Giọng Quảng Nam và những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Giọng Quảng Nam và những câu hỏi còn bỏ ngỏ

GIỌNG QUẢNG NAM VÀ NHỮNG CÂU HỎI CÒN BỎ NGỎ

(Đọc sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam“, tác giả: Andrea Hoa Pham, Nxb Đà Nẵng, 2022)

 Võ Văn Thắng

Tóm tắt

Nghiên cứu về nguồn gốc và sự hình thành một phương ngữ là một công việc khó khăn, đòi hỏi một cách tiếp cận liên ngành ngôn ngữ học, sử học, dân tộc học; và đến nay chưa có nhiều các công trình nghiên cứu phương ngữ tiếng Việt. Mới đây, Andrea Hoa Pham, TS Ngôn ngữ học, PGS của Viện Đại học Florida, Hoa Kỳ, đã cho ra đời cuốn sách chuyên sâu “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam”, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2022. Bài viết này giới thiệu các nội dung chính của cuốn sách đồng thời nêu một số vấn đề liên quan xem ra chưa được giải thích thỏa đáng trong cuốn sách, cần tiếp tục nghiên cứu.

Từ khóa: phương ngữ, sự hình thành phương ngữ, Quảng Nam, ngữ âm học, âm vị học.

Abstract

Studying on the origins and the formation of a dialect requires the interdisciplinary approach including of linguistics, historiography and ethnology; until now there is few rechearches on the Vietnamese dialects. Recently, Andrea Hoa Pham, Ph.D. on Linguistics, Associate Professor of University of Florida (U.S.A) released a comprehensive book written in Vietnamese, Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam (with the English subtitle “Quang Nam Phonology & Sound Change Through Contact), published by Đà Nẵng publisher, 2022. This paper aims to introduce the main points of the book and to note some related questions that seem not to be adequately accounted for  in the book.

Key words: dialect, dialect formation, Quảng Nam, phonetics, phonology

1. Giới thiệu

Cuốn sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” của Andrea Hoa Pham (2022) là một công trình sử dụng phương pháp chuyên ngành ngữ âm học, đưa ra các chứng cứ tin cậy cho một giả thuyết “giọng Quảng Nam đã được xây dựng trên một cái nền chung là giọng Thanh Hoá, và thu nhận một ít nguyên liệu độc đáo từ giọng Nghệ Tĩnh”.

anh minh hoa min 225x300 - Giọng Quảng Nam và những câu hỏi còn bỏ ngỏCuốn sách là một đóng góp mới cho việc nghiên cứu phương ngữ tiếng Việt đồng thời tiếp cận một vấn đề phức tạp và tế nhị liên quan đến nguồn gốc và bản sắc của các cộng đồng trong quá trình lịch sử, cần xem xét ở nhiều góc độ.

Phương ngữ Quảng Nam và âm vị học Quảng Nam đã được nghiên cứu trong một số công trình (Vương Hữu Lễ, 1974; Cao Xuân Hạo, 1986; Nguyễn Quang Hồng, 2004; Lý Toàn Thắng, 2006; Phạm Văn Hảo, 2017), và được giới ngôn ngữ học chú ý vì một số điểm khác biệt khó giải thích trong cách phát âm một số âm vị và vần của giọng Quảng Nam. Gần đây, Andrea Hoa Pham công bố cuốn sách Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam, trong đó miêu tả, phân tích hệ thống âm vị và vần của giọng Quảng Nam, so sánh đối chiếu một số thổ ngữ ở Hà Tĩnh và Thanh Hóa, đưa ra giả thuyết về nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam.

2. Nội dung

2.1.”Giọng núa Quảng Nôm” – từ cảm nhận của người bình thường đến cảm nhận của nhà ngôn ngữ học

Có rất nhiều chuyện vui và các bài viết về sự khác biệt của giọng nói Quảng Nam so với các vùng khác. Người bình thường chỉ cảm thụ bằng thính giác và viết ra bằng bảng chữ cái, nhưng người nghiên cứu ngôn ngữ thì dùng máy ghi âm, phân tích, trừu tượng hóa thành các âm vị và dùng các ký hiệu đặc biệt để ghi. Ngành ngữ âm học ngày nay là một ngành có nhiều kỹ thuật và thuật ngữ riêng đến nỗi các tài liệu chuyên môn về ngữ âm trở nên xa lạ với đại chúng, vốn là những người mong nhận được các kết luận của nhà ngôn ngữ học hơn là đọc các dữ liệu miêu tả quy luật phức tạp bên trong của ngôn ngữ.

Tuy nhiên, để giải thích cho ra nhẽ sự khác nhau của tiếng nói các vùng miền (phương ngữ) và đặc biệt giải thích nguyên  nhân của sự khác nhau đó, dù muốn trình bày đơn giản nhất, cũng không thể tránh được việc miêu tả, phân tích bằng các kỹ thuật chuyên ngành. Cuốn sách Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam, tác giả Andrea Hoa Pham là một trường hợp như thế.

Cuốn sách gồm 8 chương, trong đó dành 3 chương để miêu tả hệ thống ngữ âm – âm vị của giọng Quảng Nam và một số thổ ngữ ở Hà Tĩnh và Thanh Hóa có tương quan với đặc điểm ngữ âm của giọng Quảng Nam. Tác giả bình luận về cách miêu tả hệ thống âm vị và vần Quảng Nam của các nhà nghiên cứu đi trước, đồng thời đưa ra một cách miêu tả của tác giả. Ngoài đặc trưng phân bố của nguyên âm trong âm tiết, tác giả trình bày các biến chuyển vần theo một số nguyên tắc như đồng hóa, dị hóa; nguyên tắc giản hóa, tiết kiệm được dùng để giải thích nguyên nhân một số biến đổi.

Andrea Hoa Pham phân tích kỹ trường hợp nguyên âm /ɑ / trong giọng Quảng Nam, là một nguyên âm rất khác lạ so với các phương ngữ khác. Nguyên âm này viết bằng chữ a trong cá từ cá, lạ, bạn, được xác định là “một nguyên âm thấp, dòng sau, không tròn môi” ( tr 101). Tác giả tìm hiểu quy luật mà nguyên âm đặc biệt này đã được tạo ra bằng cách truy tìm những trường hợp tương quan ở thổ ngữ các vùng khác. Tại Hà Tĩnh, tác giả nhận ra thổ ngữ Kẻ Chay chính là tiền thân của nguyên âm /ɑ /Quảng Nam. Từ kết quả quan sát thổ ngữ Kẻ Chay và làng Hến ở Hà Tĩnh, tác giả đi đến một cách lý giải chuyên môn về sự ra đời của nguyên âm /ɑ / trong giọng Quảng Nam như sau:

Rất nhiều khả năng là /ɑ / trong giọng Hà Tĩnh được tách ra từ nguyên âm /a / dòng giữa và để lại chỗ trống của /a / trong các âm tiết mở. Khoảng trống này tạo nên thế mất cân bằng của các nguyên âm dòng giữa. Khoảng trống âm vị này sẽ được lấp trở lại khi các thổ ngữ Bắc Trung Bộ theo các di dân buổi đầu tiên vào Trung Bộ. Ở phương ngữ mới (Quảng Nam), các nguyên âm tiếp tục biến đổi, điều chỉnh, tách ra, tạo thế cân bằng trở lại trong không gian âm vị, và một nguyên âm mới /ɑ / như trong ba, má, sả được hình thành… Sự ra đời của  /ɑ / trong giọng làng Hến và giọng Quảng Nam là một minh họa tuyệt vời của quá trình biến đổi âm thanh, từ từ và theo từng giai đoạn” ( tr 173-174).

Cuốn sách dành hẳn một chương để tìm hiểu lịch sử di dân tại miền Trung Việt Nam trong 500 năm qua. Những thông tin có được nhờ tổng hợp các dữ liệu sử học đã định hướng cho tác giả tiếp tục tìm kiếm sợi dây liên quan đến giọng Quảng Nam ở các thổ ngữ tỉnh Thanh Hóa. Tuân thủ chặt chẽ các phương pháp của ngành ngữ âm học, Andrea Hoa Pham đã khảo sát, miêu tả thổ ngữ làng Thạc, huyện Thọ Xuân. Thổ ngữ này cho thấy mối liên quan mật thiết của cách phát âm nguyên âm viết bằng chữ a trong giọng Quảng Nam với giọng Thanh Hóa.

Từ kết quả phân tích, so sánh hệ thống ngữ âm – âm vị của Quảng Nam với các thổ ngữ ở Hà TĩnhThanh Hóa, tác giả đi đến kết luận:

Những chứng cớ này cho thấy một cách khó chối bỏ mối quan hệ chặt chẽ ở nhiều phương diện giữa giọng Thanh Hóa, Hà Tĩnh và giọng Quảng Nam. Giọng Quảng Nam đã được xây dựng trên một cái nền chung là giọng Thanh Hoá, và thu nhận một ít nguyên liệu độc đáo từ giọng Nghệ Tĩnh”. “Cùng với hiện tượng di dân lớn từ thế kỷ thứ 15, những chứng cớ này cho phép kết luận là từ Thanh Nghệ Tĩnh, những ông tổ của người Quảng Nam đã đem theo những chất liệu này trong giọng nói của mình khi vào lập nghiệp ở quê hương mới” ( tr 256, 277).

2.2. Sự hình thành giọng Quảng Nam và những giải thích khác

Chương 6 của cuốn sách bình luận những giải thích khác về sự hình thành giọng Quảng Nam, trong đó chủ yếu là trả lời câu hỏi “liệu người Chăm có thể ảnh hưởng lên giọng nói Quảng Nam không” (tr 216). Giả thuyết về nguồn gốc của giọng Quảng Nam từ việc “người Chăm nói tiếng Việt” đã được nhiều người biết đến qua cuốn sách “Có 500 Năm Như Thế” của nhà văn Hồ Trung Tú.

Khi cuốn sách của Hồ Trung Tú mới ra đời, Andrea Hoa Phạm đã có bình luận: “Có 500 Năm Như Thế” là một bằng chứng đẹp về cái thao thức bất tận trong việc đi tìm sự thật, bằng một thái độ viết tâm huyết, nghiêm túc, được nâng đỡ bởi một tâm hồn lãng mạn, bay bổng“. Đồng thời cũng lưu ý, “đây cũng chỉ là suy luận để khởi đầu, như anh công nhận. Cần tìm ra mối liên quan giữa các yếu tố ngôn ngữ hoặc các yếu tố ngoài ngôn ngữ đã thúc đẩy giọng Quảng thay đổi, ‘đi xa’ đến thế so với giọng ban đầu của những người Việt di dân, để cho ra một hệ thống giọng nói như hiện nay, mà không phải là một hệ thống khác. Cái quan tâm trước hết của các nhà ngữ học không phải là vì sao nó thay đổi, mà thay đổi như thế nào“.

anh minh hoa 1 min 225x300 - Giọng Quảng Nam và những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Đến nay, sau nhiều năm tìm hiểu về giọng Quảng Nam, trong đó có xem xét vai trò của tiếp xúc Chăm – Việt, Andrea Hoa Pham cho biết:

Cho đến nay, ngoài các từ vay mượn từ tiếng Chăm, chưa hề có một tài liệu ngữ học nào chỉ ra hoặc đưa ra chứng cứ cho thấy phát âm của người Chăm đã ảnh hưởng đến phát âm tiếng Việt,( … ) việc người Chăm nói tiếng Việt không đủ sức tạo ra thay đổi gì đặc biệt trong tiếng Việt, và càng không có thay đổi nào mạnh đến mức làm phá vỡ hẳn hệ thống như ở giọng Quảng Nam (…) Những ý kiến cho rằng giọng Quảng Nam có diện mạo phát âm như chúng ta thấy ngày nay là do ảnh hưởng từ việc tiếp xúc giữa người Chăm và người Việt hoàn toàn không có chứng cứ gì về mặt ngôn ngữ và lịch sử ” (tr 219, 255).

Thật ra, các phân tích trong cuốn sách của Andrea Hoa Pham lần này cũng chỉ dựa trên ngữ âm Quảng Nam đầu thế kỷ 20 đến nay và so sánh với tiếng Chăm Haroi và Chăm Phan Rang cận đại, là hai phương ngữ Chamic đã biến đổi nhiều trong thời gian gần đây, nên kết quả là “không tìm thấy những đặc trưng kỳ lạ gì trong giọng Quảng Nam mà có dây mơ rễ má gì với tiếng Chăm“; tác giả cũng tự nhận xét rằng đây là cách làm “khiên cưỡng và hời hợt”  trong điều kiện thiếu dữ liệu (tr 228).

Tác giả có dẫn cuốn sách  của Thurgood (1999), trong đó có  phân tích quá trình chia tách các phương ngữ thuộc hệ Tiền- Chăm (proto-Chamic).

Các phân tích của Thurgood (1999: 42-46) với mô hình như trên,  cho ta hình dung sự tồn tại của một “tiếng Chăm phía bắc” (Northern Cham) thuộc vào nhánh phương ngữ khác với “tiếng Chăm Phan Rang” và “Chăm Haroi”. Tiếng Chăm phía bắc bị chia tách thành hai phương ngữ gắn liền với thời điểm cuộc tấn công của Lê Hoàn vào Indrapura (Quảng Nam) cuối thế kỷ 10, một số người Chăm đi ra Hải Nam tạo ra phương ngữ Chăm Hải Nam (Tsat) và số người ở lại hình thành phương ngữ Roglai bắc (Northern Roglai). Như vậy, sự tiếp xúc ngôn ngữ Chăm – Việt tại vùng Quảng Nam nếu có điều kiện đối chiếu với phương ngữ “Chăm phía bắc” biết đâu lại tìm thấy một “dây mơ rễ mánào đó.

Về cơ tầng Chăm trong thổ ngữ miền Trung, GS-TS Nguyễn Văn Lợi và nhóm chuyên gia ngữ âm học của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam đã khảo sát ở Cao Lao Hạ, Quảng Bình, và đưa ra kết luận:

Khảo sát hệ thống thanh điệu thổ ngữ Cao Lao Hạ, trên bình diện đồng đại cũng như lịch đại, chỉ ra rằng: trong thổ ngữ Cao Lao Hạ vừa có những đặc điểm tương đồng, vừa có những nét khác biệt so với các thổ ngữ, phương ngữ tiếng Việt ở một phía và so với tiếng Chăm, ở một phía khác. Điều đó cho phép chúng ta đi đến nhận định rằng: trong tiến trình phát triển lịch sử của thổ ngữ này, có lẽ đã có sự tiếp xúc giữa cư dân nói ngôn ngữ Proto Việt – Mường và cư dân nói ngôn ngữ Proto – Chăm. Những nét tương đồng giữa Cao Lao Hạ và Chăm trong sự khác biệt với tiếng Việt, chỉ ra rằng phải chăng trong thổ ngữ này có một cơ tầng Chăm” (Nguyễn Văn Lợi, 2006: 18).

Andrea Hoa Pham cũng đưa ra một nhận xét ở góc độ lịch sử để hoài nghi về vai trò tiếp xúc Việt – Chăm trong việc hình thành giọng Quảng Nam:

Ở Quảng Nam đầu thế kỷ thứ 16, người Chăm lớp bị giết, lớp bỏ chạy về Chiêm Thành, ai còn sót lại chắc hẳn phải dè dặt che giấu thân phận, và có lẽ sống quây quần khép kín trong cộng đồng của họ. Người Chiêm dân cư vốn đã thưa thớt, sau những cuộc tàn sát ấy thì lại càng ít đi. Cộng thêm những lệnh cấm đoán, con số ít ỏi còn lại đó liệu có mấy phần cơ hội để cộng cư thân mật? Trong hoàn cảnh đó, việc tiếp xúc với người Việt thường xuyên và cần thiết đến mức nào mà đến nỗi có thể thay đổi hẳn bộ mặt của giọng nói người Việt ở Quảng Nam? (tr 241).

Tuy nhiên, nhận xét này xuất phát từ cách nhìn nhận về tình hình người Chăm theo các sử liệu truyền thống quen thuộc. Những kết quả nghiên cứu mới cho thấy số người của vương quốc Champa ở lại khu vực bắc và nam đèo Hải Vân, từ sau năm 1306, không phải quá ít ỏi và cô lập như chúng ta thường nghĩ do bị ám ảnh bởi các sử liệu cũ. Đó là các tư liệu như văn bản Thủy Thiên của họ Bùi, làng Câu Nhi, Hải Lăng, Quảng Trị (Nguyễn Hữu Thông, Lê Đình Hùng, 2009), như Phủ Tập Quảng Nam Ký Sự của Bùi Tá Hán (1996), như Đà Sơn Đà Ly nhị xã Phan tộc phổ chí ở Đà Nẵng (Võ Văn Thắng, 1998); như Địa bạ triều Nguyễn ghi nhận một “man sách” ở ven sông Cẩm Lệ, Đà Nẵng cùng nhiều “man sách” ở miền Trung thế kỷ 19 (Võ Văn Thắng, 2014: 33-34; Vũ Hùng 2012: 82-94) ; và ngày càng có nhiều cuộc khảo sát cho thấy đã có những người phụ nữ Chăm che giấu thân phận qua việc làm vợ, làm mẹ trong các gia đình có người đàn ông Việt di cư từ phía bắc, hoặc người Chăm đổi tên họ để “Việt hóa”. Những dữ liệu dân tộc học, xã hội học mới có thể khiến cho cách nhìn cũ về sự cộng cư Chăm – Việt cần phải được đánh giá lại.

2.3. Cội nguồn nguyên âm [ɑ ] trong thổ ngữ Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Quảng Nam

Sau khi đã thấy được dấu vết của giọng Quảng Nam trong các thổ ngữ Hà Tĩnh, Thanh Hóa, mọi người có thể sẽ có một thắc mắc như chính tác giả:

Một câu hỏi có thể đặt ra là vì sao những dấu vết của nguyên âm  /ɑ / lạ tai và một số chuyển hóa vần trong giọng Quảng Nam hiện nay chỉ còn tìm thấy ở vài thổ ngữ nhỏ ở Nghệ An, Thanh Hóa mà không phải là phổ biến ở các giọng nói ấy?” (tr 211).

Đây là một câu hỏi thú vị, và tác giả đưa ra câu trả lời:

Có thể rằng những vần lạ lùng kia ngày xưa là đặc điểm khá chung ở giọng Thanh – Nghệ – Tĩnh. Những di dân đầu tiên vào đất Quảng Nam đã đem theo giọng nói ấy. Sau khi bị tách rời khỏi quê hương cũ một thời gian dài, nhất là trong thời kỳ Trịnh –  Nguyễn phân tranh, một số đặc trưng ấy đã hòa nhập vào giọng Quảng Nam hiện đại và được giữ lại cho đến nay. Trong khi đó ở quê nhà, giọng nói vẫn không ngừng thay đổi. Một số vùng, nhất là quanh các trung tâm tỉnh, qua tiếp xúc với các phương ngữ khác, nhiều giọng địa phương đã rũ bỏ dần những nét quá đặc trưng để gần với giọng “chuẩn” Bắc Bộ hơn. Giọng Quảng Nam vô tình trở thành một cổ viện, lưu giữ một số dấu vết đặc biệt của giọng Thanh – Nghệ xưa ” (tr 211).

Ở chương kết luận, tác giả cũng đặt ra “những câu hỏi còn bỏ ngỏ“:

“Nếu gốc gác của nguyên âm này là từ một phương ngữ nào đó của tiếng Việt ở vùng Bắc Trung Bộ hoặc thậm chí Bắc Bộ, thì liệu đó có phải là sự tách ra của một âm vị nào đó trong quá trình hình thành một âm vị mới trong tiếng Việt ? Hay nguyên âm /ɑ / được vay mượn từ một ngôn ngữ nào đó trong nhóm người nói một thứ tiếng Vietic, sống chung tiếp xúc với người Việt, đặc biệt là ở vùng Hà Tĩnh, Nghệ An, xa đồng bằng và ven biển?” (tr 280).

anh minh hoa 2 min 225x300 - Giọng Quảng Nam và những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Với cách đặt câu hỏi như trên, có thể nêu vấn đề theo chiều ngược lại, liệu nguyên âm [ɑ ] lạ tai đó đã sản sinh từ chiếc nôi Indrapura (Quảng Nam) từ thế kỷ 10 khi phương ngữ Chamic ở đây tiếp xúc mạnh mẽ với nhánh Katuic, và rồi được một nhóm di dân “bất đắc dĩ” nào đó từ Indrapura đi ra ở vùng Hà Tĩnh, Thanh Hóa? Đến nay, dấu vết chỉ còn bảo lưu ở vài làng nhỏ ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa, trong khi ở quê hương nguồn gốc của nó, trong quá trình tiếp xúc với các đợt di dân từ phía bắc vào, đã duy trì, biến chuyển và trở thành một đặc trưng phương ngữ kỳ bí của cả vùng Quảng Nam rộng lớn ?

Con đường của nguyên âm [ɑ] từ Indrapura đi ra bắc đèo Ngang thoạt nghe có vẻ ít hợp lý hơn là chiều ngược lại,  nhưng không phải là không có khả năng xảy ra [i], bởi lẽ, khả năng “nguyên âm /ɑ / được ngưởi Việt ở vùng Hà Tĩnh, Nghệ An vay mượn từ một ngôn ngữ nào đó trong nhóm người nói một thứ tiếng Vietic”  hoàn toàn tương tự khả năng “được những người Champa ở Indrapura vay mượn ở một ngôn ngữ nào đó trong nhóm Katuic“. Mối quan hệ tiếp xúc và tác động của ngôn ngữ Mon-Khmer (bao gồm Katuic) lên ngôn ngữ Chamic đã xảy ra rất sớm; thậm chí từ trước thế kỷ 9, đã tìm thấy dấu vết những tác động đến mức làm rơi rụng một số tiếp tố trong tiếng Chamic (Thurgood, 1999: 257; Sidwell, 2007).

anh minh hoa 3 min 199x300 - Giọng Quảng Nam và những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Về lịch sử, dân cư ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh (châu Hoan, châu Ái xưa) đã có mối quan hệ lâu đời với dân cư phía nam đèo Ngang từ trước khi nước Đại Việt ra đời. Đầu thế kỷ 8, khi Mai Thúc Loan ở châu Hoan nổi dậy chống nhà Đường, theo ghi chép trong sử Trung Hoa, ông đã liên kết với người Lâm Ấp, Chân Lạp, huy động được số quân lên đến bốn mươi vạn người. Mai Thúc Loan xưng đế mười năm thì bị quân nhà Đường tiêu diệt, “người Lâm Ấp, người Chân Lạp cũng bị người Đường giết” (Lý Tế Xuyên, 2001: 148). Năm 989, xảy ra sự kiện “Tiến Lộc làm quản giáp, được lệnh thu thuế theo hai châu Hoan, Ái. Tiến Lộc dùng người hai châu ấy làm phản, theo về Chiêm Thành, nhưng Chiêm Thành không nhận. Vua nghe tin tự đem quân đuổi bắt Tiến Lộc và chém đi; người hai châu bị giết không biết bao nhiêu mà kể” (Ngô Thì Sĩ, 1997: 172). Người Chiêm Thành cũng đã gia nhập vào dân cư bắc đèo Ngang trong nhiều thời điểm, tạo nên một cộng đồng bị gán ghép là “ăn ở hai lòng“, “làm phản” (đối với triều đình phía bắc lúc bấy giờ). Ở thị xã Cửa Lò, Nghệ An đến nay vẫn còn một nhà thờ tộc Chế (gốc Chiêm Thành) được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2019. Và nhiều di tích giếng kiểu Champa đã được ghi nhận ở Hà Tĩnh, ra tận vùng giáp giới Nghệ An.

Biết đâu, như PGS-TS Andrea Hoa Phạm nói ở những trang cuối cùng của tập sách, rằng “Nếu còn tiếp tục tìm kiếm, có thêm được những tài liệu cần thiết, biết đâu chúng có thể tiết lộ thêm những bất ngờ khác, thậm chí có thể thay đổi giả thuyết hiện nay” (tr 282).

3. Kết luận

Cuốn sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” của Andrea Hoa Pham (2022) là một công trình sử dụng phương pháp chuyên ngành ngữ âm học, đưa ra các chứng cứ tin cậy cho một giả thuyết “giọng Quảng Nam đã được xây dựng trên một cái nền chung là giọng Thanh Hoá, và thu nhận một ít nguyên liệu độc đáo từ giọng Nghệ Tĩnh”.

Andrea Hoa Pham đã chứng minh những nét tương đồng của nguyên âm /a/ và các biến chuyển vần có chứa nguyên âm /a/ giữa giọng Quảng Nam và một số thổ ngữ ở Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Vấn đề còn lại là tìm hiểu nguồn gốc của nguyên âm /a/ đặc biệt đó, liệu nó được vay mượn từ một ngôn ngữ nhánh Vietic hay Katuic vào thời kỳ nào trong  lịch sử, từ đó mới có thể xác định đúng về con đường di chuyển của các đặc trưng âm vị Quảng Nam giữa các vùng địa lý – ngôn ngữ.

Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua việc nghiên cứu các tác động khác đến việc hình thành giọng Quảng Nam, đặc biệt là cơ tầng Chăm, nếu muốn làm rõ quá trình tiếp xúc và biến đổi của hệ thống âm vị và vần Quảng Nam; qua đó có thể góp phần xác định các quy luật chung trong việc hình thành các phương ngữ ở Việt Nam.

V.V.T

—————

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Andrea Hoa Pham. 2022.

Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam, Đà Nẵng: Đà Nẵng.

Brunelle, Marc. 2020.

“The loss of affixation in Cham- Contact, internal drift and the limits of linguistic history”. Trong sách Austronesian Undressed: How and why languages become isolating  (David Gil và Antoinette Schapper biên tập). Amsterdam: John Benjamins, tr 97 -118.

Bùi Tá Hán. 1996.

“Phủ tập Quảng Nam ký sự”, trong Tư liệu thư tịch và di tích về nhân vật lịch sử Bùi Tá Hán, Quảng Ngãi: Sở Văn hóa – Thông tin, tr 5- 32

Cao Xuân Hạo. 1986.

“Nhận xét về các nguyên âm của một phương ngữ tỉnh Quảng Nam”, Ngôn Ngữ số 2/1986.

Hồ Trung Tú. 2012.

Có 500 Năm Như Thế, Đà Nẵng: Đà Nẵng.

Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên. 1993.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hà Nội: Khoa học Xã hội.

Lý Tế Xuyên, 2001.

Việt Điện U Linh, Hà Nội: Văn Học.

Lý Toàn Thắng (chủ biên). 2006.

Những đặc điểm cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ quốc  ngữ, Quảng Nam: Sở Khoa học – Công nghệ.

Ngô Thì Sĩ. 1997.

Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, Hà Nội: Khoa học Xã Hội.

Nguyễn Hữu Thông, Lê Đình Hùng. 2009.

“Cư dân vùng Thuận – Hóa đầu thế kỷ XV qua văn bản ‘Thủy Thiên'”, Dân tộc học, số 2/2009, tr 49 -59.

Nguyễn Quang Hồng. 2004.

“Hệ thống vần cái tiếng Quảng Nam”, Ngôn Ngữ số 5/2004.

Nguyễn Văn Lợi, 2006.

“Thanh điệu và vấn đề cơ tầng Chăm trong thổ ngữ Cao Lao Hạ (Bố Trạch, Quảng Bình), Tạp chí ĐHSP TP HCM, số 9 – 2006, tr 4 -21.

Phạm Văn Hảo (chủ biên). 2017.

Tự điển Phương ngữ Quảng Nam, Quảng Nam: Sở Khoa học – Công nghệ.

Sidwell, Paul.2007.

“The Mon-Khmer Substrate in Chamic: Chamic, Bahnaric & Katuic Contact”, trong Seals XII: Papers from the 12th annual meeting of the Southeast Asian Linguistics Society 2002, Sydney: The Australian National University, tr 13-28.

Thurgood, Graham. 1999.

From Ancient Cham to Modern Dialects: Two Thousand Years of Language Contact and Change , Haiwaii: Haiwaii University Press.

Võ Văn Thắng. 1998.

“Một bản phổ chí nói về quan hệ Việt – Chàm”, trong Việt Nam HọcKỷ yếu Hội thảo quốc tế  lần thứ nhất, Hà Nội, 15-17/7/1998, tập V, Hà Nội: Thế Giới, HN, tr 496 -504

Võ Văn Thắng (chủ biên). 2014.

Di tích Chăm tại Đà Nẵng & những phát hiện mới, Đà Nẵng: Đà Nẵng.

Vũ Hùng, 2021.

Miền tháp cổ, Đà Nẵng: Đà Nẵng.

Vương Hữu Lễ. 1998.

“Vài nhận xét về vần thổ ngữ Hội An, Quảng Nam”, Một số vấn đề Ngôn ngữ học Việt Nam, 311- 319, Hà Nội: Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Vương Hữu Lễ. 1974.

Những đặc tính của âm vị Việt ngữ (Tiểu luận Cao học), Đại học Văn khoa Sài Gòn.

anh minh hoa 4 min - Giọng Quảng Nam và những câu hỏi còn bỏ ngỏ

———-

Nguồn: Tạp chí NGÔN NGỮ & ĐỜI SỐNG (Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) số 9/2022, tr 122 -128

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây