Thắp lửa trước hoàng hôn – Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa

Thắp lửa trước hoàng hôn - Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa
Nhà báo, nhà thơ Trần Tuấn

THẮP LỬA TRƯỚC HOÀNG HÔN

Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa

Cũng đã trên hai mươi năm rồi, tôi đọc bài thơ này, bài Tiếp thị của Trần Tuấn, in trên số 35 năm 1999 của báo Tiền Phong về kết quả cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh 98. Cuộc thi đó, báo Tiền Phong nhận được 3600 bài thơ và gần 5000 truyện ngắn tham dự. Có 10 giải đồng hạng về truyện ngắn và có 10 giải đồng hạng về thơ. Giải thơ lần đó, ngoài Trần Tuấn, có Vi Thùy Linh (Hà Nội), Đông Hà, Phan Trung Thành (Huế), Nguyễn Thúy Quỳnh (Thái Nguyên), Đặng Trần Cường, Mỹ Quyên (Hà Nội), … Sau này, trong số những người đạt giải, có người đi tiếp con đường văn chương, tạo được dấu ấn, ra đời nhiều tác phẩm thơ. Tiếp thị có 4 khổ thơ như sau:

Bọt dâng cốc
                      men dâng dài dại mắt
Em lóng lánh cười
                        váy ngắn
                                  ngực đầu vun
Em ngả ngốn giữa vòng vây Thượng đế
Rót hết thịt da
                       quay quắt nỗi niềm

Anh gã nhà quê lạc vào phồn phố
Nhận ra em
                   con bé quê nhà
Mắt hoang hoải
                        tóc hoe âm ỉ cháy
Cơn bão vừa quét khỏi làng ta

Mẹ tìm em khắp chân trời
                              góc bể
Dò dẫm theo mỗi bước bão đi
Nào có biết chốn này yên ả thế
Con mẹ đang
                      rót ràn rụa xuân thì …
Thôi em ạ
               anh phải đâu thượng đế
Tiếp thị chi thêm những giọt say buồn
Anh tựa gối mơ quê nhà xanh ngắt
Dắt em về
               kịp thắp lửa trước hoàng hôn

Bài thơ là một câu chuyện kể về một cô gái tiếp thị tại một quán bia. Cô gái đó, lóng lánh cười / váy ngắn / ngực đầu vun / Em ngả ngốn giữa vòng vây Thượng đế / Rót hết thịt da / quay quắt nỗi niềm. Giữa cảnh đó, khách hàng, một “gã nhà quê lạc vào phồn phố”,  bỗng nhận ra em / con bé quê nhà.

Chú ý sẽ thấy, giữa cảnh: Bọt dâng cốc / men dâng dài dại mắt, tác giả vẫn nhận ra:”con bé quê nhà”. Em không phải người của phố thị, nét đồng đất vẫn còn trên gương mặt, trong cái nhìn. Song, sự đổi thay về đôi mắt và mái tóc đã làm nhà thơ chùng xuống trong cảm xúc và mô tả. Người ta vẫn nói, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Cái răng, cái tóc là góc con người. Chọn hai chi tiết tiêu biểu nhất, mắt tóc, với hoang hoải và hoe cháy: Mắt hoang hoải / tóc hoe âm ỉ cháy.

Sau trận bão quét qua làng, làng trở thành nơi không chốn nương thân. Cô bé đành rời bỏ. Bao đời nay, miền Trung vẫn vậy. Sau bão lũ, làng quê có bao nhiêu cảnh khổ. Trai tráng tìm đến các miền đất lạ, lập nghiệp. Làng vắng, còn lại trẻ con và người già. Buồn lắm!

Hình ảnh người mẹ men theo bước đi của cơn bão, dò dẫm khắp chân trời góc bể, tìm con:

Mẹ tìm em khắp chân trời
                              góc bể
Dò dẫm theo mỗi bước bão đi
Nào có biết chốn này yên ả thế
Con mẹ đang
                      rót ràn rụa xuân thì …

Hai hình ảnh trái ngược của mẹ và con gây nên bao cảm xúc, trĩu nặng tình đời. Người mẹ không bao giờ biết, cứ tưởng có một chốn yên ả cho con mình, đâu ngờ:

Con mẹ đang
                      rót ràn rụa xuân thì …

Rót ràn rụa xuân thì …”, câu thơ như có chứa nước mắt. Nước mắt của ai ? Không rõ. Có thể của người mẹ, của đứa con hay của nhà thơ. Nước mắt chảy theo với cốc bia của những “thượng đế” xa lạ, men dâng dài dại mắt. Trong khung cảnh đó, tình làng, tình quê, tình người thức dậy, muốn xua đi những giọt buồn, nhà thơ mơ tưởng về một quê nhà xanh ngắt, nơi có người mẹ xa con, có bờ tre giếng nước, một nơi chốn xanh ngăn ngắt, trong trẻo và tự nguyện: “Dắt em về”:

Thôi em ạ
               anh phải đâu thượng đế
Tiếp thị chi thêm những giọt say buồn
Anh tựa gối mơ quê nhà xanh ngắt
Dắt em về
               kịp thắp lửa trước hoàng hôn

“Dắt em về, kịp thắp lửa trước hoàng hôn”, sợ đêm xuống, sợ bóng tối, sợ nhiều vấp ngã, đường đời muôn nẻo, về thôi, về “thắp lửa” trước khi hoàng hôn chưa kịp buông xuống. Tác giả gửi niềm tin vào dòng thơ cuối cùng của bài thơ, làm cho bài thơ thanh sạch, không rơi vào vô vọng. Ý nghĩa bài thơ nằm ở đó. Nhà thơ Vũ Quần Phương, thành viên Ban tuyển chọn, có riêng nhận xét: “Bài thơ Tiếp thị của Trần Tuấn, hơi cay đắng, nhưng là cái nhìn trách nhiệm ưu ái”. Nhận xét đó đúng với chức năng nhân đạo hóa hoàn cảnh của văn học.

Hoàng Ngọc Hiến trong bài viết ngắn “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió”, giới thiệu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, có nêu:

“Từ ngàn xưa dòng sông văn học tuôn chảy giữa hai bờ “chân”, “mĩ” bao giờ cũng đổ ra biển cả nhân bản. Không thể khác được” (Văn học … Gần và Xa, NXB Giáo dục, 2003, trang 218).

Tiếp thị của Trần Tuấn nằm trong dòng chảy nhân văn đó.

Tháng 8-2021
HUỲNH VĂN HOA

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây