Theo các chuyên gia World Bank, mặc dù là lần đầu tiên được xây dựng nhưng phương pháp nghiên cứu, các nội dung chủ yếu trong Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam đã tiếp cận với thông lệ quốc tế.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch tổng thể quốc gia là bước cụ thể hoá chiến lược phát triển và hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội XIII.

Bộ trưởng cho biết, lập Quy hoạch tổng thể quốc gia là một nhiệm vụ rất mới, lần đầu tiên thực hiện ở cấp quốc gia theo phương pháp tích hợp với các loại quy hoạch nên rất khó, phức tạp và liên quan các vấn đề quan trọng của đất nước. Đây là khung quy hoạch tổng thể, đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện tiếp thu lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế và dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 tới đây.

Nắm bắt cơ hội để chủ động kiến tạo tương lai

Tại hội thảo “Tham vấn ý kiến chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đối với báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” sáng ngày 16/8, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao.

Bo truong KHDT Nguyen Chi Dung min - Quy hoạch tổng thể quốc gia Việt Nam đã tiếp cận được với thông lệ quốc tế

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

“Việt Nam còn 7 năm nữa để đạt được mục tiêu này, thời gian không dài mà thách thức nhiều, biến động lớn, nên nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ quan trọng. Đây là cơ hội để chủ động kiến tạo quyết định tương lai của mình, cần phát hiện ra điểm nghẽn để thấy được cơ hội mới”.

Về nhận diện khó khăn thách thức, theo KH&ĐT, còn tồn tại nhiều hạn chế, bị chia cắt theo địa giới hành chính, liên kết vùng lỏng lẻo, chưa hình thành các vùng động lực để đi đầu và dẫn dắt trong tăng trưởng. Khung hạ tầng chưa hình thành, chất lượng đô thị chưa cao, tác động lan toả của khu vực đô thị rất thấp.

Do đó, chủ trương trong hoạch định phát triển thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là cơ hội để chủ động kiến tạo quyết định tương lai của mình.

“Không còn là giai đoạn thích ứng, ứng phó mà phải phát hiện ra điểm nghẽn, nhìn nhận cơ hội mới, không gian phát triển thế nào”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Phát triển có trọng tâm, tập trung các cực tăng trưởng đầu tàu

Về phương hướng thời gian tới, Bộ trưởng Dũng cho biết chủ trương phát triển có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả, sau năm 2030 dần tiến tới bước phát triển hài hoà, cân bằng, bền vững giữa các vùng miền, địa phương.

Tập trung vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, phát triển các cực tăng trưởng mang tính đầu tàu, lan toả dẫn dắt. Trong giai đoạn đến 2030, tập trung một số vùng có điều kiện kết cấu hạ tầng, nhân lực tốt, khoa học công nghệ để hình thành các vùng trọng điểm, xác định các động lực tăng trưởng mới.

Ở phía Bắc là tam giác: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, trong đó Hà Nội là cực tăng trưởng.

Ở phía Nam, xác định xây dựng tứ giác, gồm: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa, trong đó TP HCM là cực tăng trưởng với các hành lang kinh tế, theo trục dọc đã đầu tư từ Bắc đến Nam, đến năm 2025 sẽ hoàn thành.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã tham khảo nhiều kinh nghiệm quốc tế, trong đó có cử các đoàn cán bộ sang MalaysiaHàn Quốc – hai nước có nhiều điều kiện tương đồng và mức độ phát triển cao hơn trong khu vực – để tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức lập và nội dung quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng ở các nước trên.

Tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc, Malaysia

Tại buổi tham vấn, TS Dannay Leipziger, Trưởng nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank), nguyên Phó Chủ tịch quản lý kinh tế và giảm nghèo của Ngân hàng Thế giới, Giáo sư tại Đại học George Washington, đại diện cho các chuyên gia của World Bank đánh giá cao bản báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam.

TS Dannay Leipziger World Bank - Quy hoạch tổng thể quốc gia Việt Nam đã tiếp cận được với thông lệ quốc tế

“Mặc dù là lần đầu tiên được xây dựng nhưng phương pháp nghiên cứu, các nội dung chủ yếu trong Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam đã tiếp cận được với thông lệ quốc tế”.

TS Dannay Leipziger, World Bank

Các chuyên gia cũng trình bày thêm các nội dung liên quan đến tổ chức không gian theo các hành lang kinh tế, phát triển các vùng động lực, các cực tăng trưởng, các vùng đô thị lớn, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Quy hoạch tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc – Nam và hướng Đông – Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.

Ưu tiên hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc – Nam phía Đông; các hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Mộc Bài – TP HCM – Vũng Tàu; hành lang Đông Tây: Lao Bảo – Đông Hà – Đà Nẵng.

Các chuyên gia World Bank khuyến nghị Quy hoạch cần được xây dựng theo hướng nâng cao khả năng chống chịu các rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu, bảo đảm nguồn lực tài chính cho thực hiện Quy hoạch. Xây dựng quy hoạch không gian ở cấp quốc gia cần mang tính tích hợp, tổng hợp cao, bao gồm tổ chức lãnh thổ, bố trí sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực và có sự kết hợp chặt chẽ với yếu tố phi không gian (định hướng phát triển kinh tế – xã hội).

Mục tiêu của các quy hoạch tập trung vào các yếu tố cốt lõi như: Nâng cao năng lực cạnh tranh của lãnh thổ; Kết nối thông suốt giữa các vùng, địa phương bên trong quốc gia; Kết nối thông suốt giữa quốc gia và quốc tế; Thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thịnh vượng, tạo ra nhiều sinh kế, phù hợp với bối cảnh mới; và bảo vệ môi trường; bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên.

Các nội dung chính của các quy hoạch tập trung nghiên cứu phân vùng chức năng, bố trí không gian cho các ngành kinh tế chính, các đô thị lớn, các hành lang kinh tế; xác định vùng trung tâm của động lực tăng trưởng; các khu vực bảo tồn; các khu vực phòng ngừa thảm họa; và các phương thức làm hài hòa mối quan hệ đô thị – nông thôn.

Trong bối cảnh và trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay thì mô hình quy hoạch không gian cấp quốc gia của Hàn Quốc và Malaysia có nhiều điểm phù hợp, tương đồng để Việt Nam tham khảo.

Đối với kinh nghiệm của Malaysia. Quy hoạch vật thể quốc gia (NPP) là văn bản quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch. Trong đó xác định 3 chức năng quan trọng nhất gồm: cụ thể hóa các vấn đề liên quan đến không gian chính sách về phát triển kinh tế – xã hội, bảo tồn, ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên; Thiết lập một khung khổ không gian cho việc lập quy hoạch vùng, bang và địa phương; Định hướng hành động cho các cơ quan bảo đảm phù hợp với khung khổ không gian quốc gia.

Các trung tâm phát triển, các vùng phát triển, các vùng đang phát triển, các vùng có tiềm năng lớn và các trung tâm thúc đẩy tăng trưởng; các hành lang kết nối mang tính chiến lược cao, hành lang kết nối mang tính chiến lược, hành lang kết nối tiềm năng, hành lang lan tỏa; và các cửa ngõ quốc tế về đường bộ, đường hàng không, đường biển.

Về tổ chức lập quy hoạch, để bảo đảm các quy hoạch ngành có thể tích hợp tốt vào bản quy hoạch quốc gia, cơ quan tư vấn chính lập quy hoạch cần nghiên cứu trước, đưa ra các định hướng quan trọng phát triển của lãnh thổ, làm căn cứ để các ngành, lĩnh vực xây dựng định hướng quy hoạch.

Đối với kinh nghiệm của Hàn Quốc, các chuyên gia World Bank cho biết, Quy hoạch tổng thể lãnh thổ quốc gia của nước này (CNTP) gồm nội dung quy hoạch về từng lĩnh vực như cơ cấu không gian, đô thị, công nghiệp, văn hóa, kết cấu hạ tầng.

Trong bản điều chỉnh CNTP giai đoạn 2000 – 2020, Hàn Quốc xác định 3 trục ven biển và 2 trục Đông – Tây để hướng đến sự phát triển cân bằng trong đất liền. Lãnh thổ Hàn Quốc cũng được phân chia thành 7 vùng (6 vùng kinh tế đất liền và 1 vùng kinh tế đảo).

Kinh nghiệm các nước về xây dựng mục tiêu quy hoạch tổng thể quốc gia:

(i) Nâng cao năng lực cạnh tranh của lãnh thổ.

(ii) Kết nối thông suốt giữa các vùng, địa phương bên trong quốc gia.

(iii) Kết nối thông suốt giữa quốc gia và quốc tế.

(iv) Thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thịnh vượng, tạo ra nhiều sinh kế, phù hợp với bối cảnh mới; bảo vệ môi trường; bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên.

Nguồn: Tham vấn của các chuyên gia World Bank

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây