Thiên hồi ức về một gia đình đại trí thức

Thiên hồi ức về một gia đình đại trí thức
Cô bé nhìn mưa được viết khi tác giả đã 78 tuổi

Đó là hồi ức về người cha – một học giả uyên bác và người mẹ – một phụ nữ tần tảo; hồi ức về cách mạng và kháng chiến, về Chủ tịch Hồ Chí MinhĐại tướng Võ Nguyên Giáp

PGS Đặng Thị Hạnh (1930) quê ở Quỳnh Đôi, Nghệ An. Bà xuất thân trong một gia đình danh gia. Là con gái thứ hai của cố GS Đặng Thai Mai, bà “ở nhà nhặt chữ rơi ngoài ngạch là đủ thông”.

Cô bé nhìn mưa được viết khi tác giả đã 78 tuổi nên có thể coi đó là ký ức của một người đã “đi xuyên thế kỷ”, có nhiều sự trải đời. Bởi vậy, đọc cuốn hồi ký này, độc giả không chỉ đọc câu chuyện đời tư của một cá nhân, mà rộng hơn nữa, đó còn là ký ức về một thế hệ xa xưa.

Xuất bản lần đầu năm 2008 nhưng ở lần tái bản này (năm 2021), Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã chỉnh sửa và bổ sung phần phụ lục giới thiệu một số bài điểm sách với góc nhìn đa chiều về Cô bé nhìn mưa của những học giả, nhà nghiên cứu, phê bình văn học để từ đó, bạn đọc có thể rút ra được nhận xét của riêng mình.

Ký ức in trong trí nhớ

Tác giả không viết cuốn Cô bé nhìn mưa liền một mạch. Từ lâu, bà đã ấp ủ mong muốn viết một cái gì đó về thời thơ ấu của mình.

“Biết rõ mình không được trời phú cho khả năng hư cấu, cái chỉ được ban cho những con người đặc biệt, tôi tự bằng lòng với những bài viết ngắn ghi lại những ký ức nho nhỏ nhưng thật khó quên. Từ bài viết đầu tiên cho đến năm 2007, là năm tôi thực sự bắt tay vào viết cuốn hồi ức, tôi luôn đinh ninh rằng tất cả chất liệu cuốn sách đơn giản rút ra từ những ký ức in trong trí nhớ của tôi”, PGS Đặng Thị Hạnh chia sẻ.

Theo đó, “in trong trí nhớ” bà là hình ảnh những ngôi nhà, khu vườn đến những con người từng gặp trên đường đời. Tất cả cứ thế xuất hiện nối tiếp trong cuốn hồi ký này. Thậm chí, khi đặt bút viết, tác giả còn thấy cảnh và người như hiện lên trước mắt, có cả những giọt mưa rơi đuổi nhau trên sân nhà ông ngoại, mùi lá sen khô vào mùa thu trong khu vườn làng Yên Lộ khi hoa đã tàn.

Do đó, cuốn sách còn mang âm hưởng tươi vui, hóm hỉnh của một cô bé đứng nhìn mưa bên cửa sổ làng Quỳnh năm nào. Đọc hồi ký của PGS Đặng Thị Hạnh cũng là cơ hội để lắng nghe tiếng nói của một trí thức uyên bác về chính những hồi ức ấy.

Đáng nói hơn trong tác phẩm này là những chi tiết quý khi nhắc về Bác Hồ: “Thỉnh thoảng, Bác Hồ sang ăn cơm. Bao giờ tôi cũng thấy Bác rất giản dị gần gũi, một con người dù đã đi khắp nơi trên thế giới, vẫn có cốt cách phương Đông cao quý, từ những khổ thơ chữ Hán cấu trúc hoàn mỹ, đến xử sự hàng ngày”.

Trên tất cả, cuốn sách là thiên hồi ức về một gia đình trí thức lớn trong bối cảnh những biến động của lịch sử Việt Nam thế kỷ XX. Đó là ký ức về quê nội trên rừng và quê ngoại dưới biển; hồi ức về cách mạng và kháng chiến, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những người lính trẻ ra đi không trở lại.

PGS Dang Thi Hanh min - Thiên hồi ức về một gia đình đại trí thứcPGS Đặng Thị Hạnh. Ảnh: Documentary.

Thế giới sách trong hồi ức

Tiến sĩ Văn học Trần Hinh – nguyên giảng viên khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) – cho rằng dưới ngòi bút của một người đã ở tuổi thất thập, Cô bé nhìn mưa vẫn thể hiện đậm nét trẻ trung bởi đặc tính văn phong của tác giả.

“Tác giả là người dạy và nghiên cứu văn học lãng mạn Pháp, rất yêu thích Victor Hugo – một nhà văn đậm đặc chất thơ, mà chất thơ luôn gắn với sự trẻ trung”, TS Trần Hinh nhận định.

Thêm vào đó, ông lý giải Cô bé nhìn mưa vốn được phát triển từ cuốn sách mà PGS Đặng Thị Hạnh viết từ những năm 1980 – Bà và cháu. Đối tượng chính trong cuốn sách này là những đứa cháu của tác giả và bà luôn mong chúng giữ được chất trẻ thơ.

Cuốn sách được chia thành 3 phần, mở đầu bằng không gian hẹp (làng, phố, biển màu lục nhạt), đến không gian rộng (khu vườn mùa đông, đồng quê, Việt Bắc, những ngôi trường và những con đường), trở về hiện tại và kết thúc bằng cuộc trò chuyện, đối thoại với những đứa cháu như một cách tìm lại tuổi thơ với những cơn mưa và ký ức.

“Đây là một hồi ức đặc biệt có giá trị. Nó không phải cuốn hồi ký thông thường, bởi lẽ người viết cũng là một trường hợp đặc biệt. Bà là một trong những người con gái của học giả Đặng Thai Mai. Ông đặc biệt đến nỗi có tới ba con rể là tướng (Võ Nguyên Giáp, Hồng Sơn, Hồng Cư). Thế nhưng, bản thân tác giả Đặng Thị Hạnh không viết cuốn sách với sự tôn vinh gia đình mà chủ yếu kể lại những ký ức về cách mạng, con người, về Hồ Chủ tịch và những đồng nghiệp…”, TS Trần Hinh nói.

Theo ông, lịch sử hay gia thế của tác giả là rất lớn, nhưng điều đó lại được kể bằng giọng văn nhỏ nhẹ, kín đáo và khiêm nhường.

Sách và việc đọc sách cũng được nhắc lại rất nhiều trong Cô bé nhìn mưa như một hình ảnh thật đẹp đẽ: “Ước mơ được ngồi đọc sách và không phải chịu trách nhiệm về một cái gì đã tan biến từ lâu, thần hộ mệnh là mẹ tôi cũng đã bay xa rồi”, hay: “Căn nhà và sách vở vẫn là nơi trú ẩn ưa thích của tôi”.

Tác giả giãi bày rằng tất cả vật nhỏ bé đối với bà khi đó đều như có hào quang thần diệu bao quanh. Và chắc chắn vào năm lên 10 tuổi, không gì địch được với ma lực của sách truyện cổ tích Pháp.

“Ở nhà tôi, sách nhiều vô kể. Chúng nằm trong cái tủ cao có cửa kính của phòng làm việc ba tôi, chúng vương vãi trên bàn làm việc… sau này chúng xâm lấn ở khắp nơi chúng có thể vào được”, tác giả viết.

Vốn sinh ra trong một gia đình trí thức (cả nho học và Tây học), sách vở đầy nhà, tác giả luôn được người cha định hướng tự đọc, tự học. Trong hồi ký này, nhà văn Trần Hinh cho rằng tác giả đã “khoe” một cách khéo léo rằng thời trẻ cũng như khi đã trưởng thành, tài sản lớn nhất của bà là sách vở.

Với hồi ức của mình, tác giả đã thực hiện một chuyến du hành dài và rộng, mang đến cho độc giả góc nhìn lịch sử đầy xúc động.

PGS Đặng Thị Hạnh là người đóng góp lớn cho ngành Văn học, đặc biệt là chuyên ngành Văn học Pháp. Bà tốt nghiệp Đại học Văn khoa Hà Nội năm 1956, trở thành phó giáo sư năm 1984. Năm 2010, bà được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và 3 năm sau, bà được Cộng hòa Pháp trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm.

PGS Đặng Thị Hạnh xuất thân trong một gia đình khoa bảng và thành danh Việt Nam. Trong gia đình bà, tất thảy 6 anh chị em đều tham gia nghiên cứu khoa học và thành danh ở các lĩnh vực của mình với học hàm giáo sư, phó giáo sư. Thân sinh bà là cụ Đặng Thai Mai – một nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học xuất sắc và nhà lãnh đạo đầu tiên của văn nghệ cách mạng Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Hồng Sơn là anh rể của bà, còn Trung tướng Hồng Cư là chồng của bà.

 

Thu Huệ

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây