Vườn Mẹ, nơi vẹn toàn của chân-thiện-mỹ – Nhà giáo, nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa

Vườn Mẹ, nơi vẹn toàn của chân-thiện-mỹ - Nhà giáo, nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa
Nhà giáo, nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa (Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục Đà Nẵng)

PHÁC THẢO KHÔNG GIAN VƯỜN MẸ – BÀI 3

pt1 min - Vườn Mẹ, nơi vẹn toàn của chân-thiện-mỹ - Nhà giáo, nhà nghiên cứu Huỳnh Văn HoaBẢN ĐỒ GIẢI THỬA-VÙNG KHÔNG GIAN VƯỜN MẸ

Tưởng quy hoạch Vườn Mẹ - Vườn Mẹ, nơi vẹn toàn của chân-thiện-mỹ - Nhà giáo, nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa

 

VƯỜN MẸ, NƠI VẸN TOÀN CỦA CHÂN-THIỆN-MỸ

Nhà giáo, nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa
(Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục Đà Nẵng)

Bình Dương, cái tên ấy đối với tôi là một ấn tượng. Cách nơi ở (Hương An) và cách nơi học (Trung học Tiểu La, Thăng Bình) độ chừng 5 đến 7 km. Ngày đó, vào giữa những năm 60 của thế kỷ XX, vùng đông, cùng với Bình Giang, Bình Triều, Bình Phục, Bình Sa, Bình Hải, Bình Nam, Bình Đào thì Bình Dương là vùng đất ác liệt nhất, bị bom đạn cày xới đêm ngày. Có thời điểm, đứng từ bãi cát quốc lộ I, giáp ranh giữa huyện Quế Sơn và huyện Thăng Bình, có thể nhìn rõ xã Bình Dương. Rừng dương che chắn cát và bảo vệ các xã ven biển bị địch phá sạch. Pháo từ căn cứ núi Quế của lữ đoàn 196 Mỹ liên tục nã về các xã, chặn đường liên lạc với vùng tây, căn cứ địa cách mạng. Nói vậy, để hình dung là, 20 năm chiến tranh, tang thương, mất mát của vùng đất này không sao kể xiết.

Cũng cần trở lại lịch sử, trải qua hơn 600 năm, kể từ năm 1402, dưới thời nhà Hồ, huyện Lê Giang, Lễ Dương ngày trước và Thăng Bình bây giờ, những lưu dân của đồng bằng Bắc bộ, Thanh – Nghệ – Tĩnh đã đến đây, đã đổ mồ hôi, xương máu cho mảnh đất này. Bao nhiêu đời, đất đai đã trở thành một phần tâm hồn, ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm thức của cư dân bản địa, trong đó có Bình Dương, quê hương Phan Đức Nhạn – một người con điển hình cho tình yêu tha thiết đối với chốn chôn nhau cắt rốn – với bao hoài bão tốt đẹp về mảnh đất nơi mình sinh, trưởng thành.

Bình Dương của hôm qua

Trong chiến tranh, xã Bình Dương, như có người ví, đó là vùng đất thiêng. Nguyên Ngọc, nhà văn gắn bó với Bình Dương, trong tác phẩm Cát cháy, đã viết những dòng thắm thiết, đau đáu:

Bình Dương, trong tâm trí tất cả những người những người chiến đấu ở chiến trường này, đã vang lên như một câu hỏi cấp bách và quằn quại:

Bình Dương.
Bình Dương có tồn tại được không ?
Bình Dương tồn tại như thế nào đây ?
Tồn tại hay không tồn tại ?
… Những ngày đó đứng trên cáo mỏm núi nhỏ nhô ra phía tây, những người lính chong mắt nhìn về phía đông, cháy ruột hỏi nhau:
– Đâu? Bình Dương đâu ? Bình Dương đâu ?
Một người thành thạo đưa tay chỉ về tít tắp mù xa:
-Kia kìa, Bình Dương kia kìa, thấy không ? Cái chấm đen tí tẹo đó, thấy không ?

Đó là quê hương của một cậu bé mười lăm tuổi, bốn năm chịu bốn cái tang.

Với một xã, chiều dài chừng 5 cây số, diện tích hơn 2000 ha, dân số độ 7800 người, có dòng Trường Giang chảy xuyên qua vùng Đông ngày đêm xuôi về phố Hội. Bình Dương chỉ cát và cát nhưng tinh thần người Bình Dương luôn kiên định: “Bây chừ, dân Bình Dương không biết làm gì khác ngoài làm cách mạng” (Nhật ký Chu Cẩm Phong, NXB Thanh Niên, 2000, trang 320). Sau mười năm kháng chiến (1964-1975) Bình Dương có 4.700 người bỏ mạng, 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.347 liệt sỹ, 5 Anh Hùng Lực lượng Vũ trang, 3 lần được Nhà nước phòng tặng đơn vị Anh hùng. Bình Dương của những mẹ, những anh chị như Vương Thị Cận, Phan Đức Du, Phan Vĩ, Võ Tỵ, Phan Ngô, Phan Thị Lạng, Phan Thị Mỹ Hàng, Phạm Thị Bia, Lương Thị Ba, chị Sáu Cúc, … những con người bình dị, chân chất nhưng kiên gan, dũng cảm.

Ý Nhi, nhà thơ nữ gốc Quảng, có bài thơ dài, 826 từ, viết về vùng cát này. Toàn bộ bài thơ là xoay quanh hình tượng Cát. Đời người như đời cát, tất cả hòa thành một:

Tôi đã đến, tôi đang đặt chân mình trên cát
Cát ròng ròng tuôn chảy dưới lòng chân …
Cát như máu hai mươi năm đã đổ
Trong cát ấy có Mẹ Cha của bao nhiêu trẻ nhỏ
Có chồng con của bao người goá bụa
Những bạn bè, đồng chí đã hy sinh
Người ta đứng trang nghiêm trước cát bạt ngàn…

Những hạt cát bỏng sôi, như bao giọt nước mắt, lăn trên gò má, trở thành các bài ca truyền lửa, vượt qua đêm đông giá buốt, vượt qua cái chết, thành đốm lửa trong đêm: Giữ bài ca suốt tháng năm / Qua tất cả mọi buồn vui, bão sóng … Bình Dương là vậy.

Vườn Mẹ hôm nay

Mấy năm trở lại đây, anh Phan Đức Nhạn, người con quê hương Bình Dương, cùng số thân hữu và lãnh đạo địa phương tỉnh Quảng Nam, huyện Thăng Bình, bà con đồng hương các nơi xa như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh … đồng tình cao để có một không gian “Vườn Mẹ”. Nhiều người thuộc các thế hệ khác nhau đã đóng góp những ý kiến xác đáng để chung tay góp sức cho vườn mẹ sớm trở thành hiện thực. Đến nay, có thể hình dung diện mạo về không gian “Vườn Mẹ” như một công trình văn hoá mang nhiều ý nghĩa, đó là:

* Lòng biết ơn của các thế hệ đi sau về những đóng góp to lớn của bao lớp người đi trước, nhất là những người mẹ …

* Biểu tượng văn hóa cho một vùng đất giàu truyền thống về bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước, tính nhân văn sâu sắc về giáo dục.

Đề án hoàn thành, theo tôi, hội tụ của 3 phẩm chất: Chân – Thiện – Mỹ. Ba phẩm chất đó, như một tam giác đều, tựa vào nhau, hỗ trợ nhau, tôn vinh nhau, làm cho “Vườn Mẹ” không chỉ là công trình về nguồn, hơn thế, là công trình vừa có ý nghĩa văn hóa, vừa có ý nghĩa tâm linh. Người ta đến đó để tìm về nguồn cội, tìm về chính trái tim mình, soi vào đó, tìm ra các bài học ở đời.

Những cảm nghĩ

Trong “Vườn Mẹ”, chúng ta gặp lại những cây dương đứng bên đường, có bóng mát trong những trưa hè; có những bụi xương rồng trổ hoa, vươn lên từ đất cát; có con đường quê với ánh trăng thanh bình, đôi lứa yêu nhau, nhìn trăng hẹn ước; có dòng Trường Giang xanh như dải lụa, khua động ánh nắng ban mai, chào người thân lâu ngày về thăm quê quán. Xa hơn, một Hội An sương mờ nhung nhớ, lung linh và gợi bao kỷ niệm. Cây và lá. Người Bình Dương năm cũ và nay, hội ngộ về đây, dưới ánh sáng nhiều màu từ “Vườn Mẹ”, hiện lên sắc đỏ của tương lai.

Tôi muốn mượn những dòng văn của Ilya Grigoryevich Ehrenburg

(1891-1967), nhà văn Xô Viết, trong tùy bút Lòng yêu nước để bày tỏ cảm xúc về “Vườn Mẹ”:

Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh…

Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Volga, con sông Volga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.

Lịch sử giữ lại những tên khác: tên những người bỏ mình vì một lý tưởng, vì nhân dân, vì loài người, cho một xã hội mới tốt đẹp hơn.

Trong góc nhìn nghĩa tình, “Vườn Mẹ” đúng như những dòng Ilya Grigoryevich Ehrenburg – Nhà văn Nga Xô viết – đã viết. Ở đây, một nguồn mạch mới thổi vào lòng người, một tâm hồn Việt được neo giữ, gửi đến đời sau, nó như giọng hát trong trẻo ngày nào của những mẹ, những chị vừa cầm súng, vừa cầm cày, vừa hát ru con bên những chiến hào năm xưa, vang vọng đến hôm nay… Sâu lắng hơn, từ “Vườn Mẹ”, giữ cho chúng ta lòng yêu quê hương, đất nước.

 

Mấy đề nghị

* Khu lưu niệm: Trong hai cuộc kháng chiến, ít có nơi nào như xã Bình Dương có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp thống nhất nước nhà, vậy nên:

  • Có một gian trưng bày chân dung các đồng chí Bí thư Chi bộ, Xã đội trưởng đã hy sinh.
  • Có một gian trưng bày chân dung một số Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu.
  • Có một gian trưng bày các văn nghệ sĩ đã chiến đấu và viết (kể cả thăm) xã Bình Dương qua các thời kỳ, trong đó phải kể đến nhà văn Anh Hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Chu Cẩm Phong, người góp phần làm rạng rỡ vùng đất kiên trung này.

* Khu bảo tồn: Nên và cần sưu tầm, phục chế các loại cây, loại hoa, các vật dụng sinh hoạt gia đình (cối xay, cối đá, nong, nia, đồ đồng, đồ gốm, đồ mây tre), các dụng cụ đánh bắt, chế biến hải sản, ghe thuyền, các nông cụ dùng để sản xuất, …

Các vật dụng đó, không nhiều, nhưng tiêu biểu cho sắc thái, đặc trưng của cư dân một vùng đất, một loại hình sản xuất, sinh hoạt, …

* Quỹ hoạt động: Về lâu dài, để duy trì, bảo quản, tôn tạo, bổ sung hiện vật, chăm sóc, thuyết minh, hội họp, các hoạt động văn hóa, kỷ niệm, … cần thiết và bức thiết, đó là xây dựng một quỹ cho hoạt động của “Vườn Mẹ”.

Quỹ này, có ban quản lý quỹ, có diều lệ hoạt động, công khai về thu-chi, trả phụ cấp cho những nhân viên phục vụ, người quản lý. Quỹ này, có ít nhất từ vài ba tỷ trở nên, gửi tiết kiệm tại ngân hàng, lấy lãi suất để chi phụ cấp các nhân viên, chi mua sắm vật tư. Quỹ phải có một quy chế rất chặt chẽ về “Vườn Mẹ”…

Mong rằng “Vườn Mẹ” từ một ý tưởng hay, được sự đồng tình của chính quyền các cấp và người dân để nhanh chóng bước qua khoảng cách “không gần” trở thành hiện thực trên mảnh đất Bình Dương anh hùng.

Đà Nẵng, 24/09/2021

H.V.H

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây