Trần Tế Xương: Nỗi đau thân phận mất nước

Trần Tế Xương: Nỗi đau thân phận mất nước

Trần Tế Xương: Nỗi đau thân phận mất nước

Năm nay người dân cả nước hân hoan chào mừng 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trên lĩnh vực văn học, cũng là năm kỷ niệm 145 năm ngày sinh Trần Tế Xương – một nhân vật tài hoa mệnh yểu trong bầu trời văn hóa nước nhà. Người nay đọc thơ Trần Tế Xương càng thấm thía nỗi đau của dân tộc trong giai đoạn nước mất nhà tan…

Sinh nhằm thời mạt vận

Trần Tế Xương (1870-1907) có tên thật là Trần Duy Uyên ở số 247 phố Hàng Nâu (nay là phố Minh Khai), phường Vị Xuyên thành phố Nam Định. Họ mạc ông nhiều đời thuộc dòng dõi Nho gia. Vì vậy ông đi học sớm và cũng nổi tiếng thông minh sớm.

Mới lên 10 tuổi, nhà có khách đến chơi thấy chủ nhà có một dãy chậu hoa, khách bèn ra cho bé Uyên một câu đối: “Đình tiền ngũ sắc hoa” (trước sân có hoa năm sắc), Uyên liền chỉ vào lồng chim khướu treo hiên nhà, đối lại: “Lung trung bách thanh điểu” (trong lồng có chim trăm tiếng). Khách nghe đối tấm tắc khen nhưng lại thở dài: Đời thằng bé rồi lại khổ, như chim nhốt trong lồng!

Và thực tế cuộc sống nơi trần thế 37 năm ngắn ngủi của ông nằm gọn trong một giai đoạn bi thương nhất trong lịch sử Việt Nam cận đại: Trước lúc ông ra đời 3 năm, 6 tỉnh Nam kỳ đã mất vào tay Pháp. Tế Xương lên 3, Bắc kỳ (trong đó có Nam Định) bị tấn công lần thứ 1; lên 12 tuổi chứng kiến Bắc kỳ và Nam Định bị Pháp tấn công lần thứ 2 và mất nốt. Năm 14 tuổi Triều đình Huế ký thỏa ước dâng nước ta cho giặc (1884), thừa nhận quyền thống trị của Pháp trên đất Việt Nam.

Năm 1897 Pháp đặt nền móng cai trị, du nhập và thiết lập chủ nghĩa tư bản-thực dân ở một nước phong kiến đề cao đạo đức Nho giáo, đã làm đảo lộn trật tự xã hội, đời sống tinh thần của Nhân dân. Ông thể hiện tâm trạng chua chát, đắng cay thân phận sĩ tử lúc bấy giờ:

“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa.
Lọng cắm rợp trời, quan sứ đến,
Váy lê quét đất mụ đầm ra.
Nhân tài đất Bắc nào ai đó?
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà!

Không chỉ “sĩ tử lôi thôi” mà người thi đỗ cũng không còn ra dáng một Nho sĩ hiển vinh. Một vị quan sắp nhận trách nhiệm lo việc nước, chăm dân mà vị thế cũng chẳng ra sao:

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng.

Chứng kiến Nho học thời mạt vận, tâm trạng bi quan này không chỉ riêng của Trần Tế Xương. Ông là người “học tài thi phận”, lận đận trong thi cử, thi 8 khoa đều hỏng, chỉ đậu vớt bằng Tú tài – nên được gọi là Tú Xương, vào năm 1894. Thời đó, người đỗ tú tài được xếp vào loại học hành dở dang, không được dự khoa thi Hội mà cũng thiếu chuẩn để được bổ làm quan.

Nguyễn Khuyến là một trường hợp khác, là người cùng thời với Tú Xương (1835-1909), đỗ đạt hiển vinh (Tam nguyên Yên Đổ) ra làm quan nổi tiếng thanh liêm, chính trực. Nhưng giữa lúc nước mất nhà tan, chứng kiến cơ đồ nhà Nguyễn sụp đổ, giấc mơ “trị quốc, bình thiên hạ” cũng không thực hiện được, Nguyễn Khuyến bèn cáo quan về Yên Đổ (Hà Nam) ở ẩn vào mùa thu 1884 và mất tại nơi này (1909). Bài thơ Tiến sĩ giấy, Nguyễn Khuyến chế giễu các ông quan lại thời này, giễu nhại ngay cả chính mình – chỉ là người sắm vai đóng thế, không có thực quyền. Phải chăng đó cũng là lý do ông từ quan?

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh thế mới hời!
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!

Tú Xương than thở cho cả một thế hệ, những Nho sĩ sinh nhằm thời mạt vận:

Nào có lạ gì cái chữ Nho,
Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co.
Sao bằng đi học làm ông Phán,
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.

Bế tắc thời thế

Đọc thơ của Tú Xương người ta cảm nhận nỗi u hoài trước thời cuộc và vận mệnh đất nước. Sau khi Pháp xâm lược nước ta, các phong trào kháng chiến diễn ra khắp nơi. Năm 1885, Pháp tấn công kinh thành Huế, triều đình thất thủ. Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi (lúc này mới 14 tuổi) xuống chiếu Cần Vương kêu gọi Nhân dân kháng chiến nhưng cuối cùng phong trào Cần Vương tan rã, vua Hàm Nghi bị bắt (1888). Các cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra đều thất bại. Sau cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng (1896) bất thành, hầu như phong trào đấu tranh chống Pháp giai đoạn này đã bị dập tắt hẳn. Tú Xương bày tỏ:

Ðêm sao đêm mãi tối mò mò,
Ðêm đến bao giờ mới sáng cho.
Ðàn trẻ u ơ chừng muốn dậy,
Ông già thúng thắng vẫn đang ho.
Ngọn đèn rình trộm khêu còn bé,
Tiếng chó kinh người cắn vẫn to.
Hàng xóm bốn bề ai dậy chửa,
Dậy thì lên tiếng gọi nhà Nho.

Cảm nhận nỗi đau mất nước, nhìn xã hội đảo điên, văn hóa truyền thống suy tàn nhưng ông không biết cách nào và làm gì để thay đổi thời cuộc. Vì thế, nhà thơ rơi vào tâm trạng bế tắc:

Kìa cái đêm nay mới gọi đêm,
Mắt giương, trong bụng ngủ không thèm.
Tình này ai tỏ cho ta nhỉ,
Tâm sự năm canh một bóng đèn.

Tuy không đủ dũng khí để lao vào cuộc kháng chiến như bao nghĩa sĩ yêu nước nhưng Tú Xương có tình cảm nồng hậu, kính phục những người dám đứng lên đấu tranh vì đất nước và dân tộc, coi họ là những người làm việc vá trời, lấp bể. Bài “Gửi cụ Thủ khoa Phan”, Tú Xương viết:

Vá trời gặt hội mây trăm vẻ,
Lấp bể ra công đất một hòn.

aaaaaaaa min - Trần Tế Xương: Nỗi đau thân phận mất nướcNgôi nhà 247 phố Hàng Nâu, nơi Tú Xương sinh ra và lớn lên

Phan Bội Châu sinh ở Nam Đàn, Nghệ An (1867-1940), lớn hơn Trần Tế Xương 3 tuổi. Ông thông minh từ bé, 13 tuổi đỗ đầu thi huyện, 17 tuổi đã viết bài “Hịch Bình Tây Thu Bắc” dán ở cây đa đầu làng để hưởng ứng phong trào Bắc kỳ khởi nghĩa kháng Pháp.

Năm 19 tuổi, Phan Bội Châu cùng bạn là Trần Văn Lương lập đội Sĩ tử Cần Vương (hơn 60 người) chống Pháp nhưng bị đàn áp nên phải giải tán. Sau khi đậu đầu giải Nguyên (1900), ông không ra làm quan mà bôn ba khắp nước kết giao với các nhà yêu nước khác như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thượng Hiền, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Đặng Thái Thân, Nguyễn Tiểu La, Nguyễn Quyền… thành lập Duy Tân hội nhằm đánh đuổi thực dân Pháp, sau đó phát động phong trào Đông Du được đông đảo người dân cả 3 miền ủng hộ, tham gia.

Cả đời ông đi tìm con đường cứu nước nhưng đều bị thất bại. Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt tại Thượng Hải, giải về nước xử án chung thân, đưa về an trí tại Bến Ngự (Huế) đến lúc mất. Với bài “Nhớ bạn phương trời”, Trần Tế Xương đã thể hiện tình cảm sâu sắc đối với nhà cách mạng Phan Bội Châu:

Ta nhớ người xa cách núi sông,
Người xa, xa lắm nhớ ta không?
Sao đang vui vẻ ra buồn bã,
Vừa mới quen nhau đã lạ lùng.
Lúc nhớ, nhớ cùng trong mộng tưởng,
Khi riêng, riêng đến cả tình chung.
Tương tư lọ phải là trai gái,
Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng.

Sinh ra giữa thời buổi loạn ly, học hành thất bại, không chọn cách sống dấn thân, cũng không chịu luồn cúi, làm nô lệ, Tú Xương giả câm, giả điếc, quay lưng trước xã hội:

Khi để chỏm, lúc cạo đầu,
Nghêu ngao câu hát nửa tàu, nửa ta.
Chẳng đội nón chịu màu da dãi nắng,
Chẳng nhuộm răng để trắng dễ cười đời,
Chốn quyền môn lòn cúi mặc ai,
Ngoài cương tỏa thảnh thơi ai đã biết.

Bi kịch số phận

Trần Duy Uyên thuộc dòng dõi Nho gia truyền đời – thành phần có thứ vị cao nhất trong xã hội bấy giờ. Tra cứu các tài liệu nói về Tú Xương đều không thấy có ảnh, có lẽ ông không phải là một vị quan to hoặc người nổi tiếng của công chúng, mà chỉ là một nhà thơ. Tuy nhiên ta cũng có thể hình dung được tác giả qua miêu tả của người bạn học Lương Ngọc Tùng:

Cùng làng, cùng phố, học cùng trường.
Nhớ rõ hình dung cụ Tú Xương,
Trán rộng, tai dày, da tựa tuyết,
Mồm tươi, mũi thẳng, mắt như gương.
Tiếng vàng sang sảng ngâm thơ phú,
Gót ngọc khoan khoan dạo phố phường.
Mấy chục năm trời đà vắng bóng,
Nghìn năm còn rạng dấu thư hương.

Dòng dõi, vóc dáng và tài hoa như thế, cũng như bao người đương thời, ông chọn con đường khoa bảng để lập danh, nhưng số phận không mỉm cười với ông. Ông đi thi tất cả 8 lần, sau 3 lần hỏng thi mãi đến lần thứ 4 (1894) mới đậu Tú tài, sau đó thi mãi cũng không lên nổi Cử nhân. Năm 1903, mới lấy tên là Trần Tế Xương, rồi Trần Cao Xương để bớt đen đủi nhưng vẫn cứ thi hỏng!

Xương có nghĩa là thịnh vượng, đẹp, thẳng nhưng số phận như giễu cợt ông – cả cuộc đời gắn với nghèo túng. Đúng năm ông đậu Tú tài, ngôi nhà 247 Hàng Nâu bị cháy. Cụ thân sinh Trần Duy Nhuận xây lại nhà gạch cho con dâu nhưng chẳng bao lâu ngôi nhà này lại bị người khác chiếm đoạt. Mộng bất thành danh, cảnh nghèo đói đã cứa xé Tú Xương, thể hiện sâu sắc trong các tác phẩm.

Van nợ lắm khi trào nước mắt,
Chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi.

Vợ ông thuộc gia đình gia giáo, dòng họ có nhiều người đỗ đạt. Lấy ông, bà hy sinh tất cả, phải tần tảo nuôi chồng nuôi con. Bài “Thương vợ”, Tú Xương bày tỏ tâm trạng giằng xé, đau đớn:

Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.

Thơ Tú Xương có giá trị hiện thực cao, là biểu tượng nỗi lòng của một tầng lớp Nho sĩ giữa thời cuộc loạn ly, không đành tâm theo giặc, cũng không cầm vũ khí chống giặc. Chủ nghĩa tư bản du nhập đã làm đảo điên xã hội, đạo đức suy đồi, nhất là ở thành thị.

Ở phố Hàng Song thật lắm quan.
Thành thì đen kịt, Đốc thì lang,
Chồng chung vợ chạ kìa cô Bố.
Ðậu lạy quan xin nọ chú Hàn.

Tú Xương khái quát hiện thực sinh động về một xã hội lố lăng, rởm đời, những cảnh chướng tai gai mắt.

Khăn là bác nọ lo tày rế,
Váy lĩnh cô kia quét sạch hè.
Công đức tu hành sư có lọng,
Xu hào xủng xoảng mán ngồi xe.

Nghệ thuật trào phúng được Tú Xương đẩy lên mức đỉnh cao, mỉa mai thực trạng xã hội và những kẻ xu thời trong bộ máy cai trị thực dân:

Hà Nam danh giá nhất ông cò,
Trông thấy ai ai chẳng dám ho.
Hai mái trống toang đành chịu giột.
Tám giờ chuông đánh phải nằm co,
Người quên mất thẻ âu trời cãi.
Chó chạy ra đường có chủ lo.
Ngớ ngẩn đi xia may vớ được,
Chuyến này ắt hẳn kiếm ăn to!

***

Gánh nặng lều chõng bất thành và cái nghèo đeo đuổi Tú Xương suốt cuộc đời. Về cuối đời, thơ Tú Xương càng tỏ ra đau buồn, tuyệt vọng:

Bụng buồn còn biết nói năng chi.
Ðệ nhất buồn là cái hỏng thi,
Một việc văn chương thôi cũng nhảm.
Trăm năm thân thế chẳng ra gì.

Từ đó, Tú Xương hình như không còn thiết tha với cuộc sống. Trong bài Văn tế sống vợ, ông viết:

Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ,
Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ.
Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo, ai dám chê rằng béo rằng lùn?

Người ung dung, tính hạnh khoan hòa, chỉ một nỗi hay gàn hay dở!

Nói về vợ, về mình như thế, tự trách mình bất thành mộng “lăm le bia đá bảng vàng, cho vang mặt vợ”, Tú Xương viết như trăn trối:

Thôi thôi!
Chết quách yên mồ,
Sống càng nặng nợ.
Chữ nhất phẩm ơn vua vinh tứ, ngày khác sẽ hay.
Duyên trăm năm ông Nguyệt xe tơ, kiếp này đã lỡ!

Và ông đã lìa bỏ thế gian khi mới 37 tuổi. Các tài liệu cũng không cho biết vì sao ông chết, chết trong hoàn cảnh nào. Tú Xương sống ngắn ngủi nhưng đã để lại cho đời một di sản văn chương đồ sộ, qua đó người đời hiểu thêm một giai đoạn bi thương của đất nước, của dân tộc và thân phận bức bối, bế tắc của tầng lớp Nho sĩ, trí thức mất nước lỡ thời lúc bấy giờ. Thể xác Trần Tế Xương qua trăm năm đã thành cát bụi nhưng sự nghiệp văn chương của ông thì không, như hai câu thơ Nguyễn Khuyến viếng Tú Xương:

Kìa ai chín suối xương không nát,

Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn!

Việt Văn

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây