Bài 1: ‘Tấm áo đẹp’ cho sách

Bài 1: 'Tấm áo đẹp' cho sách
Bìa đẹp góp phần vào thành công của cuốn sách

Khi ra mắt độc giả, có cuốn sách thành công rực rỡ, nhưng cũng nhiều cuốn nhanh chóng bị lãng quên. Bên cạnh yếu tố nội dung, bìa sách là một lý do.

Biến ảo bìa sách

“Nhiều khi cuốn sách in ra không phải phiên bản bìa đầu tiên, duy nhất được sáng tạo. Có trường hợp, bìa sách đã duyệt qua các khâu, khi đơn vị xuất bản đăng tải lên Fanpage của mình, ngay lập tức bị độc giả chê, thế là phải làm lại”. Đây là chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Tùng Lâm, gắn bó với Sách Nhã Nam hơn 8 năm, sở hữu bộ sưu tập hơn 300 bìa sách nhiều thể loại, phong cách và chất liệu.

“Ở nước ngoài thường ra sách với phiên bản bìa mới, có thể nhân kỷ niệm 5 – 10 năm ngày ra đời tác phẩm, hoặc ngày sinh của tác giả. Đây là điều bình thường, vì độc giả yêu thích tác phẩm nào đó thường sưu tầm các phiên bản. Ở Việt Nam, độc giả hiện nay “chịu chi”, có độc giả mua hẳn 2 phiên bản bìa khác nhau, các bản sách đặc biệt với bìa đắt tiền vẫn có phân khúc khách hàng riêng”.

Họa sĩ NGUYỄN TÙNG LÂM

Tính “thời trang” của bìa sách – phù hợp với thị hiếu độc giả, xu hướng thiết kế ngày càng được khẳng định. Dòng sách trinh thám Bắc Âu là “đặc sản” của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, nhiều tác phẩm được giới thiệu tới độc giả Việt. Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam nhớ lại, với cuốn Cô gái có hình xăm rồng, khi xuất bản ban đầu có gương mặt một cô gái, độc giả khá thích thú. “Nhưng khi tái bản, “trend chữ” lên ngôi, chúng tôi chuyển sang trình bày chữ, minh họa chìm. Khi đưa ra phiên bản mới, họa sĩ nói rằng cần thay đổi phong cách, đơn vị phát hành cũng tranh luận, nhưng hướng tới khách hàng, chúng tôi vẫn duy trì song song 2 bìa này”.

Những tình huống “bếp núc” trong việc làm bìa sách cho thấy quá trình biến ảo hình và chữ. “Có tác phẩm trinh thám của Italy, ban đầu nhà xuất bản chọn hình ảnh rùng rợn để nhấn mạnh bóng tối phía sau vụ án, một số người chê, lần sau chúng tôi thay bìa, dùng ảnh trầm tĩnh hơn, độc giả lại nói không đúng tinh thần sách trinh thám…” – bà Khúc Thị Hoa Phượng kể và cho rằng tác phẩm hay chắc chắn nội dung là quan trọng, bìa sách hài hòa với nội dung là điều nhà xuất bản cố gắng chuyển tải, nhưng cũng phải phù hợp với thị hiếu, nhận được sự yêu thích của các nhóm độc giả khác nhau mới thành công.

Có nhiều loại sách, văn học, kinh tế, thiếu nhi, khảo cứu, kỹ năng sống… mỗi loại sách có cách trình bày khác nhau để độc giả hiểu, ấn tượng với tác phẩm. Tuy vậy, đằng sau một bìa sách không chỉ là sáng tạo cá nhân của họa sĩ, mà còn liên quan tới các bộ phận khác của đơn vị xuất bản, từ biên tập tới sản xuất, nhà in. Những tranh luận, bất đồng ý kiến về bìa sách giữa họa sĩ với biên tập viên, lãnh đạo nhà xuất bản, hay giữa biên tập viên và đội ngũ phát hành, theo những người trong nghề là “như cơm bữa”. Có sách họa sĩ thiết kế bìa màu xanh, người phát hành cho rằng “bìa màu xanh khó bán”. Có bìa sách họa sĩ thấy xấu nhưng tác giả lại thấy đẹp. Thậm chí hy hữu, có cuốn sách dịch không chọn được thiết kế bìa để các bên đồng thuận, đã bị lỡ thời điểm ra mắt…

Tinh tế, mang chiều sâu văn hóa

30 năm gắn bó với công việc thiết kế bìa sách, họa sĩ Lê Tiến Vượng, Chi Hội trưởng Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, ngoài chức năng là “chiếc áo” bền chắc bảo vệ cuốn sách, bìa sách ngày nay còn là bức tranh thu nhỏ, như tấm poster giới thiệu sách. Để được chú ý giữa vô vàn cuốn trên giá sách, bìa phải tạo sức hút bởi sự độc đáo để hấp dẫn độc giả. Mỗi bìa sách là một bài toán mà họa sĩ phải giải quyết bằng ngôn ngữ, màu sắc, đường nét. Như một nhà văn hóa, làm sản phẩm văn hóa một cách tinh tế, họ phải giải mã nội dung, tư tưởng của cuốn sách, sáng tạo bìa phù hợp với tinh thần của tác giả và thị hiếu độc giả mà nó hướng đến.

Nhà văn Lê Phương Liên, tác giả của “Nữ sĩ thời gió bụi” – tiểu thuyết dã sử về cuộc đời bà Đoàn Thị Điểm chia sẻ: “Viết xong bản thảo, tôi chưa mường tượng bìa sách được dựng như thế nào. Ban đầu, họa sĩ vẽ chiếc quạt, nhưng sẽ làm người xem liên tưởng đến bà Hồ Xuân Hương. Vậy vẽ gì trên bìa sách khi nữ sĩ Đoàn Thị Điểm không có ảnh truyền lại? Sau đó, mọi người đều ưng ý khi họa sĩ Kim Duẩn đã có sự thăng hoa với bức vẽ Hồng Hà nữ sĩ, như biên tập viên của cuốn sách nhận định là ‘vẽ đúng như chúng tôi hình dung về bà Điểm, một phụ nữ trí thức xưa’”.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng bổ sung: Bìa sách gắn với thông điệp của tác phẩm sẽ góp thêm thành công cho bộ sách. Chẳng hạn, bộ sách “Tám triều vua Lý” của nhà văn Hoàng Quốc Hải nói về một triều đại lớn trong lịch sử Việt Nam, có nhiều thành tựu xây nền móng trường tồn cho một quốc gia là nhờ văn hóa. Thể hiện thông điệp ấy một cách trừu tượng khá khó. Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam gợi ý họa sĩ vẽ bìa sách có tông màu nâu của đạo Phật, thể hiện tinh thần tác phẩm, và có hình ảnh rồng thời Lý…

Vượt qua câu chuyện truyền tải nội dung tác phẩm, bìa sách còn phải thể hiện được phong cách của đơn vị xuất bản cũng như đối tượng độc giả mà tác phẩm hướng tới. Họa sĩ Lê Tiến Vượng cho rằng, bìa phải đúng, đẹp, độc, nhưng sách giáo dục trong trường phổ thông thì cần có chuẩn mực riêng, theo mô phạm, trong khi đơn vị chuyên ra sách văn học có cách trình bày bay bổng, tự do hơn.

Khẳng định “bìa sách ngày càng đóng vai trò quyết định không nhỏ với tư cách như sứ giả của sản phẩm văn hóa…” họa sĩ Ngô Xuân Khôi Bìa – người gắn bó hơn 20 năm với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, cũng cho rằng, bìa sách đang đứng giữa ranh giới mong manh giữa một bên là nghệ thuật, là thẩm mỹ và bên kia là thương mại, là doanh thu. “Đòi hỏi sự hài hòa giữa hai yếu tố này cũng rất chính đáng”.

Thảo Nguyên

————–

Bài cuối: Cần “cuộc chạy tiếp sức” chuyên nghiệp

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây