Quảng)

Núi đến đây, đá dừng
Sông thì vẫn vô tư chảy về biển cả
Còn lại hai bên bờ đá
Những vạt ánh chiều đơn côi.

Chiều ơi chiều ơi
Ta đã đi qua ngàn vạn chiều
Nhưng chỉ một chiều nay Hòn Kẽm
Chiều thương cha nhớ mẹ
Chiều chân núi mép sông
Gió khẽ lay nương bắp trên đồng
Bãi dâu đôi bờ trầm mặc
Bếp vạn chài đỏ lửa
Cánh cò bến vắng chiều hôm
Ta đã qua bao chớp bể mưa nguồn
Qua bao ngày giông bão
Giờ về trôi trong chiều êm
Bến sông em ngồi giặt áo
Trời xanh mây bay huyền ảo
Muốn nói một câu giọng Quảng đậm đà
Thương quá chừng buổi chiều quê ta.

Ta cuộn vào lòng những dãy núi mờ xa
Sương khói hoàng hôn như thuỷ mặc
Lẫn trong gió trong mây giọng hò ai bát ngát
Hát những thân phận thuyền chài chắp nối lênh đênh
Chống sào qua chân thác đầu ghềnh
Ngấm da thịt nắng gió vùng sơn cước
Ta muốn cùng người đêm nay gối đầu lên bãi cát
Thức cùng quê hương nơi đầu núi đầu sông.

Ơi chiều quê xanh trong
Ta đã qua ngàn vạn chiều để chiều nay Hòn Kẽm
Những phố phường nguy nga nhạt nhoà kỷ niệm
Ngỡ ta nhập trong vách đá ánh chiều này
Chiều êm mà hồn say
Lãng đãng câu ca xưa giăng ngang chiều tím
Con đò nhỏ mái chèo khua bịn rịn
Trôi giữa đôi bờ như lọc lại tâm tư

11/4/2003

 

HỘI AN

Những mái cong nhô cao không vồn vã chào mời
Phượng vĩ lặng im từng chùm hoa đỏ
Cụ già đánh cờ như trở về từ thượng cổ
Em gái ngồi thêu sau ánh đèn lồng bí ẩn kiêu sa.

Mỗi ngôi nhà mang dáng một bài thơ
Mỗi con người tựa một pho kỷ niệm
Cũ và mới giao nhau trong nhập nhoà ánh điện
Những người khách đến đây như gặp ở đâu rồi.

Hội An như riêng chỉ mình tôi
Khi rảo bước giữa im lìm phố cổ
Không có ai quen, vẫn muốn tìm ai đó
Như thể đi tìm lại chính mình.

Tìm lại một điều gì lặng lẽ
Đang ẩn giấu sau từng cánh cửa già nua
Sau những hoàng hôn cũ xưa buông dài mái phố
Sau dãy núi xa mờ tít tắp cù lao.

Tiếc những sơn son thếp vàng đang khoả lấp
Cả một thời gỗ mộc đất nung
Tôi dừng lại mua cây kèn đất
Thổi một tiếng dại khờ khàn đục giữa không trung.

Hội An cổ và tôi. Còn em thì cứ mới
Nhạc xập xình toả trên mái rêu phong
Đường lát đá đếm gót giày nhún nhảy
Em đứng niệm thần linh má đỏ môi hồng.

Chỉ dăm cây số thôi là biển đấy rồi
Là khát vọng đại dương, là vòng quay hiện đại
Sao cứ muốn níu chút gì ở lại
Cho Hội An mãi là phố Hội bình an.

2002-2003

 

HỘI AN – BÀI 2

Đã tránh mùa lễ hội
Vậy mà rằm Giêng này
Vẫn lại Hội An…

Trời vẫn trong và đền vẫn khói nhang
Sương khói man man không gian tĩnh lặng
Có bàn tay nào lặng lẽ trao một nén
Thắp lên cho thanh thản tâm hồn.

Không thấy ai mời mọc chốn sân đền
Hòm công đức tuỳ tâm nơi góc nhỏ
Có thể lặng im, có thể nói một câu gì đó
Miễn là nơi sâu thẳm có người nghe.

Đừng làm điều gì sai quấy ở nơi đây
Tâm hồn Hội An gửi vào đôi mắt cửa
Và đôi mắt em, cả mắt nhìn em nữa
Trước đôi mắt này không thể dối lòng nhau.

Phố nhỏ chật căng chen chúc ra vào
Chỉ một câu chào cũng đủ thành huyên náo
Cái thật của đời lẫn giữa điều huyền ảo
Lạc giữa phố đông người, cứ ngỡ mình mơ.

2006

 

VIẾT Ở HIÊN, ĐÊM CUỐI NĂM

Đêm lên Hiên khó ngủ
Bè bạn xưa, câu hát của một thời
Người ở núi, người lại về với phố
Câu chuyện mê tràn, chơi vơi.

Chén rượu rót quên uống
Buồn vui, công việc đủ say rồi
Những suy nghĩ chung riêng bề bộn
Những lo toan một đời người, nhiều đời người.

Đêm lên Hiên bỗng thấy mình mắc nợ
Với em bé đến trường chân đất áo mỏng manh
Và cô giáo nụ cười bỡ ngỡ
Thoáng gặp rồi em xa hút giữa rừng xanh.

Đốt lửa lên, hòa chung điệu hát
Giục nhau cạn chén, nhớ đêm này
Ai hát hộ lời thơ mình thế nhỉ?
Biết trái tim còn lửa ấm với tình say

Cách xa gì nơi ấy với nơi đây
Trên ấy thức, nơi này không dễ ngủ
Đêm lên Hiên, tâm hồn để ngỏ
Mai ta về, cơn gió nhớ thổi về theo.

 

VỀ MỸ SƠN, NHỚ KAZIK( )

Có một người mắt nâu tóc bạc
Từ bỏ những đô hội phồn hoa
Từ bỏ những con đường tuyết trắng
Đến với xứ sở này
Với bụi bặm và nắng.

Ngày ngày
Như một lao công
Ông cần mẫn nhặt nhạnh và sắp xếp.

Ông đau những viên gạch vỡ
Mắt mở căng trước những dòng chữ bị thời gian xóa nhòa.

Đêm đêm
Ông cật lực đo vẽ và nghĩ suy
Như một nghệ sĩ tài hoa
Và như một nhà hiền triết.

Không thể đẫy giấc dưới những vòm đá ẩm ướt
Nhưng ông tình nguyện ngủ lại nơi này
Những người học trò nghĩ thương ông
Ông lại thương những vũ nữ Chàm ngoài kia lạnh lẽo
cùng sương gió.

Điều gì khiến cho con người mắt nâu kia
Từ bỏ những đô hội, những con đường đầy hoa tuyết
Đến với xứ sở này.
Tôi căng óc nghĩ về ông
Như một phát hiện.

Hay là vì một điều giản đơn này:
Khi chưa làm ra được viên gạch mới
Thì hãy tìm cách nhặt nhạnh và sắp xếp
Sao cho những viên gạch rời rạc nứt vỡ kia
Trở về cùng bức phù điêu khít khao và hoàn mỹ
Được như bàn tay người xưa!

2004

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây