Thơ triết học – Nguyễn Đình Thi

Thơ triết học - Nguyễn Đình Thi - Văn Hóa - Nghệ Thuật - vansudia.net

THƠ TRIẾT-HỌC

NGUYỄN-ĐÌNH-THI

(Dưới cái đầu đề “Triết thi”, bạn Minh Tuyền đã có bài tỏ bày quan niệm và triển-vọng về vấn-đề này (T.T. số 118). Nay bạn Đình-Thi lại góp thêm kiến-giải cho rộng đường khảo-cứu. Sở dĩ có chút dị đồng, là vì mỗi bạn lập luận theo một quan-điểm, chẳng hạn: đằng thiên về thơ, đằng chuyên trọng về triết học, đằng nhìn môn siêu hình học cổ, đằng định nghĩa siêu-hình học theo biến-thiên mới… Tri-Tân xin đăng cả để bổ túc lẫn cho nhau.

T.T

Trước hết, chúng tôi phải thú ngay rằng vốn không phải thi-sĩ mơ mộng, lại càng không phải thi-sĩ triết-học. Vô duyên với nàng Thơ, mà dám đem cây bút “phàm tục” nói đến thơ, chỉ vì chúng tôi thấy sau chữ thơ, còn hai chữ triết-học. Nếu có như anh thợ giầy hy lạp xưa, lên cao quá giầy dép của mình, xin các nhà văn-thơ hô lên giùm cho biết mà ngừng lại nơi cần thiết.

Thơ triết-học gồm hai phần rất dễ thấy: một phần thơ và một phần triết-học. Nó tham lam hơn thơ, vì muốn bắt nguồn ở tư tưởng, nó tham lam hơn tư tưởng, vì muốn có một hình thức đẹp, và say sưa. Nhà thơ thông thường (xin chớ lầm với nhà thơ tầm thường) muốn làm rung động lòng người, nhà thơ triết-học, tham lam hơn, muốn bắt người đọc phải suy-nghĩ trong khi say sưa nữa.

Vì thế, một nhà thơ kém nghệ-thuật, chỉ có thể thất bại khi đòi làm thơ triết-học. Kém tài ghép vần, xếp nhạc, một nhà thơ triết-học không làm kẻ đọc say sưa, cũng không bắt người nào suy nghĩ. Trái lại, nhà thơ ấy sẽ chỉ khiến người xem … bực mình.

Nhưng một nhà thơ nghệ thuật vững vàng, tư tưởng sâu sắc, có thể làm thơ triết-học giá trị được không? Thơ triết-học có thể vừa bắt trí tuệ suy nghĩ, vửa ru tỉnh cảm giác say sưa hay là trái lại? Thơ có thể đi đôi với triết-học không, và nếu có, thì trong phạm vi nào? Ấy là những vấn-đề người phê-bình, hay khảo cứu được phép đem xét mà không lo vượt quá phạm-vi chính đáng của mình vậy.

*

Muốn trả lời những câu hỏi trên đây cho đứng đắn, cần phải xem qua thế nào là thơ hay, và thế nào là triết-học? Biết phê bình thơ, biết định nghĩa triết-học, ta sẽ thấy rõ cái hay của thơ có thể đi đôi với cái thâm trầm của triết-học được không.

Cũng như mọi nghệ thuật, mục đích của thơ là đi tìm cái đẹp. Nhà thẩm mỹ học, dựa vào tâm-lý-học, sẽ bảo ta rằng: Cái đẹp có nhiều hình thức, và nhiều thứ bực. Nó kích thích tất cả mọi phần tử trong tâm-lý người ta nghĩa là cả cảm tình, trí tuệ, lẫn hoạt động.

Trước cái xinh xắn, ta có cảm tình tự nhiên. Cảm tình ấy là một ý muốn  che chở, là một lòng yêu mến.

Cái đẹp đã đạt được trong phạm vi trí tuệ là cái đẹp chính thức. Trước cái đẹp ấy, trí tuệ ta được thỏa mãn, vì thấy những đường lối rõ ràng, những nét điều hòa và cân đối. Cái đẹp của trí tuệ vì vậy thường lạnh lùng.

Cái đẹp đã đạt được trong phạm vi hoạt động là cái hùng vĩ. Trước cái đẹp ấy, ta thấy có một sức mạnh bên ngoài lấn át cả sức hoạt động của ta. Hoặc cũng có khi, ta thấy sức hoạt động của nhà nghệ sĩ thắng được cả sức mạnh của cảnh vật bên ngoài: Cái hùng vĩ là cái đẹp linh hoạt của những tác phẩm nào hình như vật lộn với thiên nhiên, với vật chất.

2) Bên những cái đẹp đã đạt được ấy, nhà thẫm mỹ học lại bảo ta rằng có những cái đẹp còn đương tìm kiếm còn đương đi tới.

Cái đẹp mà trí tuệ còn đương tìm kiếm là cái siêu tuyệt. Đứng trước nó, trí tuệ cảm thấy rằng có một điều bí mật chưa hiểu được có một sự điều hòa ẩn nấp đâu đó. Cái đẹp này dễ thấy trong tôn giáo, và trong tư tưởng siêu hình.

Khi tình cảm còn tìm kiếm một cái đẹp, ta gọi nó là cái đẹp cảm kích. Trước nó, ta chưa đem lòng yêu, ta chưa muốn che chở. Tình cảm ta chỉ mới rung động.

Sau đến cái đẹp còn đương tìm kiếm, trong phạm vi hoạt động ấy là cái bi tráng. Ta nói rằng một tác phẩm đẹp bi tráng khi ta thấy trong đó có một sức người tranh đấu với một sức mạnh vô cùng cao cả hơn, với số mệnh, với cuộc đời chẳng hạn. Sự điều hòa chưa đạt được, mà còn phải tìm kiếm mãi.

3) Có cái đẹp đã đạt được, có cái đẹp còn đương tìm kiếm, lẽ tất nhiên phải có cái đẹp đã mất đi rồi.

Khi trí tuệ làm hỏng một cái đẹp, và đem nó chia rẽ ra thành nhiều phần, thì chỉ còn cái ý nhị. Một câu nói ý nhị là một câu nói có nhiều nghĩa, mà không nghĩa nào “đẹp” hẳn, và có thể thu gồm tất cả những ý nghĩa khác.

Cái đẹp đã mất đi, trong phạm vi tình cảm, là cái lố bịch. Trước cái lố bịch, ta thấy tự phụ, tính tự ái của ta được nâng cao lên. Ta chỉ chê một kẻ nào lố bịch, khi ta tự cho rằng ở trên hắn. Vì thế, một người mặc cáo đã “trái mùa” bị ta coi là lố bịch.

Sau hết, cái đẹp đã mất đi, trong phạm vi hoạt động, là cái hài hước. Ta cười những kẻ nào hình như hoạt động có chủ đích lắm, mà kỳ thật bị lôi kép vào những con đường khác hẳn. Khi định nghĩa một đằng mà hóa ra một nẻo, ta thấy hài hước. Kẻ làm cho ta cười là kẻ hoạt động không “đẹp” nữa.

Mấy điều dẫn sơ sài trên đây đều nược trong khoa thẩm-mỹ-học (esthétique). Nó khiến ta thấy rằng cái đẹp, không những có trong tình cảm, mà còn có trong trí tuệ và cả trong hoạt động. Vì thế, ta không thể chia rẽ tình cảm với trí tuệ, khi nói đến nghệ thuật. Một bài thơ hay không những kích thích cảm tình, mà còn quan hệ mật thiết đến trí tuệ. Những tư tưởng thâm trầm, đã bao hàm sẵn một cái đẹp siêu-tuyệt rồi vậy. Do đó ta kết luận: tư tưởng có thể đẹp được. Tư tưởng thâm trầm tự nó đã đẹp sẵn.

Cái đẹp của tư tưởng có thể đem vào trong thơ ca được không? Một bài thơ hay có phải là một bài thơ giàu tư tưởng?

Chúng tôi trả lời: chính phải.

Cái đẹp của thơ gồm hai phần: một phần liên lạc đến cảm giác, tính tình, và một phần liên lạc đến trí-tuệ, và do đó đến xã hội và đời sống.

Một câu thơ “hay” trước hết phải khiến cho cảm giác ta được thỏa thích: vì vậy, cái hay của một câu thơ, trước hết, ở trong âm điệu và nhịp. Một câu thơ không nhịp, không điệu khó lòng rung động nổi lòng ta. Luật bằng trắc trong thơ Việt nam, luật ghép vần, cắt nhịp trong thơ khắp các nước chính có mục đích ấy. Ngày nay, có cả một khoa phát âm thực nghiệm học (phonétique expérimentale) dùng máy móc đo lường được cái độ  “đẹp” của một câu thơ về phương diện âm điệu nữa. Nhờ phát âm học đó, nhờ những phương pháp khoa-học, ta có thể biết được khi nào một câu thơ (dù là một câu thơ ngoại quốc) đọc lên nghe du dương, và khi nào thì trái lại.

Không phải cầu kỳ đến thế, ta chỉ cần dẫn một hai thí dụ đơn giản cũng thấy nhạc cần cho thơ đến thế nào. Đọc: “Vài chú tiều lom khom dưới núi, bên sông lác đác mấy nhà rợ,” ta thấy còn đâu cái thi vị tuyệt vời của hai câu:

Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.

Vậy, một câu thơ hay hoặc dở trước hết là ở nhạc điệu. Một câu văn hay, chỉ biến thành thơ, khi nhạc điệu nghe êm tai.

Nhưng không phải vì thế mà thơ không thể đi đôi với tư tưởng. Trái lại, một câu thơ, dùng nhạc điệu gợi ra những tình cảm man mác, nêu lên những ý nghĩ thâm trầm, mới là một câu thơ tuyệt tác. Đọc một bài thơ nổi danh nhưng viết bằng tiếng Đức hay tiếng Đan Mạch ta khó lòng thấy hay cho được: ấy vì ta không hiểu tư tưởng bao hàm trong đó trừ phi ta đã học tiếng Đức hay tiếng Đan Mạch. Đọc những câu thơ tiếng nước nhà, nhưng ý nghĩa bí mật và rắc rối ta cũng khó lòng thấy hay. Paul Valéry, trong bài thơ “Nghĩa địa bên bờ biển” (Le Cimèlière marine), tả thuyền lướt trên mặt nước, viết: Có những con chim bồ câu trắng đi trên nó nhà Thơ ấy, người tầm thường như chúng ta khó lòng thấy hay cho được.

Đối với ta, trong một bài thơ hay, phải vừa có một nhạc-điệu êm đềm, vừa có một tư tưởng mà ta đoán thấy, hay biểu rõ.

*

Song phạm vi hai chữ tư tưởng quá rộng rãi. Một ý nghĩa về đời người là một tư tưởng. Một điều nhận xét trong khoa-học cũng là một tư tưởng. Hai tư tưởng ấy không “nên thơ” ngang nhau.

Nói: “sống ở đời là đau khổ”, nên thơ lắm. Nhưng làm sao đem nổi thơ vào điều nhận xét này: “Hai đường thẳng dài bằng một đường thẳng thứ ba, thì dài bằng nhau”? Lúc này, chính là lúc xét xem triết học thuộc về loại tư tưởng nào, và có thể diễn thành thơ được không vậy.

Nói “triết học” cũng còn rộng quá nữa. Vì trong triết học, ta phải phân biệt hai phần: một phần “triết”, một phần “”, một phần đi tìm  do, nguyên nhân sự thật, với một phần phê-bình (triết) sự thật ấy.

Năm ngoái, trên tờ Tri-Tân này, tôi đã có dịp dẫn một hai thí dụ rằng:

Nói: “hoa hồng màu đỏ” là nói  và nói “hoa hồng đỏ đẹp” là nói triết.

Nói: “hai với hai là bốn” là nói ,

và nói: “hai với hai là bốn thì đúng” là nói triết.

Mục đích của triết lý, là dựa vào khoa-học, để tìm biết thực tại, rồi phê bình thực tại ấy, nên trong triết học có một phần rất khó khăn: ấy là phần lý; một phần nữa bớt chặt chẽ hơn: ấy là phần triết, phần phê-bình.

Có đem được vào thi-ca chính là phần phê-bình vậy, và cũng chỉ có một phần đó mà thôi.

Nên, chúng tôi lại nói: thơ triết-học không phải là thơ siêu-hình, không thể là thơ siêu hình.

Có lẽ trước khi quyết đoán như thế, chúng tôi cần phải định nghĩa đôi chút, vì chữ siêu-hình có nhiều khi nghĩa chưa nhất định.

Khi xưa, siêu hình học tự phụ là tìm hiểu được cả vũ trụ. Ngày nay, nó đã nhũn nhặn hơn nhiều lắm, và chỉ còn dám dựa vào khoa học để tìm một vài con đường mới cho khoa học sau này mà thôi. Siêu hình học ngày nay đi sát với khoa học. Nó thiết thực chứ không viễn vông. Nó nói “lý” nhiều hơn nói “triết”. Mà những chuyện “lý” thì vốn vẫn khô khan, và không chịu ép mình vào trong khuôn khổ thi ca, dù người làm thơ có tài đến đâu cũng vậy.

Nhiều người tin rằng siêu-hình đồng nghĩa với bí mật và viển-vông. Đó là một điều lầm, cần cải chính triệt-để vì siêu hình học, – phần quan trọng nhất của triết học – ngày nay rất rõ rệt, rất khoa học, rất sáng suốt.

Những quan niệm huyền bí về vũ trụ, về tạo hóa không còn có một giá trị triết học gì nữa. Thơ triết học, nếu trình bày những quan niệm ấy, tất chỉ có thể là thơ chứ không thể có giá trị gì, về phương diện tư tưởng. Thứ tư tưởng đó, ngày nay, không còn ai công nhận.

Vì thế, thơ triết học phải lánh thật xa những thứ triết học giả dối, và ảo huyền, vì đó thực ra không phải triết học, mà là mê tín. Còn siêu-hình-học chính đáng, không thể đem vào thơ được, vì thiết thực quá, duy lý quá. Dùng thơ nói chuyện luận lý, vừa buồn cười vừa khó khăn.

Nên trong triết học, chỉ có một phần có thể đem vào trong thơ: ấy là phần phê bình, ấy là phần nói về sự đẹp, xấu, sự phải trái, sự thiện ác, thứ nhất là phần triết học về nhân sinh. Thơ triết-học có một giá trị tư tưởng khi nói về đời người, vì trong phạm vi này, “lý” thì ít, mà “triết” thì nhiều hết sức.

 


Nguồn: Tạp chí Tri Tân, số 185, thứ Năm 23 Mars 1944, trang 12-3 và 16 (tức trang 220-1 và 224)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây